Taisho: Thời đại giao thoa văn hóa – nghệ thuật – kiến trúc Nhật Bản với phương Tây
Thời đại Taisho (大正時代 - Taisho-jidai) được biết đến như một thời kỳ ngắn trong chiều dài lịch sử của Nhật Bản, nhưng những sự đổi mới và thử nghiệm ở giai đoạn này đã trở thành tiền đề cho sự phát triển của thời đại Showa ngay sau đó.
Trong giai đoạn này, Nhật Bản đã trải qua những thay đổi to lớn về nghệ thuật, văn hóa và kiến trúc. Khi những ảnh hưởng của phương Tây trong đó có giáo dục và công nghệ bắt đầu “tràn” vào các thành phố của Nhật Bản, người dân xứ Phù Tang trở nên say mê với những điểm tham quan, ý tưởng và nghệ thuật mới từ bên kia bờ đại dương.
Nhiều thuật ngữ đại diện cho các đặc điểm của thời kỳ độc đáo này như Taisho Roman (dùng để mô tả nền văn hóa đại chúng phát triển rực rỡ trong thời kỳ Taisho); Mobo/moga (chàng trai/cô gái hiện đại, ám chỉ thế hệ trẻ và hiện đại hơn vào thời đó) và High kara (một từ lóng thời Taisho để chỉ văn hóa phương Tây).
Văn hóa phương Tây ảnh hưởng đến thời kỳ Taisho như thế nào?
Nghệ thuật
Trong khi người Pháp đón nhận chủ nghĩa Japonisme, thì người Nhật bắt đầu tiếp thu những ảnh hưởng của phương Tây đối với nghệ thuật truyền thống Nhật Bản. Trong số đó nổi bật là nghệ thuật in khắc gỗ phát triển thành hai trường phái khác nhau được gọi là Sosaku Hanga - 創作版画 (bản in sáng tạo) và Shin Hanga - 新版画 (bản in mới).
Phong trào Sosaku Hanga phát triển nhờ sự hỗ trợ bởi tạp chí nghệ thuật Shirakaba, tạp chí này đã xuất bản nhiều tác phẩm phương Tây đồng thời tài trợ cho triển lãm nghệ thuật của các tài năng trẻ. Nhiều tác phẩm trong phong trào này là sự khám phá nghệ thuật của phương Tây, tạo nên những khác biệt với các tác phẩm thuần Nhật trước đây.
Bên cạnh đó, một số nghệ thuật và nghề thủ công truyền thống bắt đầu kết hợp với các ý tưởng hoặc phương pháp sản xuất của phương Tây. Quá trình công nghiệp hóa cho phép các sản phẩm truyền thống của Nhật Bản như kimono và đồ sứ được sản xuất với giá rẻ và nhanh hơn, càng thúc đẩy sự quan tâm đến nghệ thuật Nhật Bản trên toàn thế giới.
Ấn phẩm quảng cáo
Taisho cũng là thời kỳ hoàng kim của tạp chí định kỳ. Người người, nhà nhà đều xuất bản tạp chí. Không chỉ các cơ sở bán lẻ lớn như Mitsukoshi, mà cả các tập đoàn giải trí, đặc biệt là Shochiku có trụ sở tại Osaka (sở hữu hàng loạt rạp chiếu phim và sân khấu) cũng “nhúng tay” vào lĩnh vực này với việc xuất bản tạp chí Shochikuza News giới thiệu các tác phẩm của mình.
Trang bìa của tạp chí này cũng thể hiện sự đổi mới, với việc kết hợp liền mạch các yếu tố lập thể, siêu thực và cắt dán trong ảnh bìa, thử nghiệm nhiều phong cách phương Tây khác nhau như Art Deco, Art Nouveau, Dada…
Một trong những người thiết kế sách có tính nghệ thuật nhất thời đó là họa sĩ Takeji Fujishima (1867-1943), người đã tạo ra những bìa sách độc đáo cho tác phẩm của những cây bút lớn như nhà thơ Akiko Yosano.
Có thể nói, các nghệ sĩ thời Taisho coi công việc thiết kế sách và tạp chí là cơ hội để thử nghiệm một cách tự do hơn những gì họ có thể làm với tác phẩm của mình. Họ đã biến đổi bảng màu truyền thống của Nhật Bản thành những gam màu pastel tươi sáng như: hồng, vàng, xanh lá cây nhạt và xanh lam, được gọi là "màu Taisho".
