Cùng ngắm các linh vật đáng yêu ở Nhật Bản
Nước Nhật vốn nổi tiếng với nền văn hóa “Kawaii”, tức là luôn tạo nên những vật dễ thương. Một trong những điều thú vị và độc đáo khi du lịch đến Nhật Bản là bạn có thể dễ dàng nhận ra sự có mặt của các Yuru-kyara (linh vật) ở bất cứ địa phương lớn nhỏ nào.
Không chỉ là phương tiện dùng để quảng bá hình ảnh địa phương và mang lại hiệu quả truyền thông, Yuru-kyara còn giúp cho các địa phương tạo nên rất nhiều nguồn thu nhập từ chúng. Thậm chí, ngay cả một số cơ quan hành chính của Nhật Bản cũng có linh vật riêng của mình nhằm tạo sự gần gũi với người dân.
Cùng điểm qua một số linh vật nổi tiếng ở Nhật Bản trong bài viết này nhé!
1. Linh vật Hikonyan
Linh vật của lâu đài Hikone (tỉnh Shiga, Nhật Bản) có lẽ là linh vật nổi tiếng nhất trong thế giới Yuru-kyara. Đây là một sản phẩm ra đời nhằm kỉ niệm 400 năm xây dựng lâu đài Hikone và đã trở thành linh vật chính thức của thành phố Hikone. Những người du lịch đến thăm lâu đài Hikone sẽ được Hikonyan chào đón với nụ cười thân thiện. Hikonyan là một con mèo thần tài đội Kabuto (mũ sắt trong bộ giáp samurai). Tên gọi của linh vật này được ghép từ tên lâu đài "Hikone" và “nyan” - tiếng kêu đặc trưng của mèo ở Nhật Bản.
Theo nhiều người kể lại, nguồn gốc của hình tượng này là dựa trên câu chuyện về lãnh chúa Naokatsu ở thời Edo - người đã hoàn thành việc xây dựng lâu đài và thoát khỏi bị sét đánh nhờ vào một con mèo thần tài.
2. Linh vật Funasshi
Là một linh vật không chính thức của thành phố Funabashi, Chiba, Funasshi được tạo ra bởi một công dân của Funabashi để quảng bá trang web của riêng mình. Tuy nhiên sau đó, Funasshi dần xuất hiện tại các sự kiện, lễ hội, các chương trình truyền hình, quảng cáo và hiện nay đã phổ biến trên khắp Nhật Bản.
Funassi có tạo hình là một quả lê, có cha mẹ là cây lê bình thường vài là quả lê thứ tư trong 274 đứa con. Trong khi những linh vật khác không nói được thì Funasshi lại có cách nói chuyện vô cùng vui nhộn, những cử chỉ, hành động ngộ nghĩnh, đôi khi có phần phấn khích. Đặc biệt, Funasshi luôn kết thúc câu nói của mình bằng chữ “Nasshi”, phát âm tương tự với chữ “Nashi”, tức là quả lê trong tiếng Nhật. Do đó, tuy không có vẻ ngoài đáng yêu, nhưng có thể nói, Funasshi là một trong những linh vật nổi tiếng và được nhiều người yêu thích nhất hiện nay.
3. Linh vật Kumamon
Kumamon là linh vật đại diện cho tỉnh Kumamoto. Linh vật hình gấu đen béo với đôi má đỏ thân thiện này có hơn 300.000 người theo dõi trên Twitter, đem lại doanh thu 120 tỉ yên cho địa phương nhờ vào quảng bá du lịch và sản phẩm bán được. Ở tỉnh Kumamoto, dù đi đến bất cứ nơi đâu bạn cũng sẽ bắt gặp hình ảnh của Kumamon tại các cửa hiệu hoặc trên bao bì bánh kẹo, rượu bia và thậm chí cả giấy toilet.
4. Sento-kun
Sento-kun là sự kết hợp hình ảnh giữa một vị La Hán trẻ cùng một cặp sừng hươu trên đầu. Đây là linh vật của thành phố Nara, được tạo nên nhằm kỉ niệm việc cách đây1.300 năm, nơi này đã trở thành thủ đô của Nhật Bản. Nara nổi tiếng là thành phố có nhiều chùa chiền, đền thờ và những con hươu được thuần hóa. Linh vật Sento-kun từng bị nhiều người dân địa phương, Phật tử, các nhóm hội Phật Giáo chỉ trích về hình ảnh nhân vật và số tiền phải bỏ ra cho linh vật này. Cuộc tranh cãi đã đẩy linh vật Sento-kun vào cuộc chiến truyền thông và góp phần tăng thêm sự nổi tiếng trên khắp nước Nhật.
5. Marimokkori
Có nguồn gốc từ Hokkaido nhưng hình ảnh của Marimokkori lại có thể nhìn thấy trên khắp nước Nhật. Xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2005, linh vật này bị chỉ trích là có hình tượng thô tục, kì quái và nhiều cửa hàng địa phương đã từ chối trưng bày hình ảnh này. Nhưng sau khi một số nhân vật nổi tiếng được bắt gặp mang theo bên mình móc khóa Marimokkori thì linh vật này ngày càng được yêu thích.
Tên của Marimokkori kết hợp từ "Marimo" – một loại tảo cầu xanh có nhiều trong hồ Akan (Hokkaido) và từ "Mokkori" (tiếng lóng nghĩa là "cộm lên trong quần"). Tuy có tạo hình khá kì cục nhưng Marimokkori là minh chứng cho lối suy nghĩ sáng tạo và có phần kì quái của người Nhật.
6. Sasebo Burger Boy
Sau thế chiến thứ 2, Hải Quân Mỹ đã tiếp quản các bộ phận cơ sở sản xuất ở Sasebo, Nagasaki. Người dân ở đây bắt đầu làm bánh mì kẹp thịt để phục vụ cho nhu cầu của những thủy thủ Mỹ đóng quân ở đó. Với truyền thống lâu đời về chế biến bánh kẹp thịt truyền thống, Sasebo đã trở nên nổi tiếng khắp Nhật bản. Cha đẻ sáng tạo nên linh vật này là Takashi Yanase, cũng là người đã tạo nên hình tượng Anpanman nổi tiếng.
Ở Nhật, hàng năm đều tổ chức cuộc thi thiết kế linh vật mang tên Yuru-Kyara Grand Prix như một minh chứng cho cơn sốt này và cũng là một nét văn hóa độc đáo của Xứ sở Mặt trời mọc.
Phạm Thị Xuân Dung/kilala.vn
21/02/2019
Bài: Phạm Thị Xuân Dung; Ảnh: What What
Đăng nhập tài khoản để bình luận