NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Top 7 lâu đài Nhật Bản nhất định phải ghé thăm

    Top 7 lâu đài Nhật Bản nhất định phải ghé thăm

    Với hơn 30.000 lâu đài trên khắp đất nước, Nhật Bản là điểm đến lý tưởng với những ai đam mê khám phá những công trình kiến ​​trúc cổ xưa. Tuy nhiên, phải lựa chọn công trình nào trong số hàng chục ngàn lâu đài chắc chắn sẽ là một việc không dễ dàng. Vì vậy, hãy tham khảo danh sách 7 lâu đài đáng ghé thăm hàng đầu dưới đây (sắp xếp từ bắc xuống nam) theo nhận định của Giáo sư Yoshihiro Senda tại Đại học Thành phố Nagoya, một nhà khảo cổ học được xem là chuyên gia trong lĩnh vực này.

    Pháo đài Goryokaku (Hakodate, tỉnh Hokkaido)

    Pháo đài năm góc Goryokaku do Takeda Ayasaburo, một samurai ở miền Ozu (tỉnh Ehime ngày nay) thiết kế và được xây dựng vào cuối thời Edo (1603-1867) theo phong cách có nguồn gốc từ châu Âu. Địa điểm này về sau đã trở thành chiến trường diễn ra Trận chiến Hakodate. So với các lâu đài hình ngôi sao khác, địa điểm này trở nên khác biệt nhờ Tháp Goryokaku, cho phép du khách ngắm nhìn toàn cảnh khuôn viên từ trên cao.

    goryokaku
    Ảnh: Gaijinpot Travel

    Lâu đài Tsurugajo/Aizuwakamatsu (Aizuwakamatsu, tỉnh Fukushima)

    Gamo Ujisato, lãnh chúa của Lâu đài Matsusaka ở tỉnh Mie khi chuyển đến lãnh địa Aizu theo lệnh của Tướng quân Toyotomi Hideyoshi, đã cho xây dựng tòa lâu đài 7 tầng Tsurugajo. Trong một chuyến khai quật, các chuyên gia đã phát hiện ra những viên ngói dát vàng được sử dụng để xây dựng công trình ban đầu, chứng tỏ sự xa hoa của tòa lâu đài vào thời đó.

    lau-dau-tsurugajo
    Ảnh: tohokukanko.jp

    Khi tháp lâu đài được trùng tu bằng bê tông cốt thép vào năm 1965, phần mái được lợp bằng loại ngói thông thường, tuy nhiên, sau đợt cải tạo lớn vào năm 2011, người ta đã khôi phục lại bằng mái ngói đỏ nguyên bản.

    Lâu đài này cũng là nơi lưu giữ bi kịch lịch sử về các chiến binh "Byakkotai" (Bạch Hổ Đội) của Aizu trong Chiến tranh Boshin thế kỷ 19.

    Lâu đài Matsumoto (Matsumoto, tỉnh Nagano)

    Tòa thành bảo vật quốc gia này được xây dựng bởi Ishikawa Yasunaga và cha ông là Kazumasa, một võ sĩ phong kiến ​​ủng hộ Tướng quân Tokugawa Ieyasu. Tồn tại từ thời Chiến quốc, Lâu đài Matsumoto được xem là chứng nhân của biết bao trận chiến khốc liệt.

    lau-dai-matsumoto
    Ảnh: donnykimball.com

    Tháp chính "dai-tenshu" và tháp "inui ko-tenshu" nhỏ hơn của lâu đài được xây dựng liền kề với nhau. Ngoài ra còn có “tsukimi yagura" (tháp ngắm trăng) được được xây dựng vào thời Edo để làm nơi tổ chức tiệc đón tiếp vị Tướng quân đời thứ ba, Tokugawa Iemitsu.

    Lâu đài Nagoya (Nagoya, tỉnh Aichi)

    Đây là kiệt tác lâu đài của Ieyasu, vị Tướng quân đầu tiên của Mạc phủ Tokugawa, được xây dựng dưới sự giám sát trực tiếp của ông. Hiện tại, Cung điện Honmaru đã được phục nguyên, giúp cho du khách có thể chiêm ngưỡng dáng vẻ ban đầu của tòa thành khi mới được xây dựng. Trong tương lai, nếu tháp lâu đài được khôi phục lại cấu trúc bằng gỗ, Lâu đài Nagoya sẽ còn tuyệt vời hơn nữa.

    lau-dai-nagoya
    Ảnh: Gaijinpot - Travel

    Lâu đài Himeji (Himeji, tỉnh Hyogo)

    Không có lâu đài nào còn sót lại nhiều kiến trúc nguyên bản như Lâu đài Himeji, một Di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận. Điều đặc biệt đáng chú ý của tòa thành này là cách tháp chính và ba tháp nhỏ hơn được liên kết với nhau, cùng với đó là một pháo đài quân sự được xây dựng cao hơn khu vực chính. Nếu muốn tìm hiểu về cách các lâu đài Nhật Bản tổ chức phòng thủ trong thời phong kiến, bạn nhất định phải đến Lâu đài Himeji.

    lau-dai-himeji
    Ảnh: Gaijinpot - Travel

    Lâu đài Kumamoto  (Kumamoto, tỉnh Kumamoto)

    Tòa thành này được tướng quân Kato Kiyomasa xây dựng cùng thời điểm Tokugawa Ieyasu đang bận rộn xây dựng Lâu đài Nagoya. Nếu có dịp ghé thăm cả hai lâu đài, bạn sẽ nhận ra sự khác biệt trong tư tưởng giữa hai vị chỉ huy quân sự.

    Trong khi Lâu đài Nagoya được Ieyasu xây dựng trong kỷ nguyên hòa bình mới dưới sự lãnh đạo của ông, Lâu đài Kumamoto lại được Kiyomasa dựng lên với suy nghĩ chiến tranh sẽ còn tiếp tục, cần đặc biệt chú ý đến sức mạnh phòng thủ của pháo đài. Chính vì vậy, có những bức tường đá cao đến 20m được bố trí nhiều nơi trong Lâu đài Kumamoto.

    lau-dai-kumamoto
    Ảnh: top.his-usa.com

    Di chỉ Lâu đài Nakagusuku (Kitanakagusuku, tỉnh Okinawa)

    Lâu đài Nakagusuku là một ví dụ điển hình về "gusuku" – thuật ngữ được sử dụng để phân biệt các thành và pháo đài trên đảo Okinawa. Hiện nay, tòa thành chỉ còn lại tàn tích bức tường bằng đá vôi Ryukyu, được xây dựng từ thế kỷ 14, thời đại mà các samurai như Kusunoki Masashige xây dựng pháo đài trên đỉnh núi cho các trận chiến trên khắp Nhật Bản. Đến đây, du khách sẽ ngạc nhiên trước sự tinh tế và sức mạnh của kỹ thuật và văn hóa của người Lưu Cầu (Ryukyu).

    nakagusuku
    Ảnh: japan-guide.com

    Xem thêm: Khám phá Nhật Bản qua những tòa lâu đài lịch sử

    kilala.vn

    Nguồn: Mainichi

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!