Người dân Kansai nổi tiếng với tính cách bộc trực, thân thiện, cởi mở cùng với những đặc trưng riêng trong hành động và lời nói. Sự vồn vã nói chung của người dân nơi đây đôi lúc khiến người khác bối rối nhưng cũng tạo nên nét hấp dẫn rất thú vị.
Nở phía Trung Tây của đảo chính Honshu (本州), Kansai (関西) là một trong 9 vùng địa lý của Nhật Bản, bao gồm các tỉnh: Nara, Wakayama, Kyoto, Osaka, Hyogo, Shiga và thường thêm tỉnh Mie. Khu vực này là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của Nhật Bản với quy mô dân số chỉ xếp sau khu vực Greater Tokyo (gồm vùng Kanto và tỉnh Yamanashi). Cùng là cư dân các vùng kinh tế trọng điểm nhưng trong khi người dân Kanto thường được hình dung bằng sự trầm ổn có phần lạnh nhạt, người dân Kansai, từ phim ảnh đến lời kể, hay được nhận xét là cởi mở, nói nhiều và hài hước.
Kansai đặc trưng bởi tính cách vui vẻ, cởi mở. Ảnh: PIXTA
Tính cách điển hình của người Kansai
Từ khoá đầu tiên và phổ biến nhất mỗi khi nhắc đến người dân Kansai là “thân thiện”. Họ cởi mở, ôn hoà, dễ bắt chuyện, ít ngại người lạ. Ở tinh·Osaka nói riêng và Kansai nói chung, bạn thường không phải lo lắng khi bị lạc đường vì người xung quanh sẵn sàng giúp đỡ tận tình ngay cả khi hai người chỉ có thể dùng “ngôn ngữ cơ thể” để ra hiệu cho nhau. Chính vì thế, đặc biệt với người nước ngoài đến Nhật học tập hay làm việc, Kansai tỏ ra là một nơi dễ hòa nhập.
Các bà ở Osaka rất thân thiện và hay cho kẹo mọi người. Ảnh: Curazy
So với các hình mẫu người Nhật thường được đặc tả trong sách vở, người dân Kansai năng động và “ồn ào” hơn rất nhiều. Ở Osaka, sẽ không mấy ngạc nhiên nếu bạn thấy một nhóm học sinh chuyện trò sôi nổi trên xe buýt hay tàu điện, trái ngược với lời dặn “tuyệt đối không được làm ồn trên tàu điện” mà hầu như bất cứ ai biết đến văn hoá giao thông công cộng của Nhật đều được nghe. Hẳn nhiên, đây không phải điều đáng “tuyên dương”, chỉ đơn giản là ở Osaka nói riêng, việc này không hiếm và không gây khó chịu nếu bạn giữ âm lượng ở mức vừa phải.
Trong các anime hay manga, người Kansai thường được mô tả là nói nhiều và lớn tiếng, cũng như nghĩ gì nói nấy - những điều dễ bị xem là bỗ bã trong mắt người khác. Trên thực tế, người Kansai nhìn chung quả thật hoạt ngôn và thích đùa giỡn, nhưng cũng không nhiều người quá trớn đến mức suồng sã, chỉ dừng ở mức ưa pha trò nhằm khiến bầu không khí xung quanh thường xuyên rộn rã mà thôi.
Kansai là một vùng nhộn nhịp với những con người cởi mở. Ảnh: The Japan Times
Kansai hay được gọi là vùng đất của tiếng cười. Nhiều nghệ sĩ hài nổi tiếng xuất thân từ đây, lò đào tạo nghệ sĩ hài nổi tiếng Yoshimoto với lịch sử hơn trăm năm cũng ra đời ở Osaka, và các chương trình hài kịch “lầy lội” thì dày đặc trên sóng truyền hình. Hẳn nhiên, không phải ai ở Kansai cũng có khiếu hài hước, nhưng quả thật tiếng cười thoải mái là điều khá dễ thấy ở bất cứ đâu khi đặt chân đến đây. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ không khí đậm chất văn hóa truyền thống, người dân Kyoto thường toát ra cảm giác trầm ổn và nghiêm túc hơn người Osaka.
Namba Grand Kagetsu, nhà hát chuyên biểu diễn hài kịch nổi tiếng ở Osaka. Ảnh: Yoshimoto Kogyo
Thêm nữa, giọng điệu và nét mặt của người Kansai khi nói chuyện thường thể hiện khá rõ cảm xúc, dù là tiêu cực hay tích cực. Có lẽ nhờ sự bộc trực này mà ở Kansai khá dễ kết bạn, nhưng đồng thời môi trường làm việc lại bị nhận xét là khắt khe hơn ở Kanto vì khi nhân viên mắc sai lầm, cấp trên sẽ không nể nang mà tỏ thái độ phàn nàn, cáu gắt ngay. Nhìn về mặt tích cực thì ở một nền văn hoá nhiều quy tắc ngầm trong giao tiếp cũng như đề cao việc xã giao lịch sự đến mức lạnh lùng, hay như cái cách mà người ta thường nói rằng người Nhật đối với người ngoài thì
“nụ cười chẳng lên được ánh mắt”, những biểu hiện cảm xúc rõ ràng của người Kansai lại tạo cảm giác chân thật hơn.
