Nhật Bản - Nền văn hóa được hình thành từ biển
Với trọng tâm là Ngày của Biển (Umi no Hi), tháng 7 tại Nhật Bản cũng được xem là Tháng của Biển với những hoạt động nhằm tôn vinh và nâng cao hiểu biết của cộng đồng về đại dương. Là một quốc đảo với đường bờ biển dài 33.889km, sự hình thành và phát triển của văn hóa xứ Phù Tang từ xa xưa đều gắn liền với biển.
Đây là huyền thoại lập quốc của xứ Phù Tang, được ghi chép trong Kojiki (Cổ Sự Ký) - biên niên sử cổ nhất còn sót lại ở quốc gia này. Sinh ra giữa đại dương bao la, từ ngàn xưa, biển đã mang đến nguồn sống nuôi dưỡng người dân Nhật Bản và là yếu tố quan trọng góp phần hình thành nên văn hóa, con người nơi đây.
Khái quát về vùng biển Nhật Bản
Là một đảo quốc, bốn bề của Nhật Bản được bao bọc bởi biển: Thái Bình Dương ở phía Đông và Nam, Biển Okhotsk ở Đông Bắc, Biển Nhật Bản ở Tây Bắc và Biển Hoa Đông ở Tây Nam, trong khi Biển nội địa Seto (Seto Naikai) ngăn cách các hòn đảo chính Honshu, Shikoku và Kyushu.
Với đường bờ biển dài 33.889km và không có nơi nào cách biển quá 200km, tài nguyên biển có thể tiếp cận khá dễ dàng từ bất cứ đâu tại Nhật Bản.
Bên cạnh đó, với vị trí địa lý nằm ở rìa lục địa Á-Âu và lãnh thổ trải dài hơn 3.000km theo hướng Đông Bắc – Tây Nam (từ cực Bắc của Hokkaido đến cực Nam của Okinawa), quần đảo Nhật Bản có sự đa dạng lớn về mùa và khí hậu.
Nhiều vùng biển ven bờ, các dòng hải lưu nóng và lạnh (Kuroshio - Oyashio) chảy trực tiếp dọc theo bờ biển qua các eo biển khác nhau đã tạo nên một môi trường biển vô cùng phong phú, sinh ra một trong số những ngư trường năng suất và đa dạng nhất thế giới.
Người ta ước tính rằng vùng nước ven biển của Nhật Bản có đến hơn 2.000 loài cá (khoảng 10% số loài cá nước mặn đã được biết đến), cùng với hàng trăm loài động vật có vỏ khác.
Quần đảo Nhật Bản chịu ảnh hưởng của chu kỳ gió mùa hằng năm phổ biến ở nhiều vùng Đông Á, Đông Nam Á và Nam Á. Vào những tháng mùa hè, không khí ấm và ẩm tạo thành những cơn bão lớn di chuyển theo hướng Tây Bắc, đi qua Nhật Bản trước khi tiến vào lục địa châu Á.
Vào những tháng mùa đông, không khí lạnh và khô di chuyển theo hướng Đông Nam từ Siberia, hấp thụ độ ẩm từ Biển Nhật Bản và đổ tuyết dày xuống các ngọn núi ở miền Trung đất nước.
Dù phần lớn bờ biển Nhật Bản là đá nhưng vẫn có những bãi biển trải dài thu hút khách du lịch. Từ những bãi biển xinh đẹp với làn nước màu ngọc lam ấm áp ở Okinawa cho đến biển băng lạnh giá ở hòn đảo cực Bắc Hokkaido, vùng biển xứ Phù Tang sở hữu cảnh quan vô cùng đa dạng.
Biển với phong tục và tín ngưỡng của nước Nhật
Từ thời xa xưa, các nguồn tài nguyên biển đã được khai thác rộng rãi ở Nhật Bản. Những bằng chứng được khai quật cho thấy người Nhật đã hình thành mối quan hệ với biển từ thời Jomon (khoảng năm 10.000-300 TCN).
Những chiếc thuyền độc mộc với niên đại hơn 5.000 năm đã được sử dụng cho các chuyến đi biển từ xa xưa. Hay xương của cá thu ngựa, cá tráp biển đỏ được tìm thấy trong các gò vỏ sò từ thời Jomon chứng minh rằng nhiều loại cá và động vật có vỏ là trụ cột trong chế độ ăn uống của người Nhật cổ đại. Người Jomon cũng đã sử dụng những kỹ thuật khá tinh vi để bẫy các loài cá đại dương lớn như cá heo và cá ngừ.
