Cà phê ở cửa hàng tiện lợi đã chinh phục người Nhật như thế nào?
Không chỉ đến những quán cà phê, tại Nhật bạn còn có thể có một sự lựa chọn nhanh, gọn, với mức giá dễ chịu nếu cần uống cà phê cho một ngày tỉnh táo, đó là mua cà phê tại cửa hàng tiện lợi.
Nổi danh với Matcha, Mugicha… nhiều người nghĩ rằng Nhật là một quốc gia tiêu thụ trà cao, nhưng trà vẫn phải xếp sau cà phê ở đất nước mặt trời mọc.
Năm 2021, Nhật Bản tiêu thụ 433 triệu tấn cà phê và “chỉ” 100 nghìn tấn trà. Nhật Bản là thị trường cà phê lớn thứ ba thế giới sau Hoa Kỳ và Đức, với các hình thức kinh doanh như Kissaten, cà phê chuỗi, cà phê đóng lon và tất nhiên là cửa hàng tiện lợi (CHTL) – Konbini.Trong 10 năm qua, Konbini trở thành một “đối thủ đáng gờm” trong thị trường cà phê mang đi. Bằng việc không ngừng nâng cao chất lượng hạt cà phê và mở rộng các lựa chọn đồ uống, họ đã mang lại lợi nhuận cho ngành cà phê và giúp tăng mức tiêu thụ cà phê nói chung.
Thói quen uống cà phê của người Nhật bắt đầu từ khi nào?
Cà phê lần đầu tiên đến Nhật Bản vào năm 1700, nhưng phải đến khi Kissaten - hay những quán cà phê Nhật Bản, bắt đầu xuất hiện vào thời Minh Trị (1868-1912) thì văn hóa cà phê mới bắt đầu phát triển.
Mọi thứ thực sự khởi sắc từ khi công ty cà phê đầu tiên Ueshima Tadao Shoten được thành lập tại Kobe vào năm 1933. Phục hồi sau lệnh cấm cà phê trong Thế chiến 2, công ty này đã tái cấu trúc thành Công ty Cà phê Ueshima, hay UCC, vào năm 1951.
Tiêu thụ cà phê thực sự bùng nổ vào những năm 60 và 70, một phần không nhỏ nhờ vào việc phát minh ra cà phê đóng lon. Năm 1969, UCC ra mắt cà phê đóng lon đầu tiên trên thế giới, UCC Coffee With Milk, mở đầu cho sự bùng nổ cà phê đóng lon.
Từ đó, những người uống cà phê có thể mua cà phê và uống khi đang di chuyển, nhờ có nhiều máy bán đồ uống tự động xuất hiện trên khắp đất nước, họ thậm chí không cần phải đến cửa hàng để mua.
Tình yêu của người Nhật đối với cà phê thậm chí còn trở nên “cuồng nhiệt” hơn vào những năm 80 khi họ giàu lên nhanh chóng từ Kỷ nguyên bong bóng. Những người yêu thích cà phê bắt đầu đổ xô đến không chỉ Kissaten mà còn cả cà phê nhượng quyền. Chuỗi cà phê của Nhật Bản - Doutor, đã mở cửa hàng đầu tiên ở Harajuku vào năm 1980. Starbucks theo sau ở Ginza vào năm 1996.
Sự nhạy bén của cửa hàng tiện lợi
Với việc tiêu thụ cà phê ngày càng tăng vào những năm 1980, các cửa hàng tiện lợi của Nhật Bản bắt đầu lắp đặt máy pha cà phê trên quầy. Tuy nhiên, hạt cà phê được cung cấp hoàn toàn không phải là loại cao cấp và nó có ít tác động đến doanh số bán đồ uống cà phê nói chung. Người tiêu dùng chỉ xem nơi đây là một địa điểm tạm thời để mua một cốc cà phê.
Sau đó, vào năm 2008, McDonald's Nhật Bản đã ra mắt một tách cà phê 100 yên có hương vị thơm ngon, và khách hàng bắt đầu ghé McDonald's để mua cà phê. Các chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn đã chú ý và bắt đầu nâng cao chất lượng hạt của họ một cách đáng kể.
