Có một gia đình vụng về rất đáng yêu trong "My Neighbors the Yamadas"

    Được chuyển thể từ bộ manga slice-of-life Nono-chan, "My Neighbors the Yamadas" (Gia đình nhà Yamada) là phim hoạt hình mang nét vẽ và phong vị khác biệt so với những phim điện ảnh nói chung của Studio Ghibli.

    Nhà làm phim quá cố Isao Takahata được đông đảo khán giả biết đến qua những tác phẩm mang đậm hơi thở cuộc sống của nhà Ghibli như Grave of the Fireflies, Only Yesterday và The Tale of Princess of Kaguya. 

    Trái với phong cách bay bổng, tươi sáng và tích cực của người đồng nghiệp Hayao Miyazaki, những bộ phim của Isao mang phảng phất màu sắc u tối, buồn bã và có nhiều chiêm nghiệm thể hiện qua các mẩu đối thoại, suy nghĩ đắt giá. 

    yamadas

    Tuy nhiên, tác phẩm My Neighbors the Yamadas (tựa Nhật: Houhokekyo Tonari no Yamada-kun) của ông lại tràn ngập sự hài hước, vui vẻ với nhiều thông điệp tích cực. Tuy không phải là bộ phim được nhiều người biết đến trong chặng đường sự nghiệp của vị đạo diễn tài ba, đây thực sự là một viên ngọc ẩn đáng để khám phá.

    Một bộ phim mang phong cách “không giống Ghibli”

    Ngay từ đầu, bộ phim năm 1999 đã thể hiện sự khác biệt với các phim trước khi đây là tác phẩm chuyển thể từ bộ truyện tranh dài tập Nono-chan (về sau được làm thành anime truyền hình dài 61 tập) của tác giả Hisaichi Ishii.
    Nét vẽ của Gia đình nhà Yamada không giống phong cách đặc trưng của xưởng Ghibli bởi vị đạo diễn muốn tôn trọng tạo hình của nguyên tác. Các nhân vật trong phim được khắc hoạ với nét vẽ trẻ thơ, phóng khoáng, khác hẳn với sự tỉ mỉ, cầu toàn thường thấy ở các tác phẩm trước đó.

    Tuy vậy, phong cách phối màu trong phim lại mang nét tương đồng với những bộ phim trước đây của Isao Takahata. Nghệ thuật sử dụng màu nước tinh tế và tươi sáng trong phim gợi nhớ đến tác phẩm hoài niệm tuổi thơ Only Yesterday.

    Ở Gia đình nhà Yamada, khả năng sử dụng màu nước tinh tế của nhà làm phim người Nhật tiếp tục được phô diễn khi nổi bật trong phim là tông màu hồng, vàng chanh, xanh da trời ở đa số các khung cảnh, gợi cảm giác ngọt ngào và khiến phim mang không khí trẻ thơ, trong sáng. 

    ghibli

    Điểm đặc biệt trong phim là phân đoạn khi người bà nói về việc chung sống. Các cảnh được vẽ theo phong cách tưởng tượng dễ thương, mang nhiều màu sắc pastel ngọt ngào.

    Vì nguyên tác của phim - manga Nono-chan thuộc thể loại đời thường (slice-of-life), mỗi mẩu chuyện là một lát cắt tự nhiên trong cuộc sống nên xuyên suốt Gia đình nhà Yamada không có cao trào để khơi gợi cảm xúc dữ dội, không tồn tại những tình tiết gay cấn như nhiều phim Ghibli trước đó. Mạch phim chậm rãi, đều đặn tạo cảm giác thư thái như khi đang chầm chậm dạo bước trên một con đường nhiều cảnh đẹp. 

    [subscribe]

    Tác phẩm khơi gợi cảm xúc thân thương quen thuộc trong gia đình 

    Gia đình nhà Yamada lấy bối cảnh một gia đình trung lưu ba thế hệ: một cụ bà, cặp vợ chồng và hai anh em nhóc tì Nonoko. Nhân vật em út Nonoko lí lắc dẫn dắt khán giả bước vào cuộc sống gia đình với đủ những câu chuyện dở khóc dở cười, hay màn đối thoại tưng tửng hằng ngày giữa các thành viên.

