Các kiểu ngồi trong văn hóa Nhật Bản
Ngoài kiểu ngồi Seiza quen thuộc, người Nhật còn có nhiều kiểu ngồi khác thể hiện chuẩn mực về phép tắc, phong cách sống được áp dụng từ thời xa xưa.
Truyền thống ngồi trên sàn
Người Nhật từ lâu đã có phong tục cởi giày dép trong nhà và ngồi xuống sàn gỗ hoặc trên chiếu tatami. Mặc dù ghế đã xuất hiện từ thời Minh Trị (1868-1912) nhưng cho đến những năm 1980, các gia đình vẫn có thói quen quây quần quanh một chiếc bàn thấp trên sàn nhà để ăn hoặc thư giãn.
Đến ngày nay, tại các ngôi chùa, một số nhà hàng truyền thống hay trong nhiều gia đình, mọi người vẫn giữ phong tục ngồi trên sàn. Điều này có thể lạ lẫm với người nước ngoài, nhưng nó giúp người Nhật tận dụng diện tích trong những ngôi nhà có không gian nhỏ và đặc biệt là mang đến nhiều lợi ích về sức khỏe.
Chẳng hạn ngồi trên sàn kiểu seiza được cho là giúp bạn có thể tập yoga một cách dễ dàng. Phong tục này giúp cải thiện tư thế, cho phép duỗi hông và mắt cá chân, giúp các khớp linh hoạt hơn để từ đó cải thiện các vấn đề về xương khớp.
Người Nhật tin rằng, ngồi trên sàn nhà trong khi ăn và đứng lên ngồi xuống nhiều lần trong sinh hoạt hằng ngày là một trong những cách đơn giản nhất để kéo dài tuổi thọ.
Những kiểu ngồi trên sàn
Dưới đây là những tư thế ngồi thường thấy trong đời sống sinh hoạt của người Nhật.
1. Seiza: quỳ và toàn bộ phần trên cơ thể đặt lên gót chân, mu bàn chân áp xuống mặt sàn, lưng giữ thẳng.
2. Kiza: nâng gót chân lên trong tư thế seiza và giữ thăng bằng với ngón chân và đầu gối.
3. Wariza hoặc kamei: từ tư thế seiza, dang rộng hai chân sang trái và phải theo hình chữ “M.”
4. Agura: bắt chéo chân ở phía trước cơ thể. Khi hai chân bắt chéo được thả lỏng thì tư thế này được gọi là anza.
5. Kekkafuza: bắt chéo chân và đưa gót chân lên đùi đối diện. Đây là kiểu ngồi dùng cho tọa thiền.
6. Sonkyo: ngồi xổm trong khi giữ thăng bằng trên các ngón chân. Khi hạ gót chân xuống sàn, nó còn được gọi là “tư thế ngồi xổm trong nhà vệ sinh”.
7. Tatehiza: nâng một đầu gối, bàn chân hướng phía trước và gập đầu gối kia xuống, bàn chân đặt phía sau mông.
8. Taiiku-zuwari hoặc sinkaku-zuwari: ngồi cúi người xuống sàn và nâng đầu gối lên, đặt tay lên đầu gối hoặc quanh chân.
Bạn có thể bắt gặp những kiểu ngồi trên trong cuộc sống thường nhật tại xứ Phù Tang. Như ở trường, học sinh tiểu học thường ngồi theo kiểu taiiku-zuwari ở sân trường hoặc phòng tập thể dục.
Trong đấu vật sumo hay các môn võ thuật khác, sonkyo là kiểu ngồi được cho là biểu hiện của lòng biết ơn. Các võ sĩ sumo sử dụng tư thế này khi chuẩn bị thi đấu.
Sonkyo cũng là kiểu ngồi phổ biến trong giới samurai vào thời Edo. Ngày nay kiểu ngồi này còn có tên gọi khác là yankii zuwari – kiểu ngồi của dân Yankee (giang hồ Nhật Bản).
Agura là tư thế ngồi rất phổ biến của người Nhật trong thời đại hiện nay, đặc biệt là với nữ giới. Kiểu ngồi này chính là nguyên nhân chủ yếu gây ra chứng “chân vòng kiềng” (chân bồ câu) đặc trưng của phái nữ Nhật.
Trong các kiểu ngồi trên sàn thì seiza đã trở thành kiểu ngồi chuẩn mực của người Nhật.
Seiza - tư thế ngồi chuẩn lễ nghi
Seiza là kiểu ngồi có những đòi hỏi khắt khe nhất, thậm chí nhiều người còn cảm thấy khó khăn. Với đầu gối cong xuống, trọng lượng của phần thân trên dồn lên bắp chân và gót chân, quá trình lưu thông máu bị suy giảm khiến chân dễ bị tê.
Mặc dù vậy, đây vẫn là kiểu ngồi truyền thống phổ biến và cũng là một trong những chuẩn mực về phép tắc với người Nhật.
Trong quá khứ, ngồi kiểu seiza trong thời gian dài là một hình thức tra tấn tội phạm. Hình thức này nhằm mục đích khiến kẻ phạm tội phải thú tội hoặc bày tỏ sự ăn năn. Vì vậy, ngày nay seiza cũng được sử dụng như một hình phạt tại một số trường học.
Thời Mạc phủ Tokugawa, các samurai ngồi kiểu seiza để thể hiện sự nhún nhường, phục tùng và trung thành với thủ lĩnh. Sau này, seiza được các thương gia giàu có thực hiện khi khi tham gia trà đạo hoặc các hoạt động xã hội khác cùng tầng lớp samurai.
Theo thời gian, seiza dần phổ biến với mọi tầng lớp trong xã hội, được thực hiện trên chiếu tatami hay zabuton (đệm ngồi). Kiểu ngồi này được xem là một nghi thức thể hiện sự kiên trì, tính “cân bằng” trong cuộc sống thông qua việc thiền định.
Ngoài ra, như đã đề cập, seiza còn có thêm lợi ích là cải thiện tư thế vì nó làm thẳng cột sống một cách tự nhiên, mang đến những hiệu quả tích cực về mặt sức khỏe. Việc chịu khó luyện tập ngồi kiểu Seiza vài giờ đồng hồ một cách thoải mái được cho là sự rèn luyện để tạo nên phong thái và tính kiên trì, nhẫn nại của người Nhật. Nhiều người đã được chỉ dạy, tập luyện ngồi Seiza ngay từ bé như những bài học đầu đời về cách làm người.
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận