3 người Nhật góp mặt trong danh sách Time100 năm 2021
Danh sách 100 người ảnh hưởng nhất thế giới năm 2021 đã được Tạp chí Time của Mỹ công bố, trong đó, 3 người Nhật được xướng tên là cầu thủ bóng chày Shohei Ohtani, tay vợt nữ Naomi Osaka và bậc thầy kiến trúc sư Kengo Kuma.
Danh sách 100 người ảnh hưởng nhất thế giới do Tạp chí Time bình chọn, gọi tắt là Time100, được công bố lần đầu tiên vào năm 1999 để bầu chọn những nhân vật có tầm ảnh hưởng tới thế giới trong thế kỷ 20, đứng đầu là nhà bác học Albert Einstein. Những người có mặt trong Time100 có thể là nguyên thủ quốc gia, chính trị gia, nhà lãnh đạo, ca sĩ, nhạc sĩ… Họ được công nhận vì đã làm thay đổi thế giới, bất luận ảnh hưởng đó là xấu hay tốt. Việc xuất hiện trong danh sách Time100 được xem là một vinh dự vô cùng to lớn. Đến năm 2004, Tạp chí Time quyết định sẽ công bố danh sách Time100 vào mỗi năm. Trong năm 2021, danh sách này được chia thành 6 nhóm: Biểu tượng (Icons), Người tiên phong (Pioneers), Người khổng lồ (Titans), Nghệ sĩ (Artists), Nhà lãnh đạo (Leaders) và Nhà cách tân (Innovators).
Hai vận động viên Shohei Ohtani và Naomi Osaka
Shohei Ohtani, cầu thủ bóng chày nổi tiếng và Naomi Osaka, nữ hoàng tennis thế hệ mới đã được xếp vào nhóm “Icons – Biểu tượng” trong danh sách Time100 năm 2021, cùng với Hoàng tử Harry và vợ Meghan ở vị trí đầu tiên.
Shohei Ohtani
Shohei Ohtani sinh ngày 05/07/1994, là cầu thủ bóng chày rất được yêu thích ở Nhật Bản, nơi bộ môn này thống trị và được gọi là môn thể thao vua. Shohei theo học cấp 3 ở trường Trung học Hanamaki Higashi, tỉnh Iwate. Ngay từ khi còn là vận động viên bóng chày ở trường, anh đã ném bóng với tốc độ 160km/h và tham gia thi đấu ở Giải vô địch bóng chày trung học quốc gia Nhật Bản, hay còn được gọi là giải Koshien mùa hè, cũng như Giải 18U Baseball World Championship năm 2012. Với tài năng nổi trội của mình, anh được rất nhiều đội tuyển bóng chày trong và ngoài nước săn đón. Shohei bày tỏ mong muốn được tham gia các giải thi đấu lớn ngay sau khi học xong trung học. Do vậy, rất nhiều đội tuyển quốc tế muốn anh đầu quân như Texas Rangers, New York Yankees hay Los Angeles Dodgers.
Vào ngày 21/10/2012, Shohei thông báo rằng mình sẽ theo đuổi sự nghiệp tại giải đấu bóng chày chuyên nghiệp lâu đời nhất thế giới MLB (Major League Baseball) ở Mỹ, thay vì tham gia giải bóng chày chuyên nghiệp Nhật Bản NPB (Nippon Professional Baseball). Dẫu vậy, đội bóng chày Nhật Bản Hokkaido Nippon-Ham Fighters vẫn quyết định đàm phán với anh. Sau cùng, Shohei chọn ở lại Nhật, ký hợp đồng trở thành cầu thủ ở đội Hokkaido Nippon-Ham Fighters từ năm 2013 đến năm 2017. Tại đây, anh chơi cả hai vị trí là cầu thủ ném bóng (Pitcher) và cầu thủ ngoài sân cánh phải (Right fielder). Trong khoảng thời gian này, Shohei đã có cú ném bóng nhanh nhất trong lịch sử của NPB với vận tốc 165km/h, đạt danh hiệu "Cầu thủ xuất sắc nhất" ở giải Pacific League thuộc NPB năm 2016, 2 lần đoạt giải Pacific League Pitcher Best Nine… Từ năm 2018 đến nay, anh ký hợp đồng với đội Los Angeles Angels và tham gia thi đấu tại giải MLB. Ở giải đấu mang tầm cỡ quốc tế này, Shohei cũng không làm cho người hâm mộ Nhật Bản thất vọng khi nhận “Giải thưởng tân binh của năm” vào năm 2018.
Trưởng ban truyền thông của đội bóng chày Los Angeles Angels, Matt Birch, đã chia sẻ trên trang Twitter cá nhân rằng: “Shohei Ohtani là cầu thủ bóng chày thứ hai được Tạp chí Time bình chọn vào danh sách 100 người ảnh hưởng nhất thế giới, sau cầu thủ ném bóng Wang Chien-ming người Đài Loan chơi cho đội New York Yankees vào năm 2007”.
Còn Alex Rodriguez, cựu ngôi sao MLB đã viết về Shohei trên trang time.com rằng: “Anh ấy chính là Babe Ruth thời hiện đại - ngôi sao ném bóng của đội Boston Red Sox, tham gia giải MLB trong suốt 22 năm liền. Mà cho dù là Babe Ruth cũng không thể ghi hơn 20 cú base, hơn 40 cú home và ném 100 dặm/giờ trong cùng một mùa giải như Shohei. Chỉ Shohei mới có thể làm điều đó. Nếu bạn là nhà khoa học Victor Frankenstein trong cuốn tiểu thuyết Frankenstein của tác giả Mary Shelley, đem tất cả tài năng độc nhất vào một cầu thủ giống như cách ông tạo ra quái vật hình người ở tác phẩm, thì bạn sẽ nhận được Shohei Ohtani. Anh có sức mạnh của Bryce Harper, cú đánh của Max Scherzer và tốc độ của Trea Turner. Không chỉ là cầu thủ tuyệt vời trên sân đấu, mà ngoài sân cỏ, anh cũng là một quý ông lịch thiệp. Đồng đội dành những điều tốt đẹp để nói về anh. Shohei cũng rất tuyệt vời trong mắt của người hâm mộ và giới truyền thông. Tôi có thể nói rằng anh ấy là một người làm việc chăm chỉ, tiến bộ qua từng năm, tất cả đều được thể hiện rõ ở năm 2021 này”.
Xem thêm: Bóng chày: môn thể thao được người Nhật yêu thích
Naomi Osaka
Nữ hoàng quần vợt thế hệ mới Naomi Osaka sinh ngày 16/10/1997 tại thành phố Osaka, mang hai dòng máu Haiti và Nhật. Cô bắt đầu chơi quần vợt cùng với chị gái vào năm 3 tuổi khi gia đình đến định cư tại Long Island, Hoa Kỳ và chính thức bước vào con đường thể thao chuyên nghiệp năm 16 tuổi. Chỉ hai năm sau, Osaka đã được Hiệp hội Quần vợt Nữ (WTA) bình chọn là “Tân binh của năm”, rồi đoạt cúp vô địch đầu tiên tại giải đấu WTA, Indian Wells, California. Tiếp nối thành công, cô đã xuất sắc giành chức vô địch ở giải US Open vào tháng 3/2018, trở thành tay vợt Nhật Bản đầu tiên đoạt danh hiệu Grand Slam. Vào tháng 1/2019, Naomi Osaka tiếp tục chiến thắng tại giải Australian Open, chức vô địch này đã giúp cô đạt được vị trí tay vợt số 1 thế giới khi tuổi đời còn khá trẻ.
