Cuộc chiến giữa những món chiên Nhật Bản
Ebi Furai hay Ebi Tempura? Thật khó để đưa ra lựa chọn với những cặp "anh em" đồ chiên siêu hấp dẫn đến từ ẩm thực xứ Phù Tang!
Trong khi nhiều người vẫn nghĩ ẩm thực Nhật Bản hội tụ những món ăn mang hương vị thanh mát, thì "揚げ物 – Agemono – Món chiên" với sự quyến rũ của nó vẫn luôn giữ một vị thế vững chắc trong nền ẩm thực tại đất nước này. Tuy nhiên, phiên bản chiên qua bàn tay của người Nhật dường như đã được nâng tầm thành một nghệ thuật, với lớp vỏ giòn rụm, màu vàng bắt mắt, nhưng lại ít dầu mỡ hơn “người anh em” ở phương Tây.
Món chiên đầu tiên phổ biến rộng rãi ở Nhật là Tempura, được các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha mang đến vào thế kỷ 16. Theo thời gian, món chiên đã có nhiều biến tấu và giờ đây ẩm thực chiên trở thành một phần thiết yếu trong chế độ ăn uống của người Nhật. Từ hộp cơm Bento đến phần ăn Kaiseki trang nhã hay kệ đồ ăn nóng hổi trong cửa hàng tiện lợi đều có sự xuất hiện của món chiên.
Trong "vũ trụ" Agemono của Nhật Bản, đâu là món ăn yêu thích của bạn? Dưới đây là những cặp đồ chiên có nhiều nét chung, khiến thực khách khó lòng đưa ra lựa chọn.
Ebi Furai vs Ebi Tempura
Sự khác biệt lớn nhất giữa món Ebi Furai (エビフライ) và Ebi Tempura (えびの天ぷら) là lớp bột bên ngoài, dẫn tới sự khác nhau về hương vị. Tôm trong món Ebi Furai được áo một lớp bột mì rồi nhúng vào hỗn hợp trứng đánh tan, tiếp đó phủ thêm vụn bánh mì rồi đem chiên, tạo nên lớp vỏ màu vàng nâu và giòn.
Còn với Tempura, bột mì được pha với nước lạnh. Tôm được nhúng qua bột rồi đem chiên giòn. Do vậy, Ebi Tempura có màu vàng nhạt tinh tế và lớp vỏ mỏng hơn so với “người anh em” Ebi Furai được phủ thêm vụn bánh mì. Về phần nước chấm, Ebi Furai thường dùng cùng nước sốt Worcestershire và chanh, còn Ebi Tempura thì đi kèm với nước tương hoặc muối tinh.
Tonkatsu vs Gyukatsu
Nếu Tonkatsu (豚カツ) là món thịt heo cốt lết chiên xù thì Gyukatsu (牛カツ) cũng cùng cách chế biến nhưng thay thịt heo bằng thịt bò. Cả hai món này đều được phủ một lớp vụn bánh mì và chiên ngập dầu, tuy nhiên, Tonkatsu được chiên chín kỹ, trong khi đó Gyukatsu giòn bên ngoài nhưng thịt bên trong vẫn còn tái.
Gyukatsu rất được người Nhật ưa chuộng bởi thịt bò mềm, ngon ngọt bên trong tương phản với lớp vỏ giòn bên ngoài. Nước sốt của hai món này có sự khác biệt lớn: Tonkatsu ăn cùng nước sốt Worcestershire hoặc mù tạt, còn Gyukatsu dùng với Wasabi, nước tương và muối hột.
Xem thêm: Phân biệt Wasabi, Karashi và mù tạt
Agedashi Tofu vs Satsuma-age
Mặc dù trông cả hai món Agedashi Tofu (揚げ出し豆腐) và Satsuma-age (薩摩揚げ) có vẻ giống nhau, nhưng thực ra đây lại là hai món chiên hoàn toàn khác biệt.
Agedashi Tofu được chế biến từ đậu phụ (Tofu) áo thêm một lớp mỏng bột bắp, rồi chiên ngập dầu để tạo nên phần vỏ giòn, dai, bên trong mềm mại. Còn Satsuma-age lại là hỗn hợp cá xay nhuyễn trộn với bột rồi nặn thành hình và đem chiên. Có thể thêm vào Satsuma-age các loại nguyên liệu khác như rau củ và bạch tuộc, nhưng Agedashi Tofu thì chỉ sử dụng cố định đậu phụ và thường được phục cụ cùng với nước dùng Dashi đơn giản.
Tebasaki vs Nankotsu
Gà chiên có lẽ là món ngon khó cưỡng với nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản. Tebasaki (手羽先) là món cánh gà chiên, chỉ sử dụng phần đầu cánh và đặc biệt là không tẩm qua bột mà đem chiên trực tiếp trong dầu. Hương vị món này khá đa dạng tùy theo từng vùng miền, từ kiểu đơn giản với muối và tiêu đến hỗn hợp gia vị, nước sốt cầu kỳ rưới lên trên.
Nankotsu (軟骨) lại là món sụn gà chiên, được yêu thích bởi độ cứng và giòn đặc trưng. Món này được chế biến bằng cách áo sụn gà với bột, rồi nêm thêm ít ớt, tiêu và đem chiên, do vậy hương vị của nó sẽ không đậm đà như Tebasaki.
Tori Karaage vs Tatsuta-age
Có lẽ khi mới nhìn qua hai món Tori Karaage (鶏唐揚げ) và Tatsuta-age (竜田揚げ) sẽ khó lòng mà phân biệt được, vì đều là món gà chiên ngập dầu. Tuy nhiên, sự khác nhau nằm ở lớp bột và gia vị sử dụng.
Tatsuta-age được tẩm một lớp bột khoai tây vì vậy vỏ mỏng hơn, còn Tori Karaage được nhúng trong hỗn hợp bột mì và nước nên tạo ra màu đậm hơn khi chiên. Trong khi món Tori Karaage thường được ăn cùng một lát chanh thì Tatsuta-age thường được phục vụ với một ít mù tạt Karashi.
Tako Kushikatsu vs Tako Karaage
Cả hai món đều dùng bạch tuộc (Tako) để chế biến, tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất giữa chúng là Tako Kushikatsu (タコ串カツ) được xiên thành que còn Tako Karaage (タコ唐揚げ) thì gồm những miếng bạch tuộc cắt nhỏ.
Tako Kushikatsu được phủ một lớp vụn bánh mì, tạo nên phần vỏ giòn để lúc chấm nước sốt Worcestershire sẽ thấm được nhiều sốt nhất có thể, còn Tako Karaage được nhúng qua hỗn hợp bột mì rồi đem chiên, ăn kèm với sốt Mayonnaise để tăng độ ngậy.
Menchi Katsu vs Korokke
Menchi (ミンチ) trong tiếng Nhật có nghĩa là thịt băm và Menchi Katsu (メンチカツ) là món thịt bằm (có thể là thịt lợn hoặc thịt gà hay kết hợp hai loại thịt này) được phủ một lớp vụn bánh mì rồi đem chiên.
Korokke (コロッケ) xuất phát từ món ăn Pháp mang tên Croquette có nhân kem du nhập vào Nhật từ năm 1887. Lúc bấy giờ, ngành công nghiệp chế biến sữa chưa được phát triển nên người Nhật sáng tạo thành món Korokke gồm hỗn hợp khoai tây nghiền và thịt bằm được phủ một lớp vụn bánh mì Panko rồi chiên giòn. Đây là một trong những món chiên phổ biến ở các cửa hàng tiện lợi, quầy Yatai hay quán nhậu kiểu Nhật Izakaya.
Cả hai món Menchi Katsu và Korokke đều thường phục vụ với nước sốt Worcestershire hoặc Karashi.
Ika Menchi vs Ika Tempura
Món Ika Menchi (イカメンチ) có họ hàng khá gần với Satsuma-age, là hỗn hợp cá xay nhuyễn thêm một ít mực xay để tăng thêm hương vị cũng như độ dai cho món ăn rồi đem chiên. Về phần nước sốt, Ika Menchi thường được ăn riêng hoặc cùng với nước tương, Wasabi hay mù tạt.
Ngược lại, Ika Tempura (イカの天ぷら) là mực được cắt miếng và tẩm bột chiên giòn, thường được phục vụ cùng với muối hoặc nước chấm đậu nành Tsuyu.
Bánh chiên Renkon vs Gobo
Nếu đã quá quen thuộc với khoai tây chiên, bạn có thể thử thêm hai gợi ý khác từ Agemono của Nhật là Renkon (れんこんチップス) và Gobo (ごぼうチップス). Renkon là củ sen được cắt thành lát mỏng, còn Gobo là củ ngưu bàng được cắt lát hoặc được bào mỏng, sau đó đem chiên ngập dầu. Củ sen trong Renkon có vị nhạt, hơi ngọt rất dễ ăn, trong khi đó củ ngưu bàng lại có mùi đất đặc trưng.
Có thể thấy thế giới ẩm thực chiên của Nhật vô cùng đa dạng khi nguyên liệu vừa có thể là rau củ hay thịt cá... Còn gì hấp dẫn hơn việc vừa nhâm nhi cốc bia cùng với các món chiên này của Nhật phải không nào!
kilala.vn
15/09/2022
Bài: Rin
Nguồn: gurunavi.com
Đăng nhập tài khoản để bình luận