Shin-cha: Những lá trà tươi ngon nhất ngày xuân
Những lá trà tươi từ vụ thu hoạch mùa xuân tạo nên một “tách trà xuân” thật đặc biệt.
Trà là một phần văn hóa độc đáo của đất nước Mặt trời mọc. Mặc dù du nhập vào Nhật Bản muộn hơn so với các quốc gia Châu Á khác (khoảng thế kỷ thứ 8), nhưng tại xứ sở này, trà đã nhanh chóng lan rộng và phát triển, cách thưởng trà của người Nhật cũng vươn tầm nghệ thuật “Trà đạo”.
Trà có quanh năm, có thể thưởng thức bất kỳ lúc nào, nhưng lá trà thu hoạch vào những ngày xuân lại có ý nghĩa và giá trị vô cùng đặc biệt. Khi những cánh hoa anh đào rơi xuống mặt đất, khi làn gió xuân tươi mát thổi qua, những người yêu trà Nhật Bản có lẽ mong đợi được thưởng thức Shin-cha - một phiên bản trà xanh được chế biến từ những lá trà của vụ mùa sớm nhất.
Trong bài viết này, hãy cùng Kilala tìm hiểu về Shin-cha và những điều làm cho loại trà này trở nên khác biệt với phần còn lại nhé!
Shin-cha: Một tách trà xuân đặc biệt
Cây trà ở Nhật Bản được thu hoạch bốn lần một năm, từ mùa xuân đến mùa thu. Mỗi vụ mùa được ấn định với tên gọi và đánh số tương ứng, chẳng hạn như trà từ vụ thu hoạch thứ hai được gọi là niban-cha (tạm dịch: trà thứ hai).
Còn Ichiban-cha là loại trà được thu hoạch sớm nhất vào mùa xuân, thường là từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 5. Loại trà này được biết đến với hương vị đặc biệt tinh tế, còn được gọi là “Shin-cha - 新茶” (trà mới).
Shin-cha được biết đến với hương vị tươi mát và êm dịu hơn so với các loại trà xanh khác ở Nhật Bản. Điều này là do cây chè lưu trữ chất dinh dưỡng của chúng trong những tháng mùa đông lạnh giá và vì vậy những chiếc lá được hái đầu tiên vào mùa xuân vẫn chứa đầy axit amin cùng vitamin.
Đặc biệt, Shin-cha có hàm lượng cao Theanine và Glutamine, những axit amin tạo ra vị umami trong trà. Khi điều này kết hợp với độ tươi mới vô cùng của trà vào tháng 4 và tháng 5, bạn sẽ có được một tách trà thực sự đặc biệt.
Cách thưởng thức Shin-cha ngon nhất
Khi pha một tách trà xanh Nhật Bản, có hai thành phần hương vị cần xem xét, vị umami hoặc vị shibumi (vị chát). Trong khi Theanine – axit amin góp phần tạo nên hương vị umami không bị tác động bởi nhiệt độ thì Catechin, một chất chống oxi hóa có trong trà lại bị loại bỏ bởi nhiệt độ cao. Khi sử dụng nước nóng hoặc nước sôi để pha trà tươi sẽ làm “cháy lá trà”, vị chua của Catechin được giải phóng bởi hơi nóng, lấn át vị umami của Shin-cha.
Hầu hết các loại trà xanh của Nhật Bản được khuyến nghị ủ ở nhiệt độ 70 - 80 độ C. Điều này cũng được áp dụng với Shin-cha. Nếu muốn trà ngọt hơn và có nhiều vị umami hơn, hãy ngâm trà với nước mát hơn, thậm chí ở mức thấp nhất là 40 độ.
Cách bảo quản
Khi bảo quản một túi trà Shin-cha đã mở, có ba điều cần tránh: ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm. Để làm được điều này, cách tốt nhất là bảo quản trà trong hộp đựng trà có nắp đậy kín, có kích thước phù hợp để không khí dư thừa không thể lưu thông bên trong. Điều này ngăn không cho ánh sáng, hơi nóng và độ ẩm làm giảm mùi hương và vị của Shin-cha.
Không nên cất hộp trà trong tủ lạnh vì môi trường tủ quá ẩm, cùng với đó là mùi hương của các loại thực phẩm khác có thể sẽ ám lên trà. Cuối cùng, nên cố gắng uống hết Shin-cha trong vòng một tháng sau khi mở để có thể tận hưởng trọn vẹn hương vị của loại trà đặc biệt này.
kilala.vn
16/04/2023
Bài: Happy
Nguồn: Savvy Tokyo
Đăng nhập tài khoản để bình luận