Belle: Khi Người Đẹp và Quái Vật cùng chữa lành tổn thương tinh thần
Belle (2021) là bộ phim hoạt hình mới nhất từ Studio Chizu, kết hợp yếu tố cổ tích và thế giới ảo metaverse để nói về hành trình từ chấp nhận đến yêu thương bản thân của Belle và Rồng trong thế giới ảo lẫn ngoài đời. Khi công chiếu tại LHP Cannes, bộ phim thống trị phòng vé Nhật Bản nhận được tràng pháo tay dài đến 14 phút. Phim hiện đã được khởi chiếu tại các cụm rạp Việt Nam từ ngày 25/02/2022 với tựa đề "Belle: Rồng và công chúa tàn nhang".
*Bài viết có tiết lộ một số nội dung phim.
Có lẽ Mamoru Hosoda không còn là cái tên xa lạ với khán giả yêu thích phim Nhật khi là đạo diễn của nhiều tựa phim hoạt hình nổi tiếng như "Cô gái vượt thời gian", "Những đứa con của sói Ame và Yuki" hay "Mirai: Em gái đến từ tương lai".
Các tác phẩm của ông chú trọng vào hành trình trưởng thành tâm lý và
lòng yêu thương con người theo phong cách viễn tưởng mới lạ.
Belle, bộ phim mới nhất ra mắt năm 2021 của nhà làm phim người Nhật lại sử dụng nhiều chất liệu thực tế để nói về câu chuyện vượt qua nỗi đau của các cô cậu học trò khi bước vào thế giới ảo.
Trong Belle, Suzu là một học sinh phổ thông mồ côi mẹ, nhút nhát và mang mặc cảm lớn về những đốm tàn nhang trên gương mặt mình. Trong một lần mở điện thoại, nữ sinh cấp 3 bị hút vào U - một ứng dụng khai thác những tiềm năng của người dùng để tạo cho họ danh tính ảo mới. Cô nhanh chóng trở thành ca sĩ trên U với biệt danh Belle, khoác lên mình vẻ đẹp ngoại hình độc đáo, trở thành hiện tượng thu hút lượng người hâm mộ đông đảo nhất trên nền tảng bằng giọng hát tuyệt vời.
Trong một sự cố biểu diễn, cô bắt gặp nhân vật Rồng với nhiều vết sẹo đang là mục tiêu của quân đội trong U. Sự tò mò thôi thúc cô phải tìm đến Rồng và cả hai mau chóng nảy sinh tình cảm. Cùng lúc đó, danh tính của "quái vật" cô yêu đang được nhiều người truy lùng trên mạng xã hội. Bước khỏi thế giới ảo, Suzu cùng những người bạn không hay biết rằng hành trình gặp được Rồng ở ngoài đời mang nhiều nguy hiểm và sợ hãi hơn cả trong U.
Hơi thở mới từ truyện cổ tích hoàng tử công chúa
Lấy ý tưởng từ truyện cổ tích "Giai nhân và Quái vật" (La Belle et la Bête) của Pháp, đạo diễn Mamoru Hosoda đã thổi sức sống mới vào nguyên tác cũ kỹ khi biến phim thành phiên bản Disney mang màu sắc hiện đại. Tuy nhiên, ông vẫn trung thành với phong cách sáng tác ở các tác phẩm cũ, khi các nhân vật đi giữa hai thế giới thực và kỳ ảo để trưởng thành.
Điểm đặc sắc trong phim đến từ việc xây dựng hình tượng nhân vật. Belle và Rồng ở ngoài đời sở hữu ngoại hình rất bình thường và mang tính cách lầm lì, nhút nhát. Họ đều trải qua sang chấn về tâm lý đến từ trải nghiệm mất người thân và bạo hành trong gia đình. Nhân vật Belle trong phiên bản Nhật khác hoàn toàn so với phiên bản Người Đẹp nức tiếng của Disney.
Sở hữu giọng hát trời phú, nhưng Suzu không có được sự kiêu hãnh như giai nhân của phim Nhà Chuột. Bên cạnh đó, mối quan hệ của cô với người cha cũng có sự ngắt quãng, khác hẳn với tình cha con thân thiết của bộ phim năm 1991.
So với "The Boy and the Beast" và "Mirai", câu chuyện về việc mất đi sợi dây kết nối với người mẹ vẫn đóng vai trò khởi nguồn cho sự mặc cảm và là rào cản lớn nhất nhân vật phải học cách vượt qua trước khi trưởng thành. Điều này khiến phim có sự khác biệt đáng kể với "Beauty and the Beast" của Mỹ.
Belle và Rồng vì những đau khổ thời thơ ấu mà trở nên khép kín. Họ tìm thấy chính mình trên thế giới ảo U. Ở đây, U được khắc hoạ giống như thế giới Metaverse của Facebook, khi con người có thể có trải nghiệm gặp gỡ như thật trong thế giới ảo. Họ hàn gắn vết sẹo tâm hồn và khiêu vũ trong cung điện. Phân cảnh nhảy múa của cặp đôi, cũng như kiến trúc tòa lâu đài gợi nhớ nhiều đến bộ phim của Disney.
