Ramune – chai nước giải khát “quốc dân” của Nhật Bản

    Ramune - loại nước giải khát có lịch sử trăm năm sở hữu cho mình một phòng trưng bày riêng biệt. Điều gì đã khiến món nước này trở thành đồ uống quốc dân của xứ sở hoa anh đào?

    Khi nhắc đến những loại đồ uống giải nhiệt có nguồn gốc từ đất nước mặt trời mọc, người ta thường nghĩ tới Yakult - một loại sữa chua uống lên men nổi tiếng, trà lúa mạch mugicha hay rượu ngọt amazake. Vậy bạn đã bao giờ nghe nói đến Ramune – thức uống được xem là biểu tượng tuổi thơ của nhiều người dân Nhật Bản chưa?

    ramune nhật bản
    Ramune đã lịch sử trăm năm. Ảnh: tsunagujapan.com

    Ramune là gì?

    Ramune hay “ラムネ” trong tiếng Nhật được phiên âm từ chữ “lemonade” trong tiếng Anh, nghĩa là nước chanh. Nhưng tránh nhầm lẫn, Ramune không phải nước chanh đúng nghĩa được pha từ nước cốt của quả chanh cùng đường và nước lọc như “lemonade”, mà thực chất là một loại đồ uống có ga vị chanh kiểu Sprite hay 7 Up.

    ramune là gì
    Ramune là một loại đồ uống có ga vị chanh kiểu Sprite hay 7 Up. Ảnh: hoshinoresorts.com

    Những hương vị độc đáo của Ramune

    Hương vị nguyên bản của nước Ramune là vị chanh, kết hợp cùng những thành phần thường thấy trong các loại đồ uống có ga như đường, axit citric và natri citrat. mang đến một cảm giác ngọt mát và thanh khiết khi uống.

    Bên cạnh đó, loại nước giải khát này cũng có nhiều lựa chọn hương vị quen thuộc khác như vị dâu tây, táo xanh, dưa lưới. Đặc biệt, ngày nay người Nhật còn sáng tạo thêm những hương vị độc lạ mà bạn khó lòng nghĩ tới như vị cà ri, mù tạt, takoyaki, kim chi. Những hương vị mà chỉ nghĩ đến thôi đã thấy “ớn lạnh” chứ chưa nói đến thử!

    hương vị ramune
    Ramune với đa dạng hương vị. Ảnh: The Mainichi

    Ramune ra đời như thế nào?

    Mặc dù vô cùng nổi tiếng ở Nhật Bản và được xem là đồ uống quốc dân của xứ sở hoa anh đào, nhưng theo nhiều giả thuyết, Ramune ban đầu là do một người châu Âu nghĩ ra. Phần lớn cũng đều thống nhất cho rằng Ramune xuất hiện lần đầu tiên tại thị trường Nhật Bản từ thế kỷ 19.

    Trong đó, giả thuyết được cho là đáng tin cậy nhất nói rằng một dược sĩ người Scotland tên Alexander Cameron Sim sinh sống tại Kobe chính là “cha đẻ” của Ramune.

    ramune ra đời như thế nào
    Khi mới ra đời, Ramune được xem như một loại thuốc chữa bệnh tả. Ảnh: japancentre.com

    Năm 1884, Sim pha chế một loại đồ uống có ga mới dựa trên nước chanh và bắt đầu chào bán nó tại một quầy hàng cho những người nước ngoài. Sau đó, loại nước ngọt này bất ngờ trở nên nổi tiếng và phổ biến với tốc độ chóng mặt khi được xem như một loại thuốc chữa bệnh tả. Dần dà, nó được gọi tên là “Ramune”.

    [subscribe]

    Sở hữu thiết kế chai khác biệt

    Ramune trở thành loại đồ uống độc đáo được người dân Nhật Bản yêu thích không chỉ bởi hương vị thanh mát mà còn bởi đặc điểm có một không hai trong thiết kế chai đựng. 

    Nếu lần đầu tiên mở nắp một chai Ramune, chắc hẳn bạn sẽ bị bất ngờ bởi một viên bi bật ra và rơi tõm vào trong chai nước. 

    viên bi trong chai ramune
    Bên trong mỗi chai Ramune có chứa một viên bi. Ảnh: tenki.jp 

    Chai đựng món đồ uống mát lạnh này có thiết kế dạng thủy tinh, trên cổ chai là một viên bi trong suốt với tác dụng giữ cho khí ga trong chai không bị phụt hết ra ngoài khi mở nắp.

