10 sự thật ít ai biết về chú chó Hachiko
1) Hachiko không phải xuất thân từ quận Shibuya hay Tokyo
Vì tượng của chú chó Hachiko được đặt tại nhà ga Shibuya, Tokyo nên không ít người hiểu nhầm chú được sinh ra tại vùng này. Thật ra, Hachiko là chú chó Akita thuần chủng được sinh tại thành phố Odate, tỉnh Akita vào năm 1923. Bố là Oshinai và mẹ là Goma. Chú chó con Hachiko đã được bán với giá 30 yên cho Hidesaburo Ueno – một nhà nghiên cứu nông nghiệp tại Đại học Tokyo đang tìm kiếm một chú chó Akita thuần chủng. Số tiền này được cho là khá lớn thời bấy giờ.
Thành phố Odate rất tự hào là quê hương của chú chó Hachiko, cũng như giống chó Akita. Vì vậy, họ đã dựng tượng của chú chó Hachiko trước nhà ga Odate. Họ cũng trang trí các nắp cống thành phố bằng hình vẽ chú chó Hachiko.
2) Ý nghĩa của cái tên “Hachiko”
Hachiko được vận chuyển trên chuyến tàu tốc hành để đến Tokyo vào 20 giờ sau đó. Do đó, ông Ueno đã đặt tên chú là Hachi – số 8 trong tiếng Nhật theo thời gian chú đến Tokyo. Đây được xem là số may mắn của người Nhật.
Còn chữ “ko” thì được thêm vào sau khi câu chuyện của Hachiko lan rộng vào năm 1932 để bày tỏ sự trân trọng lòng trung thành, tận tâm của chú chó. Từ năm 1932 trở đi, dần dần chú chó Hachi được biết đến với cái tên Hachiko.
3) Trước khi nổi tiếng, Hachiko đã từng bị ngược đãi?
Sau cái chết của người chủ Ueno vào năm 1925, Hachiko trải qua những ngày tháng khó khăn. Chú bị đem đi tặng cho nhiều gia đình cách xa Shibuya đến vài dặm nhưng chú vẫn kiên trì chạy đến ga Shibuya mỗi ngày để đợi người chủ trở về. Sau cùng, chú cũng được sống yên ổn tại nhà của Kikuzaburo Kobayashi – người làm vườn cho ông Ueno lúc sinh thời.
May mắn thay, nhà của ông Kobayashi nằm gần nhà của người chủ Ueno và chỉ cách ga Shibuya một đoạn đường đi bộ ngắn nên Hachiko có thể dễ dàng đi đến ga để đợi chủ. Chú chó Hachiko đã kiên trì đợi chủ trở về nhà suốt 10 năm dù ông Ueno đã qua đời do xuất huyết não. Trong 10 năm chú chờ đợi, có một số câu chuyện kể rằng Hachiko bị đánh, bị ngược đãi bởi những người đi bộ và thậm chí là trẻ em khi chú cố gắng ở lại ga Shibuya để đợi chủ. Mặc dù không có bằng chứng xác thực nhưng những tin đồn như thế này vẫn nhan nhản trên mạng internet.
4/ Ai là người giúp câu chuyện về Hachiko lan toả?
Ông Hirokichi Saito – chủ tịch của Hiệp hội Bảo tồn chó Nhật Bản "Nihon Ken Hozonkai" đã tìm thấy chú chó Hachiko và đăng câu chuyện của Hachiko – một chú chó đáng thương bị ngược đãi lên trên tạp chí Asahi Shibum. Câu chuyện chạm đến trái tim người xem một cách tự nhiên và Hachiko cũng nhanh chóng trở thành biểu tượng về lòng trung thành đáng ngưỡng mộ. Cũng từ lúc này, chữ “ko” được thêm vào sau tên của Hachi để bày tỏ sự mến yêu dành cho chú chó đặc biệt này.
