Tre trong đời sống văn hóa của người Nhật

    Tre trong đời sống văn hóa của người Nhật

    Chúng ta đều biết cây tre giữ một vị trí vô cùng đặc biệt trong đời sống của người Việt, là đại diện cho tinh thần, tính cách của dân tộc Việt Nam. Tại xứ Phù Tang, tầm quan trọng của loài cây này cũng chẳng hề kém cạnh khi ứng dụng của nó trải dài ở mọi lĩnh vực và cũng biểu trưng cho nhiều ý nghĩa thiêng liêng. Tháng 4 này, hãy cùng Kilala đào sâu về hình tượng cây tre trong văn hóa Nhật qua Chuyên đề Tre Nhật Bản nhé!

    arashiyama
    Arashiyama - khu rừng tre trứ danh tại Kyoto. Ảnh: Gaijinpot Travel

    Tre Nhật Bản – phân loại và đặc điểm

    Tại Nhật Bản, các cây thuộc họ tre trúc được chia làm hai loại chính là Sasa (笹) và Take (竹), với tổng cộng khoảng 250 phân loài khác nhau. Vì bắt nguồn là một loại cây ở phía Nam nên người ta nói rằng ranh giới phía Bắc của tre Nhật Bản là xung quanh khu vực Aomori hoặc Hakodate.

    ban-do-phan-bo-tre
    Khả năng phân bố rừng tre tại Nhật. Ảnh: adaptation-platform.nies.go.jp

    Để phân biệt hai loại trên thì nhìn chung, Take có kích thước tương đối lớn hơn khi có thể cao đến 20m, trong khi Sasa có chiều cao dao động trong khoảng 0,5 đến 4m.

    Tuy nhiên, sự khác biệt rõ ràng nhất có thể quan sát được là ở phần bẹ của hai loại tre này. Theo định nghĩa thực vật học, khi măng mọc lên và lớp bẹ này bong ra thì đó là Take, còn với Sasa thì lớp bẹ vẫn tiếp tục bọc quanh đốt thân.

    Bên cạnh đó, gân lá của Take có hình lưới và của Sasa thì các đường gân lại chạy song song với nhau. Cũng có sự khác biệt về số lượng cành mọc ra từ các đốt thân: Take có 2 và Sasa có khoảng 5 cành. Hay hoa Take thường được cho là 120 năm mới nở một lần, trong khi ở Sasa là 60 năm...

    take-sasa

    Tại Nhật Bản có ba giống tre phổ biến và được ứng dụng nhiều nhất là Mosochiku, Madake và Hachiku.

    Mosochiku: Có nguồn gốc từ Trung Quốc và được đặt theo tên của Moso - người đã vào rừng đào măng cho mẹ già của mình vào một ngày tuyết rơi lạnh giá. Mosochiku là giống tre lớn nhất ở Nhật Bản, với thân cao từ 10-20m và đường kính thân từ 8-20cm. Có rất nhiều đồ thủ công bằng tre tận dụng đặc điểm kích thước lớn của Mosochiku, chẳng hạn như dao kéo, thìa xới cơm hay thùng đựng rượu. Măng của Mosochiku từ lâu được coi là thực phẩm ăn được, và gần đây chúng cũng được ứng dụng để sản xuất than tre.

    Madake: Có thân cao từ 10- 20m và đường kính từ 5-15cm. Chúng có đặc điểm là các đốt dài, thân dẻo dai nên là loại phù hợp và được sử dụng nhiều nhất để làm các sản phẩm thủ công như giỏ tre. Madake cũng có màu sắc tươi tắn, đẹp mắt nên cây tre tươi cũng được sử dụng làm đồ trang trí năm mới hoặc làm bình đựng rượu sake.

    madake
    Madake thường được khai thác để chế tác các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Ảnh: taketora

    Hachiku: Có kích thước tương đương với Madake hoặc nhỏ hơn một chút, cao từ 10-15m và đường kính từ 3-10cm. Người ta nói rằng cái tên Hachiku xuất phát từ cây tre trắng, có lẽ vì thân cây có màu sắc hơi nghiêng trắng, như thể được phủ một lớp bột. Do khả năng chịu lạnh và có thể chẻ mỏng nên nó được sử dụng rộng rãi để làm xương của đèn lồng hay chasen trong Trà đạo...

    Mosochiku
    Sự khác biệt giữa lá và măng của Mosochiku, Hachiku và Madake.

    Bám rễ trong văn hóa truyền thống

    Một trong những truyện cổ tích dân gian nổi tiếng nhất của Nhật Bản là câu chuyện “Nàng công chúa ống tre” (Kaguya-hime no monogatari), hay còn có tên gọi khác là “Sự tích người chặt tre” (Taketori no monogatari).

    Chuyện kể về một ông lão khi vào rừng chặt tre thì trông thấy một búp măng phát sáng, kỳ lạ là bên trong búp măng lại có một bé gái tí hon. Vì vợ chồng lão muộn con nên lão đã quyết định mang đứa trẻ về nuôi dưỡng. Cũng kể từ đó, mỗi lần vào rừng chặt tre ông lão đều tìm thấy vàng, chẳng mấy chốc mà gia đình trở nên giàu có. Bé gái cũng lớn nhanh như thổi, chỉ ba tháng đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần. Nàng hóa ra lại chính là công chúa của Mặt trăng, vào một đêm trăng sáng, nàng đã bay lên trời và trở về quê hương mình.

    kaguyahime-monogatari
    Câu chuyện về nàng công chúa ống tre được cố đạo diễn Isao Takahata của Studio Ghibli đưa vào tác phẩm "The Tale of the Princess Kaguya". Ảnh: Studio Ghibli

    Ra đời vào khoảng cuối thế kỷ 8 đến cuối thế kỷ 12, câu chuyện cổ này phần nào phản ánh sự gắn bó của người Nhật với cây tre đã bắt rễ từ lâu đời, đồng thời cũng cho thấy cách nhìn nhận về tre trong văn hóa Nhật Bản: một vật chứa đựng những điều kỳ diệu.

    Câu chuyện nàng công chúa lớn nhanh như thổi cũng liên quan đến tốc độ phát triển của cây tre. Tre lớn nhanh, đạt kích thước tương đương với cây tre mẹ (hơn 20m) chỉ trong vỏn vẹn ba tháng và có thể được khai thác làm tài nguyên chỉ trong ba năm, thậm chí không cần đến sự chăm sóc của con người.

    Trong nhiều thiên niên kỷ, ứng dụng của tre ở Nhật Bản dần xuất hiện ở mọi lĩnh vực, từ thủ công cho đến ẩm thực, và nó cũng trở thành biểu tượng của đức tính kiên cường, sự giản đơn và thịnh vượng trong văn hóa xứ Phù Tang.

    Trong nghệ thuật thủ công 

    Những chiếc giỏ tre đan phủ sơn mài (gọi là rantai shikki) đã được tìm thấy trong những tàn tích có niên đại từ cuối thời Jomon. Đến thời Yayoi và thời Kofun, giỏ tre và rây tre được sử dụng rộng rãi, từ thời Heian trở đi thì các vật dụng này đã không thể thiếu vắng trong cuộc sống của người dân. Người ta nói rằng, bấy giờ ở mỗi ngôi làng Nhật Bản đều có ít nhất một cửa hàng chuyên đan lát và sửa chữa đồ tre.

    Các bậc thầy Trà đạo của Nhật Bản ở thế kỷ 15 tôn kính những trà cụ làm bằng tre trong quá trình thực hành nghệ thuật này. Hay những món đồ tre hảo hạng nhất trở thành cống phẩm để dâng lên các vị Hoàng đế.

    tra-dao
    Ảnh: Tokyo Weekender

    Hàng rào tre - “Takekaki” hoặc “Tsutsuji”, đã được sử dụng ở xứ Phù Tang trong nhiều thế kỷ, biểu trưng cho sự đơn giản, sang trọng và kết nối với thiên nhiên, ngày nay là một di sản kiến ​​trúc của nước Nhật.

    hang-rao
    Ảnh: onethatch.com

    Hay tre cũng là vật liệu để chế tác nhiều nhạc cụ của Nhật Bản: đàn Sho, sáo Shinobue, Nohkan, Hichiriki hay Shakuhachi..., bên cạnh vô vàn ứng dụng khác nữa.

    Shishi odoshi – chiếc ống tre quen thuộc trong các khu vườn Nhật truyền thống.

    Ở khía cạnh tâm linh 

    Tại nhiều lễ hội ở Nhật Bản, người ta dùng Take và Sasa để xua đuổi tà ma. Một ví dụ điển hình là lễ hội Thất tịch - Tanabata, nơi mọi người viết điều ước lên những dải giấy và treo chúng trên cành tre Sasa. Hay một số đền thờ ở Nhật Bản sử dụng rừng tre như một rào chắn hoặc bức tường linh thiêng để chống lại ma quỷ.

    tanabata
    Lễ hội Tanabata diễn ra vào ngày 7/7 hằng năm. Ảnh: eternalexplorer.me

    Tre còn xuất hiện trong Kadomatsu - vật trang trí ngày Tết, bao gồm cành thông và 3 ống tre tươi vát chéo, được xem là dấu hiệu của Thần linh; trong Shochikubai (松竹梅 – Tùng Trúc Mai) gồm cây tùng, cây tre và hoa mận, là biểu tượng của những điều tốt lành, được lấy làm chủ đề trong những bức tranh, làm vật trang trí trong các dịp lễ lạc hoặc trong nghệ thuật cắm hoa Ikebana.

    shochikubai-kimono
    Họa tiết Shochikubai trên Kimono. Ảnh: e-kimono-rental.jp

    Một hình ảnh quen thuộc khác là Fukusasa – cành tre treo những vật cầu may được bày bán vào ngày 9-11/1 hàng năm nhằm đem đến bình an và may mắn cho gia đình trong năm mới. 

    Còn cây sáo 5 lỗ Shakuhachi được làm từ tre là một nhạc cụ gắn liền với các tu sĩ Phật giáo Thiền tông, được họ sử dụng như một phần của việc tu tập, nay trở thành nhạc cụ truyền tải nét đẹp của âm nhạc xứ sở anh đào đến thế giới.

    Tre trong ẩm thực 

    Dĩ nhiên không thể bỏ qua khía cạnh ẩm thực. Một trong những ứng dụng sớm nhất của tre trong đời sống của người Nhật là dùng làm thực phẩm. Măng (Takenoko) là nguyên liệu cơ bản và đặc trưng trong ẩm thực xứ Phù Tang, xuất hiện trong nhiều món ăn truyền thống từ luộc, xào, nấu súp đến hầm...

    Được biết đến là có đặc tính kháng khuẩn và khử mùi tuyệt vời, từ xa xưa, người nhật đã bọc cơm nắm trong bẹ tre khô (mo nang) và mang đi khắp nơi, hay nó cũng được những người bán thịt dùng để gói thịt...

    Còn có một món ăn biểu tượng của mùa hè được gọi là nagashi-somen hoặc “mì trôi ống tre”, trong đó mì được thả xuống chiếc máng tre dài dẫn nước lạnh. Thực khách đứng hoặc ngồi xung quanh máng tre, dùng đũa “bắt” lấy mì chảy qua, nhúng vào nước chấm và thưởng thức.

    nagashi-somen
    Nagashi-somen là một trải nghiệm đáng thử tại Nhật Bản. Ảnh: Tapas Magazine

    Tạm kết

    Ngày nay, bên cạnh những ứng dụng truyền thống, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản còn sáng tạo thêm những ứng dụng mới cho cây tre. Họ dùng bột tre hoặc chiết xuất tre để thêm vào bánh mì, mì ống hay dệt vải, làm khăn, làm giấy từ tre... Những khu rừng tre bình yên và xanh mát cũng trở thành điểm thu hút kéo chân du khách tìm đến đất nước mặt trời mọc.

    Câu chuyện về tre sẽ tiếp tục được kể trong các bài viết tiếp theo của Chuyên đề Tre Nhật Bản!

    kilala.vn

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!