150 năm bóng chày Nhật Bản

    Đã 150 năm kể từ khi nhà giáo dục người Mỹ Horace Wilson bắt đầu dạy học sinh ở Tokyo về bóng chày, mở ra con đường phát triển của bộ môn này tại Nhật Bản. Khác với phần còn lại của thế giới xem bóng đá là “môn thể thao vua”, ở đất nước mặt trời mọc, danh hiệu đó thuộc về bóng chày. 

    trong 150 năm qua, ý nghĩa của bóng chày (野球 - Yakyuu - Dã Cầu) với người dân Nhật và vị thế của bóng chày Nhật trên bản đồ thế giới cũng đã dần thay đổi. Đến nay, Nhật Bản đã trở thành một quốc gia có thành tích ấn tượng, là cái nôi sản sinh ra nhiều tài năng như Hideo Nomo, Ichiro Suzuki, Shohei Ohtani và gần đây nhất tài năng mới nổi Roki Sasaki. 

    Đặt chân đến Nhật Bản

    Làm thế nào mà Nhật Bản – đất nước không có môn thể thao truyền thống nào ngoài võ thuật, lại trở thành một quốc gia hùng mạnh về bóng chày? Đây được ví như câu chuyện cổ tích gây tò mò, liên quan đến việc du nhập ý tưởng mới, bản sắc dân tộc và quan trọng nhất, không gì khác ngoài niềm đam mê mãnh liệt của người dân Nhật dành cho môn thể thao này. 

    chân dung Horace Wilson
    Chân dung ông Horace Wilson. Ảnh: milibrary.org

    Bóng chày được giới thiệu tại Nhật Bản như một môn thể thao học đường vào năm 1872 bởi Horace Wilson, một giáo sư tiếng Anh người Mỹ, tại Học viện Kaisei, Tokyo.

    Dù tình cờ được du nhập trong quá trình Nhật Bản học hỏi các tri thức tiến bộ từ nước ngoài để củng cố đất nước sau Thế chiến thứ hai, bóng chày đã trở thành ngọn đuốc hy vọng cho người dân nước này khi một đội bóng trung học của Nhật đã đánh bại đội bóng chày người lớn của Hoa Kỳ (thành lập tại cảng Yokohama) vào năm 1896.

    đội bóng chày của trường Ichiko
    Đội bóng chày của trường Ichiko. Ảnh: Kyodo 

    Đội bóng trung học "anh hùng" trên đến từ trường Ichiko, một trường dự bị đại học uy tín của Nhật, thành lập vào năm 1874. Đây là ngôi trường đã đưa môn thể thao mới của phương Tây vào giảng dạy, kết hợp nó với những đức tính của chiến binh Nhật thời phong kiến.

    Chiến thắng của đội bóng chày trường Ichiko trước người Mỹ nhanh chóng được các thủy thủ lan truyền, từ đó khơi dậy sự quan tâm của người Nhật đến bộ môn thể thao còn khá mới mẻ này. Họ bắt đầu đổ xô đến để xem hiện tượng thể thao có một không hai, và dần dà bóng chày có được chỗ đứng vững chắc trong lòng người dân Nhật.

    đội bóng chày Shimbashi Athletic Club
    Shimbashi Athletic Club, đội bóng chày đầu tiên của Nhật Bản. Ảnh: Kyodo

    Đội bóng chày có tổ chức đầu tiên của Nhật Bản là Shimbashi Athletic Club, được thành lập bởi kỹ sư Hiroshi Hiraoka vào năm 1878. Người chơi trong đội là những nhân viên của tuyến đường sắt đầu tiên của Nhật, nằm giữa Yokohama và quận Shimbashi, Tokyo.

    Trở thành môn thể thao quốc dân

    Vài năm sau chiến thắng vẻ vang, vị thế của trường Ichiko với bóng chày đã bị thay thế bởi các trường dạy nghề chuyên nghiệp ở Tokyo, mà sau này phát triển thành Đại học Waseda và Đại học Keio.

    đội bóng chày của đại học Waseda
    Đội bóng chày của Đại học Waseda đến Mỹ thi đấu vào năm 1905. Ảnh: Kyodo 

    Tuy vậy, không lâu sau đó, bóng chày tại Nhật bị chỉ trích dữ dội do những hành vi thô lỗ của các cầu thủ lẫn người hâm mộ. Chuyến thi đấu tại Mỹ vào năm 1905 của Đại học Waseda trong thời điểm xảy ra Chiến tranh Nga – Nhật bị chế giễu là "không ái quốc". Sau đó một năm, vào năm 1906, các fan hâm mộ quá khích của Waseda và Keio đã khiến cho loạt sự kiện hàng năm của trường lẫn sự kiện thể thao nổi tiếng nhất Nhật Bản bị đình chỉ. 