Hành trình vượt qua thương tổn từ thế giới ảo đến đời thật
Tuy nhiên, câu chuyện của nàng công chúa tàn nhang và Rồng không đơn thuần là chuyện hoàng tử công chúa yêu nhau rồi sống hạnh phúc mãi về sau, hay nữ anh hùng giải cứu quái vật. Đây là hành trình chữa lành những vết thương tâm lý từ thế giới ảo để quay về với thế giới thực, nơi chúng ta thực sự sống đời sống của mình.
Điều mới lạ khác trong "Belle" là không có sự xuất hiện rõ rệt của tuyến nhân vật phản diện cụ thể. Nhân vật Rồng phải chiến đấu với sự truy sát đến từ cộng đồng người trẻ tham gia, cũng như Suzu phải quen với miệng lưỡi ác ý của người đời từ bé đến lúc vướng tin đồn. Ban đầu, việc khắc hoạ sự xấu xí của đám đông trong phim có phần dễ đoán. Cho đến khi danh tính của Rồng được tiết lộ, cú plot twist bắt đầu xuất hiện.
Không đơn thuần khai thác mặt trái của mạng xã hội, anime đưa ra góc nhìn tích cực hướng về phía đám đông. Cư dân mạng ban đầu là người đẩy nhân vật chính đến ngõ cụt, nhưng họ cũng có sự thấu cảm nhất định để giúp đỡ người khốn khó.
Cộng đồng người dùng U có sự trưởng thành về tâm lý, từ ganh ghét sang đồng lòng giúp đỡ nhân vật Rồng ngoài đời thực, vốn là nạn nhân của bạo hành gia đình. Thông qua xây dựng Rồng, vị đạo diễn người Nhật muốn đưa ra lời nhắn nhủ: hãy chủ động cứu giúp những đứa trẻ chịu đòn roi trước khi quá muộn.
Giống như những phim trước đây của Mamoru Hosoda, hành trình trở thành anh hùng của các nhân vật không mang tính cá nhân. Họ phải học cách kết nối với những người xung quanh để tồn tại. Cả Belle và Rồng học cách chấp nhận bản thân, những người xung quanh họ cũng vậy. Điều này khiến phiên bản Người Đẹp và Quái Vật của Nhật mang tinh thần cộng đồng của Á Đông.
Đồ hoạ công phu và tỉ mỉ, âm thanh xuất sắc
Ngay từ khi ra mắt, Belle nhận được cơn mưa lời khen và vỗ tay từ giới phê bình quốc tế. Góp phần chính cho sự thành công là về mặt hình ảnh. Không gian vũ trụ ảo trong U là thứ khiến người xem choáng ngợp. Công nghệ điểm ảnh tỉ mỉ đến từng chi tiết khiến khán giả cảm thấy đã mắt khi được hòa mình trong một sân khấu rộng lớn.
Điều khiến người xem không thể rời mắt là tạo hình của nhân vật Belle. Cô toát lên vẻ đẹp của một nữ thần thực thụ, với những đoá hoa trên trang phục được mô phỏng từ ekip thợ cắm hoa trong đoàn làm phim. Nhân vật Rồng với vẻ bề ngoài xấu xí và nhiều vết sẹo như đang rỉ máu là hình ảnh độc đáo, vượt xa cả tạo hình của Quái Vật trong phiên bản Disney. Bên cạnh đó, loạt ca khúc với giai điệu bắt tai, sống động và mang tính truyền cảm hứng là yếu tố giữ chân người xem.
Chinh phục khán giả ngay từ khi tung trailer nhờ hình ảnh và âm nhạc, Belle vẫn tồn tại điểm trừ là cách khai thác hành trình trưởng thành tâm lý của nhân vật chưa đủ sâu sắc. So với tác phẩm đầu tiên mà Hosoda làm cho Studio Chizu – The Boy and The Beast, cũng khai thác về việc vượt qua nỗi đau của cậu bé mất mẹ, câu chuyện của Suzu vẫn chưa mang tính thuyết phục về cách cô kết nối lại với người cha và ký ức về người mẹ.
Một lý do dễ giải thích là vì phim tập trung khai thác nhiều vấn đề trong xã hội, cũng như bất an của nhiều cô cậu tuổi teen trong trường trung học. Tuy vậy, đây vẫn là anime đáng xem khi mang góc nhìn tích cực về thế giới ảo, cũng như giúp khán giả hoài niệm về việc chúng ta đã vượt qua những bất an thời cắp sách đến trường như thế nào.
kilala.vn
06/03/2022
Bài: Vĩnh Anh
Ảnh bìa: studio-chizu.fandom.com
Đăng nhập tài khoản để bình luận