Review Mirai - Em gái của tương lai
Mirai - Em gái của tương lai là một bộ phim của Mamoru Hosoda: đạo diễn phim “Những đứa con của sói” (từng được phát hành tại Việt Nam phiên bản tiểu thuyết) và “Cậu bé và quái thú” (từng được trình chiếu ở Liên hoan phim Nhật Bản 2016 tại Việt Nam).
Đọc vị cảm xúc trẻ lên 4
Một điều thú vị rằng, ba bộ phim gần nhất của Mamoru đều liên quan đến gia đình, đến mối quan hệ giữa con trẻ - người lớn. Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Tokyo Weekender, ông từng chia sẻ “Tôi rất hứng thú tìm hiểu cách mà bọn trẻ lớn lên, chọn lựa như thế nào và làm thế nào những lựa chọn đó quyết định phiên bản trưởng thành của bọn trẻ.”
Đến với Mirai, không còn là hành trình tìm hiểu cảm xúc của những đứa trẻ 8, 9 tuổi như hai bộ phim trước, thử thách đặt ra cho ông lần này là phải tìm hiểu thật sâu, thật kỹ những cung bậc tình cảm của cậu bé Kun 4 tuổi. Kun nghịch ngợm, Kun nghĩ mình là nhất, Kun ganh tỵ với em gái nhỏ khi thấy vị trí độc tôn của mình bị đánh mất, Kun giận dỗi bỏ nhà ra đi… Nhờ những thước phim thú vị của Mirai mà người xem có thể nhận thấy, tâm trạng của trẻ cũng lắm suy tư, nhiều diễn biến không kém phần phức tạp như các thể loại phim nội tâm người lớn.
Thế giới sống động dưới ánh nhìn của trẻ
Đạo diễn đã thật tài tình khi xây dựng tình tiết đưa Kun hết trở về quá khứ gặp mẹ và ông cố thời trẻ, ở hiện tại gặp người đàn ông lạ mặt (chính là chú chó trong nhà hoá thân thành con người để trò chuyện với Kun) rồi đến tương lai, Kun gặp em gái Mirai trong hình hài nữ sinh trung học. Mỗi cuộc gặp gỡ đều mang đến cho Kun những bài học nho nhỏ giúp Kun ngoan hơn, “người lớn” hơn, ra dáng làm anh hơn.
Ấn tượng nhất với tôi, có lẽ là khi Kun bị lạc trong một chuyến tàu và Kun phải trả lời câu hỏi của người kiểm soát. Hình ảnh người kiểm soát hết sức thần bí, chuyến tàu đáng sợ chuẩn bị đưa Kun đến xứ sở cô độc nếu Kun không trả lời được câu hỏi “Kể tên một người thân trong gia đình cháu”. Với một đứa trẻ 4 tuổi thì không nhớ tên ba mẹ là chuyện thường, Kun chỉ có thể gọi tên người mình ghét nhất – Mirai. Đến cách Kun ứng xử khi thấy Mirai suýt bị kéo vào chuyến tàu định mệnh, khá bất ngờ khi đạo diễn và biên kịch lại tạo ra ca diễn biến tâm lý khó như vậy để thử thách chàng trai nhỏ này. Nhưng đúng là, phải đẩy nhân vật vào cao trào đỉnh điểm mới có thể giúp khán giả, và cũng là giúp cả chính nhân vật nhận ra suy nghĩ thật sự của họ là gì.
Đạo diễn và biên kịch đã hoàn toàn xuất sắc trong việc lồng ghép nhiều bài học ý nghĩa: người mẹ cần cư xử thật khéo để người con lớn không cảm thấy bị ra rìa khi có thêm thành viên mới, người chồng nên hỗ trợ vợ thật tốt để cùng nhau nuôi dạy con cái… để kết lại, mỗi thành viên trong gia đình đều phải cố gắng mỗi ngày, phải thay đổi, phải tiến bộ vì từng người là những mảnh ghép rất quan trọng để tạo nên một mái nhà vững chãi ngập yêu thương.
Âm nhạc, hình ảnh, đồ hoạ ấn tượng
Là một trong những tên tuổi đưa anime vang danh khắp thế giới, đạo diễn Mamoru đã làm rất tốt trong việc truyền tải hình ảnh về cuộc sống thường nhật của Kun lên màn ảnh rộng. Từ cái nhíu mày, nhăn trán, cử động cơ miệng khi Kun hét toáng đều được chăm chút kỹ càng. Tôi đặc biệt thích tạo hình ngôi nhà Kun, vừa hiện đại lại rất thiên nhiên, thiết kế mới lạ (bố Kun là dân kiến trúc!), không giống với những ngôi nhà thường thấy trong các bộ anime khác.
Âm nhạc cũng là một yếu tố của bộ phim khiến người xem ấn tượng. Giai điệu bài hát “Uta no Kisha” của Tatsuro Yamashita vang lên khiến người nghe có đôi chút hoài cổ khi được trình diễn bởi nghệ sĩ 65 tuổi Tatsuro Yamashita.
Đánh giá:
Hình ảnh: 4/5
Âm nhạc: 4/5
14/08/2018
Bài: Ngô Phương Thảo
Đăng nhập tài khoản để bình luận