Người già muốn vào tù - câu chuyện buồn của nước Nhật
Ở đất nước mặt trời mọc tồn tại một thực trạng trớ trêu khi có nhiều người cao tuổi mong muốn được sống trong tù vào những năm tháng cuối đời.
Năm 2022, đài NHK của Nhật phát sóng bộ phim “Kiriko's Crime Diary”, một tác phẩm có nội dung khá thú vị về hành trình cố gắng phạm tội để được vào tù của một bà lão.
Phim ẩn chứa yếu tố hài hước nhưng đồng thời phản ánh hiện thực xã hội thông qua câu chuyện cuộc sống khi về già của bà Kiriko - người đang trong tình cảnh tuyệt vọng, một thân một mình sống lay lắt qua ngày với đồng lương hưu ít ỏi. Bà tìm thấy hy vọng khi nhìn thấy trên TV một người đàn ông bị bắt vì tội trộm cắp - anh ta tuyên bố phạm tội với mục đích được vào tù. Từ đó, bà Kiriko đã coi nhà tù là đích đến cuối cùng của mình và bắt đầu tìm cách để bị bắt nhưng ít gây rắc rối nhất cho người khác.
Chuyện nghe có vẻ điên rồ khi đang yên đang lành lại có người cố tình phạm tội chỉ để được vào tù, nhưng đây lại là thực trạng đang tồn tại ở nước Nhật, một xu hướng đáng buồn khi số lượng người già phạm tội ngày càng gia tăng.
Những người già "thích" đi tù
Nhật Bản là quốc gia có dân số già nhất thế giới, số công dân từ 65 tuổi trở lên chiếm hơn 1/4 dân số nước này. Trong những năm gần đây, các vụ việc bắt giữ liên quan đến người già gia tăng liên tục qua mỗi năm, tỷ lệ tội phạm người cao tuổi đã tăng gấp bốn lần chỉ trong vài thập kỷ.
Theo Bloomberg, trong các nhà tù, cứ năm tù nhân thì có một người thuộc hội “bô lão” cao tuổi. Trộm cắp là tội chủ yếu mà người già phạm phải, họ ăn trộm đồ trong siêu thị, cửa hàng và sau đó chờ cảnh sát đến bắt để được vào tù. Có nhiều trường hợp đã bị bắt và được thả nhưng họ vẫn tiếp tục tái phạm, tìm mọi cách để quay lại “mái nhà” này vì với họ không đâu tốt hơn nhà tù, một nơi dưỡng già lý tưởng.
Một nữ tù nhân hơn 60 tuổi đã chia sẻ với Bloomberg rằng: "Tôi thích cuộc sống trong tù hơn. Luôn có mọi người xung quanh và tôi không cảm thấy cô đơn khi ở đây. Khi ra tù lần thứ hai, tôi đã tự hứa sẽ không quay lại nhưng khi được thả tự do, tiếp xúc với xã hội bên ngoài thì tôi lại cảm thấy cô đơn, không thể tái hòa nhập với cộng đồng”.
Những người khác cho biết họ cố tình phạm tội vì quá nghèo và nhà tù là nơi cho họ một chỗ trú ẩn, đồ ăn để vượt qua cơn đói và chấp nhận họ đến sinh sống khi họ bị xã hội “đào thải”, xem như là “gánh nặng” của cộng đồng.
Cố tình bị bắt không chỉ có ở Nhật Bản. Như ở Hoa Kỳ cũng đã có nhiều trường hợp chủ ý phạm tội để được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tránh điều kiện thời tiết khắc nghiệt hoặc buộc bản thân phải bỏ thói quen sử dụng ma túy.
Nhưng quy mô của vấn đề ở Nhật Bản đang khiến các nhà chức trách phải lo lắng vì số lượng lớn và ngày càng tăng lên. Ước tính vào năm 1997, nhóm người cao tuổi phạm tội có tỷ lệ là 1/20 trong các vụ kết án, tuy nhiên 20 năm sau con số này đã tăng lên với tỷ lệ 1/5, nghĩa là cứ 5 vụ án được xét xử sẽ có 1 tội nhân trên 65 tuổi.
Chính phủ Nhật đang cố gắng chống lại vấn đề tội phạm cao tuổi bằng cách cải thiện hệ thống phúc lợi và dịch vụ xã hội, nhưng làn sóng người già muốn vào tù không có dấu hiệu sớm kết thúc mà lại tăng dần lên.
Xem thêm: Người cao tuổi Nhật đối mặt với cuộc sống bấp bênh
Vì sao người già Nhật Bản lại muốn đi tù?
Giải thích cho hiện tượng cố tình bị bắt để được dưỡng già trong tù của người cao tuổi xứ Phù Tang, các chuyên gia đã đưa ra những lý do sau:
Dễ dàng bị kết tội
Với một quốc gia có hệ thống pháp luật nghiêm khắc như Nhật, việc ăn cắp và trộm vặt trong cửa hàng được xếp là những tội nghiêm trọng. Hệ thống tòa án không cho phép mọi người thoát tội dễ dàng mà phải bị trừng phạt nặng với mức tù giam theo quy định. Tội trộm cắp sẽ phải đối diện với mức phạt 2 năm tù.
Với hy vọng ngăn chặn hành vi sai trái này, chính quyền Nhật áp đặt những bản án nghiêm khắc đối với tội ăn cắp ngay cả những món đồ nhỏ nhặt nhất. Tuy nhiên luật lệ này lại là “phao cứu sinh” cho nhiều người cao tuổi muốn đi tù tại Nhật.
Trộm cắp không gây hại cho ai, dễ thực hiện và cũng dễ bị kết án nên đa số thường thực hiện hành vi phạm tội này.
