Murasaki Shikibu (紫式部 - Tử Thức Bộ) sinh vào khoảng năm 987 tại kinh đô Heian-kyo (Kyoto ngày nay). Bà xuất thân từ gia tộc Fujiwara, dòng họ quý tộc có ảnh hưởng lớn trong triều đình Nhật Bản thời bấy giờ. Bên cạnh đó, bà được cho là hậu duệ của Fujiwara Kanesuke, một thi nhân nổi tiếng có danh vị trong Tam Thập Lục Ca Tiên - 36 gương mặt nổi bật trong lĩnh vực thi phú thơ ca của người Nhật từ thời Asuka đến thời Nara, do thi sĩ Fujiwara Kinto lựa chọn.
Dù chỉ thuộc nhánh nhỏ của dòng họ, cha của bà - Fujiwara no Tametoki, là một học giả giữ chức vụ tại Bộ Lễ (Shikibu-sho) trong triều đình. Thời Heian, phụ nữ thường không được gọi bằng tên riêng mà gọi bằng chức vị của phụ thân hoặc phu quân. Vì thế mà người ta gọi bà là “Murasaki Shikibu”. Trong đó, “Shikibu” là chức vị của cha bà, còn “Murasaki” được cho là lấy từ tên nhân vật trong tác phẩm Genji Monogatari do bà sáng tác.
Vào thời kỳ này, chữ Hán là ngôn ngữ chính thức của triều đình, chỉ nam giới mới được học và sử dụng. Vì vậy, phụ nữ thời Heian thường sáng tác thơ văn bằng chữ kana - hệ thống chữ viết riêng cho nữ giới thời này.
Nhưng Murasaki Shikibu thì khác. Từ nhỏ, bà đã sớm bộc lộ tài năng về học vấn, có thể đọc chữ Hán và tiếp thu kiến thức Hán học rất nhanh. Thậm chí, bà có thể đọc thông thạo những tác phẩm kinh điển mà ngay cả nhiều nam giới quý tộc thời đó cũng phải chật vật.
Trong nhật ký của mình, Murasaki Shikibu đã từng đề cập đến sự đố kỵ của những người phụ nữ trong cung, đặc biệt là các thị nữ khi thấy bà có thể đọc chữ Hán, đã bình phẩm rằng “ngày xưa chỉ có đàn ông có công có việc mới đọc những quyển sách như thế”. Bà thản nhiên cho rằng: “Mọi thứ trên thế gian này thật phiền toái. Mặc kẻ khác nói gì, ta sẽ quỳ trước Phật A Di Đà và cầu nguyện. Khi tâm trí ta thoát khỏi mọi phiền toái của thế gian này, ta sẽ không gắng gỏi để trở thành một vị thánh... Nhiều điều xảy ra với ta trong cuộc đời này khiến ta nghĩ rằng mình đã phạm phải những lỗi lầm ở kiếp trước và mọi việc khiến ta sầu khổ.”
- Dẫn lại theo Shuichi Kato, Lịch sử văn học Nhật Bản, tập 1. Chương 3: Thời đại của Genji monogatari và Konjaku monogatari -
Sau này, Murasaki kết hôn với Fujiwara no Nobutaka, người anh họ xa hơn bà 20 tuổi. Sau đó, bà hạ sinh một bé gái, người sau này cũng trở thành nhà thơ với bút hiệu Daini no Sanmi. Hai năm sau, chồng bà qua đời, Murasaki sống ẩn dật và đắm mình trong thế giới văn chương.
Nhiều giả thuyết cho rằng, tác phẩm Truyện kể Genji được bà sáng tác trong thời gian này. Dưới những đêm trăng huyền ảo bên hồ Biwa tại chùa Ishiyama, những áng văn về chàng hoàng tử Genji đã được khơi nguồn, trở thành niềm cảm hứng bất tận của nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật Nhật Bản cho đến ngày nay.
987: Murasaki Shikibu sinh ra tại Heian-kyo, thời Heian, trong gia đình quan lại.
1003-1008: Thời điểm bà bắt đầu sáng tác Truyện kể Genji, trong thời gian bà lui về ở ẩn sau hai năm kể từ khi chồng bà qua đời.
1005: Murasaki nhập cung và trở thành nữ quan hầu cận cho Hoàng hậu Akiko. Trong thời gian này, bà cũng đã sáng tác nhiều bài thơ và các tác phẩm khác, nổi bật là quyển nhật ký Murasaki Shikibu Nikki.
Khoảng 1012: Truyện kể Genji được hoàn thành, trở thành một trong những kiệt tác văn học Nhật Bản.
Khoảng 1014-1025: Murasaki Shikibu qua đời, để lại cho đời nhiều di sản văn học vĩnh cửu.
Mang màu sắc lãng mạn, Truyện kể Genji xoay quanh những câu chuyện tình ái chốn cung đình Heian. Tác phẩm gồm 54 chương, chia thành hai phần chính. Phần đầu kể về cuộc đời và những câu chuyện tình lãng mạn của chàng hoàng tử Genji - con trai của Thiên hoàng và một phi tần có địa vị thấp. Vì vậy, anh không được thừa kế ngai vàng mà chỉ được ban họ Minamoto, trở thành một quý tộc.
Phần sau của tác phẩm gồm 14 chương, tập trung vào cuộc đời của Kaoru và Niou - hai nhân vật được cho là con cháu của Genji. Những chương này được gọi là các “chương Uji”, mang màu sắc trầm lắng và tĩnh tại hơn, phản ánh sự chuyển biến trong tư tưởng và cảm xúc của các nhân vật, cũng như những thay đổi trong xã hội thời bấy giờ.
