Top 30 từ tiếng Nhật đại diện cho năm 2022
Trong năm 2022, đại dịch, bóng chày và anime là những chủ đề nổi bật được thảo luận sôi nổi tại xứ sở hoa anh đào.
Đến hẹn lại lên, danh sách 30 từ, cụm từ đề cử trong khuôn khổ cuộc thi "Buzzword of the year" năm 2022 đã được nhà xuất bản Jiyuu Kokumin Sha công bố vào ngày 04/11 vừa qua. Chúng sẽ cùng bước vào vòng chung kết để tìm ra 10 buzzword cuối cùng và kết quả sẽ được công bố vào ngày 01/12 sắp tới.
Người Nhật bàn luận gì trong năm 2022?
Đại dịch vẫn là chủ đề dành được nhiều sự quan tâm tại Nhật và làm sản sinh ra nhiều từ, cụm từ buzzword trong danh sách năm nay, chẳng hạn như "Omikuron Kabu" liên quan đến SARS-CoV-2 hay "Kao Pantsu" gắn liền với khẩu trang.
Trong khi đó, bóng chày – môn thể thao “vua” tại Nhật cũng góp mặt trong danh sách, xoay quanh hai ngôi sao Shohei Ohtani hay Roki Sasaki. Ngoài ra, khủng hoảng kinh tế, bất ổn chính trị hay giải trí cũng lần lượt tham gia danh sách với nhiều buzzword độc đáo.
Xem thêm: "Riaru nitouryuu" và "Shou taimu" được chọn là từ của năm 2021
Danh sách buzzword được đề cử trong năm 2022
インティマシー・コーディネーター — Intimashii koudineetaa
"Intimashii koudineetaa" xuất phát từ chữ “Intimacy Coordinator”, tức “điều phối viên cảnh nóng”, một vị trí mới trong đoàn phim, tham gia vào quá trình quay những cảnh 18+. Họ sẽ lắng nghe mong muốn của diễn viên và mang đến giải pháp trường quay an toàn, cũng như đảm bảo các thỏa thuận giữa diễn viên với nhà sản xuất.
Xem thêm: Từ thần tượng ngầm đến diễn viên phim người lớn - hiện thực tàn khốc tại Nhật Bản
インボイス制度 — Inboisu seido
"Inboisu seido" xuất phát từ “Invoice system – Hệ thống hóa đơn” trong tiếng Anh. Cách tính và báo cáo thuế tiêu dùng của Nhật bắt đầu thay đổi từ năm 2023 với hệ thống hóa đơn mới yêu cầu các đơn vị kinh doanh phát hành và lưu trữ những hóa đơn đủ điều kiện để đảm bảo việc theo dõi thu, đóng thuế chính xác hơn. Tuy nhiên, hệ thống mới này lại trở thành gánh nặng về báo cáo, lưu trữ hồ sơ với các công ty nhỏ và bị chỉ trích là khó hiểu.
大谷ルール — Ootani ruuru
"Ootani ruru" (Ohtani rule) là luật mới của giải Major League Baseball (MBL), bắt nguồn từ ngôi sao bóng chày Shohei Ohtani, người chơi ở cả hai vị trí ném bóng (Pitcher) và đập bóng (Batter/Hitter) ở đội Los Angeles Angels.
Luật mới này cho phép một cầu thủ ném bóng có mặt trong danh sách đập bóng của đội hình vẫn có thể tiếp tục tham gia trận đấu với tư cách là DH (designated hitter - tay đập được chỉ định) sau khi được thay ra khỏi vị trí pitcher. Về cơ bản, một người chơi cả hai vị trí sẽ được coi là hai người chơi riêng biệt trên danh sách đội hình.
オーディオブック — Oodiobukku
"Oodiobukku" (Audiobooks – Sách nói) đang dần trở nên phổ biến với người đọc sách ở Nhật, nhất là trong thời đại điện thoại thông minh lên ngôi.
OBN
"OBN" viết tắt từ “Old boys’ network – Oorudo bouizu nettowaaku” liên quan đến mạng lưới các mối quan hệ cá nhân, nhất là trong nam giới, định hình nên văn hóa công sở và quyết định những người có quyền lực trong doanh nghiệp, chính phủ. Những tổ chức nơi OBN có sức ảnh hưởng lớn thường đưa ra các quyết định kín, mà không có sự tham gia của phụ nữ.
