Người già ở Nhật: Thế hệ không cho phép bản thân nghỉ ngơi

    Thay vì sử dụng thời gian nghỉ hưu để thư giãn, nhiều người Nhật sau khi về hưu vẫn mong muốn tiếp tục làm việc để có cơ hội giao tiếp với người khác và tạo ra giá trị cho xã hội.

    Tại nhiều quốc gia, những người sau độ tuổi nghỉ hưu thường chọn cách sống an nhàn bên con cái hay đi du lịch tận hưởng cuộc sống sau chuỗi ngày miệt mài với công việc. Tuy nhiên, nhiều người lớn tuổi tại Nhật lại không nghĩ vậy. Nếu có dịp đến Nhật, bạn sẽ bất ngờ khi nhìn thấy người lái xe, bán hàng tại cửa hàng tiện lợi, thức ăn nhanh. đều là người lớn tuổi, tóc bạc trắng nhưng vẫn làm việc rất nhanh nhẹn, linh hoạt. 

    người già

    Ảnh: Japan Times

    Một cuộc khảo sát của Bộ Lao động Nhật Bản trên những người từ 60 - 64 tuổi đang làm công ăn lương tại thời điểm tháng 6 năm 2019 đã thu về nhiều câu trả lời khác nhau. Trong đó, 18,6% cho biết họ vẫn muốn làm nhân viên chính thức sau khi đủ 65 tuổi, 13,8% hy vọng trở thành nhân viên hợp đồng và chiếm tỷ lệ cao nhất - 42,3% có nguyện vọng làm các công việc bán thời gian. Đồng thời, có 65,4% muốn tiếp tục làm việc tại công ty hiện tại vì các quy định ở đó cho phép nhân viên trên 65 tuổi tiếp tục làm việc. 

    Khảo sát cũng cho thấy, chỉ 27,8% công ty cho biết họ có thể cung cấp các vị trí chính thức cho người lao động cao tuổi, dù nhiều công ty vẫn sẵn sàng thuê người cao tuổi làm nhân viên hợp đồng hoặc cung cấp các công việc không thường xuyên khác.

    Thông qua những con số ở trên có thể thấy rằng, nhiều người vẫn mong muốn được làm việc, bất kể ở vị trí nào. Nếu nói rằng họ làm để kiếm tiền thì chỉ đúng một phần, vì họ, những người thuộc thế hệ Baby Boomers/ Dantai no sedai (1947 – 1949) hoặc có thể lớn tuổi hơn nữa, mong muốn tiếp tục lao động bởi nhiều mục đích khác nhau.

    Nhật Bản đang "khát" nhân lực

    Nhật Bản đang phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng là tỷ lệ sinh giảm, tỷ lệ nghịch với số lượng người cao tuổi đang tăng. Hiện tại, 1/4 dân số Nhật trên 65 tuổi và dự kiến tỷ lệ này sẽ tăng lên 1/3 trong vòng 15 năm tới, đồng nghĩa với việc Nhật có tốc độ già hóa gấp đôi Đức và nhanh hơn Pháp bốn lần. Điều này dẫn đến trong tương lai, lực lượng lao động sẽ bị thiếu hụt trầm trọng và số lượng người nghỉ hưu tăng cao.
    người già
    Ảnh: Wall Street Journal

    Theo báo cáo, số người trong độ tuổi lao động cơ bản (từ 15 - 64) đã giảm xuống 75,45 triệu người vào năm 2018 so với mức đỉnh điểm 87,26 triệu vào năm 1995. Đồng nghĩa với việc độ tuổi lao động đang chiếm tỷ lệ thấp kỷ lục - 59,7% tổng dân số, giảm mạnh so với 69,8% vào năm 1992. Con số này được dự báo sẽ giảm thêm xuống còn 68,75 triệu vào năm 2030 và 48 triệu vào năm 2060.

    Trong khi đó, số người từ 65 tuổi trở lên có việc làm đã tăng hơn 3 triệu người trong thập kỷ qua, lên khoảng 8,92 triệu người - tức khoảng 1/4 dân số cao tuổi. Những người 65 tuổi trở lên, chiếm kỷ lục 28,4% dân số và chiếm 13% lực lượng lao động, đã giúp duy trì lực nguồn lao động cho Nhật Bản, bên cạnh sự tham gia ngày càng tích cực của phụ nữ vào thị trường việc làm. Nhưng nhiều người trong số những người lao động cao tuổi này đang phải đối mặt với tình trạng việc làm không ổn định, không thường xuyên và mức lương thấp.