Tất cả các hệ thống Konbini như: 7-Eleven, Family Mart và Lawson bắt đầu thực hiện các động thái cung cấp những tách cà phê giá rẻ. Nhìn chung, đây là một thành công, với doanh số bán cà phê đóng lon giảm và lượng tiêu thụ cà phê nói chung tăng kể từ đầu những năm 2010.
7-Eleven
Cho đến nay, 7-Eleven là chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Nhật Bản. Với hơn 21.000 địa điểm, Nhật Bản có nhiều cửa hàng 7-Eleven hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Cà phê của họ cũng là loại cà phê phổ biến nhất trong chuỗi cửa hàng tiện lợi của Nhật Bản, thậm chí còn giành chiến thắng trong cuộc khảo sát về cà phê cửa hàng tiện lợi - Minna no Koe của NTT Docomo vào năm 2019.
7-Eleven sử dụng hỗn hợp các loại hạt hoàn toàn từ Arabica trong công thức cà phê sữa và cà phê nóng/lạnh Seven Cafe. Họ cũng sử dụng quy trình loại bỏ lớp vỏ đắng của hạt cà phê, điều mà ngay cả các cửa hàng đặc sản cũng không làm.
Là một cửa hàng tiện lợi, 7-Eleven cũng đầu tư vào việc cải tiến tốc độ của máy, kết quả là một tách cà phê thành phẩm bây giờ nhanh hơn sáu giây so với trước đây.
7-Eleven cũng là nơi đầu tiên cung cấp một tách cà phê với giá 100 yên. Điều này đã gây ra cuộc chiến giá cả giữa ba thương hiệu lớn, với Lawson và FamilyMart ngay sau đó. Giờ đây, vì lạm phát, giá đã tăng lên 110 yên, đây vẫn là một mức giá khá tốt cho một tách cà phê.
FamilyMart
Với hơn 16.000 cửa hàng trên toàn quốc, FamilyMart là chuỗi konbini lớn thứ hai của Nhật Bản. Dòng đồ uống cà phê Famima Cafe của họ đã liên tục được ưa chuộng kể từ khi được giới thiệu vào năm 2012. Vào năm 2020, FamilyMart đã cải tiến cách pha chế của họ thông qua sự hợp tác với Tetsu Kasuya - người chiến thắng tại World Brewers Cup 2016. Cà phê của 7-Eleven được nhận xét là loại cà phê dễ uống với sự cân bằng tốt giữa độ axit, vị đắng và hương thơm tinh tế.
Thương hiệu sử dụng hỗn hợp hạt Brazil, Colombia và Ethiopia với nước lọc hoặc nước cất để cải thiện hương vị. Gần đây, hãng đã tăng tỷ lệ hạt cà phê Brazil trong hỗn hợp của mình và thêm nhiều thời gian rang hơn để giảm bớt vị đắng.
Cùng với cà phê nhỏ giọt nóng và lạnh thông thường, quán còn cung cấp sinh tố và một số loại đồ uống đông lạnh.
Lawson
Lawson là chuỗi konbini lớn thứ ba của Nhật Bản, khởi đầu cho sự bùng nổ cà phê ở cửa hàng tiện lợi vào năm 2011 khi giới thiệu Machi Cafe. Bỏ máy tự pha cà phê, Lawson yêu cầu khách hàng gọi món tại quầy, giống như tại một cửa hàng chuyên về cà phê.
Mặc dù ban đầu điều này rất phổ biến, nhưng Lawson sớm nhận ra rằng khách hàng coi trọng tốc độ và quyết định quay trở lại mô hình máy móc, phù hợp với các cửa hàng tiện lợi lớn khác. Cà phê ở đây được pha bằng máy pha cà phê espresso của công ty Carimali, Ý.
Đối với cà phê của mình, Lawson đã hợp tác với Sarutahiko Coffee và sử dụng hỗn hợp các loại hạt được Rainforest Alliance chứng nhận. Để cải thiện hương vị, Lawson gần đây đã cập nhật phương pháp rang cho đồ uống cà phê của mình, “pha trộn các loại hạt được rang bằng hai máy rang khác nhau để pha cà phê với hương vị và mùi thơm đậm hơn có thể cảm nhận ngay trong miệng”, theo một bài báo năm 2022 trên tờ The Japan News.
kilala.vn
28/07/2023
Nguồn: gaijinpot
Đăng nhập tài khoản để bình luận