eMagazine
3 kiệt tác kinh dị Nhật Bản

Bài viết: Inako Ảnh: PIXTA Thiết Kế: Daisuke

“Dinh thự của những chiếc dĩa vùng Bancho” (Bancho Sarayashiki, 1741), “Truyện kinh dị ở nhà Yotsuya vùng Tokaido” (Tokaido Yotsuya Kaidan, 1825) và “Lồng đèn mẫu đơn” (Botan Doro, 1884) là 3 tác phẩm sân khấu được mệnh danh là “Tam đại quái đàm” , tức “3 kiệt tác kinh dị bất hủ” của Nhật Bản. Mặc dù chứa đầy những yếu tố ma quái và kinh dị, 3 tác phẩm này vẫn được đánh giá là mang nhiều giá trị nhân sinh sâu sắc.

Kiệt tác thứ 1
Dinh thự của
những chiếc dĩa vùng Bancho

Bancho Sarayashiki (1741)

Tác phẩm kinh dị này có nguyên tác từ “Dinh thự của những chiếc dĩa” (Sarayashiki). Đây vốn là tác phẩm kinh dị nổi tiếng trên sân khấu kịch Kabuki, được cho là lấy cảm hứng từ một câu chuyện có thật. Tác phẩm phổ biến đến nỗi mỗi địa phương lại có một dị bản khác nhau. Gây tiếng vang nhất trong số đó phải kể đến “Dinh thự của những chiếc dĩa vùng Bancho”, vở kịch từng làm mưa làm gió một thời trên sân khấu Edo cũ.

Câu chuyện xảy ra tại khu Gobancho (nay thuộc quận Chiyoda, Tokyo). OOkiku là một hầu gái làm công tại dinh thự của một Samurai tên Tessan Aoyama. Vào đúng ngày đầu năm 1653, OOkiku vô tình làm vỡ 1 trong 10 chiếc dĩa mà vị chủ vô cùng yêu quý. Vô cùng tức giận, Tessan Aoyama đã chặt ngón tay của OOkiku để bồi thường chiếc dĩa, bắt trói rồi nhốt giam cô vào biệt phòng. Trong lúc tuyệt vọng, OOkiku đã tìm cách trốn khỏi phòng giam rồi gieo mình xuống một giếng nước cũ.

Từ đó trở đi, cứ đêm đến người trong dinh thự lại nghe thấy một giọng nữ ủ ê đếm: “1 chiếc, 2 chiếc…” vọng ra từ lòng giếng. Khi người vợ của vị chủ sinh nở, đứa trẻ ra đời lại không có ngón tay. Chẳng mấy chốc tin đồn này lọt đến tai của quan thần Mạc phủ, Tessan Aoyama đã bị tịch biên toàn bộ đất đai và tài sản.

Dù vậy, tiếng đếm trong dinh thự đêm đêm vẫn không ngừng lại, buộc chính quyền Mạc phủ phải cử một hòa thượng có pháp lực cao cường đến để tụng kinh cầu siêu. Một đêm nọ, khi vị hòa thượng đang đọc kinh thì lại có tiếng đếm vang lên: “8 chiếc, 9 chiếc”. Nghe tiếng đếm đến đó thì khựng lại, vị hòa thượng bèn tiếp lời: “10 chiếc”. Dường như nhận ra có người đã tìm được chiếc dĩa thứ 10 cho mình, linh hồn của Okiku siêu thoát và không còn trở lại ám tòa dinh thự nữa.

Tuy được xếp vào thể loại kinh dị, nhưng nội hàm tác phẩm vẫn mang tinh thần nhân văn sâu xa ở chỗ nó phản ánh sự tàn bạo và bất công của xã hội nô dịch phong kiến, nơi mà giá trị của một chiếc dĩa được coi trọng hơn cả giá trị của sinh mệnh. Cũng vì thế, người xem có thể thấu cảm nỗi oan khiên, oán hận cũng như tiếng khóc lầm than của những thân phận tôi đòi thấp cổ bé họng chất chứa trong câu chuyện này.

