eMagazine
0%

Rồng (竜 hoặc 龍 trong tiếng Nhật) là sinh vật thần thoại có mặt trong nhiều nền văn hóa khác nhau, và ở Nhật Bản cũng không ngoại lệ. Tại quốc gia phương Đông này cũng có không ít truyền thuyết cùng câu chuyện về rồng vẫn được lưu truyền cho đến ngày nay.

Ryujin Vị thần biển cả. Ryujin Vị thần biển cả

Ryujin (龍神 – Long Thần) hay còn được biết đến với cái tên Watatsumi (海神 – Hải Thần), là vị thần hộ mệnh của biển cả trong thần thoại Nhật Bản. Một số phiên bản dân gian về nhân vật này viết rằng ông có khả năng biến thành hình dạng con người.

Thần rồng Ryujin đại diện cho sức mạnh của đại dương và ông có một cái miệng lớn. Phản ánh tính chất hay biến động của biển cả, vị thần này có thể là một thế lực độc ác hoặc một người cai trị tốt bụng sẵn sàng giúp đỡ các anh hùng gặp nạn. Ryujin sống ở Long Cung (Ryugyu), tại đây ông kiểm soát thủy triều lên xuống bằng những viên ngọc thủy triều kỳ diệu.

Thần rồng Ryujin.
Thần rồng Ryujin. Ảnh: worldhistory.org

Có nhiều câu chuyện gắn liền với thần rồng như việc ông đã tạo ra cơn bão đánh chìm đội tàu Mông Cổ do Hốt Tất Liệt cử đến. Một truyền thuyết khác kể về việc Ryujin đã nhờ người đàn ông tên là Tawara Toda giúp mình tiêu diệt một con rết khổng lồ đang tấn công vương quốc dưới biển. Tawara Toda đồng ý và cùng Ryujin trở về Long Cung. Sau khi vị anh hùng kết liễu con rết nọ, Ryujin đã thưởng cho anh một bao gạo không bao giờ cạn.

Anh hùng Tawara Toda tiêu diệt con rết khổng lồ (mukade) bằng cung tên.
Anh hùng Tawara Toda tiêu diệt con rết khổng lồ (mukade) bằng cung tên. Ảnh: sumitomo.or.jp

Otohime Nàng công chúa rồng. Otohime Nàng công chúa rồng

Otohime (乙姫) là một trong những người con gái của thần rồng Ryujin. Nàng cũng được cho là bà của vị hoàng đế đầu tiên của nước Nhật – Thiên hoàng Jimmu.

Otohime cũng xuất hiện trong câu chuyện cổ tích nổi tiếng của Nhật Bản mang tên “Urashima Taro”. Truyện kể về chàng ngư dân trẻ tuổi Urashima Taro, anh đã cứu một con rùa khỏi sự hành hạ của lũ trẻ. Con rùa này hóa ra lại chính là nàng công chúa Otohime, con gái cưng của thần Ryujin.

Công chúa Otohime và Urashima Taro.
Công chúa Otohime và Urashima Taro. Ảnh: Wikipedia

Để đền ơn cứu mạng, Urashima Taro được mời đến thăm Long Cung dưới đáy biển, tại đây anh được thết đãi vô số sơn hào hải vị, đắm chìm trong những bữa tiệc tuyệt vời. Thấm thoắt đã ba năm trôi qua, Urashima Taro quyết định trở về nhà. Otohime tặng cho chàng trai một chiếc hộp, nói rằng nó sẽ bảo vệ anh và dặn dò không bao giờ được mở hộp ra.

Khi trở về mặt đất, Urashima Taro ngỡ ngàng khi biết 700 năm đã trôi qua kể từ ngày anh rời đi, lẽ dĩ nhiên gia đình và bạn bè của anh đều đã không còn. Buồn bã, chàng trai bèn mở chiếc hộp nhận được từ công chúa, và từ bên trong, một làn khói trắng tỏa ra. Rồi bỗng chốc, anh đột nhiên bị biến thành một ông già râu tóc trắng xóa.

