Lâu đài Nhật Bản phòng thủ như thế nào?
Vào thời xưa, lâu đài ở Nhật Bản là những cơ sở được lập ra để ngăn chặn sự xâm lược và tấn công của kẻ thù. Qua nhiều thế kỷ, các biện pháp phòng thủ của những tòa thành ngày càng phát triển đa dạng, từ hầm hào, tường đá, lối vào đều được thiết kể đặc biệt để biến nó trở thành “bất khả xâm phạm”.
Nawabari (なわばり) trong tiếng Nhật có nghĩa đen là “căng dây” và được sử dụng để đề cập đến thiết kế, cách bố trí khi xây dựng một lâu đài. Thiết kế của một lâu đài tùy thuộc vào việc được xây trên núi hay địa hình bằng phẳng.
Trong trường hợp của “yamajiro - 山城” (lâu đài trên núi), các công trình phòng thủ về cơ bản chỉ có thể được xây dựng trên các khu vực bằng phẳng của núi, chẳng hạn như đỉnh hoặc sườn núi. Do đó, người xưa sử dụng dây thừng căng trên các cọc trong khu vực đó để đo diện tích, phạm vi của lâu đài cũng như kích thước của các tòa nhà. Từ đó hình thành nên nghĩa của từ “nawabari”.
Về cơ bản, “nawabari” là bản thiết kế của lâu đài Nhật Bản, được sử dụng làm cơ sở để xây dựng "dorui - 土塁” (đê đất), “hori - 堀” (hào), "ishigaki - 石垣” (tường đá) và lối vào lâu đài.
Kuruwa (曲輪)
“Kuruwa” là một bộ phận của lâu đài được phân chia dựa trên nawabari. Theo đó, cấu trúc của một lâu đài sẽ bao gồm các khu vực honmaru (本丸), ninomaru (二の丸), sannomaru (三の丸) tạo thành phần trung tâm lâu đài, bao quanh là nhiều kuruwa lớn nhỏ để tăng cường chức năng phòng thủ.
Phần này có nhiều tên gọi khác nhau, chẳng hạn như obi-kuruwa vì có cấu trúc dài và hẹp ôm lấy chu vi lâu đài (tựa như một chiếc thắc lưng obi). Ngoài ra còn có koshi-kuruwa, được xây dựng theo từng tầng ở eo núi (trong tiếng Nhật koshi là eo, hông). Những kuruwa này có tác dụng ngăn chặn sự xâm nhập của kẻ thù vào khu vực honmaru. Ngoài ra còn có kuruwa được xây dựng để làm kho cất giữ quân nhu và nuôi ngựa.
Hori (堀) và dorui (土塁)
“Hori” (hào) là điểm then chốt để phòng thủ xung quanh kuruwa. Có nhiều kiểu hào khác nhau, chẳng hạn tatebori (竪堀) là kiểu hào đào vào sườn núi từ dưới lên trên khiến địch không thể di chuyển ngang. Một loạt các con hào chạy thẳng đứng lên dốc được gọi là unejo tatebori (畝状竪堀) hay hào dọc có gờ.
Một loại hào khác là yagenbori (薬研堀), có mặt cắt hình chữ V tương tự như yagen - cối nghiền dược liệu của thầy thuốc. Ngoài ra còn có hakobori (箱堀) - kiểu hào đáy vuông phẳng, kenukibori (毛抜堀) – hào có đáy hình chữ U và shojibori (障子堀) – hào được chia thành nhiều phần và trông giống như những thanh gỗ trên vách ngăn shoji.
Phần đất cát khi đào hào không bị đổ đi mà sẽ được chất lại để tạo thành đê đất dorui. Khi kẻ thù bị mắc kẹt trong hào, binh lính sẽ đứng trên dorui và tấn công xuống. Hầu hết các đê đất được đắp ở góc nghiêng khoảng 45 độ nhưng một số có độ dốc từ 60 độ hoặc dốc hơn, nằm sát tường gần giống với vách đá.
Ishigaki (石垣)
Nhắc đến vấn đề phòng thủ của các lâu đài Nhật Bản, có lẽ hình ảnh nhiều người nghĩ đến đầu tiên là những bức tường đá. Tuy nhiên, các lâu đài với tường đá ishigaki chỉ thực sự bắt đầu xuất hiện vào cuối thời Chiến Quốc (1467–1568), khi Oda Nobunaga và Toyotomi Hideyoshi bắt đầu xây dựng chúng, sau đó lan rộng khắp đất nước. Còn trước đó, trong giai đoạn đỉnh cao của thời kỳ Chiến quốc, dorui mới là loại cấu trúc phòng thủ chính được sử đụng.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là đê đất dorui được thay thế hoàn toàn bằng tường đá ishigaki. Bởi vì trong thời Chiến Quốc, xây dựng lâu đài là một công việc cấp bách nên những vật liệu có sẵn ở địa phương thường được tận dụng.
