
Biểu tượng văn hóa 47 tỉnh thành Nhật Bản trong bộ sưu tập đồng xu kỷ niệm
Vào dịp kỷ niệm 60 năm "Đạo luật về tự quản địa phương" có hiệu lực từ ngày 3/5/1947, chính phủ Nhật Bản đã phát hành bộ đồng xu kỷ niệm của 47 tỉnh thành. Mỗi tỉnh thành có một thiết kế riêng đại diện cho những niềm tự hào của tỉnh, mang đến 47 mẫu đồng xu đa dạng với nhân vật lịch sử, địa danh hay các loài động thực vật. Nhiều người đã sưu tầm những mẫu đồng xu 500 yên này như một thú vui đặc biệt.
Vùng Hokkaido
Hokkaido - Hồ Toya và Văn phòng Chính quyền Tỉnh Hokkaido cũ
Để kỷ niệm 60 năm ngày ban hành Luật Tự trị Địa phương của Hokkaido, tỉnh này đã chọn biểu tượng hồ Toya và Văn phòng Chính quyền Tỉnh Hokkaido cũ cho hình ảnh trên đồng xu.
Hồ Toya là hồ miệng núi lửa lớn thứ ba ở Nhật Bản và là biểu tượng cho thiên nhiên tươi đẹp xứ Phù Tang. Đây cũng là nơi sở hữu khu nghỉ dưỡng nổi tiếng với lễ hội pháo hoa tuyệt đẹp.
Bên cạnh biểu tượng thiên nhiên thì Văn phòng Chính quyền Tỉnh Hokkaido cũ - tòa nhà gạch đỏ được xây dựng theo phong cách neo-baroque của Mỹ, nơi từng là trung tâm của chính quyền Hokkaido từ thời Minh Trị cũng xuất hiện trên đồng xu. Ngày nay, nơi đây được sử dụng làm văn phòng thông tin du lịch, phòng hội nghị và cho các buổi triển lãm lịch sử.
Vùng Tohoku
Akita - Nhà thám hiểm Shirase Nobu và Lễ hội Akita Kanto
Shirase Nobu là nhà thám hiểm Nhật Bản đầu tiên đặt chân đến Nam Cực nhưng chỉ sau khi qua đời, những nỗ lực của ông mới được công nhận. Tên của ông - Shirase được Đoàn thám hiểm Nghiên cứu Nam Cực của Nhật Bản đặt tên cho tàu phá băng thứ ba và thứ tư của mình, hay thành phố Nikaho – quê hương của ông, đã dựng tượng Shirase vào năm 1981 và mở một bảo tàng vào năm 1990 để tưởng nhớ ông.
Bên cạnh đó là hình ảnh Lễ hội Akita Kanto. Đây là lễ hội truyền thống của tỉnh Akita, có lịch sử khoảng 270 năm. Lễ hội nổi bật với những chiếc đèn lồng giấy treo trên cột tre dài 12m, tượng trưng cho bông lúa và bao tải thóc, để cầu mong một mùa màng bội thu.
Aomori - Di chỉ Sannai-Maruyama và tượng gốm
Di chỉ Sannai-Maruyama nằm ở Aomori là một ngôi làng của người Jomon, từng phát triển thịnh vượng vào khoảng 5.900 đến 4.200 năm trước. Vào tháng 11/2000, Sannai-Maruyama đã được công nhận là Di tích Lịch sử Đặc biệt của Nhật Bản. Đây cũng là biểu tượng được chọn của đồng xu 500 yên kỷ niệm. Bên cạnh đó, hai Bảo vật quốc gia khác cũng được chọn là pho tượng gốm Shakoki và tượng gốm chắp tay, được khai quật ở Aomori.
Fukushima - Lễ hội Soma Nomaoi
Soma Nomaoi là một lễ hội truyền thống với hơn 1.000 năm lịch sử, đã được công nhận là Di sản Văn hóa Dân gian Phi vật thể Quan trọng của Nhật Bản.
Ban đầu, Soma Nomaoi là một lễ hội huấn luyện quân sự, ngày nay được duy trì để cầu nguyện cho hòa bình. Khi Đến với lễ hội, bạn sẽ bị choáng ngợp bởi cảnh tượng 400 chiến binh cưỡi ngựa mặc áo giáp, tay cầm kiếm và cờ, tái hiện cảnh chiến đấu của các samurai thời xưa.
