Bộ tứ sinh vật thần thoại bảo hộ bốn phương xứ Phù Tang
Trong tín ngưỡng dân gian Nhật Bản tồn tại bốn sinh vật huyền bí mang sức mạnh siêu nhiên, bảo vệ đất nước mặt trời mọc trường tồn trong sự ấm no, hạnh phúc.
Từ xưa đến nay, những câu chuyện thần thoại nhuốm màu kỳ bí luôn có sức hút kỳ lạ đối với con người, trong đó, truyền thuyết về các sinh vật huyền thoại là phổ biến nhất. Người xưa thường tin vào sự tồn tại quái thú, những linh hồn thiêng liêng hiện diện xung quanh cuộc sống của con người.
Bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu về bốn vị thần hộ mệnh trong thần thoại Nhật Bản. Đó là bốn sinh vật bảo vệ tứ phương: Đông, Tây, Nam, Bắc của xứ sở hoa anh đào.
Nguồn gốc của bốn vị thần này xuất phát từ Tứ Tượng (bao gồm Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước và Huyền Vũ) trong văn hóa Trung Quốc và được du nhập vào Nhật Bản. Trong tiếng Nhật, họ được gọi là “四神 – Shijin” (Tứ Thần) hoặc “四象 – Shishou” (Tứ Tượng), “四獣 – Shijuu” (Tứ Thú).
Genbu – Thần hộ mệnh phương Bắc
Genbu (玄武 - Huyền Vũ) có nghĩa là "chiến binh bóng đêm", vị thần này xuất hiện dưới hình dáng của con rùa khổng lồ cùng con rắn bao quanh, nhưng đôi khi con rắn cũng được xem là phần đuôi của sinh vật này. Phần mai rùa là biểu tượng của trời đất.Thông thường Genbu có màu đen nhưng trong một số hoàn cảnh lại mang màu vàng hoặc màu tím, màu của Hoàng gia.
Genbu kiểm soát các yếu tố về nước hoặc liên quan đến mùa đông, trấn giữ ở phía bắc cung điện Hoàng gia Kyoto. Sinh vật huyền bí này cũng là biểu tượng cho sự thuần khiết, trường tồn vĩnh cửu cùng sự linh hoạt và trí tuệ.
Seiryu – Thần hộ mệnh phương Đông
Hiện thân của Seiryu (青龍 - Thanh Long) là một con rồng xanh, đại diện của sức mạnh, quyền lực và biểu tượng cho mùa xuân. Seiryu mang sức mạnh của nguyên tố mộc, có khả năng điều khiển mưa gió, sở hữu sức mạnh vô song, ban phát quyền lực, sự giàu có thịnh vượng cho con người.Trong một số điển tích xưa, tương truyền rằng thần Seiryu là vua của muôn loài, thủ lĩnh trong bốn linh thú.
Thần Seiryu canh giữ phía Đông Nhật Bản. Thần được thờ phụng tại chùa Kiyomizu-dera nằm ở phía đông Kyoto. Người dân ở đây dựng một bức tượng rồng ngay lối vào chùa và tổ chức lễ hội hằng năm, nhằm tôn vinh vị linh thú hộ mệnh.
Truyền thuyết địa phương lưu truyền rằng, có lần Seiryu đã hiện ra uống nước từ thác của ngôi chùa.
Suzaku – Thần hộ mệnh phương Nam
Suzaku (朱雀 - Chu Tước) là linh vật giám hộ đẹp nhất trong bốn loài. Thần Suzaku mang vẻ ngoài lộng lẫy, rực rỡ với hình dạng chim phượng hoàng lửa màu đỏ nổi bật. Thần nắm giữ nguyên tố lửa và tượng trưng cho mùa hè, đại diện cho đức tính trung thực, lòng trung thành, ý chí, sự thiện lương và tinh thần cao thượng.Các cố đô xưa như Fujiwara, Heijo và Heian đều có cổng phía nam gọi là Suzakumon (cổng Suzaku) tuy nhiên ngày nay, những cánh cổng đã biến mất.
Byakko – Thần hộ mệnh phía Tây
Byakko (白虎 - Bạch Hổ) là vị thần thú mang dáng hình của một con hổ trắng, có khả năng điều khiển gió, nắm giữ yếu tố kim loại và đại diện cho mùa thu. Theo truyền thuyết, thần Byakko biểu tượng cho sự công bằng và lòng dũng cảm.Trong nghi thức an táng cổ xưa của vua chúa, tướng lĩnh và giới quý tộc, người ta đặt lên mộ một miếng kim loại và thực hiện một nghi thức đặc biệt liên quan đến việc thờ cúng thần Hổ.
Tại một số lăng mộ cổ ở Nara, giới khảo cổ còn phát hiện thấy các bức tranh Byakko trên tường. Nghi lễ này biểu thị việc thần Bạch Hổ bảo hộ quân đội của Hoàng đế chống lại kẻ thù và chiến đấu chống ma quỷ đe dọa người chết trong mồ mả của họ.
Trên đây là bốn linh thú mà người Nhật sùng kính, thờ phụng. Theo thời gian, những yếu tố ly kỳ được thêm thắt xung quanh bốn thần thú bảo hộ, tạo nên những câu chuyện hấp dẫn, ly kỳ.
Cũng chính vì thế mà không chỉ tồn tại trong thần thoại, truyền thuyết, ngày nay, bốn vị thần thú còn xuất hiện trong tiểu thuyết, manga, anime, trò chơi điện tử… của đất nước mặt trời mọc và trở nên phổ biến trong đời sống tinh thần người dân. Tiêu biểu có thể kể đến các Anime như “Fushigi Yugi” và “Yu Yu Hakusho” hay trong nhiều game, mà nổi tiếng nhất là “Final Fantasy XI” đều có sự xuất hiện của Tứ Thần.
kilala.vn
06/02/2022
Bài: Ái Thương
Nguồn: jpninfo
Đăng nhập tài khoản để bình luận