Sự năng động trong phương ngữ vùng Kansai
Như mọi ngôn ngữ khác, tiếng Nhật cũng có sự khác biệt nhất định giữa các vùng miền, và trong đó phương ngữ Kansai (関西弁 - Kansaiben) là nổi tiếng nhất. Tiếng Nhật chúng ta học hay đọc là tiếng Nhật phổ thông, thường dùng ở Kanto, còn phương ngữ Kansai thì có một vài biến đổi, vừa thú vị cũng vừa khiến người ta “nhăn mày nhíu trán” nếu nghe không quen.
Đơn cử, người Kansai có thể dùng “おおきに - ookini” để nói cảm ơn chứ không phải “ありがとう - arigatou”, dùng “でかい - dekai” chứ không phải “大きい- ookii” để tả sự to lớn, muốn nói không phải đâu thì dùng “ちゃうちゃう - chau chau” thay vì “ちいがう - chigau”. Các từ địa phương Kansai này mới nghe thì thấy lạ, nghe dần sẽ tự dưng thấy khá vui tai.
Phương ngữ Kansai như cơn sóng, được đánh giá là có phần năng động hơn trong cao độ và âm điệu so với cảm giác bằng phẳng và nghiêm túc trong phương ngữ vùng Kanto. Sự nhấn nhá khi nói chuyện cũng khiến ngôn từ của họ mang tính truyền cảm hơn. Tuy nhiên, trong mắt một số người nói tiếng Nhật “chuẩn” mà nhất là người lớn tuổi, phương ngữ Kansai có phần thô kệch và khó nghe, với nhiều từ ngữ nếu mới nghe qua sẽ như có ý tiêu cực, nhưng với người địa phương thì lại thấy bình thường. Cũng vì thế mà nhiều người Kansai sẽ ít nói phương ngữ khi đến làm việc hay sinh sống ở Kanto.
Những thói quen dễ thấy của người Kansai
Không thích có khoảng trống khi giao tiếp
Với tính thích trò chuyện, người Kansai không ngại nói nhiều và thường thích một cuộc hội thoại nhiệt tình. Tốc độ nói, tốc độ phản xạ khi giao tiếp của họ rất nhanh, đặc biệt họ rất coi trọng tốc độ, ngữ điệu khi nói. Trong tiếng Nhật có từ
”相槌 - aizuchi” nghĩa là những cử chỉ mang tính hưởng ứng như gật đầu, cười, ồ lên, ậm ừ, tóm lại là biểu hiện cho thấy bạn đang chú tâm lắng nghe. Khi nói chuyện với người Kansai, điều này thể hiện rất rõ bởi chúng ta sẽ cần aizuchi rất nhiều để không khí luôn vui vẻ và tránh khoảng lặng. Tuy nhiên, việc người Kansai nói nhiều và nhanh đôi lúc khiến cho đối phương rất khó bắt kịp được ý mà họ muốn nói.
Một cuộc nói chuyện với người Kansai thường khá rộn ràng. Ảnh: Jimomin
Đứng bên tay phải khi dùng thang cuốn
Trái ngược với người Kanto (điển hình là Tokyo) thường đứng bên trái khi dùng thang cuốn, người Kansai (điển hình là Osaka) thường đứng bên tay phải. Điều này có thể được giải thích bằng lịch sự rằng xưa kia Kanto là vùng đất do samurai thống trị - những người thường đứng về bên trái người lạ để dễ rút kiếm, còn Kansai lại là vùng đất thương nghiệp nơi người dân rất coi trọng tiền bạc của cải và thường cầm nắm chúng bằng tay phải của mình.
知らんけど (Shinrankedo) - “Không biết nữa, nhưng mà…”
Đây là một câu cửa miệng khá phổ biến của người Kansai, có thể dùng mở đầu hay kết thúc câu thoại đều được. Có lẽ bạn sẽ thấy họ sau khi nói một tràng dài lại kết bằng “Tôi không biết” thì khá buồn cười và khó hiểu, nhưng người Kansai dùng từ này với nhiều mục đích: có thể là thể hiện sự không chắc chắn với thông tin truyền đạt, muốn thể hiện ý kiến cá nhân hay đôi khi với ý “chỉ đùa thôi” để gây cười.
Ảnh: Neetola
Tạm kết
Tựu chung, vùng đất Kansai trù phú nhộn nhịp chính là lãnh địa của những con người thân thiện và cởi mở, vui tính, thích nói chuyện. Cùng với cảnh sắc thiên nhiên phong phú, ẩm thực đa dạng và đặc sắc, tính cách nhìn chung dễ chịu của nhiều người Kansai là điểm cuốn hút bạn bè cả trong và ngoài nước. Đối với người nước ngoài mà nói, Kansai, với đại diện là Osaka, là một chốn khá lý tưởng để đến thăm thú, khám phá, trao đổi, học tập và cả sinh sống bởi nơi đây vừa đủ nhộn nhịp để bạn hòa mình vào dòng chảy công nghiệp toàn cầu, cũng vừa đủ hiền hoà để tìm được sự thoải mái cho riêng mình.
Xem thêm: Người Sài Gòn, người Osaka và những điểm tương đồng thú vị
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận