9 nhân vật của Studio Ghibli lấy cảm hứng từ truyền thuyết dân gian
Thần đạo và văn hóa dân gian Nhật Bản luôn là nguồn cảm hứng vô
tận cho các tác phẩm nghệ thuật ở xứ Phù Tang. Đối với hai bậc đạo diễn
kỳ tài của Studio Ghibli là Hayao Miyazaki và Isao Takahata, đây cũng là
chất liệu quan trọng để họ sáng tạo ra những tác phẩm hoạt hình huyền
thoại.
Thế giới Ghibli là một tổ
hợp hài hòa của sự kỳ diệu, tính chân thực, nhân văn và chất nghệ
thuật điện ảnh với những nhân vật nhuốm màu huyền bí, thể hiện vẻ đẹp và
chiều sâu của văn hóa dân gian Nhật Bản. Dưới đây là 9 nhân vật của
Studio Ghibli được cho là xây dựng dựa theo các thực thể xuất hiện trong
thần thoại xứ hoa anh đào.
Shikigami trong phim "Spirited Away"
Trong một phân cảnh của Spirited Away, chú rồng Haku bị bủa vây bởi một đám hình nhân giấy. Trông chúng có vẻ mỏng manh, vô hại nhưng khi tập hợp lại, chúng bao vây lấy Haku, tấn công một cách dữ dội và khiến cậu bị thương. Đám hình nhân bằng giấy này chính là Shikigami (Thức thần).
Shikigami là sinh vật trong văn hóa dân gian Nhật Bản, bắt nguồn từ Âm dương đạo (Onmyodo). Chúng là là những linh hồn tự do được Âm dương sư (Onmyoji) triệu hồi lên để chiến đấu hoặc thực hiện mệnh lệnh của người điều khiển.
Sức mạnh của Shikigami được kết nối với sức mạnh tâm linh của chủ nhân. Nếu Âm dương sư sở hữu phép thuật hắc ám, Shikigami có thể thao túng linh hồn động vật và con người. Tuy nhiên, ngược lại nếu pháp sư năng lực có hạn, khi triệu hồi xảy ra sơ suất, bất cẩn, Shikigami sẽ thoát khỏi sự kiểm soát và lấy lại nhận thức của riêng mình, thậm chí tấn công ngược lại chủ nhân và sát hại người ấy để trả thù.
Yamauba trong phim "Spirited Away"
Yubaba là nhân vật phản diện ở Vùng đất linh hồn trong phim "Spirited Away". Mụ phù thủy quyền năng này đã biến cha mẹ Chihiro thành heo và đánh cắp tên của cô bé, buộc Chihiro phải làm việc tại nhà tắm công cộng để tìm cách hóa giải lời nguyền, trở về thế giới loài người.
Yubaba được cho là lấy cảm hứng từ Yamauba (Sơn Mụ) hay còn gọi là Onibaba (Quỷ Bà), một yokai trong truyền thuyết dân gian. Yamauba là một loại kijo (nữ quỷ) hay phù thủy núi, vốn xuất thân là con người nhưng do thù hận mà hóa thành yêu quái.
Sinh vật này thường xuất hiện dưới hình dáng bà lão tốt bụng, sống đơn độc trong túp lều ven đường và luôn nhiệt tình chào đón, giúp đỡ những người đi đường không tìm được chỗ nghỉ chân. Một khi đã rơi vào bẫy của Yamauba, nạn nhân sẽ phải hứng chịu một cái kết đau đớn. Vào đêm khuya, Yamauba sẽ hiện nguyên hình với gương mặt gớm ghiếc và “ăn tươi nuốt sống” con mồi của nó.
Mizuchi trong phim "Spirited Away"
Nhân vật Haku vốn có tên là Nigihayami Kohaku Nushi - thần sông Kohaku. Khi con sông bị lấp, cậu đã lang thang, vất vưởng không chốn dung thân và bị lạc vào Vùng đất linh hồn. Haku là thần sông nên có khả năng biến hình thành một con rồng vảy bạc, bờm xanh. Đây là một hình tượng gắn liền với dòng sông trong quan niệm của người Nhật. Haku được xây dựng dựa trên Mizuchi, một vị thủy thần canh giữ những con sông, hồ lớn. Mizuchi vốn là một thần thú, mang hình dáng giống rắn hoặc rồng, nên còn được gọi là thủy long.
Trong Nhật Bản Thư Kỷ (Nihon Shoki) có đề cập đến Mizuchi, thuật lại câu chuyện xưa như sau:
Dưới
thời trị vì của Thiên hoàng Nintoku năm thứ 67 (năm 379 sau Công
nguyên), tại ngã ba sông Takahashi ở tỉnh Okayama có một con rồng lớn cư
ngụ, nó thường phun ra nọc độc và sát hại nhiều người đi đường. Sau
này, nó đã bị đánh bại bởi một người đàn ông tên là Agatamori. Chàng
hiệp sĩ đã dìm nó xuống dòng sông và từ đó truyền thuyết về Mizuchi bắt
đầu được kể.
Oshira-sama trong phim "Spirited Away"
Oshira-sama là ông thần có thân hình mập mạp, trắng trẻo trong Spirited Away. Ông có hình dáng như củ cải trắng nhưng có nhiều ý kiến cho rằng thực ra Oshira-sama là con tằm. Vì sau lưng ông có những lỗ tằm nhỏ để hô hấp và dưới chiếc nón đỏ là những lá dâu. Bên cạnh đó, Oshira-sama là tên của một vị thần đại diện cho ông tổ nghề dệt và thần nông nghiệp của vùng đất Tohoku, Nhật Bản.
Câu chuyện dân gian phía sau vị thần này lại nhuốm màu bi thương về một mối tình kỳ dị giữa hai giống loài. Tương truyền rằng có một người nông dân nọ sống cùng cô con gái xinh đẹp, nhà ông vốn nghèo khó, chỉ có chú ngựa là tài sản quý giá duy nhất. Vậy nhưng cô con gái lại đem lòng yêu con ngựa và âm thầm kết nghĩa phu thê với nó. Chuyện này đã bị người cha phát hiện, ông rất tức giận và giết chết con ngựa rồi đem xác nó treo lên cây dâu tằm. Chứng kiến cảnh tượng trên, cô gái đau lòng ôm lấy xác ngựa mà khóc. Sau đó, cô và con ngựa bay lên trời hóa thành thần.
Về
phần người cha, sau khi cô con gái ra đi, cô đã trở về báo mộng hướng
dẫn ông cách nuôi tằm bằng lá dâu. Từ truyền thuyết này, người ta tin
rằng cô gái và con ngựa đã trở thành vị thần bảo trợ nghề trồng dâu nuôi
tằm.
Bakeneko trong phim "My Neighbor Totoro"
Catbus là một nhân vật dễ thương có hình dạng chú mèo to lớn, luôn mỉm cười, thân hình nó là một chiếc xe buýt có nhiều cửa sổ. Nó được cho là lấy cảm hứng từ Bakeneko, loài yêu quái có nguồn gốc từ những con mèo có chiếc đuôi dài kỳ dị. Sinh vật kỳ bí này có nhiều khả năng quái lạ như biến hình, nói được tiếng người, nhảy múa và thậm chí điều khiển tâm trí con người. Nguồn gốc về Bakeneko là một câu chuyện dân gian nhuốm màu sắc kinh dị.
Chuyện kể rằng lãnh chúa Nabeshima Mitsushige đã ban án tử, trừng phạt người hầu cận Ryuuzouji Matashichirou vì không hoàn thành sứ mệnh. Mẹ của Matashichirou khi nghe tin người con đã qua đời thì đau khổ và tự sát bằng kiếm. Con mèo của bà khi chứng kiến sự đau khổ của chủ nhân đã liếm máu trên lưỡi kiếm để hóa thành Bakeneko đi ám kẻ đã đẩy chủ nhân của nó vào chỗ chết.
Ngoài ra, còn có những biến thể khác của câu chuyện kể lại Bakeneko là những con mèo được người nuôi dưỡng, thường giết hại một người trong gia đình chủ rồi hóa thành yêu quái. Bakeneko có khả năng biến hình và thường biến thành chủ của chúng, nếu bị phát hiện nó sẽ giết hại chủ nhân, kẻ nhận ra nó.
Obake trong phim "My Neighbor Totoro"
Totoro là một sinh vật kỳ lạ và đáng yêu với thân hình to lớn, mũm mĩm, sống quanh quẩn trong rừng, sở hữu sức mạnh siêu nhiên có thể khiến cây cối mọc lên từ hư không.
Nhiều người tin rằng Totoro được xây dựng dựa trên Obake. Đây là một sinh vật kỳ bí trong văn hóa dân gian Nhật Bản, có khả năng biến hình. Thuật ngữ Obake là từ được sử dụng chung khi nhắc tới các yokai có khả năng thay hình đổi dạng.
Hình dạng thật của Obake có thể là một con vật như Kitsune (cáo, hồ ly tinh), Tanuki (lửng chó) hay Bakeneko (yêu quái mèo), linh hồn của thực vật chẳng hạn như Kodama, hoặc một đồ vật vô tri vô giác chứa linh hồn gọi chung là Tsukumogami.
Tanuki trong phim "Pom Poko"
Pom Poko là bộ phim hoạt hình kể về sự chiến đấu kiên cường của bầy lửng chó Tanuki với con người trong nỗ lực giữ lại khu rừng của chúng trước sự quy hoạch, đô thị hóa.
Những
con Tanuki dễ thương, luôn vui vẻ của đạo diễn Isao Takahata thực ra là
sinh vật huyền bí có khả năng tạo ra ảo giác và biến hình, đặc biệt rất
thích hóa thành con người, bắt chước lối sống của loài người. Chúng
thường sao chép những thói hư tật xấu của con người như cờ bạc, rượu
chè, ăn trộm, gian lận, nói dối. Tanuki có thể sống cả đời trong
lốt con người mà không bị phát hiện. Có rất nhiều chuyện kể thú vị hài
hước về các trò lừa đảo của chúng. Tanuki thuộc loài yokai lành tính,
nếu ai giúp đỡ, đối xử tốt, chúng sẽ báo đáp lại, trả ơn đúng nghĩa lễ.
Các bức tượng Tanuki có ở khắp mọi nơi tại Nhật Bản - nhất là các cơ sở kinh doanh bên ngoài vì chúng được cho là vật may mắn mang lại tiền bạc, sự sung túc. Đặc biệt, tại Nhật Bản còn có làng gốm Shigaraki thuộc tỉnh Shiga vốn nổi tiếng với việc sản xuất tượng gốm Tanuki.
Xem thêm: Tanuki, Yokai lửng chó thích chơi khăm con người
Kodama trong phim "Princess Mononoke"
Kodama là nhân vật cư ngụ trong những cây to của khu rừng Tây vực, nơi công chúa Mononoke sinh sống. Chúng là loại linh thần nhỏ thường sống theo bầy đàn với số lượng đông đảo, mang vẻ ngoài đáng yêu với hình dạng người, màu trắng và có cái đầu hay lúc lắc. Theo tín ngưỡng ở đất nước mặt trời mọc, Kodama (mộc linh) là những vị thần trú ngụ trong thân cây, có nhiệm vụ giữ gìn sự cân bằng của tự nhiên, bảo vệ rừng xanh. Kodama còn tồn tại dưới dạng âm thanh, qua những tiếng vang vọng khắp núi rừng.
Mỗi khi có thân cây nào ngã xuống, tiếng khóc ai oán của Kodama lại khẽ vang lên. Tương truyền rằng, nếu những cái cây có Kodama trú ngụ bị con người đốn ngã thì tai ương sẽ ập xuống. Vì vậy, thợ mộc thường nhận biết dấu hiệu ẩn thân của Kodama qua dòng nhựa đỏ như máu chảy ra từ vết đốn trên cây. Hơn nữa, người dân nếu phát hiện cây có Kodama trú ngụ sẽ tiến hành treo sợi dây Shimenawa lên cây để đánh dấu cây thiêng.
Yatsukamizuomitsuno trong phim "Princess Mononoke"
Trong Princess Mononoke, Shishigami là vị thần tối cao của khu rừng Tây vực, tượng trưng có sự sống và cái chết. Shishigami có hai hình dạng, ban ngày xuất hiện với hình tượng con nai vàng có khuôn mặt người cùng cặp sừng lớn, khi đêm xuống lại hóa thành một linh hồn khổng lồ gọi là Daidarabotchi.
Trong thần thoại Nhật Bản, hiện thân của Shishigami là thần Yatsukamizuomitsuno. Đền Nagahama ở tỉnh Shiname thờ phụng vị thần này, người sở hữu sức mạnh vĩ đại có thể tạo ra một hành tinh, mang quyền năng bất tử và có thể khiến cây cối hoa lá sinh sôi nảy nở hay úa tàn, ban phát hoặc tước đoạt sự sống của vạn vật. Trong truyền thuyết cổ có kể rằng Yatsukamizuomitsuno đã tạo nên vùng đất Izumo, tỉnh Shimane, nơi được mệnh danh là vùng đất của những vị thần.
kilala.vn
08/12/2021
Bài: Ái Thương
Đăng nhập tài khoản để bình luận