Nhắc đến Studio Ghibli, bên cạnh vị đạo diễn lừng danh Hayao Miyazaki, cố đạo diễn Isao Takahata cũng là một nhân vật lớn, người có công xây dựng và làm phong phú thêm vũ trụ Ghibli. Ông là cha đẻ của rất nhiều tác phẩm anime kinh điển, chạm đến những cảm xúc sâu lắng nhất của khán giả như “Grave of the Fireflies” (Mộ đom đóm) hay “The Tale of Princess Kaguya” (Chuyện Công chúa Kaguya)...
Là đồng nghiệp của Hayao Miyazaki từ thuở cả hai mới bước chân vào lĩnh vực hoạt hình, nhưng có lẽ ít ai biết rằng xuất phát điểm của Isao Takahata lại là cậu sinh viên ngành văn học Pháp. Dù khi ấy vẫn chưa biết vẽ, Paku-san (biệt danh của Takahata) đã quyết tâm trở thành nhà làm phim hoạt hình. Và bằng chính tài năng độc đáo, vị đạo diễn bậc thầy đã mang đến cho khán giả một thế giới đậm chất hiện thực trong những lát cắt của cuộc sống thường ngày, tạo nên một mảng màu khác biệt trong thế giới của Ghibli.
Vào một ngày đầu tháng Tư, vị đạo diễn tài năng đã qua đời vì căn bệnh ung phổi ở tuổi 82, để lại niềm tiếc thương cho người hâm mộ trên toàn cầu.
Isao Takahata sinh ngày 29/10/1935 tại tỉnh Mie, là con út trong gia đình gồm bảy anh chị em. Cha ông - Asajirou Takahata, ban đầu là Hiệu trưởng của một trường trung học cơ sở rồi trở thành Trưởng Phòng Giáo dục tỉnh Okayama sau Thế chiến II.
Trong quãng thời gian là sinh viên ngành Văn học Pháp ở Đại học Tokyo, Takahata đã có cơ hội được xem bộ phim hoạt hình siêu thực nổi tiếng “La Bergère et le Ramoneur - Cô gái chăn cừu và thợ cạo ống khói” với kịch bản được chấp bút bởi nhà văn Pháp Jacques Prévert, do đạo diễn Paul Grimault, một trong những nhân vật quan trọng nhất của lịch sử hoạt hình châu Âu, cầm trịch.
Sau khi xem bộ phim, chàng sinh viên trẻ Takahata đã kinh ngạc trước khả năng biểu hiện vô hạn của thể loại phim hoạt hình. Bộ phim được xem như đòn bẩy khiến cho Takahata, sau khi tốt nghiệp ngành Văn học Pháp vào năm 1959, quyết định dấn thân vào con đường sản xuất phim hoạt hình dù vẫn chưa biết vẽ.
Mong muốn được viết kịch bản và đạo diễn cho các tác phẩm phim hoạt hình, thông qua lời gợi ý của một người bạn, ông ứng tuyển vào hãng Toei Animation và được nhận vào làm trợ lý đạo diễn. Đây cũng chính là nơi ông gặp được đồng nghiệp Hayao Miyazaki, người sau này trở thành bạn bè chí cốt cùng lập nên xưởng phim danh tiếng Studio Ghibli.
Với vị trí trợ lý đạo diễn tại Toei Animation, Takahata được tham gia vào một số phim và series hoạt hình trên truyền hình trong đó có anime “Wolf Boy Ken”, dưới sự hướng dẫn của đạo diễn Yasuo Otsuka. Ông chính là người thầy quan trọng của cả Takahata và Hayao Miyazaki.
Những nỗ lực của Takahata cuối cùng đã được đền đáp khi đạo diễn Otsuka trao cho ông cơ hội được đạo diễn bộ phim đầu tiên trong đời “The Great Adventure of Horus,
Prince of the Sun”, tạm dịch “Cuộc phiêu lưu vĩ đại của Horus, Hoàng tử Mặt trời” (1968). Hỗ trợ cho ông là Otsuka với vai trò đạo diễn hình ảnh, và người bạn Hayao Miyazaki ở vị trí Key Animator (họa sĩ vẽ frame chính).