Iwate - Điện vàng Konjikido và tiệc bên suối Kyokusui no Utage
Đồng xu 500 yên của Iwate có hình Điện vàng Konjikido - điện thờ của Chùa Chusonji, được xây dựng vào thế kỷ 12. Điện được phủ hoàn toàn bằng vàng lá và khảm xà cừ, là một minh chứng cho tay nghề đại tài của nghệ nhân thời kì đó. Toàn bộ ngôi chùa được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Ngoài ra, đồng xu này còn tái hiện thú vui thả chén rượu sake theo dòng suối trong vườn và sáng tác thơ waka của giới quý tộc thời Heian, hay còn được gọi là "Kyokusui no Utage" tại chùa Motsuji.
Miyagi - Lễ hội Tanabata Sendai
Biểu tượng của mùa hè ở Sendai, Miyagi - Lễ hội Tanabata Sendai được in trên đồng xu 500 yên kỷ niệm của tỉnh. Đây là một trong ba lễ hội lớn của vùng Tohoku và suốt thời gian diễn ra lễ hội, cả khu vực được trang trí bằng tre, dải giấy hay những con sếu gấp bằng giấy washi đầy màu sắc.
Yamagata - Nữ thần Jomon
Đồng xu kỷ niệm của Yamagata là hình bảo vật quốc gia "Nữ thần Jomon". Đây là một bức tượng gốm có niên đại từ giữa thời kỳ Jomon (khoảng 4.500 năm trước), được khai quật từ tàn tích Nishinomae ở Funagata-machi, tỉnh Yamagata.
Vào thời điểm khai quật, các nhà khảo cổ chỉ thu được những mảnh riêng biệt của bức tượng như đầu, ngực, eo và chân. Sau khi phục chế và hoàn thiện các bộ phận thì Nữ thần Jomon cao khoảng 45cm.
Vùng Kanto
Chiba - Bãi biển Kujukuri
Không phải đường bờ biển gồ ghề và nhiều đá, Kujukuri là một bãi cát dài 66km hình vòng cung và không có rạn san hô. Nhờ đó sóng biển vỗ thẳng vào bờ, khiến nơi đây trở thành địa điểm yêu thích của những người lướt sóng.
Gunma - Nhà máy dệt lụa Tomioka và các nữ công nhân
Đồng xu của Gunma có hình nhà kho phía đông của Nhà máy dệt lụa Tomioka và các công nhân nữ làm việc trong nhà máy. Vào thời Minh Trị, đây là nhà máy dệt lụa quan trọng, hỗ trợ nền công nghiệp Nhật Bản trong thời điểm nước Nhật mở cửa thông thương với thế giới.
Nhà máy mang đến cơ hội việc làm cho phụ nữ với phúc lợi tốt (chăm lo chỗ ăn ở, dịch vụ y tế, mở lớp học ban đêm để phụ nữ có thể học chữ…), ngày làm việc 8 tiếng và được nghỉ Chủ nhật.
Ngày nay, nơi đây được đưa vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO và trở thành một điểm tham quan bởi ý nghĩa lịch sử và phong cách kiến trúc Đông - Tây kết hợp.
Ibaraki - Vườn Kairakuen và hoa mơ
Khu vườn Nhật Kairakuen và hoa mơ là biểu tượng được chọn cho đồng xu 500 yên của tỉnh Ibaraki. Kairakuen là khu vườn Nhật Bản được xây dựng vào năm 1842, cuối thời kỳ Edo bởi lãnh chúa Tokugawa Nariaki với mong muốn "người dân có thể tận hưởng khu vườn cùng với mình". Khuôn viên có khoảng 3.000 cây mơ thuộc 100 giống khác nhau, thu hút đông đảo du khách ghé đến mỗi mùa xuân.
Kanagawa - Đại Phật Kamakura
Có lẽ một trong những hình ảnh nhiều người nhớ đến khi nhắc về Nhật Bản là tượng Đại Phật Kamakura, đây cũng là biểu tượng được chọn để in trên đồng xu kỷ niệm của tỉnh Kanagawa.
Đại Phật Kamakura là bức tượng ngồi của Đức Phật tại chùa Kotoku-in, cao khoảng 11m và nặng 121 tấn, được khởi công xây dựng vào năm 1252 để bảo hộ cho chính quyền samurai thời bấy giờ.
Saitama - Sân vận động Saitama
Sân vận động Saitama là một trong những sân vận động bóng đá lớn nhất Nhật Bản. Ban đầu nó được xây dựng cho Giải vô địch bóng đá thế giới (FIFA World Cup) 2002, về sau được tận dụng để tổ chức các trận đấu của Đội tuyển quốc gia Nhật Bản và các trận đấu thuộc J-League.
