Cây tre: Biểu tượng sức mạnh tinh thần của người Nhật
Không chỉ là một loài cây có nhiều ứng dụng đối với đời sống con người, trong văn hóa châu Á nói chung và Nhật Bản nói riêng, tre còn mang ý nghĩa tinh thần rất lớn.
Không biết từ bao giờ, tre đã trở thành một phần không thể thiếu đối với người dân Nhật Bản và cả những người yêu mến đất nước này. Một trong những bức ảnh mang tính biểu tượng khi nhắc đến du lịch Nhật đó là rừng tre Arashiyama xanh mướt dẫn vào Sagano, cố đô Kyoto. Tuy nhiên, hơn cả những hình ảnh ấy, tre còn là loài cây thể hiện tính cách con người Nhật Bản từ thời xa xưa cho đến nay.
Mạnh mẽ hơn vẻ bề ngoài
Nhật Bản là một đất nước không giàu tài nguyên, thiên nhiên lại khắc nghiệt khi động đất, núi lửa, sóng thần dường như đã trở thành câu chuyện quen thuộc với cuộc sống người dân nơi đây. Chính vì thế, người Nhật tin rằng, không điều gì có thể giúp mình tốt hơn chính bản thân mình, họ học cách xây dựng bản thân ngày càng mạnh mẽ hơn thông qua những điều giản đơn hàng ngày.
Thuận theo tự nhiên
Một trong những điều ấn tượng nhất về cây tre là cách nó lắc lư theo gió. Chuyển động nhẹ nhàng này là biểu tượng của sự khiêm tốn, thức thời, xuôi theo thời cuộc, không bao giờ chống lại tự nhiên. Hay khi mùa đông đến, những bông tuyết rơi làm cong cả những cành tre, nhưng khi tuyết tan, tre lại đứng thẳng trở lại, hiên ngang và vững chãi.Tạp chí Thời đại (Mỹ) đã từng viết: "Nhật Bản là một quốc gia đứng đầu thế giới về công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó thảm họa thiên tai. Với vị trí địa lý của mình, đất nước mặt trời mọc thường xuyên phải hứng chịu các trận động đất, do đó đã luôn có sự chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó. Nhưng người Nhật không đổ lỗi cho thiên tai, không trông chờ sự giúp đỡ, họ nương theo thiên nhiên và tìm cách sống hòa hợp với sự khắc nghiệt. Tại những nơi thường xuyên xảy ra động đất, nhà cửa được xây dựng với chất liệu nhẹ, an toàn, để khi có đổ vỡ, những vật liệu ấy không gây hại quá lớn đến tính mạng của những người trong nhà và thuận lợi cho việc xây dựng lại."
Hay đối với những cao ốc, chung cư, các kĩ sư người Nhật đã thiết kế hệ thống con lắc thép khổng lồ bên trong tòa nhà, vừa giảm chấn động đến 60% mà còn rút ngắn thời gian chịu tác động của dư chấn. Shinjuku Mitsui là tòa nhà đầu tiên được gắn con lắc bên trong.
Sức sống mạnh mẽ
Trong nghiên cứu về tre trên thế giới, những tiết lộ về vụ ném bom nguyên tử năm 1945 tại Hiroshima đã cho thấy sự hồi sinh mạnh mẽ của loài cây này. Chỉ vài ngày sau trận đánh bom, cả thành phố hầu như bị san bằng, người ta lại phát hiện những chồi măng đã bắt đầu mọc ở khu rừng gần đó. Người Nhật cũng vậy, sau mỗi trận thiên tai, họ không khóc than, nén đau thương để dành toàn tâm, toàn lực xây dựng lại cuộc sống. Sau thảm họa kép năm 2011, 94% rác thải sinh hoạt đã được dọn dẹp chỉ trong vòng 3 năm, và đặc biệt là phần nhiều trong công cuộc ấy phải dùng hoàn toàn bằng sức người khi máy móc không thể thu gom những mảnh sứ, kim loại bị trộn lẫn trong đất ruộng.Tại các điểm công cộng, người dân vẫn điềm tĩnh, kiên nhẫn và trật tự xếp hàng chờ đến lượt lên xe buýt, gọi điện thoại công cộng, mua nhu yếu phẩm, nhận hàng cứu trợ. Dù mặt đất liên tục chao đảo nhưng lòng người vẫn vững vàng. Đối với họ, việc cố gắng để sống và được sống là một điều may mắn, họ học cách bình tĩnh để đối diện với tất cả khó khăn vì tâm lý của họ đã quá vững vàng sau những đau thương.
kilala.vn
15/06/2021
Bài: Natsume
Đăng nhập tài khoản để bình luận