    Với một ngôi nhà mà mọi thành viên đều có sự hậu đậu được xếp vào hàng thượng thừa (trừ cô nhóc Nonoko dẫn chuyện ra), cuộc sống của họ phải chăng nhiều rắc rối hơn những gia đình khác? Trong phim, liên tiếp những câu chuyện đểnh đoảng, ngớ ngẩn hằng ngày được phơi bày trước mắt, khiến khán giả không thể không bật cười, như khi cả nhà trở nên “lú lẫn” vì ăn canh miso nấu gừng vào buổi sáng, hay cách cha mẹ của Nonoko tranh nhau xem tivi thư thể đang khiêu vũ với nhau. 

    Những mẩu chuyện nhỏ cứ thế nối tiếp nhau phơi bày sự vụng về của mỗi thành viên trong sinh hoạt khiến khán giả tự hỏi: làm sao họ vẫn có thể chịu đựng được nét tính cách này của nhau? 

    netflix

    Ảnh: Netflix

    Câu trả lời nằm ở quan điểm về hôn nhân từ người bà đến người cha Takashi: đó là sự bao dung. Học cách chấp nhận sự khác biệt để đi cùng nhau và mọi thứ sẽ ổn thoả. Như lời người bà trong đám cưới bố mẹ Nonoko: “Con người nếu chỉ chịu đựng chống đỡ một mình thì sẽ rất gian nan. Nhưng dù có là hai vợ chồng kém cỏi, nếu đồng lòng, họ vẫn sẽ vượt qua mọi thứ”. Kể cả khi hai vợ chồng ban đầu có nhiều sở đoản, họ vẫn sát cánh bên nhau trong mọi việc nhỏ nhặt nhất của cuộc sống. 

    Khi chứng kiến cuộc sống của nhà hàng xóm Yamada, khán giả có thể thốt lên: “À, nhà mình cũng trải qua khoảnh khắc buồn cười này nè!”. Mỗi gia đình luôn tồn tại một điểm đáng yêu, vụng về riêng mà chỉ có những người chung sống mới hiểu và chấp nhận được. 

    Về tạo hình, các nhân vật trong phim sở hữu ngoại hình rất bình thường, thậm chí có thể nói là có phần “ngố tàu” và thô kệch. Lời đối đáp của mỗi thành viên trong gia đình cũng là những câu ngắn giản đơn, thi thoảng có một số mẩu đối thoại mang triết lý. không giống ai của ông bố và cậu con trai Noboru. 

    Chuyện nối tiếp chuyện, không ngớt tiếng cười, tiếng khóc của các nhân vật khiến phim tràn ngập âm thanh và sức sống. Điều này khác hẳn với các tác phẩm trước đó thường mang không khí trầm buồn và nhiều khoảng lặng xuyên suốt của Isao Takahata.

    Khi Ghibli tôn vinh vẻ đẹp thơ Haiku

    Tuy vậy, người xem vẫn chứng kiến những nốt trầm buồn ở một vài phân đoạn. Đó là phân cảnh cụ bà Shige đi thăm người bạn ở viện. Chứng kiến bạn già nói cười huyên thuyên, cụ Shige thắc mắc rồi nhận ra người phụ nữ kia đang đứng ở bờ vực cửa tử. Đoạn thơ Haiku của Basho lúc này xuất hiện như xoáy sâu hơn vào nỗi buồn của những người ở độ tuổi xế chiều.
    “Ve sầu vui hát
    Không mảy may hay biết
    Chết đã gần kề.”

    Hay ước mơ viển vông của người bố trở thành anh hùng cứu được cả gia đình, nhưng hiện thực cho thấy ông chỉ ngồi thần đó, buồn bã vì cảm giác bất lực không bảo vệ được mẹ và vợ. 
    yamada
    Ảnh: Simbabible

    Những đoạn thơ Haiku được lồng ghép ở phân cảnh buồn khiến người xem dễ cảm thông hơn với nỗi đau của từng nhân vật. Nhưng cũng đoạn Haiku được lồng ghép ở các phân cảnh sum vầy tạo cảm giác ấm áp và thư thái, như cảnh cả nhà cùng mặc áo mưa để đón người cha.