Kiệt tác thứ 2
Truyện kinh dị
ở nhà Yotsuya vùng Tokaido

Tokaido Yotsuya Kaidan (1825)

“Truyện kinh dị ở nhà Yotsuya vùng Tokaido” cũng là một vở kịch Kabuki nổi tiếng do Nanboku Tsuruya IV dựng nên vào năm 1825 dựa trên một truyện kinh dị ra đời vào thời Edo. Đây được xem là một trong những tác phẩm kinh dị hay nhất Nhật Bản mọi thời đại, được dựng thành phim hơn 30 lần và vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng đến các tác phẩm kinh dị hiện đại. Nhân vật chính Oiwa của tác phẩm được lấy hình mẫu từ một nhân vật có thật trong lịch sử, nàng Iwa Tamiya – con gái của một quan thần Mạc phủ thời Edo, từng sinh sống tại khu Yotsuya (nay thuộc phường Samon, quận Shinjuku, Tokyo) và được người dân địa phương thờ phụng tại đền Oiwa Inari Tamiya. Là một Onryo – linh hồn trả thù đại diện cho phái nữ, Oiwa sở hữu những đặc điểm đặc trưng của một ma nữ Nhật là mặc Kimono của người chết, mái tóc đen dài để phủ qua một phần của khuôn mặt trắng toát. Nhân vật Sadako Yamamura trong bộ phim kinh dị “The ring” đình đám chính là hình mẫu mô phỏng theo hình tượng Oiwa.

Tác phẩm mở đầu khi cha của nàng Iwa là Samon Yotsuya phẫn nộ trước hành vi biển thủ công quỹ và thói ăn chơi trác táng của Iemon Tamiya – người chồng chung chăn gối với nàng và quyết định dẫn con gái về nhà. Iemon hết mực cầu xin cha vợ cho tái hợp với Iwa, nhưng ông phũ phàng đoạn tuyệt. Căm phẫn trước những lời mạt sát của Samon, Iemon bèn dàn dựng một vở kịch hòng sát hại người cha vợ. Đồng thời y câu kết với gã bán thuốc dạo Naosuke – người đem lòng thầm yêu người em gái đã có gia đình của Iwa là Sode để sát hại chồng nàng. Khi hai nàng Iwa và Sode theo chân người báo tin đến hiện trường, chỉ trông thấy xác của người cha và chồng của Sode. Giả vờ là người đầu tiên phát hiện ra hiện trường, Iemon và Naosuke thề thốt rằng sẽ truy tìm hung thủ để báo thù thay hai nàng. Nhờ đó mà Iemon mới có thể tái hợp với Iwa, còn Sode thì đồng ý kết hôn với Naosuke.

Tuy nhiên, từ sau khi quay về với Iemon và hạ sinh đứa con đầu lòng, Iwa bắt đầu đau bệnh liên miên khiến Iemon ngày càng chán ghét. Trong khi đó, nàng Ume, tiểu thư của gia tộc Ito lại đem lòng si mê Iemon, và ông của Ume cũng mong muốn Iemon về làm cháu rể của mình. Để khiến Iemon từ hôn Iwa, ông ta đã gửi tặng Iwa thuốc để chữa bệnh, nhưng thuốc đó đã khiến dung nhan của nàng bị biến dạng. Cùng lúc đó, bởi khao khát tước vị mà nhà Ito đã hứa hẹn, Iemon bèn uy hiếp người thợ xoa bóp dạo là Takuetsu cưỡng ép Iwa để có cớ ruồng bỏ vợ mình. Thế nhưng khi trông thấy khuôn mặt khiếp đảm của Iwa, Takuetsu hoảng sợ và vô tình tiết lộ ra toàn bộ kế hoạch.

Quá căm phẫn vì bị chính chồng mình phản bội, Iwa hóa điên và dùng đao cắt cổ của mình để tự sát. Sau khi Iwa chết, Iemon vu khống Kohei Kobotoke tội lấy cắp thuốc quý của nhà mình và giết chết anh ta, sau đó gán cho Iwa và Kohei Kobotoke tội dan díu bất chính và thả xác họ trôi sông. Không ngờ vào đúng đêm hôn lễ của Iemon với Ume, hồn ma của Iwa đã quay trở về đòi trả thù khiến Iemon vô cùng khiếp sợ, xuống tay giết ông cháu Ume rồi bỏ trốn.

Câu chuyện bắt đầu khép lại khi trong lúc Naosuke đang nôn nóng tổ chức hôn lễ với Sode (nhưng nàng lại có vẻ muốn khước từ), người chồng đã chết của Sode là Yomoshichi đột nhiên xuất hiện. Hóa ra người bị Naosuke sát hại trước kia chỉ là một thế thân của Yomoshichi để khiến Sode tin rằng chồng mình đã chết. Bị chồng buộc tội không chung thủy, Sode quyết định tự sát để chuộc lại lỗi lầm. Và từ lá thư cuối cùng mà Sode để lại, Naosuke đau đớn khi biết được sự thật Sode chính là em gái ruột của mình, và cuối cùng cũng tự sát theo Sode. Điểm nhân đạo duy nhất của tác phẩm nằm ở chỗ cuối cùng kẻ ác sẽ phải chịu sự trừng phạt, “gieo nhân nào thì gặt quả đó”: Yomoshichi biết được chân tướng sự thật, lùng tìm đến cánh rừng nơi Iemon đang lẩn trốn và giết chết y để trả thù cho cha vợ và chị vợ của mình.

