Châu Ấn thuyền và mối lương duyên Việt – Nhật
Trước khi thi hành chính sách bế quan tỏa cảng trong hơn 200 năm, từ giữa thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, từng có một giai đoạn được xem là “thời đại hoàng kim” của lịch sử giao thương Nhật Bản thời cận đại. Thường được biết đến với cái tên “thời kỳ mậu dịch Châu Ấn thuyền”, giai đoạn này đã đặt nền móng cho mối quan hệ bang giao giữa Nhật Bản và nhiều quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Nếu đến thăm phố cổ Hội An của tỉnh Quảng Nam, trên con đường Nguyễn Thị Minh Khai dẫn vào di tích Chùa Cầu, bạn sẽ trông thấy một chiếc thuyền gỗ sơn đỏ, buồm vàng rất nổi bật. Đây chính là mô hình Châu Ấn thuyền được chính quyền tỉnh Nagasaki trao tặng cho thành phố Hội An vào năm 2017.
Không chỉ biểu tượng cho một thời kỳ vàng son của hàng hải Nhật Bản, Châu Ấn thuyền còn gắn với chuyện tình nàng Công nữ Ngọc Hoa của nước Nam và chàng thương nhân Araki Sotaro đến từ xứ anh đào.
Bối cảnh lịch sử
Sau khi thống nhất Nhật Bản, vào năm 1592, người đứng đầu Mạc Phủ khi ấy là Tokugawa Ieyasu đã ban hành chính sách Shuinjou (朱印状 - Châu Ấn trạng), một loại giấy thông hành có đóng triện đỏ cho phép các thuyền Nhật Bản đến buôn bán tại nước ngoài, vừa để đẩy mạnh thông thương, vừa mở rộng quan hệ và xác lập uy thế của mình.
Loại thuyền buồm được cấp giấy thông hành này có tên gọi là Châu Ấn thuyền (朱印船 – Shuinsen), là thuyền buồm thương mại có trọng tải từ 500 đến 750 tấn. Kích thước này bằng hoặc nhỉnh hơn so với thuyền buồm châu Âu, nhưng kém hơn so với thuyền buồm lớn của Bồ Đào Nha hoặc thuyền buồm Manila, thường có trọng tải tương ứng là 1.000 và 2.000 tấn.
Tokugawa Ieyasu đã gửi sứ giả đến Việt Nam, Manila ở Philippines (thuộc Tây Ban Nha), Campuchia, Thái Lan và Pattani để thiết lập quan hệ ngoại giao, bắt đầu thực thi hệ thống Châu Ấn thuyền vào năm 1604. Kể từ đó và cho đến năm 1635, hơn 350 tàu Nhật Bản đã lấy được Châu Ấn trạng và căng buồm ra khơi.
Châu Ấn thuyền luôn khởi hành từ thành phố Nagasaki và cũng trở về ngay tại bến cảng này. Vì nhà Minh cấm tàu Nhật Bản đến Trung Quốc, nên các cảng của Trung Hoa (ngoại trừ Macao có người Bồ Đào Nha sinh sống) không nằm trong số các điểm đến của Châu Ấn thuyền. Giấy phép cũng không được cấp cho các tàu buôn bán với Triều Tiên, vì giao dịch với nước này được giao phó hoàn toàn cho phiên Tsushima.
Các thương nhân Nhật Bản thời này chủ yếu xuất khẩu bạc, kim cương, đồng, kiếm và các đồ thủ công khác, đồng thời nhập khẩu lụa Trung Hoa cũng như một số sản phẩm của Đông Nam Á (như đường và da hươu). Các cảng Đông Nam Á cũng là nơi gặp gỡ của tàu buôn Nhật Bản và Trung Quốc.
Cảng thị Hội An thời mậu dịch Châu Ấn thuyền
Bấy giờ, trong số những Châu Ấn thuyền khởi hành từ vùng đất cảng Nagasaki, có những con thuyền đã nương theo gió mùa để đến Việt Nam, và một trong những điểm dừng chân quan trọng của họ là cảng thị Hội An. Các thương nhân thường rời đảo quốc Nhật Bản vào mùa thu đến mùa đông, và quay trở về vào khoảng mùa xuân đến mùa hè năm kế tiếp.
Theo nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Văn Kim, trong thời kỳ mậu dịch Châu Ấn thuyền (1592-1635), Nhật Bản có quan hệ với khoảng 18 khu vực lãnh thổ, trong đó chủ yếu là các nước thuộc khu vực Đông Nam Á. Trong tổng cộng 355 giấy phép thuyền buôn đi nước ngoài được cấp, Đông Nam Á chiếm 331 chiếc. Riêng số thuyền đến buôn bán tại các thương cảng thuộc lãnh thổ Việt Nam là 130 chiếc. Từ năm 1604 đến năm 1634, đã có 86 Châu Ấn thuyền cập bến Hội An.
Tiền đồng là phương tiện giao dịch chính của người Nhật ở Hội An thời kỳ này. Theo nhà nghiên cứu Iwao Seiichi, mỗi thuyền Nhật khi đến đây đều mang theo ít nhất là 400.000 tiền đồng. Họ chủ yếu mua bán đồ tơ lụa, đồ gốm sứ, trầm hương, ngà voi, gỗ quý, sừng tê giác, yến sào, hạt tiêu, da trâu, đường…
Nhiều thương nhân Nhật khi ấy đã chọn kết hôn, sinh sống và làm ăn tại Hội An, xây dựng nên một khu phố Nhật Bản sầm uất bên bờ sông Hoài. Số lượng người Nhật sinh sống tại đây có lúc lên đến 1.000 người với 100 hộ gia đình.