オミクロン株 — Omikuron Kabu
Dùng để chỉ chủng Omicron của virus SARS-CoV-2 với ca nhiễm đầu tiên xuất hiện tại Nam Phi vào tháng 11/2021, được đánh giá có khả năng lây nhiễm nhanh hơn chủng trước, tác nhân gây ra làn sóng COVID-19 thứ sáu tại Nhật.
顔パンツ — Kao pantsu
Xuất phát từ “Face underwear”, "Kao Pantsu" chỉ biểu cảm của một người cảm thấy ngại ngùng khi xuất hiện ngoài đường mà không đeo khẩu trang trong thời đại dịch.
ガチ中華 — Gachi Chuuka
“街中華 – Machi Chuuka” nghĩa là “nhà hàng Trung Quốc nổi tiếng gần nhà”, chỉ những nơi bán mì và cơm chiên hợp với khẩu vị của người Nhật. Còn trong ”Gachi Chuuka", Gachi có nghĩa là “chật kín”, chỉ những nhà hàng ở Ikebukuro và các quận khác mà người Trung ghé đến thưởng thức ẩm thực đất nước họ. Những nhà hàng này “lên ngôi” khi du lịch nước ngoài bị phong tỏa ở Nhật.
キーウ — Kiiu
Đây là tên gọi mới của thành phố Kiev (hay Kyiv) của nước Ukraina. Trong cuộc chiến với Nga, thành phố này thường xuyên xuất hiện trên các bản tin của Nhật. Các đơn vị truyền thông của Nhật đã thay đổi tên gọi của nó từ "キエフ - Kiefu" thành "キーウ - Kiiu".
きつねダンス — Kitsune dansu
Đội cổ động “Fighters Girls” của đội bóng chày Hokkaido Nippon Ham Fighters đã biểu diễn “Kitsune dansu – Điệu nhảy cáo” trên nền nhạc của ca khúc hit The Fox (What Does the Fox Say?) của cặp đôi hài Ylvis. Phần nhảy và lời ca bắt tai đã tạo sự bùng nổ trên sân bóng.
国葬儀 — Kokusougi
"Kokusougi" (quốc tang) trở thành tin tức nóng trong năm nay khi Đảng Dân chủ Tự do quyết định tổ chức quốc tang cho cố Thủ tướng Shinzo Abe.
Trong thời Hậu chiến, Nhật ban hành quy định quốc tang chỉ dành cho Thiên hoàng, Thiên hậu cùng những nhân vật phù hợp được đề cử bởi Thủ tướng, nhưng nó đã hết hiệu lực vào năm 1947 và Hiến pháp hiện tại không có quy định cho việc này.
Tuy nhiên, vẫn có quốc tang dành cho Thủ tướng. Trước đó, Nhật từng tổ chức quốc tang cho cựu Thủ tướng Yoshida Shigeru, qua đời năm 1967. Như vậy, quốc tang của ông Abe vừa qua là lễ tang cấp nhà nước thứ hai dành cho cựu Thủ tướng kể từ sau Thế chiến hai.
こども家庭庁 — Kodomo katei chou
"Kodomo katei chou" nghĩa là “Cơ quan gia đình và trẻ em” sẽ bắt đầu hoạt động vào tháng 04/2023 như một tổ chức bên ngoài của Văn phòng Nội các, được lập ra sau khi Luật cơ bản về trẻ em mới được ban hành trong tháng 6/2022 ở Nhật. Trong khi Bộ Giáo dục Nhật vẫn tiếp tục quản lý giáo dục trẻ em, thì cơ quan mới sẽ chịu trách nhiệm những lĩnh vực mà người trẻ quan tâm.
宗教2世 — Shuukyou 2-sei
“Shuukyou 2-sei – Thế hệ tín đồ thứ hai” chỉ con cái của tín đồ một số tôn giáo. Họ lớn lên trong môi trường mà đức tin của cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình đã khá vững chắc. Được sáng tạo bởi Tsukada Hotaka - chuyên gia về xã hội học và tôn giáo, nó được sử dụng rộng rãi sau khi động cơ gây án của người cầm súng bắn ông Abe được làm sáng tỏ.
