Truyền thuyết đô thị Nhật Bản
Truyền thuyết đô thị Nhật Bản là gì?
Truyền thuyết đô thị Nhật Bản (日本の都市伝説 - Nihon no toshi densetsu) là những câu chuyện kể dân gian được lưu hành trong đời sống như những câu chuyện có thật. Đặc trưng của những truyền thuyết này chính là chúng xuất phát từ Nhật Bản và phổ biến trên toàn nước Nhật.
Các câu chuyện trong đó thường liên quan đến việc các thực thể hoặc sinh vật huyền bí gặp phải và tấn công con người. Tuy nhiên, người ta còn dùng tên gọi này cho những tin đồn lan truyền, phi siêu nhiên trong văn hóa đại chúng.
Thể loại chuẩn của những truyền thuyết đô thị thường không liên quan gì đến câu chuyện của các yêu quái dân gian (yokai) mà là những câu chuyện ma quái quỷ dị trong đời sống hiện đại và đương đại, thường được gọi là yurei.
Truyền thuyết đô thị hiện đại của Nhật Bản lấy bối cảnh trong các trường học hoặc thành phố, một số truyện có thể được coi là những câu chuyện cảnh báo.
Các thể loại truyền thuyết đô thị Nhật Bản
Truyền thuyết đô thị Nhật Bản được chia thành hai loại chính là: truyền thuyết tự nhiên và truyền thuyết siêu nhiên. Trong đó, truyền thuyết tự nhiên thường dựa trên những chủ thể, sự kiện có thật, được người ta thêm bớt, truyền miệng kể lại và có tính xác thực không cao. Còn truyền thuyết siêu nhiên là những câu chuyện ma quái rùng rợn có liên quan đến những “chủ thể” ở chiều không gian khác như ma, quỷ…
Một số truyền thuyết đô thị Nhật Bản nổi tiếng
Truyền thuyết tự nhiên
1. Vụ cháy cửa hàng bách hóa Shirokiya năm 1932
Vào ngày 16/12/1932 đã xảy ra vụ hỏa hoạn nghiêm trọng tại cửa hàng bách hóa Shirokiya ở Tokyo, khiến 14 người chết. Trong vụ hỏa hoạn, nhiều nữ nhân viên bán hàng mặc kimono đã phải tháo chạy lên tầng thượng của tòa nhà tám tầng này.
Theo quan niệm truyền thống, phụ nữ không mặc đồ lót khi mặc kimono, vì vậy đã có tin đồn rằng một vài người từ chối nhảy xuống lưới an toàn của lính cứu hỏa đang giăng bên dưới vì họ sợ bị tốc tà áo và. "lộ hàng", dẫn đến việc những người này đã tử vong do đám cháy ngay sau đó.
Người ta cho rằng, sau vụ hỏa hoạn kia, ban quản lý cửa hàng đã yêu cầu các nhân viên bán hàng được mặc nội y cùng với kimono và lối ăn mặc này cũng trở nên ngày càng phổ biến hơn.
Trái với niềm tin này, Giáo sư về Phong tục và Kiến trúc Nhật Bản, ông Shoichi Inoue, đã bác bỏ câu chuyện về những người phụ nữ kia. Theo ông Inoue, hầu hết mọi người đã được cứu bởi lính cứu hỏa, và câu chuyện về những người phụ nữ kia là do bịa đặt. Tuy nhiên, chuyện này đã xuất hiện trong khá nhiều sách, thậm chí một số được xuất bản bởi Cơ quan phòng cháy chữa cháy.
Hơn nữa, người ta cũng tin rằng vụ cháy cửa hàng bách hóa Shirokiya là chất xúc tác cho sự thay đổi của phong tục truyền thống, đặc biệt là xu hướng mặc nội y kiểu phương Tây, mặc dù không có bằng chứng nào chứng minh điều này là đúng hay sai.
2. Máy đếm giờ của Sony
Đã từng có tin đồn rằng Tập đoàn Sony đã cài đặt một thiết bị đếm giờ trong tất cả các sản phẩm điện tử của mình khiến chúng bị hỏng ngay sau khi hết thời hạn bảo hành. Tính đến nay, điều này vẫn chưa được xác thực. Tuy nhiên, người ta cho rằng dù không biết Sony có cái “máy tính giờ” vào các thiết bị điện tử của họ hay không nhưng cụm từ này để ám chỉ việc các sản phẩm của Sony chỉ sử dụng được cho đến khi hãng phát hành mẫu mã mới.
Truyền thuyết siêu nhiên
So với truyền thuyết tự nhiên, các mẩu truyện thuộc thể loại siêu nhiên chiếm phần nhiều hơn. Dưới đây là một trong số những truyền thuyết kỳ bí đó.
1. Aka manto (Áo choàng đỏ)
Aka manto được mô tả là một linh hồn nam mặc áo choàng đỏ và đeo mặt nạ che mặt. Người ta kể rằng Aka manto “ám” trong phòng tắm công cộng hay phòng tắm trường học, thường là buồng tắm cuối cùng của phòng tắm nữ.
Theo truyền thuyết đô thị Nhật có kể rằng, những người trong buồng tắm được Aka Manto yêu cầu lựa chọn giữa giấy đỏ hoặc giấy xanh dương (trong một số phiên bản là áo choàng đỏ hoặc áo choàng xanh dương). Nếu chọn "màu đỏ" nạn nhân sẽ bị xé rách đến chết, còn những người chọn "màu xanh dương" sẽ bị siết cổ hoặc bị rút hết máu khỏi cơ thể. Còn nếu chọn một màu ngoài hai màu xanh đỏ thì sẽ bị ông ta lôi xuống địa ngục.