Hình tượng của những người phụ nữ cũng được khắc họa rõ nét trong các ấn phẩm thời Taisho. Thời kỳ này đôi khi được mô tả là "thời đại của phụ nữ và trẻ em" khi tạp chí dành cho phụ nữ và sách tranh dành cho trẻ em nở rộ.
Thời trang
Những bộ kimono trong thời gian này cũng thay đổi bởi sự hiện đại hóa của kỹ thuật sản xuất và ảnh hưởng nghệ thuật phương Tây. Sản xuất hàng loạt khiến chi phí may kimono rẻ hơn, có màu sắc và hoa văn nổi bật, đồng thời cũng làm tăng khả năng tiếp cận đến hầu hết người dân Nhật Bản.
Trang phục kimono thường có thiết kế bồng bềnh, không đối xứng với các họa tiết vui tươi như hoa, chim và bướm. Vệc sử dụng các loại vải sang trọng như lụa và sa tanh cũng như sự kết hợp của các yếu tố phong cách phương Tây như ren và thêu khá phổ biến.
Phụ nữ bắt đầu mặc hakama, loại trang phục trước đây chỉ dành riêng cho nam giới vì nữ sinh cần có đồng phục để họ có thể tham gia mọi hoạt động của trường tương tự như nam sinh.
Hơn nữa, phương Tây cũng bắt đầu quan tâm đến kimono, sử dụng kimono trong các phong trào phương Tây như Japonisme, trưng bày kimono trong nhà như một tác phẩm nghệ thuật.
Giai đoạn này cũng chứng kiến một trong những thảm họa lớn trong lịch sử Nhật Bản, đó là Đại động đất Kanto năm 1923. Nhưng sau khi hồi phục, thì dường như Tokyo (nơi hứng chịu động đất) lại trở lại mạnh mẽ, phát triển và tiếp nhận các tiện ích phương Tây một cách nhanh chóng hơn.
Trang phục của người Nhật cũng bắt đầu thay đổi theo xu hướng Âu hóa, việc mặc Âu phục thay vì kimono ngày càng trở nên phổ biến. Ban đầu chỉ có nam giới thượng lưu và doanh nhân mới diện, nhưng dần dần chúng lan sang những người thuộc tầng lớp khác.
Các quý cô sành điệu theo đuổi phong cách và thời trang phương Tây xuất hiện với cái tên Moga (viết tắt của “những cô gái hiện đại - modern girl”), đồng thời đồng phục công sở phương Tây cũng được áp dụng. Các cửa hàng quần áo nhỏ trở thành cửa hàng bách hóa và Ginza trở thành khu mua sắm biểu tượng cho đến ngày nay.
Ẩm thực
Ẩm thực Nhật Bản tất nhiên không phải là ngoại lệ trước làn sóng Tây hóa. Nhiều quán cà phê và nhà hàng lấy cảm hứng từ phương Tây đã phục vụ yoshoku - 洋食, các món ăn kết hợp giữa Nhật Bản và phương Tây như: cơm cà ri, tonkatsu, korokke...
Các đầu bếp chế biến món ăn phương Tây nhưng cần phải phù hợp với khẩu vị của người Nhật. Nhờ đó, yoshoku trở thành một trong những khía cạnh văn hóa ẩm thực độc đáo của Nhật Bản.
Giải trí
Trong thời Taisho, các hoạt động giải trí cũng thay đổi. Việc phát sóng trên đài phát thanh bắt đầu vào ngày 22/03/1925 tại Tokyo, tiếp theo sau là Osaka và Nagoya. Máy quay đĩa và đĩa hát được giới thiệu, các bài hát nhạc pop Nhật Bản cũng dần trở nên phổ biến.
Mọi người bắt đầu hưởng thụ cuộc sống bằng cách xem phim và xem bóng chày. Tuy nhiên, những điều này chỉ xảy ra ở các thành phố nơi sự hiện đại hóa phát triển nhanh chóng, nên cũng tạo ra khoảng cách rất lớn giữa các thành phố và miền quê.