Là sinh kế, nguồn cung cấp lương thực phong phú nuôi sống con người, biển đồng thời cũng là một thế lực thiên nhiên vô cùng mạnh mẽ, tiềm ẩn sự tàn phá và hủy diệt lớn lao. Người Nhật tôn kính sức mạnh của đại dương và thay vì kháng cự, họ sống thích nghi, hòa hợp với biển cùng những mối đe dọa của nó.
Từ thuở xa xưa, Thần đạo - tôn giáo bản địa của người Nhật đã cho rằng luôn có thần linh (kami) ngự trị trong mỗi sự vật xung quanh. Và kami đại diện cho biển cả là Ryujin (hoặc Watatsumi trong một số truyền thuyết).
Vị thần này mang hình dáng của một con rồng, cai trị đại dương và bảo vệ xứ Phù Tang. Ryujin điều khiển thủy triều và mưa bằng những viên ngọc ma thuật từ cung điện của mình dưới đáy biển, nơi được gọi là Long Cung hay Ryugu-jo, từng xuất hiện trong câu chuyện cổ tích về Urashima Taro.
Vị thần biển này được thờ phụng ở nhiều ngôi đền trên khắp Nhật Bản, đặc biệt là ở những làng chài hoặc các vùng nông thôn - nơi lượng mưa là điều cần thiết để phát triển nông nghiệp.
Ngoài ra cũng có một vị thần biển khác được tôn thờ là Ebisu - vị thần của sự chính trực, cái chết và vận may, cũng như biển và cá; được cho là con trai cả của Izanagi và Izanami – hai vị thần khai sinh ra nước Nhật. Trong nhiều bức tranh, thần Ebisu được mô tả với khuôn mặt hiền hậu, nụ cười rạng rỡ, tay phải cầm cần câu và tay trái ôm cá tráp biển.
Và cho đến nay, tại những vùng ven biển nơi nghề đánh bắt cá phát triển mạnh, người dân vẫn thường tổ chức các lễ hội để cầu thuận buồm xuôi gió và vụ đánh bắt bội thu từ một đến hai lần mỗi năm.
Như tại Konoura, thị trấn nhỏ ở Nikaho, phía Tây Nam tỉnh Akita vốn nổi tiếng với cá tuyết, hằng năm vào ngày 4 tháng 2, một lễ hội gọi là Kakeyo sẽ được tổ chức. Người dân sẽ treo khoảng 50 con cá tuyết lên các ống tre dài và khiêng chúng từ Cảng Konoura đến Đền Konourayama để dâng lên các vị thần, tỏ lòng thành kính và cầu nguyện may mắn khi ra khơi.
Và để tôn vinh biển cũng như ý nghĩa của biển trong văn hóa Nhật Bản, Ngày của Biển (Umi no Hi) đã được ra đời vào năm 1996. Umi no Hi rơi vào ngày thứ Hai của tuần thứ 3 của tháng 7 và là một ngày lễ quốc gia. Ngoài ra, tháng 7 cũng được gọi là Tháng của Biển với nhiều sự kiện liên quan được tổ chức trên khắp đất nước nhằm nâng cao hiểu biết và nhận thức về đại dương.
Vào mùa hè tại Nhật còn có một phong tục khá độc đáo: “Umi-biraki”, hay ngày mở cửa bãi biển. Umi-biraki đánh dấu sự bắt đầu của mùa bơi lội tại các bãi biển xứ Phù Tang, thường do các quan chức địa phương phụ trách chủ trì.
Các sự kiện Umi-biraki mở cửa cho công chúng và thường bao gồm một buổi lễ với nghi thức Thần đạo nhằm cầu nguyện cho sự an toàn của người đi biển. Sau đó, mọi người cùng dọn dẹp bãi biển và tham gia vào các hoạt động khác. Nhiều bãi biển ở Nhật Bản tổ chức sự kiện này vào ngày 1 tháng 7, trong khi ở Okinawa và những vùng biển ấm áp khác, lịch tổ chức sẽ sớm hơn.
Nền ẩm thực gắn liền với biển
Nhắc đến ẩm thực Nhật Bản, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những món ăn từ hải sản như sushi hay sashimi. Được bao bọc bởi đại dương nên bên cạnh gạo và rau thì cá nói riêng và hải sản nói chung chắc chắn là nguồn thực phẩm chính trong chế độ ăn uống của người Nhật. Và có một sự thật là người Nhật xưa kia gần như không ăn thịt do lệnh cấm thịt kéo dài suốt 12 thế kỷ, kết thúc vào năm 1872.
Hầu hết những món hải sản nổi tiếng nhất trong ẩm thực xứ Phù Tang được ra đời vào thời Edo (1603-1868). Sau khi Tokugawa Ieyasu thống nhất đất nước, văn hóa ẩm thực đã có sự phát triển đáng kể và nigiri sushi được ra đời, lấy cảm hứng từ món cá lên men với gạo và muối có nguồn gốc từ Trung Quốc, đã du nhập vào Nhật Bản từ trước đó.
Ngoài ẩm thực cá sống, các phương pháp chế biến khác như tsukudani (ninh trong nước tương và mirin), tempura hay kabayaki (lươn nướng) cũng được sáng tạo trong thời kỳ này.
Biển trong các tác phẩm nghệ thuật
“Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa” - bản in khắc gỗ nổi tiếng của danh họa Hokusai là một hình ảnh mang tính biểu tượng của xứ Phù Tang. Bức họa thời Edo này mô tả một con sóng dữ dâng cao, cuộn thành một vòng xoắn với đường viền trông như những “móng vuốt” đang giương lên, đe dọa nhấn chìm ba chiếc thuyền bên dưới.
Đối với một quốc đảo như Nhật Bản, sóng là một biểu tượng đại diện cho nền văn hóa của họ. Chu kỳ tuần hoàn liên tục của sóng biểu thị sự yên bình nhưng cũng cho thấy tính hung hãn và khả năng phục hồi mạnh mẽ.
Sự lên xuống bất tận của con sóng vỗ vào bờ là lời nhắc nhở thường trực về sự trôi đi của thời gian cũng như sức mạnh nguy hiểm của biển cả. Sóng chuyển động liên tục cũng đại diện cho khái niệm vô thường trong Phật giáo – niềm tin rằng vạn vật đều phù du và luôn thay đổi.
Vào thời kỳ Edo, sóng biển thường xuất hiện trong các bản in khắc gỗ Ukiyo-e như một ẩn dụ cho bản chất thăng trầm của cuộc đời. Một ví dụ đáng chú ý như bức "Biển ngoài khơi Satta, Tỉnh Suruga" của Utagawa Hiroshige.
Một biểu tượng quen thuộc khác là họa tiết sóng biển Seigaiha, có hình dạng những vòng cung xếp chồng tầng tầng lớp lớp. Xuất hiện vào thế kỷ thứ 6, Seigaiha (青海波 – THANH HẢI BA) dịch theo nghĩa đen là “biển xanh và sóng”. Nó gợi lên những con sóng biển êm ả và tĩnh lặng nhưng cũng mạnh mẽ và kiên cường khi liên tục vỗ vào bờ. Seigaiha cũng là biểu tượng của sự may mắn.
Một số chuyên gia cho rằng Seigaiha đã trở nên phổ biến vào thời kỳ Edo sau khi họa sĩ tranh sơn mài Seikai Kanshichi phát minh ra cách vẽ nó bằng một loại cọ đặc biệt. Đây cũng là tên của một điệu nhảy nhã nhạc cổ xưa mà họa tiết này được sử dụng trên trang phục của người nhảy.
Tạm kết
Với Nhật Bản, biển mang một ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của kinh tế, văn hóa và xã hội tại quốc gia này. Và trong suốt chiều dài lịch sử cho tới hiện tại, mối quan hệ sâu sắc giữa người Nhật với biển cả vẫn không ngừng được mở rộng, thắt chặt.
Những khía cạnh khác nhau của biển tại xứ Phù Tang sẽ tiếp tục được khai thác trong Chuyên đề Tháng của Biển, mời bạn đón đọc!
kilala.vn
Nguồn: Ảnh bìa: oceana.ne.jp
Đăng nhập tài khoản để bình luận