Ojizobon - Lễ hội “đeo yếm” cho Địa Tạng Bồ Tát

    Khác với các vị Bồ Tát được thờ phụng tại chùa, Địa Tạng Bồ Tát (được gọi gần gũi là Ojizo-san) thường được đặt lộ thiên với sứ mệnh bảo trợ thôn xóm và những con đường. Nếu có dịp đến Nhật vào khoảng 22 đến 24/7, hãy để con mình tham gia vào lễ hội Ojizobon tại các địa phương, bởi lẽ bằng tấm lòng nhân hậu vô biên, Ojizo-san sẽ dang tay che chở con bạn suốt phần đời sau này.

    Ojizo-san và truyền thuyết cảm động bên bờ sông Sanzu

    Theo như truyền thuyết khởi thủy, Địa Tạng vốn là một vị thần của Bà La Môn giáo, với tên gốc mang ý nghĩa là “Bào thai của Đất Mẹ”. Tựa như nguồn năng lượng vĩnh cửu của đất đai dưỡng nuôi tất thảy sự sống trên thế gian này, đức Địa Tạng luôn luôn mở rộng vòng tay để cứu rỗi con người khỏi đau khổ triền miên bằng tấm lòng từ bi độ lượng.


    Ojizo-san, vị Bồ tát hiền từ bảo trợ cho linh hồn trẻ em
    Ojizo-san, vị Bồ tát hiền từ bảo trợ cho linh hồn trẻ em

    Khi du nhập vào Nhật, Địa Tạng Bồ Tát phát triển thành khá nhiều biến thể. Độc đáo nhất trong đó là những Địa Tạng đeo yếm dãi hoặc đội mũ trùm đỏ, giữ nhiệm vụ bảo vệ vong linh của những em bé chết yểu hoặc chữa lành bệnh tật và bảo hộ trẻ em lớn lên bình an. Truyền thuyết “Sai no Kawara” ra đời vào thời kỳ Edo kể rằng, những em bé không may qua đời khi còn nhỏ sẽ không thể vượt qua sông Sanzu để sang thế giới bên kia, mà sẽ ở bên này bờ sông để xây tháp đá nhằm tích lũy công đức cho cha mẹ. Để ngăn lũ quỷ đến đây phá hủy tháp đá, đức Địa Tạng sẽ hiện thân để cứu giúp những em bé đáng thương này. Màu đỏ của những vật dụng mà đức Địa Tạng mang trên người tượng trưng cho Thái dương – khởi nguồn của sinh mệnh, có hiệu lực xua đuổi tà ma. Do đó để con mình được khôn lớn khỏe mạnh, các bậc cha mẹ cũng thường mang yếm dãi đỏ và đồ cúng đến bái tế những vị Địa Tạng này.   

    Jizobon – Di sản văn hóa phi vật thể gắn liền với tâm linh trẻ thơ

    Tương tự mùa lễ Obon diễn ra trong tháng 7 nhằm tưởng niệm linh hồn tổ tiên, Jizobon là một sự kiện đặc biệt được tổ chức nhằm cúng tế cho riêng những Ojizo-san được đặt ven đường. Nếu tuân thủ nghiêm ngặt, Jizobon phải được tổ chức vào ngày 24 hàng tháng (còn được gọi là Jizokai hoặc Jizosai), nhưng phổ biến nhất vẫn là lễ hội diễn ra từ 22 đến 24/7 gần với kỳ lễ Obon. 

    Theo thông tục, vào ngày 24 hàng tháng, người dân sống trong những khu phố thờ cúng Địa Tạng sẽ cho con cái tụ hội đến đây để lau rửa, đeo mũ và yếm mới, sơn mặt trắng cho tượng thờ, sau đó giúp chúng thắp sáng đèn đá. Trẻ con sẽ bái tế trước Ojizo-san để cầu xin ngài độ trì cho mình.

    Trước và sau kỳ lễ tháng 7, xung quanh nơi đặt tượng thờ còn được trang trí bắt mắt với những chiếc đèn lồng lộng lẫy được thiết kế riêng cho duy nhất sự kiện này. Ở một số địa phương, vào buổi sáng ngày 24/7, trẻ em sẽ được cho đi vòng quanh một tràng hạt khổng lồ có đường kính lên đến 2 – 3m trong lúc được những nhà sư đọc kinh phù hộ. Người dân Kyoto và một số địa phương Kansai còn có tập tục là bế những đứa trẻ mới sinh đến đây và dâng cho Ojizo-san những chiếc đèn lồng trắng ghi tên của bé trai hoặc hoặc đèn lồng đỏ ghi tên của bé gái để con cái mình được ngài quan tâm bảo vệ. Jizobon cũng là dịp mà trẻ con trong khu phố được tụ tập chơi trò chơi và thưởng thức các loại bánh kẹo, món ăn đã được dâng cúng cho Ojizo-san khoảng 1 hoặc 2 lần trong ngày.

    Jizobon là sự kiện văn hóa dân gian được các gia đình và trẻ con yêu mến

    Chính nhờ mang ý nghĩa sâu sắc và gắn liền với tâm linh trong trẻo của trẻ thơ, Jizobon đã được biết bao thế hệ người Nhật yêu mến như một tài sản văn hóa dân gian quan trọng của quốc gia. Lễ hội cũng được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, cần phải được chung tay phát triển, ghi nhớ và truyền đời.

    kilala.vn

    10/07/2018

    Bài: Inako/ Ảnh: PIXTA

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!