Kiến trúc thời Taisho
Các công trình kiến trúc từ thời Taisho cũng được xây dựng kết hợp giữa phong cách phương Tây và truyền thống. Từ Nhà ga Tokyo vẫn còn tồn tại đến Nhà thờ Phục sinh, các kiến trúc sư Nhật Bản đã từ bỏ gỗ và đinh để chuyển sang đá và kính, tạo ra nhiều tòa nhà mới theo phong cách phương Tây ở các thành phố lớn.
Trong nhiều cải tiến công nghệ gắn liền với Thời đại Taisho, không thể không kể đến việc bê tông hóa và phạm vi phủ sóng điện rộng hơn - hai yếu tố giúp Nhật Bản mở rộng đường sắt và tàu điện ngầm, đồng thời tạo ra các tòa nhà nhiều tầng ở các trung tâm đô thị.
Cùng điểm qua một số công trình kiến trúc tiêu biểu của thời Taisho.
Bankoro và Seien Bunko
Bankoro là một ngôi nhà kiểu nông thôn phương Tây kết hợp phong cách Nhật Bản, được xây dựng vào năm 1917 bởi Shimizu Gumi (nay là Tập đoàn Shimizu) để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 77 của Shibusawa Eiichi – Cha đẻ của chủ nghĩa tư bản Nhật Bản. Eiichi đã sử dụng Bankoro để chiêu đãi nhiều vị khách Nhật Bản và quốc tế quan trọng của mình.
Seien Bunko là một công trình kiến trúc bê tông cốt thép kiểu phương Tây với các cửa sổ kính màu tuyệt đẹp và gạch lát nhiều màu sắc được tặng vào năm 1925 để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của Shibusawa Eiichi.
Nhà tưởng niệm Sonbun
Đây là nơi tưởng niệm Tôn Trung Sơn ở Nhật Bản, người được biết đến là Tổng thống đầu tiên của Trung Hoa Dân Quốc và là nhà lãnh đạo đầu tiên của Quốc dân đảng Trung Quốc. Người dân địa phương gọi là Rokkakudo (sảnh lục giác) vì bên ngoài tòa nhà trông giống hình lục giác.
Kitano Ijinkan
Kitano Ijinkan là khu dân cư cũ nơi có nhiều người nước ngoài từng sinh sống. Năm 1868, cảng Kobe mở cửa giao thương quốc tế và khu vực Kitano đã được phát triển với những ảnh hưởng của phương Tây kể từ đó.
Trước đây có hơn 300 ngôi nhà phương Tây nhưng ngày nay chỉ còn lại 30 và hiện có 20 tòa nhà mở cửa cho công chúng tham quan. Bạn có thể thấy các tòa nhà lịch sử được xây dựng từ thời Meiji đến Taisho. Mỗi tòa nhà theo phong cách châu Âu đều có bộ sưu tập đồ sứ và nghệ thuật ấn tượng cũng như đồ nội thất cổ được trưng bày cho du khách. Thậm chí còn có một quán Starbucks được cải tạo từ ngôi nhà phía Tây mà một người Mỹ từng sở hữu.
Japan Taisho mura
Một địa điểm khác để tìm hiểu về thời kỳ Taisho là Japan Taisho mura, bảo tàng ngoài trời nằm ở tỉnh Gifu. Tại đây, họ đã tái tạo lại cảnh quan thị trấn trong thời kỳ Taisho, cho phép du khách chiêm ngưỡng các di tích lịch sử như tòa thị chính và quán cà phê nơi những trí thức từng uống trà. Bạn có thể mặc trang phục lấy cảm hứng từ văn hóa Taisho và đi dạo quanh Taisho mura, trải nghiệm du hành ngược thời gian về thời Taisho.
Đại học Rikkyo
Ban đầu Đại học Rikkyo tọa lạc tại Tsukiji do Giám mục Channing Moore Williams thành lập và chuyển đến Ikebukuro vào năm 1918. Trong khuôn viên trường có những tòa nhà gạch đỏ tuyệt đẹp được thiết kế bởi công ty kiến trúc Murphy & Dana.
Để biết thêm những thông tin thú vị về Thời đại Taisho bạn có thể đón đọc tại đây nhé!
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận