NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Binh đoàn Byakkotai: Bi kịch của những chiến binh trẻ

    Trên đồi Iimori tại vùng đất samurai lịch sử Fukushima đã từng diễn ra một sự kiện bi thương về một đội quân trẻ tuổi trong chiến tranh Boshin.

    Những chiến binh “Bạch Hổ” 

    Giai đoạn từ tháng 1 năm 1868 đến tháng 6 năm 1869 tại xứ Phù Tang diễn ra Chiến tranh Boshin. Kết quả của cuộc chiến đánh dấu cho sự khởi đầu của cuộc Duy tân Minh Trị và sự sụp đổ của chế độ Mạc phủ Tokugawa, kết thúc kỷ nguyên cầm quyền của tầng lớp võ sĩ.

    Trong cuộc nội chiến khốc liệt ấy xuất hiện đội quân Byakkotai. Tên gọi Byakkotai (白虎隊 - Bạch Hổ Đội) mang nghĩa đơn vị chiến đấu Bạch Hổ, đây là một tổ chức gồm 305 samurai trẻ thuộc gia tộc Aizu, được đào tạo bởi trường Nisshinkan. Họ thuộc phe Mạc phủ Tokugawa và sẵn sàng tham chiến, hy sinh để bảo vệ quyền lực của Mạc phủ.

    chien-tranh-boshin
    Chiến tranh Boshin (1868-1869) là cuộc nội chiến giữa lực lượng của Mạc phủ Tokugawa cầm quyền và phe phái muốn giành quyền lực chính trị nhân danh triều đình. Ảnh: deviantart.com

    Byakkotai được thành lập vào tháng 4 năm 1868, thuộc một trong bốn đơn vị của Aizu cùng với Genbutai (đơn vị Huyền Vũ), Seiryutai (đơn vị Thanh Long) và Suzakutai (đơn vị Chu Tước), được đặt theo tên của bốn vị thần hộ mệnh xứ Phù Tang.

    Trong đó Byakkotai (đơn vị Bạch Hổ) được xem là đội quân dự bị, hỗ trợ tham gia chiến đấu. Họ được chia nhỏ hơn nữa theo cấp bậc samurai: hai đội cấp bậc cao (shichu), hai đội cấp bậc trung (yoriai) và hai đội cấp bậc thấp nhất (ashigaru).

    Lực lượng Byakkotai là những chiến binh trẻ tuổi đầy nhiệt huyết với tuổi đời khoảng 16-17. Họ mang trong mình tư tưởng võ sĩ đạo với niềm tin, lòng trung thành, quyết tâm chiến đấu vì Mạc phủ. 

    Tấn bi kịch của những thiếu niên Samurai 

    Năm 1868, đội quân Byakkotai được giao nhiệm vụ bảo vệ Lâu đài Aizuwakamatsu hay còn gọi là lâu đài Tsuruga, thuộc tỉnh Fukushima.

    cuoc-tan-cong-lau-dai-aizuwakamatsu
    Cuộc tấn công Lâu đài Aizuwakamatsu trong Chiến tranh Boshin. Ảnh: Wikipedia

    Lúc ấy hai mươi thành viên của đội shichu số 2 do Shinoda Gisaburo chỉ huy đã bị tách khỏi đoàn quân chính sau trận Tonoguchihara. Họ phải rút về đồi Iimori và quan sát diễn biến tại thành Aizuwakamatsu - nơi đang bị quân Minh Trị bao vây, tấn công.

