Tsukumogami: Linh hồn của những món đồ vật

    Người Nhật cho rằng, những đồ vật tồn tại ở cõi nhân gian qua nhiều năm sẽ có thần linh hoặc linh hồn đến trú ngụ. Những đồ vật này trở nên có linh hồn và được gọi với cái tên là Tsukumogami.

    Tsukumogami là gì?

    Tsukumogami trong tiếng Nhật được viết là 付喪神 (phó tang thần) hoặc つくも神. Nó cũng có thể được viết là 九十九神 (cửu thập cửu thần) trong văn hóa hiện đại.

    Người ta cho rằng, khi một vật đã phục vụ chủ nhân được 100 năm, chúng sẽ trở nên có linh hồn. Niềm tin này được cho là bắt nguồn từ một quyển truyện cổ tích thời Muromachi (1336 – 1573) có tên là “Tsukumogami Enmaki” (付喪神絵巻 – tạm dịch là “Cuộn tranh Tsukumogami”).

    tsukumogami
    Tsukumogami trong cuộn tranh Hyakki Yagyo Emaki (Bách Quỷ Dạ Hành) thời Muromachi. (Ảnh: Wikipedia)

    Các Tsukumogami thường vô hại, mặc dù chúng có xu hướng chơi khăm con người. Tuy nhiên, chúng vẫn có khả năng nổi giận và trả thù những người đã vứt bỏ hoặc đối xử không tốt với chúng. Vì lý do này, nhiều nghi lễ đã được tiến hành ở các đền thờ Thần đạo ở Nhật Bản để an ủi những đồ vật bị hỏng hoặc không còn sử dụng nữa trước khi vứt bỏ chúng.

    Hiện nay, các Tsukumogami được phổ biến rộng rãi thông qua sự xuất hiện của chúng trong các trò chơi điện tử, manga và anime. Vì vậy, người nước ngoài cũng có cơ hội biết đến sự tồn tại của những linh hồn này, và chúng trở thành một nét văn hóa đặc sắc, thú vị khi nhắc đến đất nước Nhật Bản.

    Tsukumogami và ảnh hưởng của nó đến phong tục của Nhật Bản

    Có lẽ do ảnh hưởng bởi những câu chuyện về Tsukumogami mà ở Nhật, quan niệm trân trọng các đồ vật được sử dụng hằng ngày đã trở nên phổ biến từ lâu đời. Một nền văn hóa mà trong đó người ta tiếp tục sử dụng và tái sử dụng các đồ vật cũ theo những cách khác nhau đã được hình thành.

    Đồng thời, khi những đồ vật cũ không còn dùng được nữa, người ta sẽ tổ chức một nghi lễ hỏa táng cho chúng gọi là Otakiage (お焚き上げ). Người Nhật quan niệm rằng, khi Tsukumogami sinh ra sẽ đem đến bất hạnh, khiến con người trở nên lầm đường lạc lối. Vào thời Edo, người ta quyết định đem bỏ đồ cũ không còn dùng đến tại đền thờ khi những ngày cuối năm cận kề. Phong tục hỏa táng Otakiage này cho đến nay vẫn còn được duy trì ở một số vùng của Nhật Bản, bao gồm lễ tưởng niệm kim chỉ Hari-Kuyo (針供養) và lễ tưởng niệm búp bê Ningyo-Kuyo (人形供養).

    ningyou
    Lễ tưởng niệm búp bê tại đền Meta, tỉnh Nara. (Ảnh: pinbokejun.blog)

    Những Tsukumogami phổ biến trong văn hóa Nhật Bản

    Mokumokuren (目目連)

    Những ngôi nhà kiểu Nhật thường có vách ngăn phòng được gọi là shoji. Nếu trên tấm shoji có lỗ, người ta tin rằng những con mắt ma quái sẽ có thể lấp vào những lỗ hổng đó và quan sát người bên trong nhà. Chúng được gọi là Mokumokuren. Và mặc dù vô hại nhưng chúng lại trông khá rùng rợn. Mokumokuren dịch theo nghĩa đen là “nhiều mắt”. Chúng là một trong những cư dân chủ yếu của bất kỳ ngôi nhà ma ám nào ở Nhật Bản. Rất may, việc loại bỏ chúng khá dễ dàng. Tất cả những gì bạn phải làm chỉ là bít lại các lỗ hổng.

    tsukumogamiẢnh: Wikipedia

    Bakezori (化け草履)

