Hisashi Ouchi: Biểu tượng của bi kịch hạt nhân Tokaimura
Hisashi Ouchi là người nhiễm xạ nặng nhất thế giới, và 83 ngày là khoảng thời gian đầy thống khổ mà anh phải chịu đựng trước khi kết thúc cuộc đời.
Thảm họa hạt nhân thảm khốc
Vụ việc xảy ra vào ngày 30/09/1999 tại một nhà máy làm giàu nhiên liệu do JCO (công ty Chuyển đổi Nhiên liệu Hạt nhân Nhật Bản) tại Tokaimura, tỉnh Ibaraki vận hành. Đây là sự cố bức xạ hạt nhân dân sự tồi tệ nhất ở Nhật trước khi có thảm họa hạt nhân Fukushima Daiichi năm 2011.
Lúc đó cơ sở của JCO đã chuyển đổi uranium hexafluoride thành nhiên liệu uranium dioxide được làm giàu trong quá trình sản xuất điện hạt nhân. Đây là bước đầu tiên trong quá trình sản xuất thanh nhiên liệu lò phản ứng hạt nhân cho các nhà máy điện và lò phản ứng nghiên cứu ở Nhật. Việc làm giàu nhiên liệu hạt nhân đòi hỏi độ chính xác cao và có khả năng gây ra rủi ro cực lớn cho các kỹ thuật viên.
Tuy vậy do áp lực đẩy nhanh quá trình mà JCO đã áp dụng cuộc thử nghiệm rút gọn quy trình. Các kỹ thuật viên gồm: Hisashi Ouchi (35 tuổi), Masato Shinohara (29 tuổi) và người giám sát Yutaka Yokokawa (54 tuổi) đã dùng tay đổ gần 15,9kg uranium làm giàu vào các xô thép, thay vì sử dụng máy bơm tự động để trộn 2,4 kg uranium làm giàu với axit nitric trong một bể chứa chuyên dụng.
Lượng uranium được dùng cao gấp 7 lần so với quy định đã tạo ra phản ứng với kết quả vô cùng tai hại, bức xạ chết người được giải phóng đã gieo rắc ác mộng cho các kỹ thuật viên, trong đó Hisashi Ouchi phải trải qua cơn ác mộng khủng khiếp nhất.
Tháng ngày điều trị “sống không bằng chết”
Sau khi sự cố xảy ra, khu vực nhà máy đã được sơ tán, ba kỹ thuật viên tham gia vào quá trình thử nghiệm đã được chuyển đến Viện Khoa học Phóng xạ Quốc gia ở Chiba. Họ được chẩn đoán đã tiếp xúc trực tiếp với phóng xạ, trong đó Yutaka Yokokawa nhiễm xạ ở mức 3 Sievert, Masato Shinohara tiếp xúc ở mức 10 Sievert còn Hisashi Ouchi bị nhiễm 17 Sievert - mức lớn nhất mà lịch sử y khoa từng ghi nhận.
Theo các chuyên gia cho biết 7 Sievert là mức phóng xạ tiếp xúc sẽ gây ra tử vong và Hisashi Ouchi cùng Masato Shinohara không thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Ngoại trừ Yutaka Yokokawa là người duy nhất trong nhóm sống sót thì Masato Shinohara và Hisashi Ouchi đã trải qua những ngày tháng cuối đời rất đau đớn. Đặc biệt là Hisashi, quá trình chữa trị của anh vô cùng thảm khốc.
Toàn bộ cơ thể của Hisashi bị bỏng nặng, da thịt bị phân hủy rỉ máu. Anh được đưa vào viện trong tình trạng khó thở, nôn mửa liên tục, mắt chảy máu không ngừng. Sau khi chuyển đến chữa trị ở bệnh viện Đại học Tokyo, Hisashi được chẩn đoán suy nội tạng, thiếu tế bào bạch cầu và không có khả năng phản ứng miễn dịch.
Hisashi đã trải qua nhiều ca ghép da, truyền máu và ca phẫu thuật cấy ghép tế bào gốc do chuyên gia Hisamura Hirai thực hiện để hồi phục khả năng tạo máu. Tuy nhiên phương pháp này đã thất bại vì nhiễm sắc thể của Hisashi đã bị đứt đoạn hoàn toàn và lượng phóng xạ nhiễm trong máu khiến các tế bào gốc được ghép bị tiêu diệt. ADN của anh không thể tự tái tạo cũng khiến việc ghép da trở nên khó khăn và không có kết quả.