Tên tuổi của Naomi Osaka ngày càng vươn xa, cô trở thành đại diện cho nhiều thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như Nissan Motor, All Nippon Airways… Tuy nhiên, sóng gió lại ập tới khi cô vướng phải làn sóng phản đối mạnh mẽ từ giới truyền thông và những VĐV quần vợt khác. Trước khi giải Pháp mở rộng 2021 (hay còn gọi là Roland Garros) diễn ra tại Paris, vào ngày 26/5, Osaka đã đưa ra tuyên bố trên trang cá nhân rằng cô sẽ không trả lời phỏng vấn hoặc tham gia bất kỳ buổi họp báo nào tại giải đấu năm nay. Theo Tờ Glamour đưa tin, Osaka đã chia sẻ lý do đằng sau quyết định này rằng: “Tôi thường cảm thấy mọi người không quan tâm đến sức khoẻ tinh thần của các VĐV và điều đó đúng ở bất kỳ thời điểm nào, dù là tôi xem một cuộc họp báo hay chính bản thân tôi tham gia. Chúng tôi thường ngồi ở đó và được hỏi những câu mà chúng tôi đã trả lời trước đó rất nhiều lần hoặc những câu gây ra sự hoang mang, nghi ngờ. Tôi chỉ không muốn để bản thân rơi vào những tình huống như vậy”.
Đúng như những gì Osaka đã nói trước giải đấu, sau khi giành chiến thắng ở vòng 1 vào ngày 30/5, cô đã từ chối tham gia phỏng vấn. Ngay lập tức, Ban tổ chức (BTC) của 4 giải Grand Slam gồm Roland Garros, Wimbledon, US Open và Australian Open cùng đưa ra một tuyên bố chung rằng: “Hôm nay, Naomi Osaka đã chọn không tôn trọng các nghĩa vụ truyền thông theo hợp đồng. Do đó, trọng tài giải Roland Garros đã ra quyết định phạt 15.000 USD, theo điều III H. của Quy tắc ứng xử. Là một môn thể thao, điều quan trọng nhất là đảm bảo không một VĐV nào có lợi thế không công bằng so với những người còn lại. Thật đáng tiếc trong trường hợp này, một VĐV đã từ chối dành thời gian tham gia các cam kết truyền thông, trong khi những VĐV còn lại đều tôn trọng cam kết của họ”. Bên cạnh hành động quyết liệt trên, BTC còn đưa ra lời cảnh cáo sẽ loại cô ra khỏi giải đấu năm nay, cũng như cấm tham gia các giải Grand Slam trong tương lai nếu tiếp tục mắc phải lỗi này.
Trước sự quyết liệt của BTC Roland Garros, vào ngày 1/6, Osaka đã tuyên bố rút khỏi giải đấu và chia sẻ rằng: “Sự thật là tôi bị trầm cảm kể từ giải US Open 2018 đến nay và đã gặp nhiều khó khăn khi đối phó với căn bệnh này. Bạn tin hay không tin cũng được, tôi là một người hướng nội và không thích ánh đèn sân khấu”. Trước động thái này của Osaka, bên cạnh những lời chỉ trích, cô cũng nhận được nhiều sự ủng hộ từ các nhân vật tên tuổi khác như kình ngư Michael Phelps, phu nhân cựu Tổng thống Mỹ Michelle Obama, thiên tài "Messi của giới bóng rổ" Stephen Curry…
Trên trang time.com, Russell Wilson, tiền vệ của đội bóng bầu dục Seattle Seahawks đã viết về Naomi Osaka như sau: “Sự khiêm tốn và những cống hiến của Osaka quả là ấn tượng. Thật sự rất ý nghĩa khi cô ấy có thể chia sẻ một cách thành thật việc phải đấu tranh với sức khoẻ tâm thần và nói rõ những tổn thương mà bản thân đang chịu đựng. Tất cả chúng ta đều có khả năng tạo ra sự khác biệt. Nhưng đôi khi, phạm vi ảnh hưởng của một ai đó quá lớn, họ có thể thay đổi cả một nền văn hoá, một xã hội hay cả thế giới. Naomi Osaka thừa sức để làm điều đó”.
