“Người lính Nhật cuối cùng đầu hàng” sau 30 năm kết thúc Thế chiến 2

    Nhật Bản có một câu chuyện rất nổi tiếng về "người lính cuối cùng đầu hàng" sau khi thế chiến kết thúc 30 năm. Tuy nhiên, câu chuyện về sự tận trung này đến nay vẫn còn để lại nhiều sự tranh cãi.

    “Người lính Nhật cuối cùng đầu hàng” sau Thế chiến 2

    Đó là người đàn ông tên Onoda Hiro, sinh năm 1922 tại tỉnh Wakayama, Nhật Bản. Ông là người lính Nhật cuối cùng đầu hàng sau khi Thế chiến thứ 2 đã kết thúc 30 năm. Năm 1942, Onoda Hiro gia nhập quân đội Đế quốc Nhật Bản. Ông được đào tạo chuyên về chiến tranh du kích, chiến tranh phá hoại và thu thập tin tức tình báo.

    Tháng 12/1944, Onoda được phái tới đảo Lubang với nhiệm vụ quan sát bầu trời để phát hiện các máy bay ném bom của Mỹ. Onoda cùng với các đồng đội nhận được mệnh lệnh kèm với chỉ thị: “Anh tuyệt đối không được tự tử dù có chuyện gì xảy ra. Có thể mất 3 năm, có thể mất 5 năm nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ trở lại đón các anh. Cho đến lúc đó, miễn là chỉ còn 1 người lính thì anh vẫn phải tiếp tục lãnh đạo người đó. Anh có thể phải tiếp tục sống nhờ những trái dừa. Nếu vậy thì cứ ăn dừa mà sống! Trong mọi trường hợp, anh không được tự nguyện từ bỏ mạng sống của anh.”

    Onoda Hiroo
    Hiroo Onoda (phải) và em trai Shigeo Onoda (Ảnh: Wikipedia)

    Onoda rời Nhật tới Philippines theo Lữ đoàn Sugi (thuộc Sư đoàn số 8 của Hirosaki). Tại đây theo lệnh của đại tá Taniguchi và Takahashi, Onoda lãnh đạo một nhóm quân Nhật tiến hành chiến đấu độc lập trên đảo Lubang theo hình thức chiến tranh du kích. Do chiến đấu độc lập nên việc liên lạc với đơn vị của nhóm quân Nhật này tạm thời bị cắt đứt. Ông Onoda và 3 đồng đội vẫn tiếp tục cố thủ mà không biết rằng Nhật Bản đã đầu hàng quân đồng minh vào ngày 02/09/1945.

    Từ tháng 10/1945, nhóm của Onoda đã nhận được những truyền đơn về việc Chính phủ Nhật đầu hàng, tuy nhiên những người lính này không tin và cho rằng đó là tuyên truyền bịa đặt. Mãi đến sau đó, một người lính ra đầu hàng và trở về Nhật Bản. Những người còn lại vẫn tiếp tục ẩn trốn, ăn trộm gạo, chuối và trâu bò của người dân, thỉnh thoảng tấn công các cư dân địa phương và có lần còn đụng độ với cả binh lính Phillipines.

    Niềm tin che mờ lý trí: Đáng trách hay đáng thương?

    Tháng 10/1945, sau khi giết một con bò trong nông trại gần đó làm thức ăn, họ tình cờ nhìn thấy một tờ rơi của người dân đảo. Trong đó có thông điệp gửi cho họ nói: “Chiến tranh đã kết thúc ngày 15/08. Hãy xuống núi”. Do không tin được chuyện quân Nhật lại thua trận nhanh như thế, nên họ đã cho rằng tờ truyền tin này là giả và quân Đồng Minh đang lừa họ ra đầu hàng. Cuối cùng, khi gần hết năm đó, người dân trên đảo đã chán ngấy việc bị bắn và đột kích nên đã dùng một chiếc máy bay Boeing B-17 để thả tờ rơi khắp rừng – nơi nhóm của Onoda đang lẩn trốn. Mặc dù những tờ rơi này có lệnh đầu hàng từ Tướng Yamashita, những thành viên của nhóm Onoda một lần nữa xem những thông tin này là giả. Onoda cho rằng, nếu quân Nhật thắng, họ sẽ tới và đón các binh sĩ ở đảo Lubang về. 