Số liệu từ Chính phủ Nhật Bản cho biết 35% các vụ trộm đồ trong siêu thị được thực hiện bởi những người trên 60 tuổi, trong đó có hơn 40% trong số này tái phạm đến 6 lần.
Giảm bớt nỗi lo về chi phí sinh hoạt
Người già khi hết tuổi lao động sẽ về hưu an hưởng tuổi già, nhưng thực tế khắc nghiệt là hệ thống lương hưu tại Nhật không đủ chi trả cho chi phí sinh hoạt. Bên cạnh đó, các thủ tục an sinh phúc lợi lại rườm rà khó hiểu, thời gian giải quyết kéo dài khiến nhiều người lâm vào tình trạng túng quẫn.
Những người cao tuổi trong tình trạng khó khăn về tài chính, không có nguồn thu nhập ổn định hay khoản tiết kiệm nào bị dồn vào nghịch cảnh. Không muốn dựa dẫm vào con cái, họ đã tìm cách phạm tội đề được vào tù. Đó là một nơi được ăn ở miễn phí cho quãng đời còn lại của họ.
Môi trường sống trong tù rất tốt
Mỗi năm, Chính phủ Nhật chi trả khoảng hơn 1,7 tỷ VND cho mỗi phạm nhân phạm tội trộm cắp trong thời gian giam giữ 2 năm. Các tù nhân được cung cấp đồ ăn thức uống chế biến sạch sẽ, không gian sống trong lành, an ninh tốt, được đảm bảo an toàn và không có dấu hiệu bạo lực giữa các phạm nhân.
Tù nhân cao tuổi còn được giải quyết các nhu cầu chăm sóc sức khỏe đặc biệt, hưởng phúc lợi về y tế. Vì vậy mà làn sóng tội phạm người cao tuổi cứ thế tăng nhanh.
Bị cô lập bởi sự thay đổi của xã hội
Đối với một số người cao tuổi, họ phạm tội vì cô đơn, tình trạng này phần lớn là do những thay đổi về quan niệm sống. Trong quá khứ, con cái sẽ chăm lo cho cha mẹ, ông bà khi họ đã về già nhưng xã hội hiện đại đã đổi thay.
Hiện nay, tại Nhật tồn tại hiện tượng “8050” - cha mẹ già phải chăm con trung niên. Ngoài ra nhiều người già vẫn sống neo đơn, bị con cái bỏ mặc không quan tâm, chăm sóc. Còn có thế hệ người cao tuổi sống độc thân, họ không kết hôn, một mình vật lộn với cuộc sống mưu sinh từ lúc trẻ cho đến khi về già. Chờ đợi họ ở cuối đường là một cái chết cô độc.
Nỗi cô đơn của người già gây ra sự trống rỗng về cảm xúc và tâm lý khiến họ dần rơi vào tuyệt vọng. Để cứu vãn tình hình và cố gắng duy trì sự sống, họ chuyển sang phạm tội như một cách thoát khỏi thực tại nghiệt ngã.
Có thể tương tác, kết bạn
Trong tù có những quy định nghiêm ngặt, không cho phép phạm nhân có thể nói chuyện giao lưu kết bạn thoải mái nhưng với hội người cao tuổi, đây là một nơi lý tưởng. Họ có đồ ăn, thức uống, thuốc men, có thể tiếp xúc, tương tác với những người có hoàn cảnh tương tự trong phạm vi cho phép, từ đó họ được chia sẻ và đồng cảm, tìm thấy những người bạn già để có thể hàn huyên, tâm sự lúc cuối đời.
Khó khăn trong việc tái hòa nhập với xã hội
Chính phủ Nhật đã đưa ra các chính sách cải tạo, giáo dục dạy nghề, giới thiệu việc làm, giúp đỡ phạm nhân làm lại cuộc đời khi ra tù. Tuy nhiên những chính sách này chỉ phù hợp với giới trẻ - những người còn có thời gian để bắt đầu lại một cuộc sống mới, còn với người cao tuổi thì điều này không có tác dụng.
Họ đã già, không còn sống bao lâu và cũng không còn sức lực để tiếp tục làm việc, cống hiến cho xã hội. Với họ, nhà tù là chốn dung thân duy nhất để có thể sống an yên cho đến khi ra đi, thế nên nhiều người già sau khi mãn hạn tù lại tiếp tục phạm tội để được quay lại “ngôi nhà” cuối cùng của họ.
Không có sự lựa chọn
Người cao tuổi cố tình phạm tội để bị bắt thường là những công dân phải đối mặt với việc chỉ có hai lựa chọn: nhà tù hoặc tự sát.
Phạm tội vào tù được nhiều người già lựa chọn vì đây là biện pháp đơn giản và nhanh nhất. Ít nhất trong tù, họ được ăn ba bữa mỗi ngày, có mái nhà che nắng che mưa và được chăm sóc sức khỏe tử tế.
Với những nguyên nhân trên, nhiều người già ở Nhật đành phải bất đắc dĩ phạm tội, chờ đợi cảnh sát đến bắt giữ và đưa đến nhà giam để sống những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời trong cảnh tù tội.
Theo chia sẻ của nhân viên xã hội Takeshi Izumaru: “Cuộc sống trong tù không bao giờ là dễ dàng cả. Không ai lại thích sống trong cảnh tù tội, nhưng đối với một số người cao tuổi, bên ngoài nhà tù còn tồi tệ hơn, vì vậy họ muốn được sống trong tù cho đến lúc qua đời”.
Đây thực sự là một thực trạng đượm buồn của nước Nhật, một điều đáng lo ngại cho quốc gia này khi dân số đất nước đang ngày càng già hóa.
kilala.vn
03/07/2023
Bài: Ái Thương
Đăng nhập tài khoản để bình luận