Tâm sự của người ngoại quốc về nạn phân biệt đối xử ở Nhật

    Dưới đây là tâm sự của một người nước ngoài dành 1/3 cuộc đời sống ở Nhật và phải chịu sự phân biệt đối xử của người Nhật với anh và cả những người quen của anh.

    *Hình ảnh trong bài chỉ mang tính chất minh họa

    ------------------------------------

    Đây là câu chuyện tôi gặp ở sân bay Narita, Tokyo. Vì còn 3 tiếng nữa mới đến chuyến bay nên tôi quyết định mua bia vừa uống vừa đọc sách. Tôi vào cửa hàng bán đồ lưu niệm, lấy một lon bia Asahi rồi mang đến quầy tính tiền. Thu ngân là một cô gái trẻ, nhỏ hơn tôi chừng 10 tuổi. Khi thấy tôi, cô liền đưa một ngón tay lên để biểu thị số 1. Tôi thấy khá lạ rồi trả lời bằng tiếng Nhật rằng “Vâng, tôi chỉ lấy 1 lon bia thôi”.

    phân biệt đối xử
    Ảnh: Checkersupport

    Tiếp theo cô ấy lại sử dụng ngôn ngữ ngón tay để cố truyền đạt cho tôi biết giá của lon bia. Vì tôi không hiểu ý muốn của cô ấy nên tôi cất lời, bằng tiếng Nhật, rằng “Cô cứ nói chuyện bình thường đi, tôi nghe hiểu tiếng Nhật mà”. Thế nhưng cô ấy thay vì trả lời đã viết giá tiền lên giấy rồi đưa tôi xem. Tôi có cảm giác mình đang chơi trò chơi đố chữ với cô gái thu ngân này vậy. Sự khó chịu dần xuất hiện trong tôi. 

    Chìa tờ giấy ra gí thẳng vào mặt tôi…

    Kế tiếp cô ấy lấy một tờ giấy khác rồi chìa sát vào mặt tôi với khoảng cách chỉ còn 2cm. Tờ giấy được in với nội dung được viết bằng tiếng Anh, tiếng Trung và Hàn Quốc, rằng “Do quy định cấm mang đồ uống có cồn lên máy bay nên, xin quý khách hãy uống hết bia trước khi lên máy bay”.

    Đối mặt với một nhân viên thu ngân mang khuôn mặt lạnh tanh không một nụ cười không một câu nói, cùng với một tờ giấy gí sát mặt, tôi thấy cực kỳ khó chịu. Tồi tệ hơn là chính công ty nơi cô ấy đang làm đã chỉ thị cô ấy cách đối ứng như vậy và xem đó là “dịch vụ chăm sóc khách hàng”.

    phân biệt đối xử 3
    Ảnh: Tokimekibiyori

    Tôi ngờ rằng với cung cách dịch vụ như vậy, cô ấy có lẽ đã gây ấn tượng xấu cho nhiều người nước ngoài khác. Nhưng về bản chất, hành động của cô ấy là bất lịch sự, kể cả là người Nhật thì nếu bị đối xử như vậy cũng sẽ khó chịu và muốn phàn nàn ngay lập tức.

    Thế vận hội Olympic 2020 sắp đến gần. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc lượng du khách đến Nhật Bản ngày càng tăng, nguy cơ gặp những vấn đề phân biệt đối xử này cũng không ít. Thực tế tôi đã dành 1/3 đời người sống ở Nhật, và tôi nhận thấy vài năm trở lại đây, số trường hợp phân biệt làm đối phương bị tổn thương đang tăng rõ rệt. Không chỉ đối với du khách mà sự phân biệt còn lan ra cả những người nước ngoài đang du học, làm việc hoặc con lai.

    Chỉ vì là người nước ngoài mà bị gán là kẻ nói dối

    Tôi xin kể thêm một trường hợp phân biệt đối xử rất ác ý của người Nhật. Anh A, bạn của tôi, người Mỹ, đang sống ở Fukuoka và nói tiếng Nhật rất lưu loát. Một ngày, sau khi xuống xe điện, anh ấy đi về phía cổng soát vé. Do giá vé bị sai nên anh ấy định trả phần tiền chênh lệch. Anh đến chỗ nhân viên soát vé rồi định giải thích sự tình thì người nhân viên cau mày và nói thế này:
    “Anh đã đi loanh quanh trên tàu rất lâu phải không? Hãy xem thời gian vào cửa in trên vé này!”

    phân biệt đối xử 5
    Ảnh: Tokyu-tetsudo

    Đúng là thời gian sau khi lên tàu rất dài. Nhưng đó là vì bạn tôi đã phải nhận một cuộc gọi quan trọng từ công việc. Anh định giải thích thì người nhân viên bảo anh nói dối, vừa liên tục lườm anh với vẻ đe dọa gay gắt, vừa ném tấm vé của anh A vào thùng rác nhỏ bên cạnh. Sau đó người nhân viên tiếp tục bảo anh A là đừng có nói dối và kết thúc cuộc nói chuyện bằng câu đuổi một cách lỗ mãng: “Thôi đi khỏi đây đi”.

    Người đó không hề nghe bạn tôi giải thích, bị gán là kẻ nói dối và không cho bạn tôi cơ hội biện hộ mà đã đuổi bạn tôi ra ngoài. Anh A sau đó đã gửi khiếu nại đến công ty đường sắt. Người nhân viên đã xin lỗi với vẻ khó ở. Nhưng ngay sau khi xin lỗi thì anh ta đã chống chế rằng “Do anh là người nước ngoài nên tôi đành phải làm vậy”. Và đến tận bây giờ mỗi khi bạn tôi lên tàu đều phải chịu cái nhìn chằm chằm từ người nhân viên ấy. Công ty kia cũng không có động thái đào tạo lại nhân viên của mình sau vụ việc đó.

    phân biệt đối xử 4
    Ảnh: Toyokeizai

    Một thực tế không thể chối cãi là có rất nhiều người nước ngoài gian lận vé tàu. Trong số những người lưu trú ngắn hạn ở Nhật như du học sinh thì không ít người xem nhẹ pháp luật nước bản xứ. Nhưng anh bạn A của tôi đã định trả phần tiền chênh lệch thì không có lý do gì để chịu sự đối xử vô lễ của người nhân viên. Anh ta chỉ nhìn bề ngoài mà đã đưa ra phán đoán rằng “Là người nước ngoài thì sẽ gian lận tiền vé tàu”.

    Ngoài ra ở Nhật cũng có một kiểu phân biệt đối xử ngầm dựa vào màu da. Du khách từ các nước phương Tây (có màu da trắng) sẽ được nhận sự tốt bụng tử tế từ người Nhật hơn là du khách ở Châu Á (có màu da ngăm hoặc da đen). Việc này cũng đã được chứng minh bởi một nghiên cứu gần đây của nhà tâm lý học Kazuo Mori thuộc trường ĐH Matsumoto. Nghiên cứu cho thấy người Nhật có sự thiên vị tiềm ẩn với người da trắng, rằng họ thích người da trắng hơn người có da màu hoặc da đen.

    phân biệt đối xử 6
    Ảnh: Toyokeizai

    Những sự phân biệt đối xử trên sẽ gây ảnh hưởng xấu đến Nhật Bản. Với các hành động mang nặng định kiến đó, họ vô tình “đuổi” những người nước ngoài có tài ra khỏi Nhật Bản hoặc họ không còn ý định sinh sống lâu dài, đồng thời sẽ làm giảm lượng khách du lịch đến Nhật. Thực tế trong phạm vi tìm hiểu của mình thì đã có nhiều người nước ngoài giỏi giang rời khỏi Nhật và trở về nước mẹ của họ. Đó thật là điều đáng tiếc, đặc biệt trong bối cảnh nước Nhật đang thiếu hụt nguồn lao động trẻ trầm trọng.

    kilala.vn

    23/07/2019

    Nguồn: Livedoor News
    Biên dịch: .Ngưn.

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!