Tuy được xem là một trong những tác phẩm đầu tiên của nền hoạt hình hiện đại Nhật Bản, bộ phim lại gặp thất bại lớn về mặt doanh thu, dẫn đến việc Takahata bị giáng chức. Khi không thể cải thiện được chỗ đứng tại Toei, đôi bạn Takahata và Miyazaki đã rời đi vào năm 1971.
Sau đó, họ tiếp tục trở thành đồng nghiệp tại Nippon Animation, rồi chuyển đến công ty con của TMS Entertainment, hợp tác với nhau trong nhiều dự án nhưng không mấy khả quan và gặp nhiều thất bại.
Trải qua nhiều sóng gió, Miyazaki sau cùng đã ra mắt với vai trò đạo diễn bộ phim “Lupin III: The Castle of Cagliostro” (1979), tạm dịch “Lupin III: Lâu đài của Cagliostro” và đạt được thành công ngoài mong đợi.
Chính điều này đã tạo động lực cho Miyazaki bắt đầu sáng tác manga “Nausicaä of the Valley of the Wind” và chuyển thể nó thành phim hoạt hình vào năm 1984. Anime này không chỉ được đánh giá cao từ giới chuyên môn mà doanh thu cũng rất khả quan.
Dựa vào thành công của tác phẩm trên, Miyazaki đã gặp người bạn thân Takahata để bàn bạc ý tưởng thành lập nên studio hoạt hình của riêng họ. Sau cùng, vào năm 1985, Hayao Miyazaki, Isao Takahata, Toshio Suzuki và Yasuyoshi Tokuma trở thành những người sáng lập nên Studio Ghibli.
Đạo diễn Isao Takahata được biết đến nhiều nhất qua bộ phim hoạt hình “Mộ đom đóm” (1988) và gần đây nhất là “Chuyện về công chúa Kaguya” (2013), đây lần lượt là tác phẩm đầu tiên cũng như cuối cùng của Takahata trong sự nghiệp của ông tại Studio Ghibli, cho đến những ngày cuối đời.
Ngoài hai tác phẩm đình đám trên, Takahata còn để lại cho thế hệ sau nhiều anime giàu ý nghĩa khác, góp phần thay đổi thể loại hoạt hình tại Nhật Bản, nổi bật như tác phẩm đầu tay “The Great Adventure of Horus, Prince of the Sun” (1969). Một số phim hợp tác cùng đồng nghiệp Miyazaki khi còn làm việc cho Nippon Animation như “Heidi, Girl of the Alps” (1974), “3000 Leagues in Search of Mother” (1976), “Anne of Green Gables” (1979) cũng là những tác phẩm giá trị.
Dưới thời Studio Ghibli, cố đạo diễn Takahata đã làm nên những phim hoạt hình kinh điển sống mãi với thời gian như “Only Yesterday” (1991), Pom Poko (1994) và My Neighbors the Yamadas (1999). Mỗi tác phẩm của Takahata tự bản thân nó là một cuộc cách mạng nhỏ.
Với tác phẩm “The Great Adventure of Horus, Prince of the Sun”, Takahata đã phá vỡ lối mòn và đặt những viên gạch đầu tiên cho phim hoạt hình hiện đại của Nhật Bản. Tuy vậy, phim không gặp may mắn về mặt doanh thu, nguyên do là vì vào thời điểm này, Toei Animation chỉ tập trung vào tác phẩm dành cho trẻ em và anime đã bị ngừng chiếu chỉ sau 2 tuần.
Trái lại, bộ phim được đón nhận nồng nhiệt bởi các nhà phê bình khi vào năm 2001, tạp chí Nhật Bản Animage đã bầu chọn “The Great Adventure of Horus, Prince of the Sun” là anime hay thứ ba mọi thời đại.