5/ Hachiko đã tham dự buổi khánh thành tượng của chính mình
Thật đặc biệt và không kém phần khác thường khi chú chó Hachiko vẫn còn sống và tham dự buổi khánh thành tượng của chính mình vào năm 1934. Có nhiều lời đồn thổi rằng trước khi bức tượng được khánh thành, nhiều kẻ lừa đảo đã cố gắng kiếm tiền bằng cách thừa nhận mình là người làm ra bức tượng. Tác giả của bức tượng – nhà điêu khắc nổi tiếng Teru Ando là người quen với Chủ tịch Hirokichi Saito đã nhanh chóng hoàn thành kiệt tác tượng Hachiko trước khi mọi chuyện đi quá tầm kiểm soát.
6) Tượng của Hachiko đã từng bị phá hủy trong Thế chiến II
Trong chiến tranh Thế giới II, nhu cầu về kim loại để chế tạo máy móc tăng cao. Vì vậy mà ngay cả tượng của chú chó Hachiko rất được công chúng yêu thích cũng bị đem đi nung chảy để làm nguyên liệu sản xuất cho một bộ phận của đầu máy xe lửa. Điều đáng buồn là bức tượng lại bị nấu chảy chỉ một ngày trước khi chiến tranh kết thúc.
7) Bí mật về tượng của Hachiko ở ga Shibuya và ga Odate hiện nay
Cả hai bức tượng của Hachiko ở ga Shibuya và ga Odate đều bị nung chảy để làm nguyên liệu trong chiến tranh. Sau chiến tranh Thế giới II, con trai của nhà điêu khắc Teru Ando là Takeshi đã nối gót cha mình và tạo nên một bức tượng Hachiko mới. Đó cũng chính là bức tượng Hachiko mà bạn thấy ở ga Shibuya ngày nay. Còn tại quê nhà Odate, tượng Hachiko bây giờ bạn nhìn thấy cũng được đúc mới vào năm 1967.
8) Sự đoàn tụ của chú chó Hachiko và người chủ Ueno sau 90 năm
Ngày 8/3/2015 – ngày kỷ niệm 80 năm sự ra đi chú chó Hachiko, Đại học Tokyo – nơi giáo sư Ueno giảng dạy – đã khởi xướng một dự án xây dựng bức tượng tưởng niệm để giúp Hachiko và người chủ Ueno được đoàn tụ. Đã có hơn 10 triệu yên (gần 2 tỷ đồng) được quyên góp từ các cá nhân và công ty cho cuộc hội ngộ giả tưởng này. Hiện nay, bạn có thể tìm thấy bức tượng tưởng niệm này trong khuôn viên khoa Nông nghiệp – nơi giáo sư Ueno đã giảng dạy tại Đại học Tokyo, ngay cạnh công viên Ueno.
9) Kết luận cuối cùng về nguyên nhân cái chết của chú chó Hachiko
Theo báo cáo khám nghiệm tử thi, nội tạng của Hachiko bị nhiễm ký sinh trùng và trong dạ dày còn vài xiên gà nướng Yakitori. Nhưng sau đó, vào năm 2010, nội tạng của Hachiko được lưu giữ trong các lọ mẫu vật đã được kiểm tra lại và kết luận được đưa ra là Hachiko qua đời vì bệnh ung thư.
Ngày nay, bạn có thể xem những lưu giữ nội tạng này Viện Bảo tàng Khoa Nông nghiệp của Đại học Tokyo. Bộ lông nguyên bản của Hachiko cũng đang được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia về Tự nhiên và Khoa học.
10) Hachiko được ghép đôi với Tsun tại công viên Ueno
Tại công viên Ueno, bạn có thể ghé thăm tượng samurai Saigo Takamori và cô chó Tsun. Vì sự trung thành của cả hai chú chó mà Hachiko và Tsun được xem là một cặp đôi bảo vệ Tokyo. Người ta cho rằng cô chó Tsun đại diện cho tính âm (yin), và là mảnh ghép hoàn hảo với Hachiko mang tính dương (yang) theo thuyết âm dương.
Qua những sự thật được tiết lộ ở trên, mong rằng bạn có thể hiểu hơn về cuộc đời đầy biến cố nhưng không kém phần xúc động của chú chó Hachiko.
kilala.vn
15/03/2021
Bài: Ngọc Oanh
Nguồn: timeout, missdarcy.org, northlandakitas.com
Đăng nhập tài khoản để bình luận