Xuân phân – Thời điểm đánh dấu mùa xuân về trên nước Nhật

    Điều đặc biệt của Xuân phân tại Nhật so với nhiều quốc gia khác là gì? Đó là ngày mọi người đều được nghỉ chính thức, theo lịch đỏ quốc gia.

    Nhật Bản là một đất nước nơi thiên nhiên được coi trọng từ xa xưa. Sự tôn trọng và tôn thờ thiên nhiên này vẫn được duy trì cho đến ngày nay, dẫn chứng là việc người Nhật dành ra những ngày khác nhau để tri ân, chẳng hạn như ngày Xanh - Midori no hi, ngày của núi - Yama no Hi, hay ngày của biển - Umi no Hi.

    Chính vì thế, ngày đánh dấu thời điểm chuyển giao giữa các mùa theo quan niệm người Nhật như Xuân phân hay Thu phân cũng được cho là mang lại nhiều phước lành và may mắn.

    Ngày Xuân phân là gì?

    Theo Đạo luật về ngày nghỉ lễ quốc gia, ngày Xuân phân (春分の日 - Shunbun no Hi) thường sẽ rơi vào ngày 20 hoặc ngày 21/03 hàng năm chứ không cố định một ngày cụ thể, đánh dấu thời điểm bắt đầu bước sang mùa xuân.

    Shunbun-no-hi

    Vào ngày này, mặt trời sẽ nằm trên đường Xích đạo khiến cho ngày và đêm dài gần bằng nhau (thực tế thì ban ngày sẽ dài hơn một chút).

    Trước Thế chiến thứ hai, Xuân phân vốn được gọi là Shunki Koreisai, một ngày lễ Thần đạo được tổ chức để tôn vinh các bậc tiên đế của Nhật Bản. Lễ kỷ niệm này còn gắn liền với hoàng gia, những người có ảnh hưởng lớn trong thời Minh Trị. Trong thời kỳ Shunki Koreisai vẫn còn tồn tại, người ta thờ cúng tổ tiên nhưng cũng bày tỏ lòng kính trọng đối với các thành viên hoàng tộc đã khuất.

    tot-nghiep
    Đây cũng là thời điểm tốt nghiệp của học sinh. Ảnh: Waseda

    Đến năm 1948, Shunki Koreisai được đổi thành lễ kỷ niệm Shunbun no Hi như hiện nay, trở thành ngày tôn vinh vẻ đẹp của thiên nhiên và các sinh vật sống. Đối với học sinh, đây cũng là ngày đánh dấu kỳ nghỉ xuân - kỳ nghỉ dài nhất ở Nhật Bản, bắt đầu. Trong những ngày trước đó, lễ tổng kết học kỳ hay lễ tốt nghiệp dành cho học sinh cuối cấp sẽ được tổ chức. Nếu bạn đến Nhật Bản vào những ngày này, có thể bạn sẽ thấy nhiều cô gái Nhật Bản mặc trang phục truyền thống, thường là loại Hakama dành cho lễ tốt nghiệp.

    Người Nhật làm gì vào ngày Xuân phân?

    Theo nhiều tài liệu, Xuân phân cũng là một phần của lễ Higan mùa xuân kéo dài một tuần lễ trong Phật giáo, được gọi là Haru no Higan (春の彼岸). Shunbun no Hi chính xác là ngày giữa vì Higan bắt đầu vào 3 ngày trước và kết thúc vào 3 ngày sau đó. Trong Phật giáo, người ta tin rằng khi thời gian ánh sáng và bóng tối bằng nhau, Đức Phật sẽ xuất hiện và giúp đỡ những linh hồn lạc lối vượt qua con sông ngăn cách hai thế giới. Vào ngày này, cả hai thế giới hòa nhập với nhau và cơ hội để những người ở dương gian có thể giao tiếp với người thân đã khuất.

    tuong-nho-to-tien
    Vào ngày Xuân phân, mọi người sẽ đến viếng thăm mộ của tổ tiên. Ảnh: ikebanartefloraljapones

    Chính vì thế, đây là thời điểm đặc biệt để tưởng nhớ những người thân yêu đã qua đời. Đó là lý do tại sao vào thời gian này, nhiều gia đình Nhật Bản thường đến viếng mộ tổ tiên, dọn dẹp, dâng hoa, đồ ăn và cầu nguyện cho họ.

    Ngoài ra, vào ngày này còn có một hiện tượng thiên nhiên đặc biệt, khi mặt trời sẽ lần lượt chiếu rọi từng địa danh theo thứ tự: đền Izumo Taisha (tỉnh Shimane), đền Ogamiyama (tỉnh Tottori), đền Moto Ise (Kyoto), đảo Chikubu (tỉnh Shiga), núi Shichimen (tỉnh Yamanashi ), Núi Phú Sĩ, đền Samukawa (tỉnh Kanagawa), đền Tamamae (tỉnh Chiba). Ở Nhật còn tổ chức tour Sunrise Road Ley Line, được thiết kế để giúp du khách trải nghiệm tất cả những địa danh trên.

    Xem thêm: Bí ẩn kết giới linh thiêng tại Nhật Bản

    Những món ăn được lựa chọn vào ngày Xuân phân

    Ẩm thực Nhật Bản nổi tiếng với thói quen Shun no Mono – Mùa nào thức nấy, chính vì thế, vào Xuân phân, những món ăn mang ý nghĩa tượng trưng hoặc những món đặc biệt của mùa sẽ được lựa chọn.

    Botamochi - ぼたもち

    Botamochi là loại bánh làm từ gạo nếp phủ lên mặt bánh lớp đậu đỏ đã trộn sẵn với đường. Theo quan niệm của người Nhật, đậu đỏ được ăn vì chúng có tác dụng xua đuổi và bảo vệ con người khỏi tà ma. Bên cạnh đó, đậu đỏ cũng có mối liên kết với nữ thần mặt trời Amaterasu nên những món liên quan đến đậu đỏ thường xuất hiện trên các bàn cúng.

    botamochi
    Botamochi. Ảnh: hugkum

    Tùy theo mùa, loại bánh này sẽ có tên gọi khác nhau. Vào mùa xuân sẽ được gọi là Botamochi theo loài hoa mùa xuân là hoa mẫu đơn – Botan. Còn Ohagi sẽ là tên gọi vào mùa thu theo hoa Hagi (Hồ chi).

    Nghêu Hamaguri - 蛤

    Mùa nghêu sẽ thường bắt đầu từ tháng 3 chính vì thế thời điểm này, những món ăn làm từ nghêu rất được ưa chuộng.

    Hassaku - ハッサク

    Hassaku là một loại trái cây thuộc giống cam quýt của Nhật Bản. Khi xưa người dân đã dâng cúng Hassaku như một lễ vật cho Thần Kojin ở Omi vào tháng 3 như một loại trái cây theo mùa.

    Hassaku
    Hassaku. Ảnh: SHUN GATE

    Sakuradai - 桜鯛

    Sakuradai hay cá tráp anh đào là một loại cá báo hiệu mùa xuân đang đến. Mùa cá tự nhiên là mùa xuân và mùa thu. Vào những mùa này, chúng di cư đến vùng nước nông gần bờ. Chúng vốn là cá tráp đỏ (Tai), được gọi là Sakuradai vào mùa xuân và Momijidai vào mùa thu.

    kilala.vn

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!