Khác với phim hoạt hình phương Tây giới hạn đối tượng khán giả là trẻ em, khi xây dựng nhân vật phản diện hay chính diện cũng đều phân biệt vô cùng rõ ràng, phim hoạt hình Nhật Bản mà khởi đầu là bộ phim đầu tay của Takahata lại có những nhân vật vừa thiện vừa ác, mang thông điệp dành cho người lớn về phong trào biểu tình của sinh viên, công đoàn giai đoạn 1968 - 1969.
The Great Adventure of Horus, Prince of the Sun” được xây dựng dựa trên câu chuyện cổ tích của bộ tộc Ainu về người anh hùng đấu tranh chống lại quái vật đang đe dọa đến ngôi làng của mình.
Trong cuốn sách “Anime Explosion” của Patrick Drazen, tác giả đã phân tích nữ chính gây tranh cãi của anime là Hilda, ông cho rằng nhân vật là sự pha trộn, đôi khi làm việc tốt, đôi khi lại làm điều ác, và đây được xem là như hình mẫu đầu tiên cho chuỗi những nhân vật nữ anh hùng đa chiều trong suốt sự nghiệp của hai đạo diễn Takahata và Miyazaki.
Nếu xem Osamu Tezuka (1928 - 1989) là “cha đẻ” của phim hoạt hình Nhật Bản, thì cũng có thể xem Takahata là người cố vấn giúp cho anime trưởng thành và được nâng tầm về mặt nghệ thuật.
Vào ngày 29/06/1945, khi mới 9 tuổi, ông và gia đình đã may mắn sống sót sau một trận không kích lớn của Hoa Kỳ tấn công thành phố Okayama. Chính ký ức tuổi thơ này đã giúp Takahata thổi hồn vào kiệt tác anime “Grave of the Fireflies” (1988).
Trong “Grave of the Fireflies”, đạo diễn Takahata một lần nữa khiến giới phê bình phim tốn nhiều giấy mực. Nhà phê bình phim danh tiếng Roger Ebert nhận xét: “Một trải nghiệm cảm xúc vô cùng mạnh mẽ buộc chúng ta phải nhìn nhận lại về phim hoạt hình”.
Bộ phim dựa trên truyện ngắn cùng tên của nhà văn Akiyuki Nosaka, với nội dung tập trung vào những điều kinh hoàng mà Seita và em gái nhỏ Setsuko phải trải qua tại Kobe trong suốt những tháng cuối cùng của Thế chiến II.
Với thể loại phim chiến tranh, mãi đến sau này cũng chỉ có một số ít phim hoạt hình khai thác được chiều sâu tâm lý và sự phức tạp về mặt thẩm mỹ giống như “Grave of the Fireflies”. Khi trận bom dội xuống, không gian xung quanh được bao bọc bởi những đốm sáng tựa như đom đóm, vừa đẹp đẽ lại vừa đau đớn.
Đạo diễn Takahata từng chia sẻ: “Nhiều người hỏi tôi vì sao lại bắt đầu dự án phim này, họ bảo rằng sẽ không ai muốn xem nó đâu và tôi hiểu ý của họ. Tuy nhiên, tôi nghĩ nó rất có ý nghĩa. Tôi tin rằng thể loại phim này có một chỗ đứng trong các dòng phim anime. Và nhiều người cũng thật sự tin điều này.”
“Tôi cảm thấy mình đã mở rộng giới hạn của phim hoạt hình và bộ phim là một trong những dự án quan trọng nhất tôi từng thực hiện”, ông cho biết thêm.
“The Tale of Princess Kaguya” là bộ phim cuối cùng của cố đạo diễn Takahata, cũng là phim nhận được đề cử “Phim hoạt hình xuất sắc nhất” ở lễ trao giải Oscar lần thứ 87.
Trước đó, Takahata từng không hài lòng khi xem lại cảnh người anh Seita một tay cầm trái dưa hấu, tay kia cắt miếng dưa bằng dao một cách nhẹ nhàng trong “Mộ đom đóm”. Vị đạo diễn bày tỏ: “Cảnh cắt dưa hấu trông rất kỳ cục. Miếng dưa giống như đậu phụ vậy”.
