Bí ẩn kết giới linh thiêng tại Nhật Bản

    Trên bản đồ Nhật Bản, khi nối các ngôi đền có tuổi đời hơn 1000 năm lại với nhau sẽ tạo ra một kết giới bí ẩn hình ngôi sao năm cánh Pentagram.

    Trong Phật giáo có một thuật ngữ là "Kekkai - 結界", từ này được sử dụng cả ở Trung Quốc lẫn Nhật Bản, mang ý nghĩa là một kết giới vô hình nhằm ngăn cách thế giới bên ngoài với chốn linh thiêng của Phật giáo. Theo đúng ý nghĩa của Kekkai, các nhà sư sẽ dùng sức mạnh tâm linh của mình tạo ra một kết giới bao bọc lấy ngôi đền/chùa, giữ cho nơi ấy luôn được thanh lọc. Thuật ngữ Kekkai cũng là nguồn cảm hứng cho bộ Manga nổi tiếng Kekkai Sensen (tiếng Việt: Huyết giới chiến tuyến). 

    leyline
    Kekkai là không gian tạo ra để bảo vệ những thứ bên trong. Ảnh: nownews

    Về sau, người Nhật hiện đại cũng dùng Kekkai trong kiến trúc nhằm ám chỉ “một thứ phân định không gian nhưng không phải một bức tường, đồng thời đóng vai trò liên kết các không gian lại với nhau”. 

    Những tưởng Kekkai là thuật ngữ chỉ mang tính tôn giáo và truyền thuyết, nhưng có một sự trùng hợp của các ngôi đền cổ ở Nhật Bản. Khi nhìn vị trí của chúng trên bản đồ Nhật, dường như những ngôi đền này sẽ nằm trên một đường thẳng mà các nhà khoa học trên thế giới gọi là “ley line”.

    Ley line là gì?

    Ley line là đường thẳng được nối giữa các công trình lịch sử và địa danh nổi bật. Ý tưởng đầu tiên cho rằng các địa điểm linh thiêng cổ đại có thể được xây dựng thẳng hàng với nhau được đề xuất bởi Mục sư Edward Duke vào năm 1846. Ông đã dành thời gian quan sát và nhận ra rằng một số di tích thời tiền sử và nhà thờ trung cổ bằng một cách kì diệu nào đó lại cùng nằm trên một đường thẳng. Ý tưởng này cũng nhận được sự đồng tình của Wilhelm Teudt – nhà khảo cổ người Đức, vào năm 1909, ông cho rằng những đường thẳng này có chức năng tôn giáo và thiên văn, được gọi là "Heilige Linien – đường thánh" trong tiếng Đức.
    leyline
    Đường Saint Michael là Ley line nổi tiếng kết nối các tu viện của Tổng lãnh Thiên thần Michael, trải dài từ Ireland cho đến Israel, đi qua một số quốc gia và vùng lãnh thổ. Ảnh: Wiki

    Luận điểm này được phát triển bởi doanh nhân người Anh – Alfred Watkins khi ông nghiên cứu và xuất bản cuốn sách “Early British Trackways” vào năm 1922 và “The Old Straight Track” vào 1925, nhưng đều bị bác bỏ và phản đối. Chỉ khi nền khảo cổ học nở rộ ở Anh từ khoảng 1940 – 1960, thì Ley line mới lại được đưa ra bàn luận và công nhận. Theo lời của nhà khảo cổ học Matthew Johnson: “Ley line được coi là đường sức mạnh, có ý nghĩa thiêng liêng và sở hữu quyền lực huyền bí của tổ tiên truyền lại cho chúng ta”. 

    Kết giới tại Nhật Bản

    Vậy Nhật Bản có Ley line hay không? Câu trả lời là có, tại mỗi khu vực dọc theo chiều dài của Nhật Bản sẽ có những Ley line khác nhau và được hình thành dựa trên việc nối những ngôi đền, chùa lâu đời hoặc các danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Có rất nhiều cách nối để cho ra được những hình dạng Ley line khác nhau, dưới đây là một số Ley line nổi tiếng tại đất nước mặt trời mọc.

