Nhật Bản: con 50 tuổi vẫn "ăn bám" cha mẹ 80 tuổi

    Trong xã hội Nhật Bản hiện nay, một bộ phận người trung niên vẫn sống như một đứa trẻ, thất nghiệp và phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình.

    Lý giải hiện tượng 8050

    8050 là thuật ngữ người Nhật dành cho các phụ huynh dù 80 tuổi vẫn phải chăm lo cho những đứa con đã vào tuổi 50.

    Theo thống kê vào năm 2015, có khoảng 3,4 triệu người Nhật 40-50 tuổi, độc thân vẫn sống cùng cha mẹ. Trong số họ, tỷ lệ thất nghiệp sau Đại học là 1/3.

    Theo các chuyên gia xã hội học Nhật Bản, lý do hình thành nên tình trạng này đến từ cả hai phía: con cái và cha mẹ. Những đứa con phải đối diện với vấn đề thất nghiệp trong thời gian dài nên không có thu nhập, không có điều kiện phát triển các mối quan hệ. Họ tự ti, ngại giao tiếp và dần xa lánh cộng đồng.

    con 50 tuổi vẫn ăn bám cha mẹ 80 tuổi
    Các Hikikomori đã già hóa và bước vào độ tuổi trung niên. Ảnh: Toshifumi Taniuchi

    Một số nguyên nhân khác hình thành nên thế hệ "sống tầm gửi" như bệnh tật, áp lực công việc... Những trắc trở trong cuộc sống khiến một bộ phận người trẻ dần thu mình trong vỏ ốc. Năm tháng qua đi, họ trở nên già cỗi, cô đơn và nhanh chóng mắc các chứng bệnh tâm lý, rơi vào trầm cảm. Để tồn tại, họ chỉ có cách sống bám vào cha mẹ. Đây được coi là một bộ phận hình thành nên Hikikomori - thuật ngữ chỉ người luôn nhốt mình trong phòng riêng, sống tách biệt với gia đình, xã hội. Năm 2019, dân số Nhật ước tính có khoảng 613.000 Hikikomori thuộc lứa tuổi 40-64.

    Còn bậc phụ huynh, họ quan niệm để con cái sống trong nghèo túng sẽ làm mất thể diện gia đình. Vì vậy, cha mẹ đành ngậm đắng nuốt cay và tiếp tục chu cấp cho những đứa con tuổi trung niên. Khi gần đất xa trời, họ không nguôi lo lắng cho việc tự lập của con cái nhưng đã quá muộn. Sống trong sự bảo bọc, những "đứa trẻ" U50 không có kỹ năng sinh tồn trong xã hội, dẫn đến những hệ quả đau lòng.

    hikikomori
    Nhiều phụ huynh ở độ tuổi U80 vẫn phải chăm sóc những đứa con ngoài 50. Ảnh: gooddo.jp

    Từ bi kịch gia đình tới vấn đề nhức nhối của xã hội Nhật

    Những năm gần đây, truyền thông Nhật Bản liên tục đưa tin gây sốc và ám ảnh về những cái chết thương tâm liên quan đến vấn nạn Hikikomori. Tháng 12 năm 2017, một bà lão 82 tuổi ở thành phố Sapporo, tỉnh Hokkaido qua đời, người con gái 52 tuổi cũng chết theo mẹ vì đói và lạnh.

    Tháng 4 năm 2018, tại thành phố Yokohama, tỉnh Kanagawa, một bà mẹ 74 tuổi trượt ngã và tử vong. Tuy nhiên, thi thể của bà không được mai táng bởi anh con trai 49 tuổi, trở nên mục rữa, bốc mùi hôi thối trong nhà.

    Tháng 9 năm 2019, một sự kiện gây rúng động truyền thông xứ anh đào khi người con trai Hisataka (46 tuổi) đã giấu xác mẹ mình là bà Satoe Tanaka (83 tuổi) hơn một năm vì không biết phải làm gì trước cái chết của người đã nuôi nấng mình.

    từ bi kịch gia đình tới vấn đề nhức nhối của xã hội Nhật
    Nhân viên dọn dẹp căn hộ nơi những cái chết cô độc xảy ra.

    Tại Nhật, không thiếu những trường hợp thi thể người già đã chết nhiều tháng mới được phát hiện. Những Hikikomori không biết phải xử lý ra sao sau khi cha mẹ qua đời, đành để xác của họ thối rữa trong nhà. Mọi chuyện chỉ vỡ lở khi hàng xóm hay người thân ghé qua. Cha mẹ ra đi đồng nghĩa với việc: khoản trợ cấp hay lương hưu của họ cũng không còn. Vì vậy, nhiều Hikikomori đã chọn không trình báo với chính quyền khi phụ huynh qua đời.

    Chính phủ Nhật đã và đang tìm biện pháp giải quyết hiện tượng 8050, đưa bộ phận Hikikomori cao tuổi tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, đây vẫn là một bài toán khó giải, phản ánh một hiện thực đau đớn, đầy ám ảnh tại xứ Phù Tang.

    "Mẹ tôi đã gần 90 tuổi. Bà vẫn chăm sóc tôi. Khi bà mất, cuộc sống sẽ rất khó khăn. Tôi luôn nghĩ đến chuyện sẽ đi theo bà." - Kenji Yamase, một Hikikomori không ra khỏi nhà trong suốt 30 năm chia sẻ với NHK.

    kilala.vn

    "Hikikomori" là từ chỉ người sống khép kín với xã hội và biệt lập cuộc sống bản thân trong căn phòng riêng. Từ thập niên 70, số lượng Hikikomori ngày càng tăng lên, đặc biệt khi nền kinh tế Nhật Bản có sự thay đổi trong tuyển dụng nhân sự.

    Các công ty đưa ra chính sách cắt giảm tuyển dụng để bảo vệ người lao động lớn tuổi, khiến tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng, đặc biệt là ở lứa tuổi từ 20.  Việc tìm kiếm công việc có thu nhập ổn định là một điều khá khó khăn khi hệ thống tuyển dụng ngày càng khắt khe và đòi hỏi cao.

    Những người không tìm được công việc đúng nguyện vọng trở thành thế hệ thua cuộc (lost generation). Họ chấp nhận sống trong tình trạng thất nghiệp kéo dài, không lập gia đình và chịu kiếp Hikikomori, sống cuộc đời chui lủi, ẩn dật trong căn phòng chật hẹp. Một số người đã cố gắng vượt qua, tái hòa nhập cộng đồng. Số khác chọn bám víu vào gia đình, không ra khỏi nhà trong nhiều năm, thậm chí là suốt đời. Khái niệm 8050 ra đời trong hoàn cảnh đó.

    06/05/2021

    Bài: Ái Thương

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!