    Ý kiến cho rằng sức hút của bóng chày đã vượt khỏi tầm kiểm soát của người Nhật đã dẫn đến một loại bài xã luận nổi tiếng vào năm 1911 mang tên “Chất độc của bóng chày”, đặt nền móng cho việc biến nó trở thành một môn thể thao “thuần Nhật”. 

    Vào năm 1915, tờ Osaka Asahi Shimbun đã tận dụng bóng chày để mở rộng số lượng độc giả với việc tổ chức giải đấu quốc gia cho các nam sinh trung học. Giải đấu nổi bật với hình thức thi đấu loại trực tiếp, sau này trở thành giải vô địch trung học phổ thông mùa hè Koshien - mục tiêu cao nhất của tất cả các cầu thủ bóng chày lứa tuổi trung học tại Nhật.

    Tuy vậy, điều này lại khiến cho các trường ở xa phải di chuyển đến nơi thi đấu, phần nào làm phong độ của họ giảm sút, giải đấu ít hấp dẫn hơn. 

    lễ khai mạc giải vô địch bóng chày trung học Koshien
    Lễ khai mạc Giải vô địch bóng chày trung học tại sân vận động Hanshin Koshien ở Nishinomiya, Hyogo vào ngày 10/08/2021. Ảnh: Mainichi 

    Mặc dù mục tiêu phải tham gia được giải Koshien không còn cần thiết nữa, nhưng nó đã ăn sâu vào tâm trí người hâm mộ lẫn người chơi đến tận ngày nay. Koshien trở thành động lực cho nhiều thế hệ học sinh kể từ khi các em còn học tiểu học, làm xuất hiện những cầu thủ ném bóng (pitcher) tiểu học xuất sắc, có thể thi đấu trong 5-6 trận trong vòng một tuần. 

    Ngay khi nền kinh tế Nhật bùng nổ sau Thế chiến thứ nhất, tiền được đổ vào bóng chày dẫn đến sự gia tăng các đội bóng doanh nghiệp. Đội bóng chày chuyên nghiệp đầu tiên đã được thành lập vào năm 1920, có tên là Nippon Undo Kyokai. Họ đã thi đấu lần đầu với câu lạc bộ chuyên nghiệp thứ hai của Tokyo là Tenkatsu vào tháng 06/1923.

    các thành viên của đội bóng chày Nippon Undo Kyokai
    Các thành viên của đội bóng chày Nippon Undo Kyokai. Ảnh: Kyodo 

    Tuy nhiên, vào ngày 01/09/1923, trận đại động đất Kanto đã biến Tokyo trở thành một vùng đất hoang tàn, làm gián đoạn quá trình phát triển của môn thể thao này.

    Những nỗ lực phát triển các giải đấu chuyên nghiệp không có tiến triển mãi cho đến năm 1934, khi ông Matsutaro Shoriki, chủ tòa soạn Yomiuri Shimbun đã mời đến Nhật những cầu thủ đang thi đấu ở các giải lớn trên thế giới, bao gồm cả Bebe Ruth.

    Khi ấy, cầu thủ bóng chày nghiệp dư bị cấm thi đấu với cầu thủ chuyên nghiệp, buộc ông Shoriki phải thành lập một đội chuyên nghiệp để tranh tài. Ông chủ yếu xây dựng nên đội bóng của mình từ những cựu ngôi sao bóng chày đại học, và lôi kéo thêm cặp pitcher gồm Eiji Sawamura cùng Victor Starffin, những người sau này sẽ ghi tên mình vào lịch sử. 

    tượng đài bóng chày Hoa Kỳ Babe Ruth
    Tượng đài bóng chày của Hoa Kỳ, Babe Ruth đến Yokohama, Nhật Bản vào năm 1934. Ảnh: Kyodo 

    Sự thành công của giải đấu đã dẫn đến việc thành lập giải bóng chày chuyên nghiệp đầu tiên của Nhật Bản mang tên “Nippon Professional Baseball” (NPB) vào năm 1936, với đội Yomiuri Giants là một thành viên sáng lập. Vào năm 2014, câu khẩu hiệu của giải NPB là “Kỷ niệm 80 năm bóng chày chuyên nghiệp”, tức là kỷ niệm 80 năm ra đời đội Yomiuri Giants, dù trên thực tế bóng chày chuyên nghiệp của Nhật đã ra đời cách đó 94 năm với đội Nippon Undo Kyokai. 

    đội bóng chày chuyên nghiệp tiền thân của Yomiuri Giants
    Đội bóng chày chuyên nghiệp được thành lập bởi Yomiuri Shimbun đi thi đấu tại Hoa Kỳ vào năm 1935. Ảnh: Kyodo 

    Bóng chày Nhật - hiện tại và tương lai 

    Cho đến nay, bóng chày vẫn được xem là “môn thể thao vua” ở đất nước mặt trời mọc và mang lại danh tiếng cũng như thu nhập đáng nể cho các vận động viên. Theo Statista, trong mùa giải NPB năm 2021, thu nhập trung bình của một vận động viên là vào khoảng 41,7 triệu yên. Trong số các đội, cầu thủ bóng chày của Fukuoka SoftBank Hawks sở hữu mức thu nhập trung bình cao nhất, tiếp theo sau là đội Yomiuri Giants.

    Hai gương mặt cầu thủ bóng chày đang được công chúng quan tâm nhiều nhất hiện nay là ngôi sao Shohei Ohtani, vừa là một pitcher (tay ném) vừa là tay đập bóng quan trọng, và Roki Sasaki - người được mệnh danh là “Quái vật thời Reiwa” bởi tốc độ ném bóng cực nhanh (163km/giờ). 

    cầu thủ bóng chày Shohei Ohtani
    Ngôi sao bóng chày Shohei Ohtani. Ảnh: Mainichi 

    Tuy vẫn được kỳ vọng là môn thể thao phổ biến hàng đầu ở Nhật trong một thời gian dài nữa, nhưng những năm gần đây chứng kiến sự bùng nổ của bóng đá khi nhiều sinh viên đại học Nhật dường như hướng tới giải bóng đá J1-League hơn là bóng chày. 

    Theo một cuộc khảo sát vào năm 2005, 52% người khảo sát chọn bóng chày chuyên nghiệp là môn thể thao phổ biến nhất tại Nhật Bản và 23% còn lại chọn bóng đá. Một cuộc khảo sát tương tự vào năm 2013 cho kết quả 48% chọn bóng chày, còn tỷ lệ chọn bóng đã đã tăng đến 36%. Những khảo sát của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ cũng cho thấy bóng đá đang dần thay thế bóng chày trở thành môn thể thao được yêu thích trong lứa tuổi trung học.

    bóng đá nhật bản
    Vị thế của bóng đá đang dần nâng cao trong giới hâm mộ thể thao Nhật. Ảnh: cdn.vox-cdn.com 

    Bản thân môn thể thao bóng chày cũng dần xuất hiện những thay đổi trong những năm gần đây. Đầu tiên đó sự sáng tạo và táo bạo. Điển hình như Shohei Ohtani được tạo cơ hội để chơi ở cả hai vị trí, và không cần phải nói, điều này đã mang đến thành công rực rỡ.

    Tiếp đến là sự lung lay của tư tưởng “thuần Nhật” - buộc phải chiến thắng bằng mọi giá, vốn tồn tại kể từ thời chiến tranh. Khảo sát của Liên đoàn Bóng chày Nhật Bản cùng các bác sĩ thể thao cho thấy khoảng 60-70% cầu thủ bóng chày trẻ tuổi tại Nhật bị chấn thương, đặc biệt là ở vai và khuỷu tay, nặng hơn ở các cầu thủ ném bóng, vì phải chơi quá sức.

    Tuy nhiên ở giải đấu chung kết các tỉnh vào năm 2019, cầu thủ tài năng Roki Sasaki đã từ chối tham gia vào một trận đấu quan trọng, khi đội Ofunato High mà anh đang chơi chỉ thêm một trận thắng nữa là sẽ có cơ hội thi đấu tại Koshien. Điều này đã dẫn đến cơn bão dư luận trên khắp nước Nhật. Với nhiều học giả, chính Sasaki là người đặt viên gạch cho việc thay đổi tư tưởng “phải thắng” của bóng chày xứ anh đào.

    cầu thủ bóng chày Roki Sasaki
    Cầu thủ bóng chày Roki Sasaki. Ảnh: Mainichi

    Vào tháng 04/2022, trong trận đấu giữa Chiba Lotte Marines và Hokkaido Nippon Ham Fighters, Sasaki đã được thay ra ở hiệp thứ 9, dù đang có cơ hội trở thành tay ném đầu tiên trong lịch sử bóng chày chuyên nghiệp Nhật Bản ném hai trận hoàn hảo liên tiếp. Trong bóng chày, trận đấu hoàn hảo (perfect game) là trận đấu trong đó một hoặc nhiều cầu thủ ném bóng (pitcher) hoàn thành tối thiểu 9 hiệp đấu mà không có người đánh bóng (batter) nào từ đội đối phương chạm được đến bất kỳ chốt gôn (base) nào.

    Đây là dấu hiệu rõ nét nhất cho thấy cả người hâm mộ và cầu thủ đang nhìn nhận bóng chày hướng về tương lai để bảo vệ sức khỏe cho người chơi, hơn là tuân theo truyền thống chiến thắng bằng mọi giá.

    kilala.vn

    27/08/2022

    Bài: Rin
    Nguồn: Kyodo News

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!