Đây là hình ảnh được sử dụng trên đồng xu 500 yên như một biểu tượng để quảng bá tỉnh đến với mọi người.
Tochigi - Con mèo đang ngủ và chim sẻ
“Con mèo đang ngủ” là tác phẩm điêu khắc của nghệ sĩ Hidari Jingoro tại đền Nikko Toshogu, ngoài ra còn có hình khắc chim sẻ với ẩn dụ mèo và chim sẻ cùng chung sống, tượng trưng cho hòa bình. Hai hình ảnh này được chọn cho đồng xu 500 yên kỷ niệm của Tochigi.
Tokyo - Tòa nhà Marunouchi của Ga Tokyo và đường Gyoko-dori
Đồng xu 500 yên của Tokyo có thiết kế Tòa nhà Marunouchi của Ga Tokyo và đường Gyoko-dori. Ga Tokyo được xây dựng vào năm 1914 theo thiết kế của Tatsuno Kingo và đã được công nhận là Di sản Văn hóa Quan trọng của Nhật Bản, đồng thời là biểu tượng của Tokyo.
Gyoko-dori là con đường nối Cung điện Hoàng gia với Ga Tokyo, có rất nhiều cây xanh và là nơi tổ chức các sự kiện quảng bá lịch sử - văn hóa Nhật Bản. Đây cũng là hai địa điểm mà khách du lịch thường muốn ghé thăm khi đến thành phố sôi động này.
Vùng Chubu
Aichi - Hoa diên vĩ và Tòa nhà Chính quyền tỉnh
Đồng xu 500 yên kỷ niệm của Aichi gồm hoa diên vĩ - loài hoa đặc trưng của tỉnh Aichi, được người dân trong tỉnh yêu thích và Tòa nhà Chính quyền tỉnh. Đây là một công trình độc đáo pha trộn giữa kiến trúc truyền thống Nhật Bản và phong cách phương Tây. Phần mái gợi nhớ đến Lâu đài Nagoya và được công nhận là Di sản Văn hóa Quan trọng.
Fukui - Hình khủng long
Được biết đến là địa điểm khai quật hóa thạch khủng long lớn nhất Nhật Bản nên tỉnh Fukui sở hữu đồng xu 500 yên hình khủng long. Nơi đây còn được gọi là "Vương quốc Khủng long" do số lượng lớn hóa thạch khủng long được phát hiện.
Gifu - Làng Shirakawago và hoa tử vân anh
Shirakawago là ngôi làng cổ nằm sâu trong núi, nổi tiếng với cảnh quan độc đáo là những ngôi nhà mái tranh theo lối kiến trúc "chắp tay" gassho-zukuri. Nơi đây đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1995 và là một địa điểm du lịch không thể bỏ qua khi đến Gifu.
Bên cạnh đó là đóa hoa genge/rengesou (tử vân anh) màu hồng tím, loài hoa biểu tượng của tỉnh Gifu, từ lâu đã được nông dân sử dụng làm phân xanh cho ruộng lúa.
Ishikawa - Núi Hakusan nhìn từ hồ Kibagata và Lễ hội Kiriko
Núi Hakusan có độ cao 2.702m, được mệnh danh là một trong ba ngọn núi linh thiêng nhất xứ Phù Tang. Khung cảnh núi nhìn từ hồ Kibagata nổi tiếng là một thắng cảnh của tỉnh.
Biểu tượng còn lại là Lễ hội Kiriko - một lễ hội ngoạn mục của khu vực Bán đảo Noto, trong đó những chiếc đèn lồng kiriko khổng lồ với phần trang trí tinh xảo sẽ được khiêng và diễu hành vào ban đêm trong bầu không khí lung linh, huyền ảo.
Nagano - Chùa Zenkoji và con bò
Zenkoji là ngôi chùa 1.400 năm tuổi thờ Đức Phật A-di-đà, nổi tiếng với bức tượng Phật cổ nhất Nhật Bản. Từ xưa, người dân Nhật đã truyền tai nhau rằng ai cũng nên đến thăm ngôi chùa Zenkoji ít nhất một lần trong đời. Chánh điện của ngôi chùa này đã được chỉ định là Bảo vật quốc gia.
Ngoài ra, xuất hiện cùng chùa Zenkoji trong thiết kế đồng xu 500 yên là hình ảnh chú bò đại diện cho Shinshu Wagyu – loại thịt Wagyu hảo hạng được chăn nuôi tại tỉnh.