    Chính vì thế, Chính phủ Nhật đã đưa ra các biện pháp để cải thiện tình trạng này, đặc biệt là nâng độ tuổi nghỉ hưu bắt buộc từ 65 lên 70 vào tháng 4/2020, nhưng các nhà phân tích cho rằng Nhật Bản vẫn sẽ có khả năng thiếu hụt 6,44 triệu lao động vào năm 2030.  

    người già

    Ảnh: Finance Tribute

    Hiroshi Yoshida, giáo sư Khoa Kinh tế và Xã hội người cao tuổi thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đại học Tohoku, cho biết: “Người cao tuổi ngày nay khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng hơn rất nhiều so với những năm 1975, và họ không coi mình quá già. Nhóm người này muốn làm việc, nhưng họ cũng muốn có mức lương tốt hơn, vì vậy họ đang tìm kiếm các công việc khác nhau." 

    [subscribe]

    Già hóa dân số nhanh chóng gây áp lực lên các hệ thống của quốc gia. Đặc biệt, các chương trình an sinh xã hội đã có những động thái nhằm định nghĩa lại khái niệm “người cao tuổi”. Vào năm 2017, Hiệp hội Lão khoa Nhật Bản và một số tổ chức khác đã đề xuất rằng người cao tuổi, được định nghĩa là những người từ 65 tuổi trở lên, nên được định nghĩa lại là những người từ 75 tuổi trở lên vì người Nhật ngày nay trẻ hơn từ 5 - 10 tuổi về thể chất và trí tuệ so với đối tượng cùng độ tuổi ở các quốc gia khác nhờ những cải thiện về dịch vụ y tế và môi trường sống. Thật vậy, tuổi thọ khỏe mạnh của Nhật Bản (được định nghĩa là khoảng thời gian một người lớn tuổi có thể tự chăm sóc bản thân mà không cần đến sự hỗ trợ của con cái hay nhân viên điều dưỡng) đang tăng đều đặn. Đây là một trong những lý do cốt yếu cho đề xuất tăng độ tuổi nghỉ hưu và hỗ trợ công việc cho người lớn tuổi hậu nghỉ hưu.

    Xem thêm: Dentsu Nhật Bản tạo cơ hội việc làm cho người đã nghỉ hưu 

    Người cao tuổi Nhật Bản yêu thích làm việc

    Bên cạnh việc thị trường cần đến nguồn nhân lực thì thực tế người Nhật cũng mong muốn tiếp tục được làm việc, dù ở bất kì vị trí nào.

    Bà Atsuko Kasa, 68 tuổi, hoạt bát và tràn đầy năng lượng, cho biết bà hoàn toàn không có ý định nghỉ ngơi. Kế hoạch của bà là tiếp tục làm việc tại Trung tâm Silver Jinzai gần nhà ở thành phố Yokohama trong thời gian lâu nhất có thể. Bà Kasa cho rằng mình còn quá trẻ để nghỉ ngơi và mong muốn có thể giúp đỡ người khác.       

    Trước đây, bà từng làm việc tại bộ phận kế toán của một công ty mỹ phẩm. Sau khi nghỉ hưu, bà “gia nhập” vào hội những công dân cao tuổi từ bỏ sở thích nghỉ hưu truyền thống là làm vườn, tụ tập với bạn bè và chăm sóc các cháu, để tiếp tục làm việc.

    người già

    Bà Kasa làm việc tại một nhóm hỗ trợ người khuyết tật ở Yokohama. Ảnh: DW

    Đối với một số người, khoản thu nhập tăng thêm mà họ kiếm được chắc chắn là một điều đáng cân nhắc, nhưng số tiền đó không phải là động lực cho hầu hết mọi người. Điều quan trọng nhất là giữ cho bản thân bận rộn và cống hiến cho xã hội.  

