Nagasaki Kunchi, lễ hội mùa thu ở thành phố hòa bình
Bước vào tháng 10, tại khu vực Kyushu, có nhiều thành phố tổ chức lễ hội O-kunchi. Trong đó, Nagasaki Kunchi là lễ hội mùa thu nổi tiếng nhất không những tại Kyushu mà còn trên khắp Nhật Bản.
Nagasaki - Thành phố của hòa bình và đa văn hóa
Không giống như Tokyo, Kyoto hay Osaka, Nagasaki thường được nhắc đến như một trong hai thành phố bị ném bom nguyên tử trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Khi đến với Nagasaki, du khách thường đến thăm Đài tưởng niệm hòa bình trong khuôn viên Công viên hòa bình để tưởng nhớ các nạn nhân xấu số và cảm nhận giá trị của hòa bình mà mình đang tận hưởng trong giây phút hiện tại.
Ngược dòng lịch sử về thời Edo, thành phố này từng là cảng thị duy nhất được phép mở cửa giao thương với Hà Lan và Trung Hoa trong thời kỳ Nhật Bản bế quan tỏa cảng (1639 - 1853). Sự giao lưu và hội nhập văn hóa diễn ra mạnh mẽ tại đây trong một thời gian dài khiến cho Nagasaki có một sức hút đặc biệt với những ai muốn trải nghiệm bầu không khí cởi mở mang tính quốc tế nhưng vẫn hài hòa với nét văn hóa bản địa đặc trưng của Nhật Bản. Lễ hội mùa thu Nagasaki Kunchi chính là một trong những điểm nhấn đặc sắc đó.
Điệu múa rồng thường thấy ở lễ hội Kunchi. Ảnh: haji-h/PIXTA
O-Kunichi và Kunchi
Theo tín ngưỡng dân gian Nhật Bản, trong tháng 9 âm lịch sẽ có 3 ngày quan trọng là 9, 19 và 29 được gọi là Sankunichi. Đặc biệt, ngày 9 tháng 9 được gọi là Choyo no Sekku (重陽の節句) hay Kiku no Sekku (菊の節句) theo cách tính của hệ thống Gosekku (五節句). Từ Kunichi (九日) ở đây có nghĩa ngày 9. Theo đó, các lễ hội mùa thu được tổ chức trong ngày 9 sẽ được gọi là O-Kunichi. Đồng thời, mùa thu cũng là mùa thu hoạch của nhà nông. Sau khi thu hoạch, người nông dân sẽ dâng lên các vị thần những sản vật ngon nhất để thể hiện lòng biết ơn. Do đó, ngày dâng phẩm vật cho thần linh được gọi là Kunichi (供日), đồng âm với cách gọi ngày 9. Từ Kunchi (くんち) trong lễ hội Nagasaki Kunchi được cho rằng có nguồn gốc từ hai giả thuyết trên.
Lễ hội Nagasaki Kunchi
Nagasaki Kunchi (長崎くんち) được tổ chức trong ba ngày 7, 8 và 9 của tháng 10 hàng năm. Người dân thành phố Nagasaki còn dành cho lễ hội này một tên gọi trìu mến khác là O-Suwa-san với ý nghĩa tôn vinh vị thần Ujigami của địa phương được thờ phụng tại đền Suwa. Từ năm 1634, nhằm chống lại trào lưu theo đạo Thiên chúa đang diễn ra tại đây, nhà cầm quyền Nagasaki đã ra sức ủng hộ việc phát triển lễ hội này bằng việc cho phép hai vũ nữ đến đền Suwa để dâng lên thần linh điệu múa Komai, một điệu múa trong kịch Kyogen. Từ đó, các khu dân cư trong thành phố bắt đầu tranh nhau thể hiện các điệu múa đặc sắc để dâng lên thần linh. Mỗi khu dân cư đều mang đến lễ hội những điểm đặc sắc nhất của khu vực mình thông qua một nghi thức gọi là Hono-odori (奉納踊). Hono-odori đã được công nhận là di sản văn hóa dân gian và trở thành điểm nhấn của lễ hội. Thành phố Nagasaki vốn có 77 phường được gọi là Cho (町) nhưng mỗi năm chỉ có từ 5 đến 7 phường, được gọi là Odori-cho (踊り町), luân phiên tham gia trình diễn trong lễ hội. Do đó, trung bình cách khoảng 7 năm thì một Odori-cho mới có dịp thể hiện nét đặc sắc của mình. Đây cũng là một điểm đặc biệt khiến lễ hội luôn tạo cảm giác mới mẻ, hứng thú cho du khách.