Tranh vẽ Urashima Taro rời Long Cung.
Tranh vẽ Urashima Taro rời Long Cung. Ảnh: trevorkew.com

Mizuchi Quái vật phun nọc độc. Mizuchi Quái vật phun nọc độc

Mizuchi (蛟 hoặc 虯) là một con rồng sống ở sông Kawashima, chuyện kể rằng nó sẽ thở và phun ra nọc độc để lấy mạng khách qua đường. Agatamori, tổ tiên của tộc Kasa no omi, đã đến sông và thách thức con rồng.

Agatamori ném ba quả bầu xuống sông và nói rằng Mizuchi hãy làm cho những quả bầu này chìm xuống, bằng không anh sẽ giết nó. Con rồng bèn biến hình thành một con nai để cố gắng đánh chìm những quả bầu, nhưng cuối cùng đã thất bại và bị Agatamori kết liễu.

Sau đó anh tiếp tục tìm kiếm và phát hiện một bầy rồng lấp đầy hang động dưới đáy sông. Agatamori đã tiêu diệt toàn bộ chúng. Theo truyền thuyết, cả dòng sông nhuộm đỏ vì máu của những con rồng mà Agatamori đã giết, cũng vì thế mà khu vực này được gọi là Hồ Agatamori kể từ đó.

Rồng nước Mizuchi.
Rồng nước Mizuchi. Ảnh: Deviant Art

Yamata no Orochi quái vật rồng tám đầu. Yamata no Orochi quái vật rồng tám đầu

Yamata no Orochi (八岐大蛇), hay Orochi, là một quái vật rồng có tám đầu và tám đuôi. Cứ mỗi năm, nó đều ăn thịt một người con gái của Kunitsukami, hai vị thổ địa trên trần gian.

Truyền thuyết về Orochi bắt đầu bằng câu chuyện về Susanoo, vị thần biển và bão tố trong Thần đạo, người đã bị trục xuất khỏi thiên giới vì những trò phá hoại gây ra cho nữ thần mặt trời Amaterasu, cũng chính là chị gái của ông.

Ở gần sông Hi thuộc tỉnh Izumo, Susanoo tình cờ gặp hai Kunitsukami đang khóc than vì phải hy sinh một người con gái mỗi năm trong vòng bảy năm liên tiếp để làm hài lòng Orochi. Và sớm thôi, người con gái cuối cùng của họ là Kushi-nada-hime sẽ bị hiến tế.

Susanoo đề nghị cứu Kushi-nada-hime, đổi lại họ phải gả nàng cho ông. Kunitsukami đồng ý và Susanoo liền biến nàng thành một chiếc lược. Sau đó, ông cài chiếc lược lên tóc mình và nói với Kunitsukami chuẩn bị loại rượu sake đậm đặc gấp tám lần bình thường. Ông cũng yêu cầu làm tám cái tủ, mỗi tủ đặt một bồn chứa đầy thứ rượu mạnh trên.

Susanoo chiến đấu với quái vật Orochi.
Susanoo chiến đấu với quái vật Orochi. Ảnh: Wikipedia

Khi Orochi xuất hiện, nó uống cạn các bồn rượu này rồi say khướt và cuối cùng ngủ thiếp đi. Tận dụng cơ hội này, Susanoo đã giết con rồng bằng cách dùng kiếm chặt nó thành từng mảnh. Khi Susanoo xẻ đuôi con rồng ra, vị thần tìm thấy một thanh kiếm bên trong. Thanh khiếm này về sau được gọi là Kusanagi-no-Tsurugi và Susanoo cuối cùng đã tặng nó cho Amaterasu để hòa giải.

Kusanagi-no-Tsurugi, cùng với một chiếc gương và một viên ngọc nữa gọi là Yata-no-Kagami và Yasakani-no-Magatama, tạo thành Tam chủng thần khí của nước Nhật. Ba bảo vật này được mang xuống hạ giới bởi thần Ninigi – cháu trai của Amaterasu và cũng là tổ tiên của hoàng gia Nhật Bản. Chúng là biểu tượng cho nguồn gốc thần thánh của hoàng đế với tư cách là hậu duệ của nữ thần Mặt trời Amaterasu và được truyền lại qua các thế hệ Nhật hoàng.

Tranh minh họa Tam chủng thần khí của Nhật Bản.
Tranh minh họa Tam chủng thần khí của Nhật Bản. Ảnh: minnanoohaka.com

Kiyohime Nàng công chúa hóa rồng. Kiyohime Nàng công chúa hóa rồng

Kiyohime (清姫) là con gái của một trưởng làng giàu có tên Shoji, gia đình nàng thường cung cấp chỗ trọ cho các nhà sư cùng lữ khách. Một ngày nọ, cô gái trẻ đã phải lòng vị khách trọ tên Anchin – một nhà sư đang trên đường hành hương tới Kumano.

Điều này khiến Anchin bối rối, và để tránh mặt nàng, nhà sư nói dối rằng sẽ quay lại trên đường trở về. Sau khi biết mình bị lừa, Kiyohime giận dữ đuổi theo Anchin. Họ chạm mặt ở sông Hidaka, khi Anchin đang nhờ một người chèo thuyền đưa anh qua sông. Nhà sư cũng dặn người lái đò không cho Kiyohime lên thuyền để anh có thể trốn thoát.

Nhận ra ý định của Anchin, Kiyohime đã lao xuống sông Hidaka và bắt đầu bơi về phía thuyền. Khi cô bơi, cơn thịnh nộ tột độ đã biến cô thành một con rồng lớn.

Tranh vẽ Kiyohime biến hình thành rồng.
Tranh vẽ Kiyohime biến hình thành rồng. Ảnh: Wikipedia

Anchin chạy trốn vào một ngôi chùa tên là Dojo-ji để tìm kiếm sự giúp đỡ và các nhà sư ở đây đã giấu anh dưới một chiếc chuông. Tuy nhiên Kiyohime đã tìm thấy Anchin nhờ vào mùi hương, sau đó cô cuộn thân mình quanh chiếc chuông và dùng đuôi đập mạnh vào nó vài lần. Rồi Kiyohime bắt đầu phun lửa từ miệng mình, làm tan chảy chiếc chuông và giết chết Anchin bên trong.

Tranh vẽ Kiyohime biến hình thành rồng.
Tranh vẽ Kiyohime biến hình thành rồng. Ảnh: Wikipedia

Nure-onna Yokai đầu người mình rồng. Nure-onna Yokai đầu người mình rồng

Nure-onna (ぬれ女) hay “người phụ nữ ướt” có ngoại hình trông giống như một loài bò sát với thân rồng/rắn và chiếc đầu của phụ nữ. Yêu quái này thường lang thang ở những vùng nước rộng lớn như đại dương, sông hồ để tìm kiếm con mồi.

Nure-onna xuất hiện trong những truyền thuyết ở vùng Kyushu, Niigata và Fukushima. Người ta nói rằng Nure-onna đã kết hôn hoặc có quan hệ mật thiết với Ushi-oni, cả hai hợp tác với nhau để “săn mồi”.

Để dẫn dụ con mồi, Nure-onna giao đứa con của mình cho những người lạ vô tội, sau đó bước xuống biển và biến mất. Đứa bé trên tay trở nên nặng đến mức nạn nhân không thể cử động. Ushi-oni sau đó ngoi lên khỏi mặt nước để tấn công và chúng cùng nhau ăn con mồi.

Nure-onna.
Nure-onna. Ảnh: Wikimedia

Seiryu Sinh vật bảo hộ xứ Phù Tang. Seiryu Sinh vật bảo hộ xứ Phù Tang

Seiryu (青龍) hay Thanh Long là một trong Tứ Tượng (bao gồm Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước và Huyền Vũ) trong văn hóa Trung Hoa, được du nhập vào Nhật Bản khoảng thế kỷ thứ 7.

Seiryu dưới hình dạng một con rồng xanh là người bảo vệ phương Đông, gắn liền với yếu tố Mộc, mùa xuân, hành tinh Sao Mộc và các màu xanh lam, xanh lục. Vị thần này đại diện cho đức tính nhân từ và tượng trưng cho sự sáng tạo, đồng thời là người điều khiển mưa. Seiryu được thờ cúng ở chùa Kiyomizu, phía đông Kyoto.

Lễ hội Seiryu-e tại chùa Kiyomizudera, Kyoto.
Lễ hội Seiryu-e tại chùa Kiyomizudera, Kyoto. Ảnh: adventureoclock.com