    "Khi bắt đầu già đi, tôi cảm thấy thế giới của mình đang trở nên nhỏ hơn", bà Kasa nói với DW. "Để có cuộc sống ý nghĩa, tôi quyết định bắt đầu một công việc mà tôi có thể giúp đỡ người khác. Dù không có bất kỳ kỹ năng đặc biệt nào, nhưng tôi luôn làm việc với một trái tim nhân ái." 

    Kasa làm việc tại một nhóm hỗ trợ người khuyết tật ở Yokohama. Bà giúp chuẩn bị bữa ăn tại một quán cà phê, nói rằng: “Tôi thích công việc này. Những người dân trung thực, tươi sáng và tốt bụng. Thực sự, tôi yêu họ. Ngoài ra, tiếp nhận những thử thách khi làm việc trong một thế giới mà tôi chưa từng trải nghiệm đã làm phong phú thêm cuộc sống của tôi và tôi biết ơn họ vì điều đó".

    người già

    Ảnh: Japan Times

    Tại một tòa nhà cao 14 tầng ở Tokyo, vợ chồng ông Eiji và bà Kumiko bắt đầu công việc của họ vào lúc 5h sáng. Họ dỡ giẻ lau và bàn chải, cuộn vòi, cắm máy đánh bóng công nghiệp và quạt khi họ đi làm vệ sinh từng tầng của tòa nhà. Điều đáng chú ý với hai người lớn tuổi trông khỏe mạnh này là họ đều ở độ tuổi 70. “Công việc bắt đầu chủ yếu vì chúng tôi muốn tìm cách duy trì sự năng động, cân đối và khỏe mạnh sau khi nghỉ hưu”, bà Kumiko cho biết.

    Eiji, một cựu nhân viên bán hàng, người có thân hình gầy và tinh thần nhanh nhẹn tin rằng ông sẽ sống được đến năm 80 tuổi, nói: “Chúng tôi dự định sẽ tiếp tục cho đến khi 80 tuổi. Đó là công việc đòi hỏi thể chất và vào cuối ngày làm việc, chúng tôi cảm thấy khá mệt mỏi, nhưng chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục lâu nhất có thể.”

    người già

    Ông Nenosuke Yamamoto, 80 tuổi, đứng trong nhà kho nơi ông sửa xe đạp ở Tokyo, chia sẻ rằng nếu tiếp tục làm việc có thể ông sẽ không bị mất trí nhớ hoặc gặp nhiều vấn đề lão hóa khác. Ảnh: npr.org

    Takao Okada, chủ tịch của Trung tâm Yokohama Silver Jinzai cho biết, có khoảng 10.000 người đã đăng ký làm việc với Trung tâm, và con số này đang tăng lên trong những năm gần đây. Người lớn tuổi nhất theo ghi nhận của văn phòng là 100.  

    "Ngày càng có nhiều người khỏe mạnh và rất có động lực làm việc. Có nhiều lý do khiến các thành viên của chúng tôi muốn làm điều này. Tất nhiên, đối với một số người, đó là vấn đề tài chính, nhưng cũng có nhiều người muốn làm việc để duy trì sức khỏe của họ, những người khác muốn đóng góp cho xã hội hoặc tận dụng tối đa kinh nghiệm và kỹ năng của mình".

    Okada cho biết những nhân viên của Silver Jinzai thường làm việc tối đa 20 giờ một tuần, trải đều trong hai hoặc ba ngày, và thường làm trong các siêu thị, dọn dẹp, làm vườn, lễ tân, thợ mộc, trợ lý chăm sóc trẻ em hoặc giúp chăm sóc người già. Những người có kỹ năng đặc biệt như ngoại ngữ, máy tính. cũng sẽ được bố trí công việc phù hợp.

    Xem thêm: Câu chuyện về nhân viên 93 tuổi ở McDonald's Nhật Bản

    Không muốn trở thành gánh nặng

    Nhiều người lớn tuổi không chỉ muốn ở lại lực lượng lao động để tham gia vào các hoạt động xã hội giúp đỡ mọi người, có thêm thu nhập mà đó còn là “Ikigai - 生き甲斐” - "lẽ sống" của họ, để tránh nỗi sợ hãi tồi tệ nhất là trở thành gánh nặng cho gia đình.
    người già
    Ảnh: Nippon

    Khi những bậc ông bà, bố mẹ bắt đầu đến tuổi nghỉ hưu thì thứ họ dư thừa nhất chính là thời gian, nhưng con cái lại không thể dành nhiều thời gian bên cạnh họ, điều đó khiến người lớn tuổi cảm thấy cô đơn. Khi những đứa con trưởng thành, chúng thường rời đi để xây tổ ấm mới, chỉ còn những cặp vợ chồng lớn tuổi cùng nhau san sẻ tuổi già trong quạnh quẽ. Đến khi một trong hai người ra đi trước, người ở lại phải trải qua những ngày tháng cuối đời trong cảnh đơn côi. Con cháu có thể không ở đâu xa nhưng bởi ai cũng có công việc và chuyện học hành riêng nên hiếm khi tới lui thăm viếng, và cả bản thân họ cũng ngại khi muốn đi thăm viếng vì sợ làm phiền đến con cháu.

    Lâu ngày nỗi cô đơn ấy sẽ biến thành cảm xúc tiêu cực, dẫn đến những hành vi rắc rối. Tại Nhật Bản, nhiều người gọi những đối tượng ở trong trường hợp này là “Rougai - 老害”, được kết hợp bởi hai chữ “lão” (老) và “hại” (害).

    người già

    Trong đó phải kể đến “tội ác xám” từ những Rougai, hầu hết, những hành động này là ăn cắp vặt tại cửa hàng. Lương hưu không phải lúc nào cũng tốt ở Nhật Bản, buộc người cao tuổi phải tiếp tục làm việc bán thời gian sau khi nghỉ hưu, hoặc tìm các phương tiện khác để tồn tại. Vì vậy, một số vụ trộm cắp là do họ thiếu thốn. Tuy nhiên, những vụ trộm khác lại do buồn chán và cô đơn, một số người cao tuổi sử dụng điều đó để thu hút sự chú ý.

    Để chống lại các vấn đề sức khỏe tâm lý và thể chất, nhiều người lớn tuổi tại Nhật đã chủ động tìm kiếm những công việc phù hợp với mình để có cơ hội giao tiếp với xã hội, khiến bản thân trở nên có ích mà tránh những cảm xúc tiêu cực. Ngoài các hoạt động thể chất, thực hành về mặt tinh thần cũng được khuyến khích, chẳng hạn như đọc to, được coi là có lợi để duy trì khả năng tập trung của một người hơn là chỉ đọc thầm. 

    Tạm kết

    Sự phát triển của xã hội khiến sợi dây gắn kết giữa con người ngày càng mỏng manh hơn. Những người trẻ có thể khỏa lấp điều đó bằng công việc, nhưng đối với những người lớn tuổi, họ lại không biết làm gì ngoài việc “sống mòn” chờ đến ngày ra đi. Có lẽ vì sợ cảm giác ấy, nhiều người già vẫn tiếp tục duy trì công việc của mình, không phải do bị ép buộc mà bởi chính bản thân họ cũng mong muốn được làm điều đó. Khi cơ thể được hoạt động thì tâm trí cũng trở nên thoải mái và dễ chịu hơn. 
    người già
    Ảnh: bloomberg

    Bên cạnh đó, đối với một số lĩnh vực đặc thù, việc mất một người có nhiều kinh nghiệm là một điều đáng tiếc nên những doanh nghiệp cũng mong muốn người lao động lớn tuổi, còn minh mẫn vẫn tiếp tục gắn bó với công ty. 

    Mặt khác, sự già hóa dân số được xem là mối lo ngại chung của những quốc gia phát triển, kể cả Nhật Bản. Tuy nhiên, nền kinh tế Nhật Bản lại tận dụng lợi thế của nhóm dân số già này để tạo ra một thị trường đầy tiềm năng phát triển - "Thị trường Bạc". Dân số cao tuổi năng động cũng tạo điều kiện cho thị trường tiêu dùng ngày càng tăng, từ giải trí, giáo dục đến chăm sóc sức khỏe và nhà ở.

    Xem thêm: Thị trường bạc của Nhật Bản là gì? 

    kilala.vn

    01/12/2021

    Bài: Natsume

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!