    Những chàng lính trẻ đã trông thấy cảnh tượng đau lòng khi khói bốc lên ngùn ngụt từ phía tòa thành quê hương. Tưởng rằng thành Aizuwakamatsu đã bị địch chiếm và đốt cháy nên 20 thành viên Byakkotai đã tuyệt vọng và cùng nhau thực hiện nghi thức seppuku, thà tự sát trong danh dự còn hơn chịu bại trận trong tay địch.

    byakkotai
    Mười hai thành viên của Bạch Hổ đội thực hiện nghi thức seppuku trên đồi Iimori. Ảnh: ukiyoe.yamabosi.jp

    Những thiếu niên trẻ thực hiện nghi thức kết liễu cuộc đời theo thứ tự, cho đến thành viên cuối cùng là Iinuma Sadakichi, chàng trai đã cố gắng tự sát nhưng không thành khi được một người nông dân cứu sống.

    Iinuma là người sống sót duy nhất và đã kể lại câu chuyện của đội mình. Vị samurai trẻ đau buồn, ám ảnh khi biết rằng hóa ra các đồng đội đã nhầm, khói bốc lên khu vực bao quanh nội thành mà tưởng lâu đài sụp đổ nên nguyện quyên sinh theo. Họ đã ra đi theo cách bi tráng nhất để bảo vệ danh dự của người võ sĩ.

    Mạc phủ sụp đổ, samurai thất bại trong việc phục dựng đế chế của họ nhưng câu chuyện của 20 chiến binh trẻ với lòng quả cảm, kiên cường và tinh thần samurai bất diệt vẫn sống mãi trong lòng người dân Nhật.

    Tưởng niệm Byakkotai

    Sau chiến tranh Boshin, những chiến binh trong đoàn quân Byakkotai đã hi sinh trên chiến trường hoặc tự sát. Các thành viên sống sót sau đó đã cống hiến cho nước Nhật trong triều đại mới.

    Trường hợp Iinuma Sadakichi, ông đã giữ chức sĩ quan trong quân đội Thiên hoàng rồi về làm việc tại bưu điện địa phương ở Sendai sau khi nghỉ hưu. Một số người lính Byakkotai khác giữ chức vụ cao, nổi danh thời Minh trị là nhà vật lý và sử học - Tiến sĩ Yamakawa Kenjiro, Đô đốc Hải quân Đế quốc Nhật Bản Dewa Shigeto.

    iinuma-sadakichi
    Iinuma Sadakichi, người sống sót duy nhất trong số 12 người lính tự sát trên đồi Iimori. Ảnh: Wikipedia

    Những thành viên Byakkotai ra đi trên đồi Iimori đều được chôn cất và lập đài tưởng niệm. Tại ngọn đồi này có đài tưởng niệm, tượng người lính Byakkotai và bảo tàng trưng bày hiện vật xưa về những samurai trong trận chiến Boshin.

    lang-mo-cua-nhung-nguoi-linh-byakkotai-tren-doi-iimori
    Lăng mộ của những người lính Byakkotai trên đồi Iimori. Ảnh: Tripadvisor

    Câu chuyện về 20 thành viên Byakkotai đã trở thành một bản anh hùng ca được dân gian lưu truyền cho đến nay. Người Nhật kể cho con cháu họ về một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước, về tinh thần samurai với những người võ sĩ sẵn sàng tử vì đạo.

    Hằng năm vào ngày 23 tháng 9 thường diễn ra buổi lễ truyền thống tại đài tưởng niệm Byakkotai để tri ân, tưởng nhớ binh đoàn Bạch Hổ. Bên cạnh đó còn có hoạt động múa, biểu diễn các vở kịch về Byakkotai. 

    Ngoài ra, Byakkotai còn là nguồn cảm hứng và chủ đề được khai thác trong các vở kịch, sách truyện hay phim ảnh. Những tác phẩm tiêu biểu tái hiện chân thực sự kiện bi thương của Byakkotai là phim truyền hình "Byakkotai" phiên bản năm 1986 và năm 2007, với sự tham gia của các diễn viên nổi tiếng như: Yamashita Tomohisa, Tanaka Koki, Fujigaya Taisuke...

    byakkotai-2007
    Bộ phim "Byakkotai" (2007). Ảnh: IMDb

    kilala.vn

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!