Vào đầu thế kỷ XVII, họ thậm chí lấn át cả những thương nhân người Hoa để giữ vai trò hàng đầu trong hoạt động thương mại ở Hội An. Sự có mặt của họ trong thời kỳ Châu Ấn thuyền trở thành cú hích cho sự hưng thịnh của kinh tế ở Hội An - Đàng Trong, đặc biệt là với các ngành nghề thủ công, thổ sản, lâm sản.
Từ năm 1633, chính quyền Mạc Phủ ban lệnh Sakoku (Tỏa quốc – khóa đất nước lại), hạn chế hoạt động của các thuyền buôn ra nước ngoài, trong đó có Châu Ấn thuyền, buộc các thương nhân Nhật Bản phải hồi hương. Đến năm 1635, thời kỳ Châu Ấn (1592 - 1635) chính thức chấm dứt sau hơn 40 năm, toàn bộ địa bàn sinh sống và làm ăn của người Nhật ở Hội An sau đó do người Hoa tiếp quản.
Chuyện tình Công nữ Anio và thương nhân Nhật Bản
Cũng trong thời kỳ mậu dịch Châu Ấn thuyền, có một câu chuyện đã trở thành truyền kỳ, biểu tượng cho tình hữu nghị Việt – Nhật, đó là mối tình giữa nàng Công nữ Ngọc Hoa, người được cho là cô dâu Việt đầu tiên trên đất Nhật, với thương gia Araki Sorato đến từ Nagasaki.
Công nữ Ngọc Hoa tên thật là Nguyễn Phúc Ngọc Hoa, nàng là họ hàng bên ngoại của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên, được Chúa yêu quý nhận làm con nuôi. Năm 1619, Chúa quyết định gả Ngọc Hoa cho Araki Sorato, nhà hàng hải kiệt xuất thuộc dòng dõi Samurai. Trong nhiều thương nhân đến Hội An buôn bán vào thời kỳ này, Araki tạo được nhiều cảm tình và được Chúa tin tưởng giao cho nhiều trọng trách.
Một năm sau khi kết hôn, nàng Ngọc Hoa theo chồng trở về Nhật Bản trên một chiếc Châu Ấn thuyền. Định cư tại Nagasaki, nàng được người dân nơi đây yêu quý và dành nhiều sự ngưỡng mộ bởi vẻ kiều diễm cùng tính cách hiền hòa. Mặc dù tên tiếng Nhật của Công nữ là Wukaku, người ở đây thường gọi nàng bằng cái tên thân mật là “Anio-san”, xuất phát từ câu cửa miệng “Anh ơi” mà Ngọc Hoa hay dùng để gọi chồng.
Sau khi trở về quê hương, Araki Sotaro đã gây dựng nên một trung tâm thương mại ở Nagasaki, với sự giúp sức của người vợ hiền trong việc quản lý sổ sách kế toán; bà thậm chí vẫn tiếp tục công việc này sau khi ông qua đời. Sinh thời, nàng Công nữ cũng đã ra sức hỗ trợ cho các thương nhân tại Nagasaki, thúc đẩy mối quan hệ giao thương với triều đình nhà Nguyễn.
Năm 1645, sau 26 năm sinh sống tại nước Nhật, Công nữ Ngọc Hoa qua đời. Mộ phần của bà và chồng tọa lạc tại hậu viên chùa Daionji (chùa Đại Âm) ở Nagasaki. Hiện nay, Viện Bảo tàng nghệ thuật Nagasaki vẫn lưu giữ chiếc gương soi là của hồi môn bà đem từ quê nhà.
Tại Nagasaki Kunchi, một lễ hội truyền thống nổi tiếng của Nagasaki được tổ chức vào tháng 10 hàng năm, cứ 7 năm một lần sẽ có tiết mục tái hiện đám rước nàng Ngọc Hoa. Trên một chiếc thuyền buôn là một bé trai mặc Yukata đóng vai Araki và một bé gái mặc áo dài đóng vai Ngọc Hoa để kỷ niệm chuyện tình lịch sử này.
Châu Ấn thuyền và mối tình nàng Công nữ Anio - thương nhân Sotaro cùng nhiều câu chuyện hấp dẫn nữa sẽ xuất hiện trong 3 tập phim tài liệu “Nagasaki tôi yêu”, phát sóng trên VTV1 từ ngày 07/01/2023. Và cũng đừng quên bấm theo dõi fanpage Nagasaki Tôi Yêu để khám phá thêm nhiều điều thú vị về vùng đất cảng xinh đẹp này nhé!
kilala.vn
Lịch phát sóng chương trình trên VTV1:
- Tập 1:07h30 ngày 07/01/2023.
- Tập 2: 07h30 ngày 08/01/2023.
- Tập 3: 07h30 ngày 09/01/2023.
Lịch phát lại chương trình:
Trên VTV1:
- Tập 1: 22h30 ngày 11/01/2023.
- Tập 2: 22h30 ngày 12/01/2023.
- Tập 3: 22h30 ngày 13/01/2023.
Trên VTV2:
- Tập 1: 20h25 ngày 16/01/2023.
- Tập 2: 20h25 ngày 17/01/2023.
- Tập 3: 20h25 ngày 18/01/2023.
06/01/2023
Bài: Andante
Đăng nhập tài khoản để bình luận