    Mỗi chai Ramune đều được nhà sản xuất đính kèm ở nắp chai một dụng cụ bằng nhựa dùng để ấn viên bi xuống cho nước trong chai có thể dễ dàng chảy ra khi uống.

    các bước mở chai ramune
    Các bước mở nắp chai Ramune. Ảnh: tombow-b.jp

    Người ta khuyên rằng, khi uống Ramune trực tiếp từ chai, hãy đảm bảo cho viên bi được giữ ở chỗ vết lõm trên cổ chai, đừng để nó di chuyển quá gần miệng chai, nếu không sẽ ngăn cản dòng chảy của đồ uống tới miệng bạn. 

    Và nhà sản xuất cũng đảm bảo rằng viên bi có kích thước đủ lớn để không thoát được ra ngoài nên bạn không phải lo lắng chuyện vô tình nuốt phải nhé!

    Trước đây, kiểu chai nước ngọt có viên bi bên trong để giữ cho đồ uống luôn có ga như thế này rất phổ biến. Tuy nhiên, ngày nay, chỉ còn loại đồ uống Ramune Nhật Bản và Soda Banta của Ấn Độ là vẫn giữ thiết kế này.

    Có thể qua thời gian, kiểu chai đựng này đã trở nên lỗi thời, nhưng với người dân xứ sở Phù Tang, thiết kế chai đựng độc lạ của Ramune đã trở thành một phần tinh hoa trong văn hóa Nhật Bản.

    Ramune có an toàn hơn những loại nước có ga khác?

    Mỗi chai Ramune chứa khoảng 88 calo với 19g carbonhydrate và 17g đường. Vì vậy, cũng như Coca Cola, Pepsi hay những loại đồ uống có ga khác, Ramune không thực sự là một loại thức uống “healthy & balance”. Nên dù có nghiện hương vị thanh mát của Ramune đến đâu, bạn cũng chỉ nên uống ở mức độ vừa phải thôi nhé!

    Bảo tàng Ramune ở thành phố Shizuoka

    Không chỉ là món đồ uống “xua tan cái nóng” với thiết kế chai đựng độc lạ, Ramune còn sở hữu cho riêng mình một bảo tàng trưng bày tọa lạc ở thành phố Shizuoka, tỉnh Shizuoka, Nhật Bản.

    bảo tàng ramune
    Bảo tàng Ramune ở Shizuoka, Nhật Bản. Ảnh: bomb01.com

    Nơi đây trưng bày các thiết kế chai đựng Ramune qua từng thời kì cùng những viên bi trong chai với màu sắc, kích thước khác nhau. 

    bảo tàng lịch sử ramune
    Thiết kế chai đựng Ramune qua từng thời kỳ. Ảnh: bomb01.com

    Đặc biệt, bảo tàng cũng bày bán những loại Ramune với nhiều hương vị khác nhau, từ vị chanh truyền thống tới những hương vị vô cùng “kỳ dị” như vị Wasabi, vị tôm Sakura ebi, vị trứng cá tuyết Mentaiko.

    Đây chắc chắn là một địa điểm không thể bỏ qua trong chuyến du lịch đến Shizuoka, Nhật Bản. Nếu có cơ hội đến đây, hãy tham quan bảo tàng Ramune và đừng quên thưởng thức một chai soda chanh này để trải nghiệm thiết kế chai đựng độc lạ cũng như tận hưởng hương vị mùa hè đặc trưng của đất nước mặt trời mọc nhé!

    • Địa chỉ: 13-15 thị trấn Irifune, phường Shinmizu, thành phố Shizuoka, tỉnh Shizuoka, Nhật Bản
    • Thời gian mở cửa: 10:00 - 20:00
    • Phương tiện di chuyển: Từ ga JR Shinmizu, bắt xe buýt Shinzutetsu tuyến Miho Yamanote, xuống tại bến xe buýt Hatoba và đi bộ khoảng một phút.

    Xem thêm: Hành trình của loại nước tăng lực đầu tiên trên thế giới

    kilala.vn

    22/09/2022

    Bài: Happy

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!