    Nếu bạn nghe thấy tiếng động vào ban đêm, thì rất có thể đó là từ Bakezori đấy. Zori là dép truyền thống của Nhật Bản, một loại dép xỏ ngón được làm từ rơm rạ. Nếu trở nên cũ và bị chủ ngược đãi, lãng quên, chúng sẽ mọc tay chân cùng một con mắt lớn ở giữa và biến thành Bakezori. Những Tsukumogami này thích chạy xung quanh trong bóng tối và thực hiện những trò nghịch ngợm. Chúng thường lặp đi lặp lại câu hát: “Kararin! Kororin! Kankororin! Managu mittsu ni ha ninmai! (カラリン、コロリン、カンコロリン、まなぐ三つに歯二ん枚)"

    “Managu mittsu ni ha ninmai” được dịch là "ba con mắt và hai cái răng". Zori có ba lỗ nơi quai dép  được gắn vào, vì vậy "ba mắt" có lẽ ám chỉ chúng. "Hai chiếc răng" là ám chỉ hai miếng gỗ nhỏ ở đế của loại guốc gỗ Nhật Bản (geta). Ngoài ra, những từ còn lại không có nghĩa.

    tsukumogamiẢnh: matthewmayer.net

    Morinji-no-Okama (茂林寺の釜)

    Okama (釜) là những chiếc ấm đun nước bằng sắt thường được người Nhật dùng để đun nước pha trà và Morinji-no-Okama có nghĩa là "chiếc ấm đun nước ở chùa Morinji". Nó có liên quan đến câu chuyện dân gian nổi tiếng của Nhật Bản có tên là ”Bunbuku Chagama” kể về một con Tanuki mà biến thành chiếc ấm trà để chọc ghẹo con người.

    tsukumogami
    Ảnh: Wikipedia

    Ittan-Momen (一反木綿)

    Nếu bạn là một thợ may quần áo, hãy cẩn thận với chúng! Ittan-Momen là một tấm vải dài dùng để may đồ bay lượn xung quanh vào ban đêm. Chúng tấn công con người bằng cách quấn quanh và siết cổ khiến họ ngạt thở. So với các Tsukumogami khác được cho là vô hại, chúng lại khá nguy hiểm thay vì chỉ đơn giản là tinh quái. Ittan-Momen được cho là có nguồn gốc từ tỉnh Kagoshima.

    tsukumogamiẢnh: yokai.com

    Chochin-Obake (提灯お化け)

    Đèn lồng Chochin (提灯) - loại đèn lồng bằng giấy hoặc lụa với bộ khung làm bằng tre là hình ảnh rất quen thuộc ở Nhật Bản. Khi chúng cũ đi, phần giấy sẽ rách dọc theo một trong các thanh khung của nó, tạo thành một cái miệng rộng. Một chiếc lưỡi dài ghê rợn xuất hiện. Một hoặc hai mắt cũng bật ra từ nửa trên của đèn lồng, và đôi khi còn mọc thêm cả cánh tay hoặc chân. Chochin cũng có thể trở thành nơi trú ngụ của những linh hồn báo thù. Nếu thắp sáng một chochin như vậy, linh hồn sẽ được giải phóng và tấn công người thắp đèn.

    tsukumogami
    Ảnh: matthewmayer.net

    Kasa-Obake (傘おばけ)

    Nếu bị bỏ quên, những chiếc ô cũ sẽ trở thành Kasa-Obake. Kasa-Obake, tên gọi khác là Karakasa-Kozo (唐傘小僧), là những chiếc ô đóng có một mắt và nhảy xung quanh bằng cách sử dụng tay cầm làm chân.

    Nó là một trong những yokai được biết đến nhiều nhất, nhưng kỳ lạ thay lại không có câu chuyện nào về chúng. Chúng chỉ tồn tại trong văn học dân gian và tranh vẽ. Người ta cho rằng, Kasa-Obake được tạo ra bởi những người kể chuyện truyền miệng ở thời Edo.

    tsukumogamiẢnh: matthewmayer.net

    Boroboroton (暮露暮露団)

    Futon là loại nệm truyền thống của Nhật Bản. Người ta nói rằng, nếu những chiếc nệm futon không được giữ gìn tốt, chúng có thể biến thành Boroboroton. Khi chủ nhân đang ngủ, những Borobororton này quấn quanh và siết cổ họ để trả thù cho việc bị ngược đãi. Sau đó, chúng đi loanh quanh trong nhà và siết cổ bất kỳ ai khác mà chúng tìm thấy.

    tsukumogami
    Ảnh: Wikipedia
    kilala.vn

    29/10/2020

    Bài: Phương Anh
    Tham khảo: thewillowweb.com,norenjapan.jp

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!