    “Mưa mùa xuân
    Mặc áo mưa che dù
    Vừa đi vừa nói.”

    - Thơ Buson

    Có thể nói, tác phẩm của Ghibli năm 1999 đã tôn vinh văn hóa Nhật qua việc khắc hoạ giá trị gia đình Nhật Bản và truyền tải vẻ đẹp của thơ Haiku đến đại chúng.  

    Những lời khuyên đắt giá về chung sống trong hôn nhân và gia đình

    Thông qua việc xem phim, khán giả có cơ hội “thu hoạch” được loạt câu thoại đắt giá về giá trị hôn nhân và chung sống, thể hiện ở phân cảnh kết hôn và đoạn cuối phim, khi ông Takashi phát biểu trong đám cưới người đồng nghiệp. Hai từ khóa được đúc kết trong các phân cảnh này là “bao dung” và “đồng lòng”.
    hàng xóm tôi là Yamada
    Ảnh: Ghibli blog

    Thông điệp về hôn nhân và gia đình trong Gia đình nhà Yamada vẫn có một số nét giống với giá trị về việc chung sống trong bối cảnh hiện đại. Nếu lời khuyên của người bà trong đám cưới hai vợ chồng Takashi tương tự thành ngữ của người Việt “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”, thì lời phát biểu của người cha Takashi trong ngày vui của đôi lứa nói về giá trị của lòng rộng lượng và tử tế: Việc gì có thể tha thứ được, hãy nhẹ nhàng bỏ qua, còn không sẽ khó lòng vui được. 

    Màu sắc mới mẻ cho ca khúc “Que Sera, Sera” quen thuộc

    Một điều đặc sắc nữa trong Gia đình nhà Yamada là cách Ghibli làm mới ca khúc “Que Sera, Sera” (Whatever Will Be, Will Be), nổi tiếng qua giọng ca của Doris Day.

    Đây là lần thứ ba có một bài hát được làm mới bằng tiếng Nhật, sau “Take Me Home, Country Roads” trong Whisper of the Heart của Hayao Miyazaki và “The Rose” trong Only Yesterday của Isao Takahata. 

    yamadas

    Ảnh: ghibli.jp

    Bài hát do đích thân nhà làm phim Isao Takahata phiên dịch sang Nhật ngữ. Giai điệu êm ả, da diết xuất hiện ở đoạn kết phim, khi gia đình vụng về cùng đứng trên sân khấu hát trong đám cưới đồng nghiệp của nhân vật người cha.

    Bản tiếng Nhật mang sắc thái vui tươi và hồn nhiên hơn so với bản gốc, tạo gút thắt khỏe khoắn cho phim. Điều này cũng giống với cả nhà Yamada, khi suy cho cùng họ là những người vô tư, đôn hậu và tử tế.

    “Tương lai ngày mai rồi sẽ ra sao?
    Phải chăng sẽ ánh sắc cầu vồng?
    Que sera, sera
    Chuyện gì đến rồi sẽ đến thôi
    Ta không thể thấy được tương lai
    Nên hãy cứ ngóng chờ
    Que sera, sera.”

    Họ đã hát vang như thế.

    Kết lại phim, thông điệp gia đình Yamada để lại cho khán giả là: hãy cứ tận hưởng những giây phút vui vẻ lúc này đi đã. Cứ cười, cứ ngốc nghếch và ngớ ngẩn, vì luôn có nơi đón nhận điều buồn cười ấy, đó chính là gia đình. 

    Bạn có thể thưởng thức bộ phim đáng yêu này trên Netflix.

    Xem thêmBelle: Khi Người Đẹp và Quái Vật cùng chữa lành tổn thương tinh thần

    kilala.vn

    13/03/2022

    Bài: Vĩnh Anh

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!