知らんけど — Shiran Kedo
Cụm từ "Shiran Kedo" có nghĩa là “Tôi đoán thế” hay “Dù nó không giống với những gì tôi biết”, thường được dùng ở cuối câu như một cách từ chối việc chịu trách nhiệm với nội dung vừa nói. "Shiran Kedo" được dùng rộng rãi bởi người Nhật ở vùng Kansai trong những năm gần đây, rồi lan đến Tokyo và những nơi khác ở Kanto.
SPY x FAMILY
Đây là tên bộ manga về một gia đình “kỳ lạ” của Endou Tatsuya ra mắt vào năm 2019, gây tiếng vang khắp thế giới. Vào tháng 04/2022, anime “SPY x FAMILY” cũng đã được công chiếu.
スマホショルダー — Sumaho shorudaa
Nghĩa là chiếc túi đựng smartphone, thường được đeo chéo qua vai. Đây là vật dụng quen thuộc với mọi lứa tuổi hiện nay, với kiểu dáng từ đơn giản đến phức tạp.
青春って、すごく密なので — Seishuntte, sugoku mitsu nanode
Trong năm 2020, cụm từ “Mittsu no Mitsu” (三つの密 hoặc viết gọn là 3密) - bộ khẩu hiệu gồm ba quy tắc giúp mọi người phòng thân trong mùa dịch đã trở thành từ của năm.
Tuy nhiên, trong một buổi phỏng vấn sau khi đội bóng trường cấp hai Sendai Ikuei Gakuen trở thành ngôi trường đầu tiên ở vùng Tohoku giành chức vô địch bóng chày toàn quốc, Sue Wataru, huấn luyện viên của đội bóng đã nói “Seishuntte, sugoku mitsu nanode” để nhấn mạnh những căng thẳng mà khẩu hiệu gây ra với thế hệ trẻ, bởi “giới trẻ thì cần gần gũi và riêng tư”.
#ちむどんどん反省会 — #Chimu dondon hanseikai
Mang nghĩa “cuộc họp đánh giá phim Chimu dondon”, hashtag này đã trở nên phổ biến trong cộng đồng fan hâm mộ bộ phim truyền hình buổi sáng "Chimu dondon" trên đài NHK, kể về cuộc sống của cô gái trẻ Nobuko và gia đình ở Okinawa. Sau mỗi tập mới phát sóng, người hâm mộ lại tổ chức Hanseikai để theo kịp những diễn biến của phim.
丁寧な説明 — Teinei na setsumei
"Teinei na setsumei" có nghĩa là giải thích cặn kẽ và dễ hiểu, xuất phát từ lời hứa của Thủ tướng Fumio Kishida trước công chúng quan tâm đến quyết định tổ chức quốc tang cho cựu Thủ tướng Abe Shinzo.
てまえどり — Temaedori
Cụm từ “Temaedori” được ghép từ “Temae – Trước” và “Toru – Lấy”, dùng để chỉ việc chọn mua những sản phẩm đặt trước quầy hàng, thường sắp hết hạn sử dụng thay vì các sản phẩm xếp ở phía sau, nếu khách hàng có ý định mua về dùng ngay. Xu hướng này ra đời nhằm giúp giảm lãng phí thực phẩm, vốn đang là vấn đề cấp bách của Nhật.
ヌン活 — Nunkatsu
Được ghép từ chữ “Nun – Noon” trong “Afternoon – Buổi chiều” và “Katsu – Hoạt động”, Nunkatsu dùng để chỉ việc tận hưởng tiệc trà sang trọng tại một khách sạn sang trọng, để trở nên "năng động" hơn vào buổi chiều. Xu hướng này nở rộ ở Nhật như một phần của việc phản ứng lại cảm giác bị “giam cầm” trong đại dịch.
Big Boss
Đây là biệt danh mà huyền thoại bóng chày Shinjou Tsuyoshi tự đặt cho mình sau khi quay trở lại giải NPB với tư cách là quản lý cho đội Hokkaido Nippon Ham Fighters đang gặp khó khăn.
村神様 — Murakami-sama
Tuyển thủ Munetaka Murakami trong đội bóng chày Tokyo Yakult Swallows đã tạo nên một mùa giải xuất sắc khi ghi được 56 cú home-run và trở thành tay chơi bóng trẻ tuổi nhất đạt ba danh hiệu, bao gồm lượt đánh bóng trung bình cao nhất, ghi nhiều cú home-run nhất và RBI cao nhất. Do vậy, các fan hâm mộ đã dành nhiều lời khen cho màn biểu diễn “thần thánh” của anh chàng, họ đã đổi chữ Kanji trong họ của anh từ “村上” thành “村神” với “神 – Kami" là "Thần”, rồi thêm hậu tố “Sama” trang trọng nhất để tạo nên tên gọi “Murakami-sama”.