Như những câu chuyện truyền miệng nhau, chọn "màu vàng" thì đầu sẽ bị đẩy vào nhà vệ sinh. Nếu muốn sống sót thì chỉ có thể tìm cách thoát khỏi phòng tắm thôi.
Xem thêm về Bài thơ bị nguyền rủa.
2. Quảng cáo Kleenex bị nguyền rủa
Vào những năm 1980, Kleenex đã phát hành ba đoạn quảng cáo khăn giấy. Trong đó, nữ diễn viên Keiko Matsuzaka thủ vai nữ chính mặc một chiếc váy trắng và còn có một đứa trẻ mặc đồ yêu tinh Nhật Bản ngồi trên đống rơm. Nhạc nền quảng cáo là bài hát "Đó là một ngày đẹp trời" của Edward Barton và Jane.
Sau khi lên sóng, người xem bắt đầu gửi khiếu nại với các đài truyền hình và trụ sở công ty của Kleenex vì họ thấy quảng cáo không đáng tin, một số người cho rằng bài hát nghe giống như một lời nguyền của Đức, mặc dù lời bài hát bằng tiếng Anh. Không lâu sau đã xuất hiện những tin đồn về cái chết không rõ ràng của các diễn viên và ekip thực hiện ba đoạn quảng cáo này.
3. Lời nguyền của Đại tá
Lời nguyền của Đại tá (カーネルサンダースの呪い - Kāneru Sandāsu no Noroi) được cho là nói đến đội bóng chày Hanshin Tigers. Người ta xem lời nguyền này là nguyên nhân của trận thi đấu kém cỏi của họ trong Giải vô địch Nhật Bản. Chuyện kể năm 1985, người hâm mộ của Hanshin Tigers đã ăn mừng chiến thắng đầu tiên (và cũng là duy nhất của đội), trong sự phấn khích, những người hâm mộ đã ném một bức tượng của Đại tá Sanders (người sáng lập và cũng là biểu tượng của KFC) xuống sông Dōtonbori. Kể từ sự cố, đội vẫn chưa giành được Giải vô địch một lần nào nữa.
Xem thêm chuyện của Hanako-san.
4. Lời nguyền công viên Inokashira
Trong công viên Inokashira, Tokyo, có một đền thờ nữ thần Benzaiten. Trong công viên có một hồ nước, du khách đến đây có thể thuê thuyền chèo. Có một truyền thuyết nói rằng nếu một cặp vợ chồng cùng nhau chèo thuyền ở đây, mối quan hệ của họ sẽ kết thúc sớm. Theo một số dị bản của truyền thuyết đô thị, những cặp vợ chồng hạnh phúc khi đến thăm công viên này sẽ bị nữ thần Benzaiten ghen tuông, và khiến họ chia tay.
5. Teke Teke (hoặc Kashima Reiko)
Teke Teke (テケテケ) là hồn ma của phụ nữ trẻ hoặc nữ sinh bị ngã chết trên đường sắt. Người ta gọi đây là một "onryou - oán linh", hay linh hồn báo thù, thường ẩn nấp quanh các khu vực đô thị và nhà ga vào ban đêm. Vì không còn chi dưới, hồn ma này di chuyển bằng cả hai tay hoặc khuỷu tay, kéo phần thân trên của mình và tạo ra một âm thanh tương tự tiếng "teke teke". Nếu gặp được một đối tượng tiềm năng, hồn ma này sẽ đuổi theo và chém người đó làm đôi bằng lưỡi hái hoặc vũ khí khác.
Trong một số dị bản, người ta cho rằng linh hồn đó là Kashima Reiko, người bị tàu hỏa cán lìa hai chân ra khỏi người. Hồn ma không chân này ám ở các phòng tắm, và hỏi người dân xem có ai biết chân của cô đang ở đâu không. Nếu ai đó đưa ra câu trả lời mà Kashima không chấp nhận được, cô sẽ xé hoặc cắt chân họ.
Cách thoát khỏi Kashima là trả lời rằng đôi chân của cô đang ở trên đường cao tốc Meishin, hoặc đáp bằng cụm từ "kamen shinin ma" - "mặt nạ quỷ chết" và đây cũng là một câu chuyện truyền thuyết đô thị Nhật Bản rất nổi tiếng lúc bấy giờ.
Nếu cảm thấy có hứng thú với các thể loại truyện kinh dị của Nhật Bản, bạn có thể theo dõi loạt truyện thuộc series "Nổi da gà" của Kilala được đăng hằng tuần tại đây nhé.
Những tác phẩm "Truyền thuyết đô thị" của Nhật Bản có chuyển thể thành phim hay không ?
"Ju-On" (The Grudge): Dựa trên truyền thuyết về một hồn ma đáng sợ, bộ phim kinh dị Ju-On đã trở thành một trong những loạt phim kinh dị nổi tiếng của Nhật Bản và đã được chuyển thể thành nhiều phiên bản phim, cả Nhật Bản và Hollywood.
"Ringu" (The Ring): Dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Koji Suzuki, Ringu nổi tiếng với hình ảnh kinh dị của Sadako, một cô gái ma quái với mái tóc che mặt. Bộ phim đã tạo nên làn sóng phim kinh dị đình đám và đã được làm lại ở nhiều nước khác.
"Onibaba": Dựa trên một câu chuyện dân gian Nhật Bản, bộ phim này kể về hai phụ nữ sống trong thời kỳ chiến tranh dưới thời kỳ samurai và phải đối mặt với những ám ảnh và sự thay đổi trong tâm hồn của họ.
kilala.vn
23/06/2020
Bài: Aki Kanou
Đăng nhập tài khoản để bình luận