Những món ăn biểu tượng của Nhật Bản có nguồn gốc từ nước ngoài
Là một quốc đảo, Nhật Bản có cơ hội để phát triển ẩm thực quốc gia theo cách riêng mà không chịu nhiều ảnh hưởng từ bên ngoài. Tuy nhiên, vẫn có những món ăn được xem là biểu tượng của xứ Phù Tang nhưng thực ra có nguồn gốc từ nước ngoài.
1. Sushi cá hồi
Cá hồi là một trong những loại sushi phổ biến nhất hiện nay nhưng bạn có biết, trong quá khứ, đã từng có thời điểm người Nhật chỉ ăn cá hồi chín vì e ngại vấn đề ký sinh trùng. Vào những năm 1980, với lượng cá hồi dồi dào, Na Uy đã tiếp cận những nhà buôn cá đến từ Nhật Bản và đề xuất về việc dùng chúng làm sushi nhưng đã bị từ chối.
Cuối cùng, Nishi Rei, một công ty thực phẩm đông lạnh lớn ở Nhật đã đánh liều, nhập khẩu cá hồi Na Uy và bán trong các cửa hàng tạp hóa như một loại cá dùng làm sushi. Bất ngờ thay, thương vụ này đã thành công, không chỉ những khách hàng nhỏ lẻ ở siêu thị mà các chuỗi cửa hàng sushi băng chuyền cũng bắt đầu sử dụng cá hồi sống, và thế là sushi cá hồi ra đời.
2. Tempura
Trên thực tế, ở Nhật Bản chưa tồn tại phương pháp tẩm bột và chiên rán các nguyên liệu khác nhau cho đến khi có sự xuất hiện của người Bồ Đào Nha.
Năm 1543, ba thủy thủ Bồ Đào Nha là Antonio da Mota, Francisco Zeimoto và Antonio Peixoto đặt chân đến nước Nhật. Kể từ đó, mối giao thương Nhật – Bồ đã được hình thành và kéo dài hàng thế kỷ. Ngoài súng ống và tôn giáo, thương nhân và các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha cũng mang ẩm thực truyền thống của mình đến đất nước mặt trời mọc.
Người Bồ Đào Nha thích đập và chiên mọi thứ. Một trong những món ăn của họ, peixinhos da horta (tạm dịch: cá nhỏ từ khu vườn) là đậu Hà lan và rau củ rán, thường được dùng trong Mùa Chay, khi mọi người kiêng thịt.
Tempura của Nhật Bản ngày nay được cho là có nguồn gốc từ món ăn Bồ Đào Nha này, và cái tên “tempura” có thể liên quan đến từ “tempora” trong tiếng Latinh, xuất phát từ cụm “quatuor tempora” , có nghĩa là một khoảng thời gian nhịn ăn.
3. Tonkatsu
Tonkatsu - món thịt lợn cốt lết tẩm bột thực tế được sáng tạo dựa trên một món ăn Pháp bởi Rengatei, nhà hàng kiểu Âu ở Ginza, Tokyo mở cửa vào năm 1895 (và hiện vẫn đang phát triển mạnh mẽ).
Vào thời điểm đó, ẩm thực Pháp dần trở nên phổ biến ở Nhật Bản, trong đó có “côtelette de veau” - món thịt bê cốt lết phủ vụn bánh mì và chiên với bơ khá được yêu thích. Dựa trên món ăn đó, nhà hàng Rengatei đã biến tấu một chút để phù hợp hơn với người Nhật. Rengatei đã sử dụng panko (vụn bánh mì) thay cho bột, đổi thịt dê thành thịt lợn có giá thành rẻ hơn và chiên trong dầu, và thế là tonkatsu ra đời.
4. Omuraisu
Mặc dù trông có vẻ rất Nhật Bản, nhưng thực tế, omuraisu là biến thể của một món ăn nước ngoài và giống như tonkatsu, nó cũng có nguồn gốc từ Pháp.
Omuraisu là món cơm chiên phủ một lớp trứng khuấy và rưới sốt cà chua, được cho là lấy ý tưởng từ món trứng ốp lết của Pháp. Thay vì phô mai và rau, người Nhật đã dùng cơm để làm đầy trứng. Về việc sáng tạo ra món ăn này, cả nhà hàng Rengatei và nhà hàng Hokkyokusei (Osaka) đều tuyên bố là nơi cho ra đời đầu tiên.
5. Karaage
Ngày nay, karaage thường được hiểu là gà rán, nhưng trên thực tế, nó đề cập đến cách ướp và chiên ngập dầu các nguyên liệu đã được phủ bột. Đây là phương pháp nấu ăn có nguồn gốc từ thời Đường của Trung Quốc, lúc bấy giờ được sử dụng để chiên đậu phụ.
Sau khi được truyền đến Nhật Bản, người Nhật đã sử dụng nó để chiên rau, cá và gà (bắt đầu từ thế kỷ 20). Hai nhà hàng Trung Quốc Mikasa Kaikan ở Ginza, Tokyo và Rairaken ở Usa, Oita đã tự nhận là nơi đầu tiên chế biến ra món Karaage.
kilala.vn
Nguồn: Gaijinpot
Đăng nhập tài khoản để bình luận