Niigata - Chim Toki và ruộng bậc thang
Toki hay cò quăm mào Nhật Bản là loài chim biểu tượng của Đảo Sado, tỉnh Niigata. Từ thế kỷ 17, quá trình khai hoang ruộng đất đã tạo nên những thửa ruộng bậc thang rộng lớn, qua đó hình thành một nền văn hóa nông thôn độc đáo trên đảo. Đặc biệt, ruộng bậc thang đã cung cấp môi trường sống lý tưởng cho loài chim Toki, giúp Sado trở thành nơi cư trú cuối cùng của giống chim quý hiếm này tại Nhật Bản.
Cảnh quan satoyama, nơi con người và chim Toki cùng chung sống, đã được công nhận là Di sản Nông nghiệp Thế giới (GIAHS) vào năm 2011.
Shizuoka - Núi Phú Sĩ và cánh đồng trà
Núi Phú Sĩ, ngọn núi linh thiêng nhất xứ Phù Tang, trải dài trên địa phận hai tỉnh Shizuoka và Yamanashi. Cảnh núi Phú Sĩ nhìn từ Shizuoka được người Nhật trìu mến gọi là “Omote Fuji” (Phú Sĩ phía trước).
Ngoài ra Shizuoka còn được mệnh danh là thủ phủ trà bởi đây là vùng sản xuất trà số 1 Nhật Bản, chiếm đến 40% sản lượng trà xanh toàn quốc. Giống trà được trồng chủ yếu trong vùng là yabukita, nổi tiếng hài hòa giữa vị ngọt, hương thảo mộc và vị umami, rất lý tưởng để chế biến sencha.
Toyama - Lễ hội Owara Kaze no Bon
Lễ hội Owara Kaze no Bon là một sự kiện truyền thống với 300 năm lịch sử tại thị trấn Yatsuo, diễn ra vào ngày thứ 210 sau ngày lập xuân, tức rơi vào đầu mùa thu. Trong không khí trầm lắng, các vũ công đội nón lá amigasa lặng lẽ bước qua những con phố nhỏ, hòa mình vào giai điệu da diết của bài dân ca Etchu Owarabushi. Hình ảnh này đã được khắc lên đồng xu kỷ niệm của tỉnh Toyama.
Yamanashi - Núi Phú Sĩ và nho
Núi Phú Sĩ là một biểu tượng bất hủ của tỉnh Yamanashi, nơi mỗi năm đón tiếp hàng triệu du khách đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ngọn núi thiêng.
Về ý nghĩa của biểu tượng còn lại, tỉnh Yamanashi cũng được biết đến là vùng trồng nho số 1 Nhật Bản, trong đó có giống Koshu là giống lâu đời nhất ở Nhật với lịch sử 1.300 năm. Nho Koshu chủ yếu được sử dụng để sản xuất rượu vang.
Vùng Kansai
Hyogo - Hạc trắng Á Đông
Trong tiếng Nhật gọi là Kounotori (tên khoa học: Ciconia boyciana), đây là loài chim đại diện cho tỉnh Hyogo và nằm trong danh sách Di tích thiên nhiên đặc biệt. Từng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, nhưng kế hoạch nhân giống và tái thả về tự nhiên được triển khai bền bỉ trong nhiều năm tại thành phố Toyooka đã giúp hồi sinh quần thể hạc trắng.
Nỗ lực toàn diện của cả cộng đồng địa phương nhằm chung sống với Koutonori là một sáng kiến tiên phong hiếm thấy, hiện vẫn đang thu hút sự quan tâm trên thế giới.
Kyoto - Tranh cuộn Truyện Genji, phần Yadorigi
Tranh cuộn Truyện Genji (Genji monogatari emaki) là tác phẩm tranh cuộn dựa trên kiệt tác văn học Truyện Genji của nữ sĩ Murasaki Shikibu, được sáng tác vào thế kỷ 12. Đây là cuộn tranh lâu đời nhất còn tồn tại ở Nhật Bản, khắc họa sinh động văn hóa quý tộc thời Heian và được xem là một báu vật vô giá, chính vì thế mà được khắc lên đồng xu kỷ niệm của Kyoto.
Tác phẩm ban đầu gồm khoảng 10 cuộn tranh nhưng đến nay chỉ còn lại 4 cuộn, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Tokugawa và Bảo tàng Goto.
Mie - Tuyến đường hành hương Kumano Kodo Iseji
Iseji là một phần của hệ thống tuyến đường hành hương Kumano Kodo, liên kết Thần cung Ise với ba ngôi đền lớn của Kumano là Kumano Hongu Taisha, Kumano Hayatama Taisha và Kumano Nachi Taisha. Như câu tục ngữ “Đến Ise bảy lần, đến Kumano ba lần”, xưa kia việc đặt chân đến những thánh địa này là ước nguyện cả đời của nhiều người.
