“Bỏ phố về quê” có còn là xu hướng tại Nhật?

    Bốn năm kể từ đại dịch COVID-19, nhiều cư dân thành phố, những người ấp ủ ý tưởng chuyển về vùng nông thôn có lẽ đang cân nhắc lại.

    Với sự lan rộng của hình thức làm việc từ xa, việc rời khỏi các khu vực đông dân cư và chuyển đến vùng nông thôn được xem là một lựa chọn khả thi ở Nhật Bản. Tokyo – siêu đô thị của đất nước mặt trời mọc với quy mô dân số khoảng 14 triệu người đã chứng kiến nhiều người chuyển ra ngoài hơn.

    xu hướng tái định cư ở nhật bản thời covid - định cư ở nhật
    Ảnh: leadership.ng

    Tuy nhiên, vào năm ngoái, sự cân bằng giữa số người chuyển đến và người rời khỏi Tokyo lại tăng lên, đẩy nhanh tốc độ tăng dân số của thành phố này. Điều này có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến mục tiêu của chính phủ Nhật Bản là cân bằng luồng dân cư vào và ra khỏi khu vực đô thị vào năm 2027.

    Sự thay đổi diễn ra khi mọi người đã quen với việc "sống chung với COVID" và số lượng công ty chủ động khuyến khích làm việc từ xa dường như đã đạt đỉnh.

    Những thay đổi đang đến trong các khía cạnh khác nhau của cuộc sống hàng ngày. Sau khi phân loại COVID-19 theo luật thay đổi vào đầu tháng 5, căn bệnh này sẽ được điều trị giống như bệnh cúm mùa, nghĩa là chính quyền sẽ không hạn chế người dân đi lại hoặc thúc giục bệnh nhân ở lại bệnh viện hay cách ly.

    Xu hướng “bỏ phố về quê” thời đại dịch

    Đại dịch COVID-19 đã thay đổi quan điểm của mọi người về việc di dời đến các vùng nông thôn. Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, vào tháng 12 năm 2019, khoảng 25% số người được hỏi ở khu vực Tokyo đã bày tỏ sự quan tâm đến điều này, đến tháng 6 năm 2022 tỷ lệ này đã tăng lên 34,2%.

    "Chúng tôi dự định mở một nhà hàng ở Ehime vì có thể tận hưởng cuộc sống không căng thẳng" - một người đàn ông khoảng 30 tuổi ở Tokyo, người gần đây đã đến thăm một sự kiện thúc đẩy việc di dời đến các địa phương trên đảo Shikoku chia sẻ.

    Ngày càng có nhiều thành phố địa phương đẩy mạnh các chiến dịch của nhằm thu hút người dân từ các khu vực đô thị. Một số đã chuyển trọng tâm chiến lược sang thúc đẩy sự hấp dẫn của các vùng nông thôn, coi khu vực này như là ngôi nhà thứ hai để mọi người có thể tránh được những rắc rối khi phải di dời hoàn toàn.

    sự kiện thúc đẩy tái định cư ở ehime
    Sự kiện của thúc đẩy việc tái định cư của tỉnh Ehime. Ảnh: Kyodo News
    Chính quyền tỉnh Yamanashi, nằm dưới chân núi Phú Sĩ, ở phía tây Tokyo đã đưa ra các ưu đãi dành cho người mong muốn sở hữu ngôi nhà thứ hai như cho vay lãi suất thấp (với sự hợp tác của một ngân hàng trong khu vực).

    Các cuộc khảo sát cho thấy những người trẻ tuổi có xu hướng quan tâm hơn đến việc chuyển về nông thôn và những người tích cực rời khỏi thành thị nói rằng họ hy vọng sẽ cắt giảm chi phí sinh hoạt, tránh phải di chuyển lâu và cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
    Một tổ chức phi lợi nhuận ở Tokyo hỗ trợ những người đang cân nhắc chuyển về nông thôn cho biết, họ đã nhận được hơn 52.000 yêu cầu vào năm ngoái, một con số kỷ lục.

    Nhưng các chuyên gia nói rằng, nhiều người quan tâm đến không có nghĩa là số lượng những người thực sự làm như vậy sẽ tăng lên.

    Xu hướng đảo chiều

    Dữ liệu gần đây cho thấy sự tập trung quá mức dân cư ở Tokyo và vùng lân cận (khoảng 30% trong số 125 triệu dân Nhật Bản sống ở khu vực này) đã đặt ra một thách thức.

    Năm 2022, Tokyo chứng kiến thêm khoảng 38.000 người chuyển đến so với những người rời khỏi, tăng gấp 7 lần so với năm trước, chủ yếu là những người trẻ tuổi trong xu hướng nhân khẩu học trước đó đã quay trở lại.

    Điều này được cho là tương đồng với qua khứ, thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, sự tập trung dân cư ở Tokyo chỉ tạm thời giảm bớt.

    [subscribe]

    Chính phủ đang trông cậy vào sự lan rộng của hình thức làm việc từ xa để tạo thêm động lực cho dòng người rời khỏi khu vực đô thị Tokyo và thúc đẩy “di dời về các vùng nông thôn mà không phải thay đổi công việc”.

    Theo một cuộc khảo sát do Trung tâm Năng suất Nhật Bản thực hiện với 1.100 người, khoảng 31,5% cho biết họ đang làm việc từ xa vào tháng 5 năm 2020 - khoảng thời gian Nhật Bản ban hành tình trạng khẩn cấp đầu tiên về COVID-19, tỷ lệ này đã giảm mạnh xuống còn 16,8% vào tháng 1 năm 2023.

    Ngoài văn hóa làm việc được cho là khá bảo thủ, tốc độ tăng lương của quốc gia này cũng tương đối trì trệ. Bên cạnh đó, còn có khoảng cách chưa được lấp đầy về tiền lương giữa khu vực thành thị và nông thôn, với mức chênh lệch khoảng 200 yên (35 nghìn đồng) trong mức lương tối thiểu theo giờ giữa Tokyo - mức cao nhất trong số 47 tỉnh, thành của Nhật Bản với một số khu vực có mức thấp nhất, bao gồm Okinawa.

    di dời về nông thôn
    Ảnh: The Japan Times

    Mitsu Inagaki, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu Daichi Life cho biết, khi ngày càng có nhiều người trải nghiệm công việc từ xa hoặc "công việc kết hợp" (đến văn phòng trong một số ngày nhất định) họ đã nhận thức được sự tiện lợi và những lợi ích khác của việc ở lại khu vực thành thị.

    "Các công ty đã thiết lập lại nơi làm việc của họ để đáp ứng nhu cầu của thời đại “sống chung với COVID”, cho phép nhân viên có nhiều lựa chọn hơn về cách làm việc, đó là một sự thay đổi lớn", cô Inagaki nói.

    Do tính linh hoạt của công việc từ xa, ngày càng nhiều người chọn sống ở một nơi khác trong vài ngày hoặc tối đa một tháng và gửi con đến nhà trẻ hoặc trường tiểu học địa phương trong thời gian đó. Những trải nghiệm ngắn hạn như vậy hữu ích với những người rời khỏi thành phố.

    Theo Inagaki, sự phổ biến của hình thức làm việc từ xa đã cho phép mọi người chuyển đến một nơi khác mà không phải thay đổi công việc. Và việc chuyển nơi sống là một quyết định lớn.

    kilala.vn

    09/04/2023

    Bài: Happy
    Nguồn: The Mainichi

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!