Từ thời Nobunaga trở đi, các lâu đài ngày càng được xây dựng theo quy chuẩn và khi kỹ thuật xếp đá phát triển, số lượng ishigaki ngày càng tăng lên.
Kỹ thuật xử lý và xếp đá cũng thay đổi theo thời gian, trong đó nozurazumi (野面積み) là phương pháp xếp đá ở trạng thái tự nhiên, vì những viên đá có kích thước không đồng đều nên chúng mang lại khả năng thoát nước tuyệt vời.
Loại kỹ thuật tiếp theo được phát triển là uchikomi-hagi (打ち込み接ぎ), đề cập đến kiểu xếp những viên đá có góc nhọn để ít xuất hiện khoảng trống hơn, thích hợp để xây những bước tường đá trên các sườn dốc. Sau Trận Sekigahara năm 1600, kiểu ishigaki này trở thành xu hướng chủ đạo.
Một kỹ thuật khác được sử dụng là kirikomi-hagi (切り込み接ぎ), trong đó đá được cắt thành hình khối và xếp chồng lên nhau. Vì hình thức xếp chồng này gần như không có khoảng trống nên người ta sẽ bố trí các lỗ thoát nước riêng biệt.
Cần lưu ý rằng, tên của ba kiểu xếp đá nêu trên lần đầu tiên được nhắc đến trong các văn kiện từ giữa thời Edo (1603 – 1868) chứ không phải vào cuối thời Chiến Quốc.
Koguchi (虎口)
Koguchi là lối vào lâu đài và là nơi có nguy cơ bị kẻ địch đột nhập cao nhất. Ban đầu, koguchi được viết là “小口” có nghĩa là “lối vào nhỏ" nhưng sau đỏ được đổi thành”虎口”, nghĩa là “miệng hổ”, cho thấy đây là một nơi nguy hiểm.
“Miệng hổ” koguchi về cơ bản là một cái bẫy. Nếu kẻ địch đột nhập vào qua lối này, những con đường uốn cong sẽ làm giảm tốc độ tấn công của chúng. Sau đó, binh lính bảo vệ lâu đài sẽ bắn tên xuyên qua các cửa sổ hoặc lỗ trên các tháp pháo và bức tường xung quanh.
Kiểu koguchi hẹp, quanh co với những bức tường không có vách ngăn này được gọi là kuichigai-koguchi (喰違虎口).
Hình thức koguchi này phát triển thành masugata-koguchi (枡形虎口) – có thêm một khu vực bao quanh hình vuông gọi là matsugata, được cố tình để mở để dẫn dụ kẻ thù. Khu vực matsugata có tường bao quanh hai mặt, mặt thứ ba là lối vào, mặt thứ tư là cổng dẫn vào trung tâm lâu đài. Kẻ địch đương nhiên sẽ cố gắng tiến qua cổng, nhưng do cổng quá hẹp nên chúng sẽ bị kẹt lại và trở thành mục tiêu dễ dàng nhắm đến.
Mon (門) và Yagura (櫓)
Cổng của các lâu đài Nhật Bản được gọi là yagura-mon (櫓門) với tháp pháo (櫓) được đặt trên cùng của cổng – là nơi để ngắm bắn kẻ thù từ trên cao. Vì có khả năng phòng thủ cao nên cổng yagura-mon thường được sử dụng làm cổng chính otemon (大手門) hoặc cổng trước của khu vực honmaru.
Có một kiểu tháp pháo dài nằm ngang được xây dựng phía trên cổng, gọi là tamon-yagura (多聞櫓). Tên gọi tamon-yagura bắt nguồn từ Lâu đài Tamon ở Nara, nơi mà kiểu tháp pháo này lần đầu được xây dựng bởi lãnh chúa Matsunaga Hisahide thời Chiến Quốc.
Nó có ưu điểm là cho phép số lượng lớn binh lính đứng chờ bên trong. Tuy nhiên, tháp pháo càng dài thì càng nặng, nên theo thời gian, ngày càng nhiều tháp pháo được xây dựng trên tường đá ishigaki, phát triển thành các công trình phòng thủ độc lập, tách biệt với cổng lâu đài.
kilala.vn
11/10/2023
Bài: Ciro
Nguồn: Nippon
Đăng nhập tài khoản để bình luận