Bị kịch của Hisashi là khi cơ thể bị tàn phá, anh vẫn còn nhận thức để cảm nhận rõ những cơn đau giày vò, đến mức phải cầu xin các bác sĩ hãy giải thoát cho mình: “Tôi không thể chịu đựng được nữa, tôi không phải là con chuột thí nghiệm”.
Tuy nhiên gia đình của Hisashi vẫn mong muốn anh được cứu sống và các bác sĩ vẫn tiếp tục điều trị ngay cả khi tình trạng của anh ngày càng trầm trọng hơn. Vào ngày điều trị thứ 59, Hisashi đã lên cơn đau tim và được các nhân viên y tế hồi sức chữa trị theo nguyện vọng của người thân. Sau khi trải qua ba cơn đau tim trong một giờ, anh đã thoát khỏi cái chết.
Sự sống của Hisashi bị tàn phá dần khi ADN của anh không còn nguyên vẹn, các tổn thương não bộ lan rộng. Thứ Hisashi có thể cảm nhận được là những cơn đau “ám ảnh” trong giai đoạn cuối cuộc đời.
Vào ngày 21/12/1999, Hisashi đã được giải thoát khỏi mọi đau đớn sau khi anh bị suy đa tạng và lên cơn đau tim rồi qua đời, chấm dứt chuỗi 83 ngày thống khổ.
Hậu quả nghiệt ngã
Sau khi thảm họa hạt nhân Tokaimura xảy ra, các công nhân nhà máy và người dân xung quanh được yêu cầu sơ tán.
Năm giờ sau vụ nổ, khoảng 161 người từ 39 hộ gia đình trong bán kính 350m đã bắt đầu được sơ tán. Mười hai giờ sau vụ việc, 300.000 cư dân xung quanh cơ sở hạt nhân được yêu cầu ở trong nhà và ngừng mọi hoạt động sản xuất nông nghiệp. Hạn chế này đã được dỡ bỏ vào chiều hôm sau.
Gần 15 ngày sau, cơ sở này áp dụng các phương pháp bảo vệ bằng bao cát và các biện pháp che chắn khác để bảo vệ khỏi bức xạ gamma còn sót lại.
Để giảm bớt lo ngại của công chúng, các quan chức đã bắt đầu kiểm tra bức xạ đối với cư dân sống cách cơ sở khoảng 10km. Trong 10 ngày, khoảng 10.000 lượt kiểm tra y tế đã được tiến hành, phát hiện hơn 600 người bị nhiễm phóng xạ ở mức độ thấp.
Nhưng không ai phải chịu đựng nhiều đau khổ như Hisashi Ouchi và đồng nghiệp của anh là Masato Shinohara. Shinohara đã dành 7 tháng điều trị để chiến đấu giành lấy mạng sống của mình rồi qua đời vì suy phổi và gan vào ngày 27/04/2000.
Sau vụ việc, 6 nhân viên, bao gồm quản lý nhà máy và người sống sót sau vụ tai nạn là Yutaka Yokokawa đã nhận tội sơ suất dẫn đến tử vong. Chủ tịch JCO cũng thay mặt công ty nhận tội. Vào tháng 03/2000, chính phủ Nhật Bản đã thu hồi giấy phép của nhà máy này.
JCO đã phải trả 121 triệu USD để giải quyết 6.875 yêu cầu bồi thường từ những người bị phơi nhiễm phóng xạ và các doanh nghiệp nông nghiệp, dịch vụ bị ảnh hưởng.
Giờ đây nhắc đến tấn bi kịch về thảm họa hạt nhân Tokaimura năm 1999, nhiều người lại nghĩ đến câu chuyện đầy đau đớn của Hisashi Ouchi. Những hình ảnh cuối đời của anh vẫn ám ảnh mọi người về sự nguy hiểm của bức xạ hạt nhân với nhân loại.
kilala.vn
Nguồn: allthatsinteresting
Đăng nhập tài khoản để bình luận