Du khách ngày nay vẫn có thể thưởng thức những cảnh quan truyền thống cùng lịch sử và văn hóa phong phú của tuyến đường hành hương dọc theo Iseji.
Nara - Tàu đi sứ nhà Đường (Kentoushi-sen)
Hình ảnh trên đồng xu kỷ niệm 500 yên của Nara là Kentoushi-sen (遣唐使船) - loại tàu chở phái đoàn sứ thần Nhật Bản được cử sang nhà Đường trong thời Nara. Ban đầu, tàu thường đi theo một lộ trình an toàn ven bán đảo Triều Tiên, nhưng khi quan hệ của Nhật Bản với Silla (triều đại cổ ở Triều Tiên) xấu đi, sứ đoàn buộc phải đi theo lộ trình vượt qua biển Hoa Đông đầy rẫy hiểm nguy.
Những chiếc thuyền buồm lớn kiểu Trung Quốc này được cho là đã chở khoảng 120 hành khách trên mỗi chuyến.
Osaka - Lăng mộ Thiên hoàng Nintoku
Đây là lăng mộ hình lỗ khóa lớn nhất Nhật Bản với chiều dài khoảng 486m, được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ thứ V, ngày nay tọa lạc tại thành phố Sakai của Osaka. Đây cũng là một trong ba lăng mộ vĩ đại nhất thế giới, cùng với Kim tự tháp Giza (Ai Cập) và Lăng mộ Tần Thủy Hoàng (Trung Quốc). Năm 2019, lăng mộ đã được công nhận là Di sản Thế giới thuộc Nhóm Mozu-Furuichi Kofun.
Shiga - Cá nheo khổng lồ Hồ Biwa và cá chép Nigorobuna
Cá nheo khổng lồ Hồ Biwa (tên khoa học: Silurus biwaensis) là một trong những loài cá trê lớn nhất Nhật Bản, có thể dài đến hơn 1m, cân nặng lên đến 17kg. Chúng sống trong môi trường độc đáo xung quanh Hồ Biwa, hoạt động về đêm, săn bắt cá hương và các loài cá khác.
Nigorobuna thì là một loài thuộc họ cá chép đặc hữu của Hồ Biwa, từ lâu đã được sử dụng làm nguyên liệu trong món funazushi (cá được ướp muối trong thời gian dài rồi trộn với gạo và để lên men tự nhiên). Sản lượng đánh bắt Nigorobuna đang giảm dần và tỉnh Shiga hiện đang nỗ lực khôi phục nguồn thủy sản này.
Wakayama - Thác Nachi
Thác nước cao nhất Nhật Bản (133m) này là một phần của Thánh địa và Đường hành hương vùng núi Kii – Di sản thế giới của UNESCO. Phong cảnh hùng vĩ khiến thác Nachi trở thành một trong ba thác nước nổi tiếng nhất Nhật Bản và được công nhận là Danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Hình ảnh thác vinh dự đại diện cho Wakayama trên đồng xu kỷ niệm.
Vùng Chugoku
Hiroshima - Mái vòm Bom nguyên tử và Đài tưởng niệm Nạn nhân Vụ nổ bom Nguyên tử
Mái vòm Bom nguyên tử (Genbaku Dome) là công trình còn sót lại sau vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima vào ngày 06/08/1945. Được bảo tồn nguyên trạng kể từ sau thảm họa, nơi đây trở thành biểu tượng của hòa bình, ghi dấu sự khủng khiếp của vũ khí hạt nhân và đã được công nhận là Di sản Thế giới.
Đài tưởng niệm Nạn nhân Vụ nổ bom Nguyên tử (Genbaku Shibotsusha Ireihi) là công trình tưởng niệm những người đã thiệt mạng trong vụ nổ, đồng thời gửi gắm ước nguyện về một thế giới hòa bình. Đài tưởng niệm được thiết kế bởi KTS nổi tiếng Kenzo Tange.
Okayama - Vườn Okayama Korakuen
Được chọn để khắc lên đồng xu kỷ niệm, Okayama Korakuen được xây dựng cách đây khoảng 300 năm bởi lãnh chúa Ikeda Tsunamasa, là một trong ba khu vườn nổi tiếng nhất Nhật Bản. Khu vườn rộng rãi, phủ đầy hoa lá theo mùa với khung cảnh như xuyên không về thời kỳ Edo.
Năm 1952, nơi đây được công nhận là Danh lam thắng cảnh đặc biệt với tư cách là di sản văn hóa lịch sử, và được Michelin Green Guide Japan xếp hạng ba sao.
Shimane - Chuông đồng Dotaku
Đồng xu 500 yên kỷ niệm của tỉnh Shimane có hình chiếc chuông đồng Dotaku thời kỳ Yayoi (300 TCN - 300 SCN). Ngoài ra, trên đồng xu còn phóng đại họa tiết trên bề mặt của những chiếc chuông đồng như “ryusui” (dòng nước chảy), “kesadasuki” (dây đeo áo cà sa) hay các họa tiết động vật như hươu và chuồn chuồn.
Người ta cho rằng những chiếc chuông đồng Dotaku từng là nhạc cụ được sử dụng cho các nghi lễ thời cổ đại. Tại di chỉ Kamo Iwakura, tỉnh Shimane, các nhà khảo cổ đã khai quật được 39 chiếc chuông Dotaku, số lượng nhiều nhất từng được tìm thấy ở đất nước này.
Tottori - Chính điện Nageiredo
Hình ảnh trên đồng xu kỷ niệm của tỉnh Tottori là Nageiredo - chính điện của chùa Sanbutsuji. Điện Nageiredo được xây dựng cheo leo giữa vách núi Mitoku ở độ cao 900m.
Theo truyền thuyết, vị tổ sư khai sáng phái tu khổ hạnh Shugendo là En no Gyoja đã dùng pháp lực để ném ngôi điện này vào vách núi, từ đó mà cái tên Nageiredo - 投入堂 (nghĩa là “điện thờ được ném vào”) ra đời. Công trình này còn được mệnh danh là “Quốc bảo nguy hiểm nhất Nhật Bản” do vị trí hiểm trở và đường đi lên phải leo qua một đoạn núi dốc.
Yamaguchi - Tháp năm tầng Rurikoji
Đồng xu kỷ niệm của tỉnh Yamaguchi có hình ngọn tháp năm tầng Rurikoji, một trong ba ngọn tháp năm tầng nổi tiếng nhất Nhật Bản.
Tháp Rurokuji được Ouchi Moriharu xây dựng vào giữa thời kỳ Muromachi (1336-1573) để tưởng nhớ anh trai của mình - Ouchi Yoshihiro, người đã tử trận trong trận chiến Oei. Tòa tháp cao 31,2m, nổi bật với phần mái lợp theo kỹ thuật truyền thống hiwada-buki (lợp bằng vỏ cây bách Nhật). Kiến trúc ngọn tháp có phong cách giản dị, trang trí ít, nhưng toát lên vẻ đẹp thanh tao, mộc mạc.
Vùng Shikoku
Ehime - Tuyến đường Shimanami Kaido
Đồng xu kỷ niệm của tỉnh Ehime có hình tuyến đường cao tốc Shimanami Kaido cùng các hòn đảo của tỉnh. Shimanami Kaido là tuyến đường cao tốc dài khoảng 60km, nối liền thành phố Onomichi của tỉnh Hiroshima và thành phố Imabari, tỉnh Ehime. Tuyến đường này có nhiều cây cầu bắc qua các hòn đảo thuộc quần đảo Geiyo.
Không chỉ dành cho ô tô, Shimanami Kaido còn cho phép người đi bộ và xe đạp lưu thông. Nhờ đó, du khách có thể vừa đạp xe, vừa thưởng ngoạn cảnh sắc ngoạn mục của các hòn đảo tuyệt đẹp ở vùng biển nội địa Seto. Chính vì thế, nơi đây còn được mệnh danh là “thánh địa của những người thích đạp xe”.
Kagawa - Đền Kotohira và Đồng bằng Sanuki
Trên đồng xu 500 yên kỷ niệm của tỉnh Kagawa là khung cảnh tuyệt đẹp của đồng bằng Sanuki nhìn từ Đền Kotohira. Đồng bằng Sanuki là đồng bằng lớn nhất phía đông bắc đảo Shikoku, được bao bọc bởi biển nội địa Seto và dãy núi Sanuki. Do lượng mưa tại khu vực này tương đối ít, nên có rất nhiều hồ chứa được xây dựng để trữ nước cho sản xuất nông nghiệp.
Trong đó, hồ Mannoike là hồ chứa phục vụ tưới tiêu lớn nhất Nhật Bản. Toàn bộ khu vực đồng bằng Sanuki là nơi tập trung các đô thị chính của tỉnh Kagawa. Tên gọi này bắt nguồn từ địa danh Sanuki no kuni (讃岐国) - tên gọi cũ của tỉnh Kagawa thời xưa.
Kochi - Sakamoto Ryoma
Nhân vật được chọn làm đại diện của tỉnh Kochi trên đồng xu kỷ niệm là Sakamoto Ryoma, một nhà yêu nước vào cuối thời kỳ Edo. Ông là người có công lớn trong việc xây dựng liên minh giữa hai phiên Satsuma và Choshu, góp phần quan trọng trong phong trào Tobaku nhằm lật đổ chế độ Mạc phủ thời Edo.
Những đóng góp nổi bật nhất của ông bao gồm đề xuất về việc trả lại chính quyền cho Thiên hoàng (Taisei Hokan) và soạn thảo Bát sách cương lĩnh cho tân chính phủ (Shinseifu Koryo Hassaku), đặt nền móng cho sự hình thành chính phủ mới. Với tư duy linh hoạt, tầm nhìn tân tiến và nghị lực mạnh mẽ, Sakamoto Ryoma là niềm tự hào của tỉnh Kochi và được tôn vinh như một anh hùng của thời đại, mở ra kỷ nguyên của nước Nhật hiện đại.
Tokushima - Vũ điệu Awa Odori
Tỉnh Tokushima đã chọn hình ảnh điệu múa truyền thống Awa Odori có lịch sử hơn 400 năm đưa vào đồng xu kỷ niệm. Awa Odori là điệu múa Bon truyền thống có nguồn gốc từ tỉnh Tokushima và là một trong những lễ hội mùa hè sôi động nhất Nhật Bản, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm.
Từng nhóm vũ công được gọi là “ren” diện những bộ trang phục màu sắc sặc sỡ được thiết kế riêng, nhảy múa trong tiếng đàn shamisen và trống, cùng tiếng hô "Yattosa!" vang vọng trong không trung.
Vùng Kyushu & Okinawa
Fukuoka - Bảo tàng quốc gia Kyushu, cầu Taikobashi, hoa mơ
Trên đồng xu kỷ niệm của tỉnh Fukuoka là 3 biểu tượng đặc trưng của vùng đất này: Bảo tàng Quốc gia Kyushu, cầu Taikobashi trong khuôn viên đền Dazaifu Tenmangu và một nhành hoa mơ - loài hoa đặc trưng của vùng đất này.
Bảo tàng Quốc gia Kyushu mở cửa vào năm 2005, lấy chủ đề giao lưu văn hóa châu Á và Nhật Bản, nhằm giới thiệu tiến trình hình thành văn hóa Nhật Bản từ góc nhìn lịch sử Châu Á.
Cầu Taikobashi tại đền Dazaifu Tenmangu có thiết kế gồm ba nhịp, tượng trưng cho quá khứ, hiện tại và tương lai, đồng thời là nơi để người hành hương thanh tẩy thân tâm trước khi vào đền. Vào mùa xuân, khung cảnh hoa mận nở rộ xung quanh cầu tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp.
Kagoshima - Núi lửa Sakurajima
Đồng xu kỷ niệm của tỉnh Kagoshima có hình ảnh núi lửa Sakurajima - ngọn núi lửa nổi tiếng còn đang hoạt động tại Nhật Bản. Ngọn núi này gồm ba đỉnh Kitadake, Nakadake và Minamidake, với chiều cao 1.117m, diện tích khoảng 80km² và chu vi khoảng 52km.
Sakurajima cũng là một trong những núi lửa hoạt động mạnh mẽ nhất Nhật Bản, với những vụ phun trào được ghi nhận thường xuyên. Cảnh quan hùng vĩ của ngọn núi cùng thiên nhiên tươi đẹp luôn thu hút đông đảo du khách từ khắp nơi trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng.
Kumamoto - Lâu đài Kumamoto
Biểu tượng nổi bật nhất được chọn đưa vào đồng xu kỷ niệm tỉnh Kumamoto chắc chắn phải là Lâu đài Kumamoto. Đây là một trong ba lâu đài nổi tiếng nhất Nhật Bản, được xây dựng bởi võ tướng Kato Kiyomasa và mất 7 năm mới xây xong.
Lâu đài Kumamoto được mệnh danh là “bất khả xâm phạm” bởi bức tường đá dưới chân lâu đài được thiết kế theo kiểu musha-gaeshi, phần dưới thoải dần, phần trên có độ dốc dựng đứng khiến kẻ địch khó lòng leo lên. Lâu đài này từng đóng vai trò trọng yếu trong cuộc chiến Seinan vào năm 1877 và trở nên nổi tiếng khi trụ vững suốt hơn 50 ngày trước sự vây hãm khốc liệt.
Miyazaki - Tòa nhà Trụ sở Ủy ban hành chính tỉnh Miyazaki
Tòa nhà chính của Trụ sở Ủy ban hành chính tỉnh Miyazaki là hình ảnh được lựa chọn cho đồng xu 500 yên kỷ niệm của tỉnh này. Tòa nhà gồm 3 tầng và một tầng hầm, là một trong những công trình có kiến trúc hiện đại được xây dựng trước chiến tranh vẫn còn tồn tại.
Công trình này được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng Okishio Akira, mang phong cách tân Gothic với dáng vẻ bề thế và trang nghiêm, khuôn viên phía trước tòa nhà được trồng nhiều loài thực vật cận nhiệt đới đặc trưng của miền Nam Nhật Bản, như cây phượng hoàng và xương rồng.
Nagasaki - Nhà thờ Công giáo Oura
Đồng xu kỷ niệm của tỉnh Nagasaki là nhà thờ Công giáo Oura cùng một ô cửa kính màu đặc trưng thường thấy ở các nhà thờ châu Âu. Đây là nhà thờ mang phong cách kiến trúc Gothic cổ nhất ở Nhật Bản và đã được công nhận là Quốc bảo. Bên trong nhà thờ được trang trí bằng nhiều ô kính màu tuyệt đẹp, trong đó nổi bật nhất là cửa kính phía sau nhà thờ chính, là món quà được gửi tặng từ Pháp.
Oita - Tượng Phật đá Usuki
Trên đồng xu kỷ niệm của tỉnh Oita là một trong nhóm quần thể tượng Phật bằng đá ở thị trấn Usuki. Những pho tượng này được chạm khắc trực tiếp vào vách đá, có niên đại từ cuối thời Heian đến thời Kamakura. Nổi bật trong số đó là tượng Đại Phật Như Lai, thuộc nhóm tượng đá khu Furuzono. Tổng cộng có 61 bức tượng trong quần thể này đã được công nhận là Quốc bảo của Nhật Bản.
Okinawa - Lễ hội kéo co Naha Otsunahiki và điệu múa Eisa
Trên đồng xu kỷ niệm 500 yên của tỉnh Okinawa, hình ảnh được chọn là lễ hội kéo co Naha Otsunahiki và điệu múa Eisa truyền thống.
Lễ hội Naha Otsunahiki bắt đầu vào khoảng năm 1450, là sự kiện mang tính biểu tượng nhằm chúc mừng sự phát triển của thành phố Naha. Sau chiến tranh, lễ hội được khôi phục và hiện được công nhận kỷ lục Guinness là cuộc kéo co lớn nhất thế giới.
Còn Eisa là điệu múa truyền thống của Okinawa, được biểu diễn trong lễ hội Obon để tưởng nhớ tổ tiên, tùy từng khu vực mà Eisa có những phong cách và tiết tấu khác nhau.
Saga - Okuma Shigenobu, vải Saga Nishiki
Đồng xu kỷ niệm của tỉnh Saga mang hình ảnh của chính trị gia Okuma Shigenobu cùng hai loại vải thủ công truyền thống nổi tiếng là Saga Nishiki và Kashima Nishiki.
Okuma Shigenobu là nhân vật lịch sử nổi tiếng có xuất thân từ Saga. Ông là người sáng lập Đại học Waseda và hai lần giữ chức Thủ tướng Nhật Bản, cùng với nhiều đóng góp quan trọng cho nền chính trị và giáo dục quốc gia.
Saga Nishiki là loại vải dệt thủ công tinh xảo, có đặc điểm là sợi dọc làm từ giấy washi được dán lá vàng hoặc bạc, còn sợi ngang là tơ tằm nhuộm màu. Với độ thẩm mỹ tinh tế, chúng được mệnh danh là "đỉnh cao của nghệ thuật thủ công Nhật Bản", được đánh giá cao cả trong và ngoài nước.
kilala.vn
JP47 - VÒNG QUANH 47 TỈNH THÀNH NHẬT BẢN
Cùng một chủ đề, nhưng ở 47 tỉnh thành Nhật Bản sẽ có điểm gì khác biệt? Trong series JP47, hãy cùng Kilala bước chân vào một hành trình khám phá những nét đặc trưng, những điểm khác biệt thú vị giữa các tỉnh thành trên khắp xứ Phù Tang nhé!
Đọc và theo dõi các bài viết thuộc series tại đây!
Đăng nhập tài khoản để bình luận