Đôi chân bồ câu của các cô gái Nhật

    Dáng đứng với hai mũi chân hướng vào nhau của nữ sinh Nhật trong các bộ Manga có làm bạn trầm trồ? Đôi lúc, trong những đoạn phim hay hình ảnh về những cô gái Nhật Bản, bạn cũng sẽ thấy những tư thế tạo dáng với kiểu đứng như thế này. Người ta gọi dáng chân đó là "chân bồ câu".

    "Chân bồ câu" là thế nào?

    Bàn chân bồ câu” hoặc "bàn chân hướng vào trong" được mô tả là tình trạng các ngón chân của cả hai bàn chân cùng hướng vào khi đi bộ hoặc chạy. Trường hợp này thường được thấy ở trẻ em hơn ở người lớn, và hầu hết trẻ em sẽ tự hết trước khi đến tuổi thiếu niên.

    Tuy nhiên, tại Nhật Bản, việc nữ giới nói chung và các cô gái trẻ nói riêng có cách đi, đứng, dáng chân thế này là vô cùng phổ biến. Người ta gọi dáng bàn chân đó là "Uchimata". Thậm chí, dáng bàn chân này còn được đưa vào trong các sản phẩm giải trí như manga, anime.

    dáng chân bồ câu của các cô gái Nhật
    Dáng bàn chân uchimata hay còn gọi là bàn chân bồ câu. (Ảnh: iromegane)

    Vì sao lại nữ sinh Nhật lại có bàn chân bồ câu?

    Do cách bế trẻ sơ sinh

    Giả thuyết này cho rằng bàn chân bồ câu hình thành từ cách địu con của các mẹ Nhật. Trước đây, khi phụ nữ tham gia công việc đồng áng, họ thường mang theo con mình và địu chúng bên hông, từ đó ảnh hưởng đến hình dáng bàn chân của đứa trẻ sau này. Giả thuyết này đã nhanh chóng bị bác bỏ bởi hiện tại không còn nhiều bà mẹ mang theo con bằng cách đó nữa, nhưng bàn chân bồ câu thì vẫn còn nhiều.

    Do cấu tạo xương chân và dáng ngồi

    Có giả thuyết cho rằng người Nhật có bắp chân ngắn khiến các ngón chân của họ hướng vào trong. Thế nhưng giả thuyết này lại không hợp lý bởi vì hầu như chỉ có phụ nữ Nhật mới có bàn chân bồ câu còn nam giới thì không. Nếu biện minh rằng do cấu trúc xương bắp chân của phụ nữ ngắn hơn nam giới thì đến nay vẫn chưa có thông tin nào xác thực cả.

    kiểu ngồi Seiza truyền thống
    Kiểu ngồi Seiza truyền thống. (Ảnh: Going Japanesque)

    Một giả thuyết khác là bàn chân bồ câu hình thành là do kiểu ngồi seiza. Khi ngồi seiza, nữ giới buộc phải khép kín hai bên đầu gối lại, hai ngón chân cái chồng lên nhau. Vì vậy mà người ta cho rằng dáng ngón chân bồ câu là kết quả của quá trình thực hiện kiểu ngồi seiza.

    Xem thêm về Kiểu ngồi Seiza.

    Do cảm thấy đáng yêu

    Lý do này có vẻ là hợp lý nhất, tính đến thời điểm hiện tại. Các cô gái Nhật chọn cách đi kiểu “bàn chân bồ câu” đơn giản vì họ nghĩ trông nó dễ thương. Một số khác lại cho rằng những bước đi kiểu bàn chân bồ câu khiến họ trông nữ tính, dịu dàng hơn. Đó là nguyên nhân vì sao dáng đi này vô cùng phổ biến ở phụ nữ Nhật Bản.

    Sự thật thì… Trong một cuộc khảo sát thực hiện năm 2015 cho thấy, một trong những điều nam giới Nhật Bản cảm thấy khó hiểu ở các cô gái là dáng đi. Trong đó có đến 62% nam giới cho rằng khi các cô gái mang giày cao gót mà đi kiểu bàn chân bồ câu thì trông họ có vẻ lúng túng, thiếu tự tin chứ không hề hấp dẫn.

    dáng đi bàn chân bồ câu đáng yêu
    Dáng đi bàn chân bồ câu khiến các cô gái cảm thấy đáng yêu. (Ảnh: Laura Plybon, Imgrowingtaller @pinterest)

    Thế nhưng, việc các cô gái Nhật chọn cách đi như thế nào là quyền của họ. Nếu đi kiểu bàn chân bồ câu là điều khiến các cô gái trở nên tự tin vào bản thân hơn và miễn là không vi phạm các chuẩn mực xã hội như đạo đức, pháp luật thì cách nhìn hay cách đánh giá của người khác đều không quan trọng.

    kilala.vn

    30/06/2020

    Bài: Hoàng Thiên

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!