Bàn sưởi Kotatsu: vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình
Vật dụng được người Nhật yêu thích từ thời xa xưa
Kotatsu là một thiết bị sưởi có cấu tạo khá đơn giản, chỉ gồm 1 chiếc bàn thấp, 1 máy sưởi gắn dưới mặt bàn và 1 tấm mền bông hoặc đệm Futon phủ bên trên để ngăn nhiệt từ máy sưởi thoát ra ngoài. Bàn sưởi Kotatsu bắt nguồn từ nếp sinh hoạt sử dụng bếp lò Irori trong ngôi nhà truyền thống của Nhật Bản. Khi đó, bếp lò được dùng để nấu nướng và cũng là nơi tỏa nhiệt giữ ấm cho ngôi nhà. Khoảng thế kỉ 14, hình thức đầu tiên của bàn sưởi Kotatsu ra đời, được gọi là Horigotatsu, với cấu tạo là một khung gỗ và tấm chăn bông đặt bên trên.
Người Nhật quan niệm rằng, chỉ cần giữ ấm vùng bụng và phần thân dưới là có thể đẩy lùi được bách bệnh. Bụng ấm, chân ấm, tự khắc cả cơ thể sẽ trở nên ấm áp. Chưa kể đến, chính bởi cấu tạo vô cùng gọn nhẹ – vào mùa hè chỉ cần gấp đệm Futon và tháo máy sưởi ra là có thể sử dụng chiếc bàn sưởi cho các sinh hoạt thường ngày – nên bạn có thể tái sử dụng Kotatsu trong một thời gian dài. Ngoài ra, máy sưởi gắn bên dưới bàn Kotatsu cũng là loại tốn ít điện năng do chỉ cần làm nóng trong một không gian nhỏ nên Kotatsu cũng rất lợi về mặt kinh tế so với việc sử dụng máy điều hòa. Vì vậy, ngay cả khi trên thị trường đã xuất hiện nhiều loại máy sưởi hiện đại khác, một phần đông người Nhật vẫn giữ thói quen sử dụng Kotatsu vào mùa đông. Đặc biệt, ở các lữ quán – Ryokan (mô hình khách sạn truyền thống kiểu Nhật), đa phần đều còn lưu giữ thói quen sử dụng Kotatsu vào mùa đông, mang đến cho du khách nước ngoài những trải nghiệm văn hóa đặc trưng nhất của Nhật Bản.
Hình ảnh đặc trưng nhất cho mùa đông ở xứ sở hoa anh đào
Có thể nói, hình ảnh chiếc bàn sưởi Kotatsu được đặt bên trong một căn phòng truyền thống của Nhật Bản với chiếu cói Tatami, cửa giấy lùa Shoji cùng khung cảnh tuyết rơi bên ngoài chính là một trong những hình ảnh đặc trưng nhất cho mùa đông ở xứ sở hoa anh đào. Ở các gia đình vẫn giữ nếp sinh hoạt theo kiểu truyền thống, bạn sẽ thấy họ chủ yếu quây quần quanh chiếc bàn thấp đặt ở phòng khách và ngồi trên những tấm đệm Zabuton thay vì ngồi trên ghế cao.
Vào mùa đông, chiếc bàn thường ngày biến thành Kotatsu, và các thành viên trong gia đình sẽ tụ lại đây để ăn cơm, trò chuyện, xem ti vi, hoặc thậm chí là đánh một giấc ngủ ngắn ngon lành. Có một hoạt động mà bạn chắc chắn không nên bỏ lỡ nếu có dịp trải nghiệm Kotatsu, đó là ăn quýt (Mikan) trong khi tận hưởng sự ấm áp từ Kotatsu. Quýt Nhật (Mikan) là loại trái cây của mùa đông. Thưởng thức những múi quýt mọng nước, ngọt đượm trong khi thong thả ủ ấm cơ thể trong Kotatsu chính là hình ảnh vô cùng phổ biến tại Nhật Bản.
Kotatsu không thể thiếu vào mùa đông
Trường học ở Nhật Bản có hẳn 3 kì nghỉ trong năm là nghỉ hè, nghỉ đông và nghỉ xuân. Chưa kể ở những địa phương nằm ở phía Bắc Nhật Bản, vào những ngày tuyết rơi nhiều, một số công ty còn cho phép nhân viên nghỉ ở nhà. Mùa đông cũng là lúc người Nhật đón Tết với 3 ngày nghỉ liên tiếp. Vì vậy, có thể nói, đây chính là lúc mà các thành viên trong gia đình có dịp tụ họp và gặp gỡ nhau nhiều nhất. Và trong những ngày mùa đông lạnh giá này, cùng nhau quây quần bên chiếc bàn sưởi Kotatsu ấm áp chính là điều tuyệt vời hơn hết thảy!
Sẽ là không ngoa khi nói rằng, ở một đất nước có nhịp sống hối hả như Nhật Bản, việc cùng với gia đình trải qua những phút giây vui vẻ và thong thả là một điều hiếm hoi và đáng trân quý. Có lẽ vì vậy mà ngay cả ở những gia đình sinh sống trong các căn hộ kiểu Tây với diện tích không mấy rộng rãi vẫn có sự xuất hiện của Kotatsu. Cứ vào cuối thu đầu đông, trên các trang thương mại điện tử của Nhật lại rục rịch chào mời các mẫu bàn sưởi mới nhất, phần nào chứng tỏ thói quen sử dụng loại máy sưởi truyền thống này vẫn còn vô cùng phổ biến. Nếu có dịp đến Nhật Bản vào mùa đông, hãy một lần thử rúc vào trong chiếc bàn sưởi ấm áp này, bạn sẽ thấy yêu mùa đông ở đây hơn đấy.
kilala.vn
26/04/2020
Bài: Khả Lạc / Ảnh: PIXTA
Đăng nhập tài khoản để bình luận