    Kinki Pentagram 

    Tại trung tâm vùng Kinki, khi nối 5 ngôi đền cổ tạo nên một ngôi sao 5 cánh, hay đúng hơn là hình Pentagram*. Ngôi sao này tại Nhật có tên gọi là "Kinki Gobousei – 近畿五芒星" theo giả thuyết của tác giả Takuji Kita khi ông đề cập đến trong bài viết “Kabbalah đến Nhật Bản cổ đại – bí ẩn của lời tiên tri hiện đại” được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1990. Năm đỉnh của ngôi sao là giao điểm của các đền thờ cổ kính với tuổi đời hơn 1000 năm. Từ đó đến nay, một số đỉnh của ngôi sao đã được thay đổi để tạo thành một ngôi sao cân đối nhất.

    *Trong một số Tôn giáo, ngôi sao năm cánh hay Pentagram được xem như biểu tượng của sự bảo hộ về mặt tâm linh và trí thức thuộc về thế giới linh hồn. Năm cánh của Pentagram đại diện cho hình dạng con người với đầu, tứ chi và thân hoặc trong một số quan niệm, năm cánh cũng tượng trưng cho năm giác quan của con người: Thính giác, Thị giác, Khứu giác, Vị giác và Xúc giác. Pentagram thường xuất hiện như biểu tượng của một tấm bùa bảo vệ trước một thế lực xấu.

    leyline
    Kinki Pentagram. Ảnh: blog.goo.ne.jp

    5 đỉnh của ngôi sao này bao gồm:

    - Đền Ibuki
    - Đền Moto Ise Gegu Toyoukedai
    - Chùa Myokyo-ji
    - Thần cung Ise Jingu
    - Đền Kumano Hongu Taisha

    Kết giới Hexagram vùng Tohoku

    Chính xác hơn là thành phố Sendai, tỉnh Miyagi thuộc khu vực Tohoku. Khi nối 6 ngôi đền cổ bao bọc xung quanh thành phố, ta sẽ thấy ngôi sao sáu cánh Hexagram hiện lên. Tất cả những ngôi đền này được cố ý quy hoạch xây trên những ngọn đồi cao hơn hẳn nhà dân để tạo nên một kết giới vững chắc bảo vệ thành phố hơn 400 năm qua.

    leyline
    Ảnh: mag.japaaan

    Đường Mặt trời mọc

    Ley line này có tên là "Goraikou no michi - ご来光の道", nằm trên một đường thẳng kết nối núi Phú Sĩ với các địa danh theo thứ tự từ Đông sang Tây bao gồm: đền Izumo Taisha (tỉnh Shimane), đền Ogamiyama (tỉnh Tottori), đền Moto Ise (Kyoto), đảo Chikubu (tỉnh Shiga), núi Shichimen (tỉnh Yamanashi ), Núi Phú Sĩ, đền Samukawa (tỉnh Kanagawa), đền Tamamae (tỉnh Chiba). Vì sao lại có tên gọi này? Vì vào ngày Xuân Phân hằng năm (tùy năm sẽ rơi vào ngày khác nhau), độ dài của ngày và đêm bằng nhau. Đặc biệt hơn, do các địa danh thuộc "đường Mặt trời mọc" đều nằm trên một đường thẳng, nên mặt trời sẽ lần lượt soi rọi từng nơi theo thứ tự, chính vì thế Ley line này mới có tên gọi đặc biệt như vậy. Ngoài ra, Tour Sunrise Road Ley Line cũng được thiết kế để du khách có thể trải nghiệm hết cảnh đẹp tại nơi đây.

    leyline
    Ảnh: ameblo.jp
    leyline
    Đền Izumo Taisha được mệnh danh là nơi tụ họp của các vị thần. Ảnh: skywardplus.jal.co.jp

    kilala.vn

    14/07/2021

    Bài: Natsume

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!