Ginnan – hương vị dịu ngọt của mùa thu Nhật Bản
Bên cạnh hạt dẻ, còn có một loại hạt giàu dinh dưỡng khác được xem là hương vị đặc trưng của mùa thu ở xứ sở Phù Tang, đó là “ginnan”. Và mặc dù ginnan khi chế biến rất ngon, nhưng mùi hương từ "quả" của nó lại là nỗi "ám ảnh" của nhiều người!
Ginnan là gì?
Bạch quả hay ngân hạnh (tiếng Nhật: 銀杏/ichou) có tên khoa học là Ginkgo biloba, là một loài cây thân gỗ được mệnh danh là “hóa thạch sống” vì đã sinh tồn qua kỉ băng hà. Những hàng cây bạch quả chuyển vàng vào mùa thu là một hình ảnh biểu tượng của xứ Phù Tang.
Bạch quả là loài thực vật hạt trần vì vậy, phần “quả màu vàng” mà chúng ta thường thấy thực chất là lớp vỏ ngoài của hạt. Phần “quả” này có kích thước lớn hơn quả anh đào một chút, mềm và có mùi rất nồng, khi bóc ra sẽ lộ ra một lớp vỏ cứng bao bọc lấy “ginnan” – phần có thể ăn được.
Ginnan đặc trưng bởi vị ngọt và hơi đắng, có giá trị dinh dưỡng cao, chứa nhiều kali, vitamin C và beta-carotene, có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch, vì vậy rất thích hợp dùng vào mùa thu - đông.
Tuy nhiên, hạt bạch quả chứa một chất độc gọi là 4'-O-methylpyridoxine (Ginkgotoxin) – có thể gây nôn mửa và co giật nếu tiêu thụ quá nhiều.
Các món ăn ngon từ hạt bạch quả
Từ hạt bạch quả, người Nhật chế biến ra nhiều món ăn ngon lành mà bạn cũng có thể tự chế biến tại nhà.
Hạt bạch quả rang muối
Sau khi tạo vết nứt trên vỏ, cho muối và hạt vào chảo để rang, thỉnh thoảng lắc chảo để hạt chín đều. Đến khi dậy mùi thơm là bạn có thể thưởng thức.
Chawanmushi
Chawanmushi (tiếng Nhật: 茶碗蒸し) là món trứng hấp trong tách trà, với thành phần chính là hỗn hợp trứng trộn với nước tương, nước dùng dashi, rượu mirin hấp cùng hạt bạch quả, nấm đông cô, chả cá kamaboko, tôm và các loại nguyên liệu khác. Bạn có thể tham khảo cách nấu món chawanmushi tại đây.
Cơm hạt bạch quả và nấm
Công thức này sử dụng hạt bạch quả và nhiều loại nấm có hương vị thơm ngon như nấm shimeji, nấm shiitake, nấm eringi nấu cùng cơm trắng, có thể thêm vào đó tôm sakura để món ăn thêm phần hấp dẫn. Tham khảo cách nấu món này tại đây.
Cách chọn và bảo quản hạt bạch quả
Khi chọn ginnan, bạn lưu ý hãy chọn những hạt khô, có vỏ màu trắng, không phát ra âm thanh khi lắc.
Hạt bạch quả còn nguyên vỏ có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng bằng cách gói trong giấy báo hoặc túi giấy, cất ở nơi mát mẻ, khuất ánh nắng. Nếu nhiệt độ trong nhà cao, hãy cất nó vào ngăn đựng rau của tủ lạnh.
Bằng cách này, bạn có thể bảo quản hạt bạch quả từ 2 tuần đến 1 tháng, nhưng hương vị sẽ giảm dần theo thời gian nên lí tưởng nhất vẫn là ăn càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, cũng có thể lưu trữ hạt bạch quả bằng phương pháp đông lạnh nhưng trước tiên phải loại bỏ vỏ, đun sôi với muối và lột đi lớp da mỏng.
Cách tách/bóc vỏ hạt bạch quả
Khi tách vỏ hạt bạch quả, nên lót một chiếc khăn bên dưới để cố định chúng. Nếu tác dụng lực quá mạnh, phần nhân bên trong sẽ bị vỡ vụn, vì vậy cần sử dụng một lực vừa phải. Sau khi tách được lớp vỏ cứng bên ngoài, nếu muốn bóc lớp da mỏng dễ dàng hơn, hãy ngâm hạt bạch quả vào trong nước.
Cùng khám phá thêm những điều thú vị về mùa thu Nhật Bản trong Chuyên đề Mùa thu tháng 11 nhé.
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận