NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Yuru-chara Grand Prix : Cuộc chiến không khoan nhượng của các linh vật xứ Phù Tang

    Yuru-chara Grand Prix : Cuộc chiến không khoan nhượng của các linh vật xứ Phù Tang

    Trong vài thập kỉ qua, các tỉnh thành trên khắp Nhật Bản đã tạo ra những Yuru-chara đáng yêu, ngộ nghĩnh để đại diện và quảng bá cho văn hóa, du lịch.... địa phương. Linh vật càng nổi tiếng, địa phương càng thu hút được nhiều du khách và nguồn thu từ việc kinh doanh các sản phẩm liên quan càng tăng lên. Chính vì vậy, các Yuru-chara cạnh tranh nhau rất khốc liệt, thậm chí còn có một cuộc thi dành riêng cho chúng. Hãy cùng Kilala tìm hiểu về “cuộc đua linh vật” này nhé!

    Yuru-chara Grand Prix – cuộc đua của các linh vật

    Yuru-chara Grand Prix là sự kiện thường niên do họa sĩ minh họa kiêm nhà phê bình văn hóa đại chúng Jun Miura khởi xướng để tìm ra linh vật được yêu thích nhất thông qua hình thức bỏ phiếu công khai. Lần đầu tiên Yuru-chara Grand Prix được tổ chức là vào ngày 23 tháng 10 năm 2010 tại thành phố Hikone, tỉnh Shiga với chiến thắng thuộc về Hikoyan – đại diện của thành phố “chủ nhà”.

    yuru-chara-grand-prix
    Yuru-chara Grand Prix thu hút đông đảo linh vật và các địa phương tham gia. Ảnh: yurugp.jp

    Kể từ đó, cuộc thi đã được tổ chức 11 lần, giới thiệu đến công chúng nhiều Yuru-chara cực đáng yêu. Thậm chí, có những linh vật không chỉ nổi tiếng trong nước mà tên tuổi còn vươn tầm quốc tế, Kumamon – chú gấu đen của tỉnh Kumamoto là một ví dụ.

    Linh vật chiến thắng qua từng năm

    Năm Linh vật Địa phương
    2010 Hikonyan Shiga
    2011 Kumamon Kumamoto
    2012 Bary-san Ehime
    2013 Sanomaru Tochigi
    2014 Gunma-chan Gunma
    2015 Ieyasu-kun Shizuoka
    2016 Shinjo-kun Kokichi
    2017 Unari-kun Chiba
    2018 Kaparu Saitama
    2019 Arukuma Nagano
    2020 Takata no Yume-chan Iwate

    Xem thêm: Cùng ngắm các linh vật đáng yêu ở Nhật Bản

    Khép lại sau lùm xùm gian lận

    Kể từ khi ra mắt, Yuru-chara Grand Prix ngày càng phát triển về quy mô và uy tín với việc chính quyền các địa phương tích cực tung ra các chiến dịch truyền thông để lôi kéo phiếu bầu. Tuy nhiên, điều này cũng kéo theo những tiêu cực không đáng có.

    Yuru-chara và cuộc thi ra đời với mục đích tạo cơ hội để các địa phương khắc phục khó khăn, phục hồi và quảng bá du lịch. Nhưng dần dần, Yuru-chara Grand Prix không còn giữ được sự tích cực, thân thiện ban đầu khi các địa phương trở nên ganh đua quá mức, sẵn sàng làm mọi giá để linh vật đại diện giành được vị trí quán quân.

    Theo hãng tin Kyodo, ban tổ chức Yuru-chara Grand Prix cho biết: “Chiến thắng đã trở thành mục tiêu và cuộc thi đã mất đi mục đích ban đầu là hồi sinh các khu vực”.

    Vào năm 2018, bê bối đã xảy ra, một số chính quyền địa phương đã bị phát hiện có liên quan đến gian lận phiếu bầu.

    Sau khi ban tổ chức buộc phải điều tra và loại bỏ những lá phiếu có vẻ như liên quan đến chiến dịch bỏ phiếu có hệ thống, Kaparu, linh vật màu xanh lá cây với chiếc đầu to và mỏ vịt (giống loài thủy quái Kappa trong truyền thuyết dân gian Nhật Bản) đến từ thành phố Shiki, tỉnh Saitama đã nhảy từ vị trí thứ tư lên ngôi đầu.

    kaparu
    Kaparu (xanh lá) đã "lội ngược dòng" để giành lấy chiến thắng cuộc thi năm 2018. Ảnh: Kyodo

    Linh vật của thành phố Yokkaichi, tỉnh Mie ở vị trí thứ nhất trong cuộc kiểm phiếu sơ bộ ban đầu với khoảng 1,18 triệu phiếu bầu, đã tụt xuống vị trí thứ ba sau khi có khoảng 380.000 phiếu bầu được loại ra. Chính quyền Yokkaichi dường như đã đăng ký khoảng 20.000 tài khoản email cho nhân viên và những người khác để bỏ phiếu cho linh vật của mình.

    Tương tự, chính quyền thành phố Omuta cũng tạo khoảng 10.000 tài khoản để người lao động địa phương bình chọn trực tuyến, vì cuộc thi giới hạn mỗi địa chỉ email chỉ được một phiếu bầu mỗi ngày.

    Lên tiếng về những lùm xùm của cuộc thi năm 2018, ông Shuichiro Nishi, đại diện ban tổ chức nói rằng, sự hồi sinh thực sự của nền kinh tế khu vực chỉ có thể được tạo ra nhờ vào những nỗ lực bền bỉ và không nên phụ thuộc quá nhiều vào các linh vật.

    Tuy nhiên, nhìn vào hiệu quả kinh tế mà gấu đen Kumamon đã mang lại cho tỉnh Kumamoto, có thể hiểu được vì sao các địa phương lại bất chấp mọi giá để linh vật quê hương chiến thắng Yuru-chara Grand Prix.

    Chỉ riêng trong năm 2016, các sản phẩm mang hình ảnh Kumamon đã mang lại doanh thu ít nhất 128 tỷ yên (1,1 tỷ USD); còn nếu tính trong thập niên 2010, con số này lên tới 989 tỷ yên, một kỷ lục trong giới linh vật.

    cuoc-chien-cua-cac-linh-vat
    Vì lợi ích kinh tế của quê hương, các linh vật không ngại "chiến" nhau. Ảnh: Kyodo

    Kết cục vào năm 2020, “cuộc đua linh vật” đã phải kết thúc sau chiến thắng cuối cùng thuộc về Takata no Yume-chan, linh vật của thành phố Rikuzentakata, tỉnh Iwate.

    takata-no-yume-chan
    Takata no Yume-chan - linh vật chiến thắng Yuru-chara Grand Prix cuối cùng. Ảnh: gotouchichara.tumblr.com

    Tạm kết

    Mặc dù không còn cuộc đua linh vật nhưng không vì vậy mà vai trò và ý nghĩa của các Yuru-chara mất đi. Cho đến nay, các linh vật địa phương trên khắp xứ sở Phù Tang vẫn không ngừng làm việc chăm chỉ để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, du lịch ở quê hương mình.  

    Bạn có thể đọc thêm những bài viết thuộc chuyên đề Yuru-chara tại đây.

    kilala.vn

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!