Honne và Tatemae: Ranh giới giữa lịch sự và giả tạo

    Honne và Tatemae là hai khái niệm quan trọng cần nắm rõ để có thể thấu hiểu và giao tiếp hiệu quả với người Nhật.

    Có một câu chuyện nổi tiếng của Ryosuke Ushiroda, tác giả một số đầu sách kinh doanh tại Nhật, kể rằng ông từng có cơ hội tiếp xúc với gần 3.000 doanh nhân, người nổi tiếng và hỏi họ về mức độ tin tưởng vào lời nói từ phía đối tác mình từng làm việc cùng. Một kết luận thú vị được đưa ra, đa số những người tham gia trả lời rằng họ “không hoàn toàn tin tưởng vào lời nói từ phía đối tác”. Tuy nhiên, sự thiếu tin tưởng này không xuất phát từ cảm giác bị lừa dối. Đa số họ nghĩ rằng, rất có thể những gì đối tác nói ra chưa chắc đã là những gì họ thật sự nghĩ. Sự khác biệt này bắt nguồn từ Honne và Tatemae, một trong những nét văn hóa giao tiếp đặc thù của người Nhật.

    honne-tatemae-1Honne và Tatemae là lối giao tiếp đặc thù của người Nhật. Ảnh: gaijinpot

    Các định nghĩa

    Honne (本音) được cấu thành bởi chữ “hon” ( 本 - Bản), nghĩa là cái gốc, cái căn nguyên; và chữ “ne” (音 - Âm) trong âm thanh, ở đây chỉ lời nói, ý nguyện. Tạm dịch, chúng ta có thể hiểu ý nghĩa cơ bản của “Honne” là “những suy nghĩ thật lòng“.

    Tatemae (建前) bao gồm “tate” (建 - Kiến) nghĩa là “xây dựng” và chữ “mae” (前 - Tiền) nghĩa là “phía trước”, hiểu theo quan điểm văn hóa thì Tatemae là lời nói, cử chỉ lễ nghi, hoặc những biểu hiện bên ngoài như thái độ hay cách ứng xử, giao tiếp.

    Honne và Tatemae là một cặp từ thường đi chung với nhau để chỉ sự khác biệt giữa cảm xúc, thái độ thật sự với biểu hiện bên ngoài của một người đối với một điều gì đó. Honne ám chỉ suy nghĩ, mong muốn của người nói. Ở chiều ngược lại, cách người nói diễn tả Honne của mình ra bên ngoài thông qua lời nói, hành động chính là Tatemae.

    honne-tatemae-2

    Ảnh: economist, kilala

    Xem thêm: Văn hoá Uchi-Soto và quan điểm "Người Nhật giả tạo"

    Khi nội tâm và biểu hiện không trùng khớp

    Nếu đã từng có dịp trò chuyện với người Nhật, hẳn bạn cũng đã quen với hình ảnh nụ cười thiện chí, những cái gật đầu tán thành của họ trong lần đầu gặp mặt. Người Nhật trọng lễ nghi, đặc biệt coi trọng sự khách sáo trong giao tiếp và cử chỉ. Chính vì vậy, rất ít khi họ bộc lộ mong muốn hay cảm xúc thật của mình với người lạ bởi sợ rằng điều đó có thể sẽ làm phật ý đối phương hay bất lịch sự. Thay vào đó, người Nhật thường có xu hướng lựa chọn những cách diễn đạt nhiều khi không đúng ý họ mong muốn, nhưng sẽ giúp cả 2 bên đều cảm thấy dễ chịu. Có lẽ cũng chính vì vậy, đôi khi họ bị người nước ngoài, đặc biệt là những ai chưa quen thuộc với văn hóa Nhật cho rằng đó là "giả tạo".

    Dễ nhận thấy nhất, nếu từng học tiếng Nhật, chắc chúng ta đều từng học qua cách từ chối “Chotto - ちょっと”, tạm dịch là “hơi”. Khi rủ người Nhật đi chơi hay hỏi họ về thời gian rảnh, nếu bạn nhận được câu trả lời là “Hôm nay tôi hơi bận." (今日はちょっと忙しいな - Kyou wa chotto isogashii na), hay “Đợt này công việc bận rộn quá… “ (最近仕事が忙しいんだ… - Saikin shigoto ga isogashiin da) thì 99% điều này đồng nghĩa với một lời từ chối rồi đấy!

    Aizuchi

    Các Aizuchi khen ngợi thường xuyên xuất hiện trong cuộc nói chuyện. Ảnh: stat.ameba.jp

    Ngoài ra, trong giao tiếp, người Nhật cũng thường xuyên sử dụng Aizuchi (相槌 - những cụm từ hoặc câu thoại xen kẽ thường xuyên trong cuộc nói chuyện) để thể hiện sự chăm chú lắng nghe, đồng cảm, hào hứng hay khen ngợi. Điển hình có thể kể đến: "Tuyệt quá" (すごい - sugoi), "Quả đúng là." (さすが - sasuga), "Tôi đã không biết điều đó đấy" (知らなかったです - shiranakatta desu) nhằm khen ngợi đối phương. Tuy vậy, cũng không khó để nhận ra rằng không phải lúc nào những lời khen trên đều là thật lòng. 

    Vậy phải đối phó như thế nào?

    Quay trở lại với câu chuyện của tác giả Ryosuke Ushiroda ở trên, ông cũng đưa ra một ví dụ về Honne và Tatemae trong kinh doanh, cụ thể là trong trường hợp bạn phải đề xuất cho khách hàng một dự án mới nhằm cải thiện kinh doanh. Khi đó, bạn chỉ tập trung vào việc tìm kiếm phương án nhằm gia tăng lợi nhuận cho vị khách hàng này. Nhưng dù đề xuất của bạn có giúp tăng trưởng doanh thu tới mấy cũng chưa chắc đã đáp ứng được nhu cầu của phía đối tác. Lí giải về câu chuyện này, ông Ryosuke giải thích rằng, trong thế giới kinh doanh của Nhật, câu trả lời đúng chưa chắc đã là câu trả lời tạo được sự hài lòng nhất. Rất có thể, phía đối tác mong muốn có một bản kế hoạch vừa phải tăng trưởng doanh thu, đồng thời cũng phải sáng tạo và độc đáo nữa. Để có thể nắm bắt được điều này, người nghe cần phải thật sự hiểu và có sự tinh tế nhất định để nắm được bản chất thật sự của vấn đề. Honne ở đây là “một kế hoạch đột phá giúp tăng trưởng doanh thu” được thể hiện bằng Tatemae là “một bản kế hoạch giúp tăng trưởng doanh thu đơn thuần.”

    Trên thực tế, văn hóa ứng xử Honne và Tatemae của người Nhật gây rất nhiều khó khăn cho không chỉ người nước ngoài, mà còn chính người bản xứ trong việc nắm bắt và hiểu được suy nghĩ thật sự của người nói. Khác với việc bịa đặt, giả tạo hay nói dối có chủ đích, Honne và Tatemae đơn thuần là một nét đặc trưng văn hóa của con người xứ sở hoa anh đào. Học tiếng Nhật đã khó, học cách đoán và giao tiếp với Honne và Tatemae của người Nhật còn khó hơn bội phần. Tuy nhiên, một khi đã nắm bắt được ý muốn thực sự của đối phương, chắc chắn bạn sẽ nhận được rất nhiều cảm tình rất lớn từ phía người nói đấy!

    kilala.vn

    05/11/2021

    Bài: Heyjuy

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!