Một trong những điểm nổi bật của Truyện kể Genji là khả năng khắc họa tâm lý nhân vật vô cùng tinh tế và sâu sắc với những cảm xúc phức tạp như tình yêu, ghen tuông, nỗi buồn và sự cô đơn.
Tác phẩm cũng phản ánh triết lý “mono no aware” – cảm thức về sự phù du và vẻ đẹp thoáng qua của cuộc sống, một nét đặc trưng của văn hóa tinh thần Nhật Bản. Trong truyện, những khoảnh khắc hạnh phúc của Genji và những người phụ nữ quanh chàng đều ngắn ngủi và luôn nhuốm màu tiếc nuối. Mỗi cuộc gặp gỡ hay chia ly đều được Murasaki Shikibu miêu tả bằng một nỗi buồn man mác, như thể nhắc nhở rằng không có điều gì tồn tại mãi mãi. Thay vì chỉ ca ngợi vinh quang hay tình yêu bất diệt, Truyện kể Genji khiến người đọc thấm thía cái đẹp lặng lẽ của những giây phút mong manh nhất - đúng như tinh thần "mono no aware" đã định hình nên tâm hồn Nhật Bản qua nhiều thế kỷ.
Một trong những đóng góp lớn nhất của Murasaki là việc thúc đẩy cho sự phát triển của tiếng Nhật ngày nay. Trước thời kỳ Heian, các văn bản chủ yếu được ghi chép bằng chữ Hán, nhưng Truyện kể Genji chủ yếu sử dụng hệ thống chữ viết kana, mở đường cho sự phát triển của văn học Nhật Bản bằng chính ngôn ngữ bản địa.
Những tác phẩm của Murasaki cũng để lại ảnh hưởng sâu sắc đến nghệ thuật và văn hóa Nhật Bản. Từ thế kỷ 12, Truyện kể Genji đã được minh họa trong các cuộn tranh như Genji Monogatari Emaki. Trong thời kỳ Edo, hình ảnh và chủ đề từ tác phẩm cũng trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ tranh phù thế (ukiyo-e).
Truyện kể Genji đã trải qua nhiều lần dịch thuật, diễn giải, đồng thời nhận về rất nhiều ý kiến phân tích và lời phê bình. Tại Nhật, tác phẩm này đã từng được vinh danh ở mặt sau tờ tiền hiếm 2.000 yên cùng hình Murasaki Shikibu ở góc phải.
Murasaki Shikibu được xem là một trong những nhân vật lịch sử có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong văn hóa Đông Á. Suốt hàng thiên niên kỷ sau khi bà qua đời, tên tuổi của Murasaki vẫn không ngừng được nhắc đến, trở thành một phần không thể thiếu trong chương trình học trung học và đại học tại Nhật Bản.
Với những đóng góp và ảnh hưởng của mình cho nền văn học Nhật Bản, rất nhiều công trình mang tên bà đã được xây dựng nhằm tưởng niệm vị nữ thi sĩ tài hoa. Chẳng hạn như công viên Murasaki Shikibu ở Echizen hay tượng đá Murasaki Shikibu được đặt gần cầu Uji-bashi ở thành phố Uji, tỉnh Kyoto - bối cảnh diễn ra các chương cuối cùng của tác phẩm Truyện kể Genji.
Tượng mô tả nữ thi sĩ trong tư thế ngồi, mặc trang phục truyền thống, tay cầm cuộn giấy, biểu tượng cho sự sáng tạo văn chương của bà. Đây là một trong những điểm đến thu hút du khách yêu thích văn hóa và lịch sử Nhật Bản.
Ngoài ra, còn có một bức tượng nổi tiếng khác của Murasaki Shikibu được đặt tại chùa Ishiyama, thành phố Otsu, tỉnh Shiga. Tại ngôi chùa này có một căn phòng tái hiện khung cảnh Murasaki đang ngồi sáng tác, với tượng của bà và các vật dụng liên quan.
Không dừng lại ở đó, tên tuổi của Murasaki còn được lưu danh qua "Giải thưởng Murasaki Shikibu" (Murasaki Shikibu Prize) - giải thưởng văn học danh giá được trao hàng năm cho các nhà văn nữ có đóng góp xuất sắc cho văn học đương đại. Giải thưởng này nhằm vinh danh tài năng văn chương và khích lệ sự phát triển của các cây bút nữ, tiếp nối tinh thần tiên phong mà Murasaki Shikibu đã khởi đầu từ hơn ngàn năm trước.
Năm 2008, Nhật Bản đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 1.000 năm ngày ra đời tác phẩm Truyện kể Genji. Các hoạt động như triển lãm, hội thảo học thuật, tái hiện bối cảnh thời Heian, trình diễn nghệ thuật truyền thống... đã diễn ra khắp đất nước. Sự kiện này nhằm tôn vinh tác phẩm kinh điển của Murasaki và những đóng góp của bà đối với nền văn hóa và tinh thần dân tộc Nhật Bản suốt một thiên niên kỷ qua.
Giống như câu chuyện nổi tiếng về 47 lãng nhân (47 Ronin), tác phẩm của bà đã nhiều lần được chuyển thể thành phim điện ảnh, trong đó bộ phim gần nhất là Genji Monogatari: Sennen no Nazo (2011). Trong những năm gần đây, hình ảnh Murasaki Shikibu còn xuất hiện trong các trò chơi điện thoại nổi tiếng như Fate/Grand Order và Monster Strike.