Xem thêm: Naomi Osaka: Nữ hoàng quần vợt thế hệ mới
Kiến trúc sư Kengo Kuma
Người Nhật thứ ba được bầu chọn trong danh sách Time100 năm 2021 chính là kiến trúc sư Kengo Kuma, người đã thiết kế nên sân vận động độc đáo cho Olympic Tokyo 2020 và được xếp vào nhóm “Nhà cách tân”. Kengo Kuma được đánh giá là một trong số những kiến trúc sư nổi tiếng nhất tại xứ sở Phù Tang với những công trình đầy sáng tạo, tinh tế. Đặc biệt, các kiến trúc của ông thường lấy cảm hứng từ thế giới tự nhiên, sử dụng các vật liệu xanh, thân thiện với môi trường.
Sinh ngày 8/8/1954 tại thành phố Yokohama, khi lên 10, Kengo Kuma đã được cha dẫn đến tham quan Sân vận động Quốc gia Yoyogi, một trong những sân vận động có kiến trúc đẹp nhất thế giới do kiến trúc sư Kenzo Tange thiết kế. Chính giây phút này đã thôi thúc mong muốn trở thành một kiến trúc sư tương lai của cậu bé 10 tuổi. Năm 1979, Kuma tốt nghiệp Đại học Tokyo, sau đó làm việc cho một công ty xây dựng lớn, rồi dành thời gian một năm đến Đại học Columbia để làm giảng viên thỉnh giảng. Đến năm 1987, ông thành lập công ty Spatial Design Studio, sau đổi tên thành Kengo Kuma & Associates vào năm 1990. Ông được ví là kiến trúc sư di động bởi ông ghé thăm nhiều nơi trên thế giới, tiếp thu nhiều nền văn hoá khác nhau và thực hiện nhiều dự án từ Dallas (Mỹ) đến Dundee (Scotland), Sydney (Úc), Sao Paulo (Brazil), thậm chí là ở Việt Nam.
Trên trang time.com, Kenjiro Hosaka, Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Shiga đã viết về vị kiến trúc sư đại tài như sau: “Kengo Kuma ủng hộ cho lý tưởng "losing architecture", tức những công trình tinh xảo hoà lẫn vào môi trường xung quanh. Tuy nhiên, thật khó để bỏ lỡ Sân vận động Quốc gia mới ở Nhật khi đi qua khu vực trung tâm của Tokyo. Có thể thấy dấu ấn nghệ thuật của anh ấy xuyên suốt tại công trình sân vận động công phu cho Thế vận hội Olympic 2020, được thiết kế bởi công ty Kengo Kuma & Associates hợp tác cùng với 2 công ty khác. Phần cây xanh tạo các chấm nhỏ trên mặt tiền hình bầu dục, cho phép mái che làm từ gỗ - vật liệu ưa thích của Kuma, được thu thập từ các tỉnh thành trên khắp Nhật Bản, hoà vào khu vườn xung quanh. Phần mái che nghiêng một cách nhẹ nhàng, mời gọi du khách vào bên trong, nơi có hàng vạn chiếc ghế tông màu xanh của núi rừng đang chờ đón. Với những công trình công cộng như sân vận động dành cho Olympic Tokyo 2020, nó đòi hỏi các kiến trúc sư phải chấp nhận một số điều kiện và yêu cầu nhất định, đồng thời hạn chế phần nào sự tự do thể hiện của họ. Tuy nhiên, ở sân vận động này, Kuma vẫn có thể đạt được sự giao hoà với thiên nhiên và tạo ra một không gian mới để chào đón cộng đồng”.
Xem thêm: Người đứng sau kiến trúc tuyệt đẹp của sân vận động Olympic Tokyo
kilala.vn
23/09/2021
Bài: Rin
Đăng nhập tài khoản để bình luận