5 sự thật ít người biết về Samurai Nhật Bản
1. Chỉ có đàn ông mới có thể trở thành Samurai?
Thực tế có rất nhiều nữ chiến binh trong tầng lớp Samurai, được gọi là Onna Bugeisha (女武芸者). Họ cũng tham gia chiến đấu với nhiều “đồng nghiệp nam” khác. Chẳng hạn trong chiến tranh Genpei (1180 – 1185), Tomoe Gozen, vợ của vị Samurai nổi tiếng Minamoto Yoshinaka, đã cưỡi ngựa xông vào kẻ thù và chặt đầu hắn ta. Rất ấn tượng phải không?
Ngoài ra còn có Nakano Takeko, một nữ Samurai nổi bật khác đã dẫn đầu một nhóm nữ chiến binh tham gia trận chiến Aizu (1868) và đã trúng đạn ở ngực. Cô đã yêu cầu chị gái Yuko chặt đầu mình và chôn đi thay vì để bản thân bị bắt.
Mặc dù các nữ Samurai cũng mang thanh kiếm đặc trưng bên mình, nhưng vì tầm vóc nhỏ hơn nam giới, họ ưa dùng một cây thương dài gọi là Naginata hơn là kiếm Nhật như Katana.
2. Nhật Bản từng có nhiều Samurai hơn bạn nghĩ
Có không ít người nghĩ rằng Samurai là những chiến binh tinh nhuệ với số lượng ít ỏi. Nhưng thực tế, vào thời kỳ đỉnh cao, đã có hơn 2 triệu Samurai mang vũ khí đi “lang thang” khắp đất nước Nhật Bản. Họ chiếm khoảng 10% dân số, là tầng lớp xã hội duy nhất được phép sở hữu áp kiếm hoặc bất kỳ vũ khí nào một cách hợp pháp (từ sau năm 1588).
Ban đầu, “Samurai” có nghĩa là “những người phục vụ mật thiết với giới quý tộc”. Theo thời gian, thuật ngữ này đã phát triển và trở nên gắn liền với tầng lớp võ sĩ (Bushi) – những chiến binh trung lưu và thượng lưu nói riêng. Do có số lượng lớn và mang ảnh hưởng lâu đời trong lịch sử Nhật Bản, mỗi người Nhật hiện nay được cho là có ít nhất một dòng máu Samurai đang chảy trong người họ.
3. Bất cứ Samurai nào cũng trung thành?
Thực tế, trong thời kỳ đầu mới nổi vào thời Heian (794 – 1185), Samurai sẽ phục vụ bất kỳ ai trả nhiều tiền nhất để thuê họ làm nhiệm vụ bảo vệ. Nói cách khác, ban đầu các chiến binh này chỉ là tay sai của các lãnh chúa và các dòng họ quý tộc. Vì vậy, lòng trung thành của họ có thể thay đổi bất kỳ lúc nào. Bạn sẽ hỏi vậy những câu chuyện nổi tiếng về Samurai cực kỳ trung thành với chủ nhân thì thế nào. Tất nhiên là lịch sử Nhật Bản không thiếu những Samurai trung thành. Tuy nhiên không thế phủ nhận một vài trong số những câu chuyện kể này đã bị tách ra khỏi bối cảnh ban đầu và được viết lại trong nhiều thế kỷ sau đó. Quá trình viết lại cũng bị “thêm thắt” để phản ánh các giá trị về Samurai được lý tưởng hóa trong khoảng thời gian này chứ không đúng với bối cảnh xuất hiện câu chuyện. Các bản đã được chỉnh sửa và biên tập này lại là những phiên bản hiện đang được lưu hành phổ biến hiện nay.
Do khó tìm thấy các phiên bản cũ để đối chứng nên cũng xảy ra không ít câu chuyện bị “tam sao thất bản”. Ví dụ lãnh chúa Todo Takatora “nổi tiếng” khi thể hiện lòng “trung thành” từ chủ nhân này đến chủ nhân khác không dưới 7 lần trong suốt cuộc đời của mình.
4. Câu chuyện tình ái của Samurai không chỉ giới hạn ở người khác giới
Shudo (衆道), Wakashudo (若衆道) hay Nanshoku (男色) là những từ dùng để chỉ mối quan hệ giữa những nam nhân với nhau trong xã hội Nhật Bản thời xưa, bắt đầu từ thời Edo (1603 – 1868). Mối quan hệ này thường là giữa một người đàn ông trưởng thành hoặc một tiền bối ở lĩnh vực nào đấy với một thiếu niên trẻ tuổi hơn. Và tất nhiên, Wakashudo cũng phổ biến trong giới Samurai vào thời này. Trên thực tế, hiếm có Samurai nào từ chối tham gia “cuộc vui” với một người yêu (nam giới) trẻ hơn – thường là người mà anh ta đang huấn luyện. Độ phổ biến lớn đến mức một Daimyo (lãnh chúa) nếu không tham gia vào Wakashudo thì sẽ phải đối mặt với vài “điều xầm xì” sau lưng.
Nhưng điều đó không có nghĩa là mọi Samurai đều có xu hướng đồng tính luyến ái. Chỉ là nó không hiếm như hầu hết mọi người đã nghĩ.
5. Người nước ngoài cũng có thể trở thành Samurai
Hình ảnh Samurai mà chúng ta được nhìn thấy hiện nay hầu như chỉ dành cho người Nhật Bản. Nhưng thực tế, danh hiệu Samurai cũng từng được trao cho những người ngoại quốc trong lịch sử Nhật Bản. Ví dụ như trường hợp vị tướng quân nổi tiếng Ieyasu Tokugawa đã chính tay tặng 2 thanh kiếm (đại diện sức mạnh của một Samurai) cho thủy thủ và nhà thám hiểm người Anh – William Adams (1564 – 1620). Do đó, ông là người phương Tây đầu tiên trở thành Samurai. Tiếp theo sau là nhiều người ngoại quốc khác như đồng nghiệp người Hà Lan của Adams (Jan Joosten van Lodensteijn), một sĩ quan Hải quân (Eugene Collache) và một huấn luyện viên quân sự người Phổ (Edward Schnell) cũng được vinh dự trở thành một Samurai.
kilala.vn
16/02/2021
Bài: .Ngưn.
Lược dịch thông tin từ: Japan Daily
Đăng nhập tài khoản để bình luận