Kiệt tác thứ 3
Lồng đèn mẫu đơn
Botan Doro (1884)

Đứng vị trí thứ 3 trong “Tam đại quái đàm” là “Lồng đèn mẫu đơn”, một tác phẩm hoàn toàn hư cấu. Đây là vở Rakugo được soạn dựng vào năm 1884 bởi một sáng tác gia nổi danh đương thời là Encho Sanyutei, với cốt truyện dựa trên tiểu thuyết “Mẫu đơn đăng ký” thời nhà Minh, Trung Quốc. Ngay từ thời Edo, “Mẫu đơn đăng ký” đã được một số tiểu thuyết gia dịch lại và đưa vào các tuyển tập truyện của mình, vì vậy mô típ truyện không còn xa lạ với người Nhật. Sau thành công vang dội của vở Rakugo, “Lồng đèn mẫu đơn” tiếp tục được dựng thành kịch Kabuki, kịch hiện đại và cả phim điện ảnh.

Nội dung tác phẩm xoay quanh chuyện tình đau thương mà cũng đầy lãng mạn của Otsuyu, con gái của một Samurai thuộc dòng Hatamoto với chàng trai trẻ Shinzaburo Hagiwara. Yêu nhau nhưng một thời gian không được gặp mặt, vì quá thương nhớ Shinzaburo mà Otsuyu đã ngả bệnh và qua đời. Chuyện xảy ra vào đêm 13 của kỳ lễ Obon. Khi Shinzaburo đang ở nhà cầu nguyện cho Otsuyu thì đột nhiên nghe thấy tiếng guốc Geta vang lên trước ngõ. Tiếng guốc đến trước nhà của chàng thì ngưng bặt, Shinzaburo cảm thấy lạ thường nên bước ra thì gặp lại Otsuyu. Từ đó trở đi, cùng với bà nhũ mẫu già đã chết của mình, đêm đêm Otsuyu lại xách chiếc lồng đèn hoa mẫu đơn trên tay để đến tìm Shinzaburo.

Bi kịch bắt đầu khi một đêm nọ, người hầu của Shinzaburo là Tomozo vô tình trông thấy chủ nhân của mình đang ôm ấp một bộ xương thông qua lỗ hổng trên vách. Anh ta liền đem báo chuyện này cho một nhà sư sống lân cận, nhà sư bèn đi tìm Shinzaburo, thuật lại những gì mình được kể cho Shinzaburo nghe và hứa rằng sẽ giúp chàng trai ngăn hồn ma của Otsuyu xâm nhập vào nhà. Những đêm sau đó, Otsuyu vẫn cùng người nhũ mẫu già tìm đến chỗ tình lang, thế nhưng nàng không thể bước vào do ngôi nhà đã bị bùa chú của nhà sư phong tỏa. Kể từ ngày bị chia cắt với người yêu, không chỉ mỗi mình Otsuyu đau khổ mà ngay cả sức khỏe của Shinzaburo cũng suy sụp.

Trước tình cảnh thương tâm ấy, nhũ mẫu của Otsuyu bèn đi tìm vợ chồng Tomozo, hứa sẽ trả cho họ 100 lượng vàng để nhờ gỡ hết bùa chú. Nhận được vàng, vợ chồng Tomozo mừng rỡ và lén nhà sư gỡ tất cả bùa chú ra khỏi nhà chủ. Nhờ vậy mà đêm ấy Otsuyu và Shinzaburo được đoàn tụ với nhau. Sáng hôm sau, vợ chồng Tomozo phát hiện ra Shinzaburo đã chết khi trong tay vẫn ôm lấy bộ xương người tình của mình. Gương mặt của chàng trai trẻ rạng ngời hạnh phúc.

Như vậy, phiên bản Rakugo và Kabuki thời Meiji đều có ít nhiều thay đổi về tình tiết so với những phiên bản thời Edo. Đặc biệt, nếu phiên bản thời Edo chủ yếu tập trung miêu tả cái chết bi thương của Otsuyu, thì phiên bản Rakugo và Kabuki lại là bản tình ca ca ngợi sức mạnh tình yêu đã vượt qua mọi rào cản luân lý và chiến thắng cả cái chết của Otsuyu và Shinzaburo, đồng thời nhấn mạnh biểu cảm hạnh phúc của Shinzaburo trong buổi sáng khi thân xác anh vẫn ôm chặt lấy bộ xương của người tình đã chết.