Vì thế, khi quyết định làm một bộ phim khác cũng có cảnh cắt dưa như vậy, đó là trong bộ phim cuối cùng của ông, Takahata đã yêu cầu nhóm sản xuất mang dao đến studio. Họ đã tập cắt dưa thành từng miếng nhiều lần để học cách bàn tay chuyển động, cách lưỡi dao cắt vào trái cây như thế nào ở thực tế trước khi được phép đưa chúng vào một cảnh phim hoạt hình.
Thành quả là cảnh phim sau đó vô cùng đẹp mắt. Dù cảnh cắt dưa chỉ diễn ra vài giây trong “The Tale of Princess Kaguya” nhưng đoàn làm phim đã mất 8 năm để hoàn thành.
Bộ phim được xây dựng dựa trên truyện cổ tích về ông lão đốn tre (Taketori Monogatari) của Nhật Bản, kể về một cặp vợ chồng già hiếm muộn được ban cho một cô công chúa tiên giới và họ đã nuôi nấng cô như con gái ruột. Với anime “The Tale of Princess Kaguya”, đạo diễn Takahata đã đưa ngôn ngữ nghệ thuật của phim hoạt hình lên một tầm cao mới.
Khung cảnh phim tối giản với các nét vẽ tinh tế bằng chất liệu màu nước, các nét vẽ không đồng đều cho thấy nó là một bản phác thảo (sketch) hơn là bức vẽ đã hoàn thiện. Chính những yếu tố này đã làm giàu cho trải nghiệm xem phim của khán giả, thông qua sự tưởng tượng.
Mục đích tôn vinh vẻ đẹp cuộc sống thường ngày của anime được thể hiện qua câu chuyện cảm động của nàng tiên lần đầu được nếm trải những niềm vui, nỗi buồn của cuộc sống trần thế bằng thân xác con người.
Trong mỗi phân cảnh, người xem được đồng hành cùng nữ chính trong niềm vui hân hoan của cô, trước khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, thực vật, động vật và sự thay đổi của mùa, tất cả đều được mô tả theo cách vô cùng chân thực và đẹp đẽ đến nao lòng.
Cùng với việc phê phán cấu trúc xã hội, vị đạo diễn gạo cội cũng mang đến nhiều khám phá thú vị về thế giới nội tâm rộng lớn của nhân vật, đó là một cô gái trẻ dám từ chối những gì người khác mong đợi ở mình. Với cô, những thứ xa hoa chốn cung điện không thể so sánh với tự do và hạnh phúc bình dị khi gia đình còn sống ở vùng núi bên cạnh rừng tre.
Chia sẻ với tờ Variety năm 2016, Takahata phủ nhận việc mình được đánh giá ngang hàng với người bạn Miyazaki: “Thật không may là tôi không phải thiên tài giống như Miyazaki. Sự sáng tạo của anh ấy được hiện thực hóa dưới một hình thức cực kỳ cụ thể và cách biểu đạt nghệ thuật của Miyazaki vượt ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Các tác phẩm của anh ấy thu hút lượng lớn khán giả, ai cũng đều có thể thưởng thức. Anh ấy cũng cẩn thận để không bỏ qua khía cạnh thương mại và giải trí trong các tác phẩm của mình”.
Nhưng Takahata lại sẵn sàng vượt qua mọi ranh giới mà Miyazaki dường như không muốn vượt qua, như xây dựng câu chuyện đen tối hơn, thử nghiệm nhiều hình thức, đào sâu hơn về chủ nghĩa hiện thực trong cách kể chuyện, hình ảnh, và sử dụng tính trừu tượng để làm nổi bật chủ nghĩa hiện thực.
Thực tế, thật thú vị khi xem Takahata là người dám làm những điều Miyazaki không làm. Ví dụ điển hình của điều này chính là tác phẩm “Only Yesterday” của đạo diễn Takahata.
Vào năm 2018, nhà phê bình phim David Carter viết rằng: “Khi Miyazaki có ý tưởng chuyển thể manga ‘Only Yesterday’, ông đã rất bối rối bởi câu chuyện chính là sự kết hợp của các tình tiết rời rạc. Ông đã chuyển dự án này sang cho Takahata, người đã nảy ra ý tưởng tạo ra những hình ảnh hồi tưởng về quá khứ, cho chúng xoay quanh và tạo nên câu chuyện mới về một cô gái trẻ 27 tuổi đang vật lộn với định hướng cuộc đời, trong chuyến đi đến một nông trại gia đình vào mùa hè.”
“Takahata đã sử dụng những quan sát tỉ mỉ của bản thân và nỗi hoài niệm về quá khứ ông từng trải qua khi còn trẻ, biết rằng dù bao nhiêu tuổi đi nữa, người ta vẫn luôn nhìn lại quá khứ để biết mình muốn trở thành ai.”
Có thể thấy, thế giới anime của Isao Takahata không ngừng biến đổi, không ngừng khám phá những lát cắt, mảng màu sáng tối khác nhau trong đời sống con người. Đó là thế giới của nội tâm đôi khi đen tối và khó hiểu, chúng tương phản, bổ sung với chủ nghĩa thoát ly thực tế nhẹ nhàng và đẹp mắt của Hayao Miyazaki.
Nhà sản xuất Toshio Suzuki, đồng sáng lập Studio Ghibli và nhà sản xuất Yasuyoshi Tokuma từng chia sẻ rằng Takahata rất khó tính trong công việc và “anh ấy từng hủy diệt không ít người” bởi sự cầu toàn của ông đối với nghệ thuật.
Thế nhưng Hayao Miyazaki, người vốn nổi tiếng khó tính không kém Takahata, đã hài hước nhận xét người bạn Paku-san là “lười biếng”. Miyazaki chia sẻ: “Về bản chất, anh ấy thật sự là một con lười biếng nhác, hậu duệ của một số con lười khổng lồ từng bò qua các vùng đồng bằng của trái đất trong Thế Pliocene”.
Thậm chí, ngay cả nickname “Paku-san” của đạo diễn Takahata cũng hàm chứa ý nghĩa ấy. Vì trong tiếng Nhật, “paku paku” là từ tượng thanh dùng để diễn tả âm thanh môi chạm vào nhau gây ra tiếng động khi ăn. Điều này liên quan đến thói quen có mặt tại studio khá muộn vào mỗi buổi sáng, rồi ăn bánh mì và uống nước của Takahata.
Miyazaki kể lại rằng, ở một số thời điểm trong quá trình làm phim, Takahata sẽ bắt đầu la lên “Tôi không thể làm phim này được đâu!’”.
Vào ngày 05/04/2018, Isao Takahata qua đời vì căn bệnh ung phổi tại bệnh viện ở Tokyo, hưởng thọ 82 tuổi. Trong lễ tưởng niệm cố đạo diễn vào ngày 15/05 tại Bảo tàng Ghibli ở Tokyo, Hayao Miyazaki lần đầu tiên đứng trước công chúng và chia sẻ về sự ra đi của người bạn thân thiết: “Tôi từng tin rằng Paku-san sẽ sống đến 95 tuổi, nhưng không may anh ấy đã qua đời. Điều này làm tôi biết rằng thời gian của bản thân cũng có giới hạn. Cảm ơn Paku-san”.
Mỗi tác phẩm trong sự nghiệp của mình, bậc thầy Takahata chưa bao giờ ngần ngại đưa khán giả trải nghiệm một “tàu lượn siêu tốc” của những cung bậc cảm xúc với sự táo bạo chưa từng có và những cái kết nằm ngoài sức tưởng tượng. Nó tuân thủ nguyên tắc sáng lập của Studio Ghibli, đó là ưu tiên nghệ thuật hơn giá trị thương mại. Và những di sản của vị đạo diễn đại tài sẽ vĩnh viễn là một tượng đài, một biểu tượng đồng hành với sự phát triển của ngành công nghiệp hoạt hình trên thế giới.