メタバース — Metabaasu
Các dịch vụ Metaverse đang rất được quan tâm tại Nhật khi nước này đang tập trung đầu tư vào Web 3.0 (giai đoạn thứ 3 của sự phát triển Internet, bằng cách khai thác trí tuệ nhân tạo, công nghệ blockchain) và các công nghệ IT khác trong nỗ lực chuyển đổi kỹ thuật số.
ヤー!パワー! — Yaa! Pawaa!
Yaa! Pawaa! (Ya, Power!) là câu mở đầu bắt tai và tràn đầy năng lượng trong các video trên kênh TikTok của nghệ sĩ hài Nakayama Kinnikun để thu hút lượt khán giả xem kênh.
ヤクルト1000 — Yakuruto 1000
Yakuruto 1000 dùng để chỉ sản phẩm sữa uống lên men Yakult 1000 ra mắt vào tháng 10/2021, đã tạo nên cú hit bởi chứa chủng vi khuẩn axit lactic khác biệt mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như giảm căng thẳng và cải thiện giấc ngủ.
リスキリング — Risukiringu
"Risukiringu" (Reskilling) là quá trình học các kỹ năng mới để có thể làm công việc khác hoặc đào tạo mọi người làm một công việc khác. Đây là thuật ngữ phổ biến trong ngành IT và các ngành liên quan đến kỹ thuật số tại Nhật, được sử dụng rộng rãi bởi các công ty đang muốn đào tạo nhân viên có thể làm nhiều công việc khác nhau, hoặc người lao động muốn thăng tiến hay thay đổi nghề nghiệp.
ルッキズム — Rukkizumu
"Rukkizumu" xuất phát từ “Lookism” trong tiếng Anh, dùng để chỉ xu hướng đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài hoặc đặc điểm thể chất của họ. Vấn đề này đang thu hút nhiều sự quan tâm hiện nay, nhất là trên mạng xã hội – nơi các bình luận tiêu cực và nhiều hình thức lạm dụng khác nhắm vào một người nào đó có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến họ.
令和の怪物 — Reiwa no Kaibutsu
Mang nghĩa “Quái vật thời Reiwa”, "Reiwa no Kaibutsu" là biệt danh fan hâm mộ của đội Lotte Marines dành tặng cho tuyển thủ bóng chày Roki Sasaki.
Vào ngày 10/04, Sasaki trở thành cầu thủ bóng chày chuyên nghiệp trẻ tuổi nhất trong vòng 28 năm hoàn thành được một trận đấu hoàn hảo. Sasaki đã có cơ hội làm điều tương tự ở trận tiếp theo, nhưng sau đó anh đã được thay ra ở hiệp thứ 9 vì quản lý muốn đảm bảo sức khỏe. Do vậy, anh đã từ bỏ cơ hội trở thành tay ném đầu tiên trong lịch sử bóng chày chuyên nghiệp Nhật ném hai trận hoàn hảo liên tiếp.
悪い円安 — Warui en-yasu
"Warui en-yasu" mang nghĩa “sự tồi tệ của đồng yên suy yếu”. Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Suzuki Shunichi từng phát biểu rằng sự suy yếu của đồng yên là điều tồi tệ với người Nhật khi các yếu tố như cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine làm gia tăng bất ổn khắp toàn cầu.
Đồng yên đã có mức giảm sâu nhất trong 32 năm qua so với đồng đô la Mỹ, rơi vào mức 1 USD = 150 yên trong tháng 10. Sự sụt giá của đồng yên đã làm cho tình trạng lạm phát ở Nhật trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết, làm khuấy đảo cuộc sống của các gia đình Nhật với giá cả nhu yếu phẩm và năng lượng đều tăng.
Xem thêm: “Bão giá” tại Nhật khiến người dân lao đao
Với những từ buzzwords trên, theo bạn, đâu là sẽ từ đại diện cho năm 2022 này?
kilala.vn
16/11/2022
Bài: Rin
Nguồn: Nippon
Đăng nhập tài khoản để bình luận