Những sắc màu truyền thống trong đám rước. Ảnh: ももたろう & mai-t/PIXTA
Những buổi trình diễn của các Odori-cho được tổ chức ở 4 sân khấu chính là đền Suwa, đền Otabisho, đền Yasaka và đền Kokaido trong các buổi sáng và tối từ ngày 7 đến ngày 9.
Trong buổi khai mạc vào 7 giờ sáng ngày 7/10 tại quảng trường trước đền Suwa, các Odori-cho sẽ lần lượt trình diễn Hono-odori trong tiếng nhạc, tiếng trống, tiếng sáo rộn ràng cùng với tiếng reo hò náo nhiệt. Nội dung nghệ thuật mà các Odori-cho mang đến cho lễ hội rất đa dạng và phong phú, cho thấy được sự tiếp biến văn hóa độc đáo chỉ có ở thành phố cảng Nagasaki.
Nếu Hono-odori, Kawa-fune, Takara-fune mang đậm nét văn hóa bản địa thì Tosen-matsuri và Ja-odori là nét văn hóa tiếp thu của Trung Hoa. Ngoài ra, Oranda-bune là màn trình diễn tái hiện sự có mặt của người Hà Lan tại Nagasaki trong thế kỷ 17. Đặc biệt, mối quan hệ giao hảo giữa Việt Nam và Nhật Bản cũng được thể hiện qua màn trình diễn Go-shuinsen, tái hiện quang cảnh người dân Nagasaki chào đón thương nhân kiệt xuất Sotaro Araki đưa công chúa Ngọc Hoa, vốn là con gái của chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã được gả cho ông, về đến quê hương. Mối lương duyên này đã được chúc phúc và cho đến tận ngày qua đời, công chúa Ngọc Hoa vẫn được người dân Nagasaki gọi bằng cái tên trìu mến là Anio-san.
Đền Suwa, một trong những không gian trình diễn chính của lễ hội. Ảnh: skipinof/PIXTA
Mô hình của những chiếc thương thuyền cập bến cảng Nagasaki. Ảnh: Marufish/Flickr
Có thể nói, với trọng tâm là các nghi lễ dân gian đặc sắc, Nagasaki Kunchi cũng như nhiều lễ hội địa phương khác, có thể khiến bất cứ người Nhật Bản nào cũng cảm thấy tự hào và càng thêm yêu mến quê hương đất nước. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận rằng trong bối cảnh lịch sử hạn chế sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai, Nagasaki Kunchi đã là một nỗ lực lớn của chính quyền Mạc phủ Tokugawa nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong giai đoạn Nhật Bản buộc phải mở cửa giao thương với phương Tây cũng như các quốc gia khác trong khu vực. Để rồi trong thời đại ngày nay, những nỗ lực bảo tồn văn hóa truyền thống đó đã mang lại một kết quả tốt đẹp cho du lịch địa phương. Bởi vì khi đến với lễ hội Nagasaki Kunchi, du khách không chỉ bị hấp dẫn bởi vẻ đẹp văn hóa Nhật Bản mà còn có thể tận hưởng nét văn hóa phóng khoáng và cởi mở của một cảng thị hòa bình và thân thiện.
Một góc trưng bày trong lễ hội. Ảnh: 薬草/PIXTA
"Lưỡng long tranh châu", tiết mục múa ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa. Ảnh: austyle/PIXTA
Kim Oanh/kilala.vn
07/09/2016
Bài: Kim Oanh/ Ảnh: PIXTA
Đăng nhập tài khoản để bình luận