Lịch sử của Kohakutou và cách làm kẹo đá quý Nhật Bản

    Ngọt ngào, trong trẻo và lấp lánh tựa như những viên đá quý là Kohakutou - một loại kẹo độc đáo của xứ sở hoa anh đào. Những viên kẹo thạch đá quý này có cách làm khá đơn giản mà lại xinh xắn, có thể dùng để làm quà tặng, tiếp khách trong những dịp đặc biệt hay đơn giản là khi bạn muốn nhâm nhi chút đồ ăn vặt.

    Kohakutou là gì?

    Kohakutou (琥珀糖) là một loại Wagashi truyền thống được làm bằng cách hòa tan đường trắng vào bột rau câu rồi đun sôi và để hỗn hợp cứng lại. Kohakutou dịch theo nghĩa đen là “đường hổ phách”, là loại kẹo có nét đặc trưng riêng khi mang vẻ ngoài cứng cáp tựa như đá quý nhưng bên trong lại mềm mại giống như thạch. 

    Tại Việt Nam, từ kẹo đá quý hoặc kẹo thạch đá quý chính là chỉ món kẹo thạch của Nhật Bản này.

    kẹo đá quý kahakutou

    Lịch sử ra đời của kẹo đá quý

    Vào thời Nara (710 - 794), đường ăn đã du nhập vào Nhật Bản từ Trung Quốc và có giá thành đắt đỏ nên chỉ được dùng làm thuốc bổ dưỡng. Mãi đến thời Edo (1603 - 1868), đường dần phổ biến hơn và được sử dụng làm bánh kẹo.

    Trong thời Edo, loại kẹo này được gọi là Kingyokutou (金玉糖) ở vùng Kanto và Kohakutou hoặc Kohaku ở vùng Kansai. Sở dĩ có cái tên kẹo hổ phách - Kohakutou vì lúc bấy giờ, người Nhật thường dùng hạt dành dành để tạo màu cho kẹo, khiến nó trông như loại nhựa cây hóa thạch, ánh lên sắc hổ phách đẹp đẽ.

    kẹo đá quý nhật bản

    Ảnh: The Japan News

    Kohakutou bắt đầu xuất hiện vào đầu thế kỷ 17 với nhiều giả thuyết cho rằng Tarozaemon Mino đã phát minh ra thạch Kanten, cũng từ đó mà món thạch trộn với đường trắng ra đời.

    Theo thời gian, việc sản xuất đường trắng trong nước được khuyến khích và đến cuối thế kỷ 19, các nghệ nhân làm bánh kẹo đã làm việc cùng nhau để tạo ra nhiều biến thể của Kohakutou. Món Wagashi này không chỉ đơn giản gồm đường và thạch nữa mà còn được bổ sung thêm các loại trái cây hay mứt để tạo nên sự đa dạng trong hương vị và màu sắc của thành phẩm.

    Kẹo thạch đá quý được ưa chuộng dùng lúc trời vào hạ, là thức quà lý tưởng mà người Nhật trao cho nhau trong mỗi bữa tiệc trà vào những ngày thời tiết nóng ẩm.

    kẹo thạch rau câu
    Kẹo Kohakutou tự làm cũng là một món quà xinh xắn dành cho những người bạn yêu mến. Ảnh: Cratejoy

    Phân loại kẹo Kohakutou

    Loại Wagashi truyền thống có lịch sử lâu đời này hiện nay thường được chia làm hai loại chính là: đa sắc và đơn sắc.

    Viên kẹo đa sắc được chế biến với nhiều màu sắc, trong suốt như pha lê, thoạt nhìn thực sự giống như một viên đá quý rực rỡ với nhiều gam màu khác nhau và thay đổi dần ở các góc khi ánh sáng chiếu vào.

    Viên kẹo đơn sắc chỉ có một màu và thường được trang trí theo chủ đề, điểm tô thêm hoa lá khô hay tạo hình con vật, cây cối. Loại kẹo này thường có màu sắc và tạo hình theo mùa như hình lá phong đỏ vào mùa thu, hoa anh đào vào mùa xuân, quả bí ngô cho dịp Halloween hay cây thông cho mùa Giáng sinh...

    kẹo đá quý
    Ảnh: atelierlalune

    Cách làm kẹo thạch đá quý Nhật Bản

    Người Nhật làm Kohakuto truyền thống với nguyên liệu chính là thạch Kantenđường trắng, tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể thay thế Kanten bằng bột rau câu dẻo (bột Agar).

    Nguyên liệu

    • Bột agar: 2g
    • Đường cát: 150g
    • Nước: 150ml
    • Màu thực phẩm: 3 - 6 giọt (có thể sử dụng nhiều màu)
    • Hương liệu (vani, chiết xuất từ ​​trái cây...): 1 muỗng

    Dụng cụ cần thiết

    • Nồi: Nước pha với bột agar sẽ được đun sôi trong nồi.
    • Muỗng: Để khuấy liên tục trong khi đun sôi thạch và đường, tránh hỗn hợp bị cháy.
    • Rây lọc để lọc hỗn hợp rau câu.
    • Hộp thủy tinh chịu nhiệt: Hỗn hợp agar sau khi đun sôi sẽ được chuyển sang hộp nên cần phải chọn loại chịu được nhiệt độ cao. Ngoài ra nên chọn loại hộp vuông hoặc chữ nhật để dễ tạo hình.
    • Khay nướng và giấy nến: Những viên kẹo đã cắt sẽ được chuyển sang khay nướng và để khô ở nhiệt độ phòng cho đến khi hình thành lớp vỏ cứng bên ngoài.
    • Dao sắc: Một con dao sắc giúp cắt và tạo hình kẹo sau khi chúng nguội và đông lại.

    Các bước thực hiện

    Bước 1: Chuẩn bị sẵn hộp đựng có phết một chút dầu để chống dính, đặt màu thực phẩm ở bên cạnh.
    Bước 2: Cho nước và bột agar vào nồi, khuấy đều cho bột rau câu nở. Đun hỗn hợp trên lửa vừa, khuấy cho đến khi bột agar tan chảy hoàn toàn (thường mất khoảng 1 đến 2 phút).
    Bước 3: Thêm đường và khuấy liên tục cho đến khi hỗn hợp sôi trở lại và đường tan hết (khoảng 3 phút).
    Bước 4: Tắt bếp và đổ ngay vào hộp đựng, sử dụng rây lọc. 
    Bước 5: Thêm hương liệu nếu muốn và khuấy đều. Sử dụng màu thực phẩm để tạo màu cho kẹo. Bạn cũng có thể nhỏ nhiều màu khác nhau vào hỗn hợp sau đó dùng muổng khuấy nhẹ nhàng để các màu hòa quyện vào nhau.
    Bước 6: Làm mát trong tủ lạnh cho đến khi kẹo đông lại và đủ cứng để cắt, thông thường mất khoảng 2-3 tiếng.
    Bước 7: Lấy kẹo ra khỏi tủ lạnh và dùng dao cắt thành từng miếng nhỏ theo bất kỳ hình dạng nào bạn muốn rồi đặt chúng lên khay nướng có lót giấy nến. Bạn cũng có thể phủ đường lên các viên kẹo để tăng vị ngọt.
    Bước 8: Để kẹo khô tự nhiên từ 2 đến 3 ngày (thậm chí có thể mất đến 5 ngày, phụ thuộc vào khí hậu, mùa...). Cuối cùng, bề mặt của kẹo sẽ khô hoàn toàn, chúng giòn bên ngoài nhưng bên trong có kết cấu giống như thạch.
    cách làm kẹo thạch đá quý
    Ảnh: therecipecritic.com

    Một số lưu ý để có món kẹo rau câu hoàn hảo

    Nếu quan tâm đến màu sắc cuối cùng của kẹo, bạn cần cân nhắc cả màu của hương liệu vì nó sẽ ảnh hưởng đến màu thực phẩm. Nếu bạn muốn viên kẹo của mình trong suốt thì nên chọn loại hương liệu cũng trong suốt.

    Nếu muốn kết hợp nhiều màu sắc và hương vị trong một mẻ, bạn cần phải thao tác nhanh trước khi hỗn hợp rau câu nguội và đông lại. Vì vậy hãy chuẩn bị sẵn sàng mọi nguyên liệu trong tầm tay của mình.

    Độ dày: Khi chọn hộp đựng, hãy nhớ rằng kẹo càng dày thì thời gian để vỏ khô lại càng lâu.

    Kẹo Kohakutou để được bao lâu?

    Bạn có thể bảo quản kẹo trong hộp kín và không nhất thiết phải cho vào tủ lạnh hay tủ đông. Kẹo có thể để được từ một đến hai tuần nếu được bảo quản đúng cách và lưu ý là càng để lâu, chúng sẽ càng cứng hơn.

    Mua kẹo thạch đá quý tại Nhật Bản

    Nếu không có thời gian, bạn có thể thưởng thức đủ loại Kohakutou tại các cửa hàng nổi tiếng như: Koubutsuwokashi ở quận Minami, Fukuoka - nơi mang đến những hộp kẹo Kohakuto trang nhã, tinh tế tựa như một món quà tặng đẳng cấp, hay Sha la la sha ở phường Shibuya, Tokyo - quán cà phê cung cấp những loại kẹo đủ vị mới lạ, hấp dẫn phù hợp với giới trẻ.

    mua kẹo thạch đá quý ở nhật
    Kohakutou của Shalalasha. Ảnh:  Japaholic

    Tạm kết

    Kohakutou không chỉ một loại kẹo mang hình dáng của đá quý mà nó truyền tải vẻ đẹp ngọt ngào của thiên nhiên. Như nghệ nhân Wagashi Shiho Sakamoto cho biết, Kohakutou thể hiện sự trân trọng đối với thiên nhiên của người Nhật.

    kilala.vn

    29/09/2023

    Bài: Ái Thương

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!