    Khi biện pháp này không có hiệu quả với nhóm người của Onoda, ngày càng nhiều tờ rơi được thả xuống cùng báo chí từ Nhật, ảnh và thư từ gia đình các binh sĩ. Các phái đoàn từ Nhật được cử đến Lubang, đi vào rừng, dùng loa phóng thanh cầu xin các binh sĩ đầu hàng, tuy nhiên vẫn không có kết quả. Nhiều năm trôi qua, bốn người lính Nhật vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ gây rối kẻ thù từ trong rừng mỗi khi có cơ hội và thu thập thông tin tình báo ở mức tốt nhất có thể.

    Có lúc, khi nhìn thấy hầu hết mọi người đều mặc thường phục, họ bắt đầu nghĩ rằng đây cũng là trò lừa của lực lượng Đồng minh để lừa lính du kích Nhật mất cảnh giác. Họ nghĩ đến điều đó mỗi khi bắn vào “dân thường”. Mỗi lần như vậy, họ lại bị săn tìm. Dần dần, họ nghĩ rằng tất cả đều là kẻ thù, kể cả những người Nhật thường xuyên đến tìm và cố đưa họ về nhà. Đối với Onoda và nhóm của ông, những người này chắc chắn là tù binh bị bắt vào rừng để lừa họ ra khỏi nơi an toàn.

    Đảo Lubang
    Tấm bảng viết về ông Onoda trên đảo Lubang. (Ảnh: wikimapia)

    Sau 5 năm ở rừng, một thành viên nhóm là Akatsu đã quyết định đầu hàng nhưng không nói cho ba người còn lại. Anh ta đã tách nhóm và sau 6 tháng sống một mình trong rừng, anh ta đã đầu hàng trước những người mà anh ta nghĩ là quân Đồng minh vào năm 1949. Sau sự việc này, nhóm của Onoda ngày càng cẩn trọng và đi sâu vào rừng hơn nhằm che giấu tung tích của mình. Khoảng 5 năm sau nữa, một thành viên trong nhóm là Shimada đã bị giết chết trong một cuộc đụng độ trên bờ biển Gontin. Lúc bấy giờ, nhóm chỉ còn 2 người là Onoda và Kozuka.

    Trong 17 năm sau đó, Onoda và Kozuka vẫn sống trong rừng, thu thập tin tình báo càng nhiều càng tốt và tấn công “kẻ thù” bất kỳ khi nào có thể. Họ vẫn tin rằng cuối cùng quân Nhật Bản sẽ phái thêm lính tới và họ sẽ huấn luyện tân binh chiến tranh du kích, sử dụng thông tin tình báo để tái chiếm đảo Lubang. Bởi vì mệnh lệnh mà họ nhận được khi đến Lubang là ở nguyên vị trí, làm công việc của mình cho đến khi cấp trên tới và đưa họ đi.

    Tháng 10/1972, sau 27 năm lẩn trốn, Kozuka bị giết khi đụng độ với một nhân viên tuần tra Philippines. Phía Nhật Bản từ lâu đã cho rằng cả Onoda và Kozuka đều đã chết. Chính quyền Nhật Bản không nghĩ họ có thể sống lâu như thế trong rừng. Chỉ đến khi nhìn thấy xác Kozuka, họ bắt đầu nghĩ có thể Onoda vẫn còn sống cho dù anh này bị tuyên bố đã chết từ lâu.

    Hành trình trở về và sự chán nản đối với nước Nhật hiện đại

    Chính phủ Nhật Bản cử một nhóm vào rừng để tìm kiếm Onoda. Không may, Onoda – người đã có 27 năm kinh nghiệm trong việc lẫn trốn – lại luôn thắng thế trong “cuộc chơi” lần này. Không một ai có thể tìm được ông. Vào năm 1974, một sinh viên đại học tên là Nario Suzuki trong chuyến du lịch thế giới đã quyết định sẽ thử tìm gặp người lính “huyền thoại” này. Cậu tới đảo Lubang, đi bộ xuyên rừng tìm dấu hiệu của Onoda. 

    Đáng ngạc nhiên là khi hàng nghìn người trong 29 năm đã không thể tìm được Onoda thì cậu sinh viên này lại thành công. Cậu tìm thấy nơi trú ẩn của Onoda và phát hiện ông hiện vẫn còn sống. Sau đó, Suzuki đã cố thuyết phục Onoda về nhà với mình. Thế nhưng, Onoda từ chối! Ông ta vẫn khăng khăng cấp trên sẽ quay lại tìm mình cho dù chuyện gì xảy ra đi chăng nữa. Ông ta sẽ không đầu hàng cũng như không tin chiến tranh đã kết thúc cho đến khi cấp trên đến và ra lệnh cho ông ta. Suốt chừng ấy năm, Onoda đã giết chết 30 người Philippines và làm bị thương hơn 100 người, phá hủy nhiều vụ mùa của người dân địa phương.

    Onoda Hiroo
    Chàng sinh viên Nario Suzuki và Onoda (Ảnh: mayooshin.com)

    Suzuki sau đó về Nhật Bản với thông tin chấn động là đã tìm ra Onoda. Thiếu tá Taniguchi nay đã nghỉ hưu và làm việc trong hiệu sách đã được đưa gấp tới Lubang để gặp Onoda. Taniguchi đã nói với Onoda rằng Nhật Bản đã thua trận và ra lệnh cho ông từ bỏ vũ khí, đầu hàng người Philippines. Sau khi biết rằng mình đã lãng phí 30 năm cuộc đời và giết hại những người dân vô tội, ông Onoda cảm thấy như mình vừa bị giáng một đòn nặng nề. Sau này, ông tâm sự: “Đột nhiên mọi thứ đen ngòm. Một cơn bão gầm rú trong tôi. Tôi cảm thấy như một kẻ ngốc vì đã quá căng thẳng và cẩn trọng ở đấy. Tồi tệ hơn thế, tôi đã làm gì trong suốt những năm đó? Cơn bão dần qua đi và lần đầu tiên tôi đã hiểu: 30 năm làm lính du kích cho quân Nhật đã chấm dứt đột ngột. Đây là kết thúc!”

    Một buổi lễ kỳ lạ đã diễn ra sau đó. Vào ngày 10/03/1975, khi ở tuổi 62, ông Onoda ra khỏi rừng khi vẫn đang mặc bộ quân phục và trao lại thanh kiếm samurai cho Tổng thống Philippines lâm thời là ông Ferdinand Marcos. Tổng thống Marcos đã xá tội cho ông Onoda vì người lính này không hề hay biết chiến tranh đã kết thúc. Khi về Nhật Bản, Onoda được xem như một anh hùng. Quân đội Nhật cũng bồi thường cho ông một số tiền vì đã tận tâm phục vụ đất nước trong suốt 30 năm ở trong rừng. Tuy nhiên, cuộc sống ở Nhật Bản ngày ông trở về đã khác xa thời ông còn trẻ. Ông không hề thích việc nhiều giá trị đạo đức truyền thống mà ông tôn thờ, chẳng hạn như chủ nghĩa yêu nước, nay đã gần như không còn tồn tại. Chán nản với thời cuộc, Onoda đã quyết định đến Brazil, mua một nông trại ở đó và kết hôn.

    Onoda Hiroo
    Onoda trao lại thanh kiếm samurai cho Tổng thống Ferdinand Marcos. (Ảnh: Wikipedia)

    Sau này, Onoda cho ra một cuốn tự truyện với tiêu đề “No Surrender, My Thirty-Year War” (Không đầu hàng, cuộc chiến 30 năm của tôi). Trong đó, ông đã mô tả chi tiết về cuộc sống du kích của mình. Vào năm 1980, sau khi tình cờ đọc được mẩu tin về một thiếu niên Nhật Bản xuống tay giết chết cha mẹ của mình, ông Onoda càng trở nên chán nản hơn về tình trạng của đất nước và thanh niên Nhật Bản. Vì vậy, 4 năm sau, ông quyết định quay về Nhật Bản và thành lập trung tâm giáo dục thanh thiếu niên. Tại đây, ông dạy cho các em nhỏ về các kỹ năng sinh tồn và cách trở thành một công dân Nhật Bản trưởng thành hơn, độc lập hơn.

    Onoda Hiroo
    Cuốn tự truyện “No Surrender, My Thirty-Year War” của ông Onoda. (Ảnh: thumbs.worthpoint.com)

    Tháng 5/1996, ông Onoda trở lại Philippiness, đến hòn đảo Lubang nơi ông từng sống 30 năm và trao tặng 10.000 USD cho các trường học ở đây. 

    Ngày 16/1/2014, Hiro Onoda đã qua đời vì bị suy tim, khép lại cuộc đời một chàng lính tận trung.

    Câu chuyện của ông đã trở thành nguồn cảm hứng cho bộ phim The Last Imperial Soldier được công chiếu năm 2018. Theo bạn câu chuyện về người lính Nhật với tình yêu nước vĩ đại này được xem là đáng trách hay đáng thương?

    kilala.vn

    08/10/2020

    Bài: Uyên Nguyễn

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!